Thứ Bảy, 6 tháng 9, 2014

Hồn Huế trong Lạc Tịnh Viên

(KPH) - Huế có hai danh xưng thường bị “lẫn” vào nhau. Đó là nhà vườn và nhà rường. Hai danh xưng này “tuy hai mà một” và “tuy một mà hai”. Bởi lẽ, nói nhà vườn là nói đến cách thức tổ chức không gian sống trong một ngôi nhà Huế, mà cổng ngỏ, bình phong, non bộ, ao hồ, vườn cây, hàng rào chè tàu… là những yếu tố hợp thành nên cái gọi là nhà vườn xứ Huế.

Còn khi dùng chữ nhà rường là muốn đề cập kiểu thức kiến trúc của ngôi nhà có kết cấu khung gỗ giữ vai trò chủ đạo, với những thuật ngữ “chuyên môn” như cột cái, cột quân, bộ vì kèo, liên ba, đố bản…

< Tiền cảnh Lạc Tịnh Viên.

Nhiều ngôi nhà ở Huế xứng danh nhà vườn (như Ý Thảo Viên, Tịnh Gia Viên…) nhưng không phải là nhà rường. Ngược lại, nhiều ngôi nhà có kết cấu của một hay nhiều ngôi nhà rường hợp thành (như Không gian xưa, Vỹ Dạ xưa) nhưng không phải là nhà vườn. Tuy nhiên, đa phần những ngôi nhà vườn nổi tiếng ở Huế, thì vừa là nhà vườn, vừa là nhà rường. Lạc Tịnh Viên là một nơi như thế.

Lạc Tịnh Viên tọa lạc ở địa chỉ 65, Phan Đình Phùng, thành phố Huế, được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế công nhận là Di tích Kiến trúc Nghệ thuật cấp tỉnh theo Quyết định số 2235/QĐ-UBND ngày 28/9/2007. Đây là một trong những di tích “tư nhân” được bảo tồn tốt nhất ở Huế, đồng thời, cũng là nơi bảo lưu và trao truyền hữu hiệu nhất nét tinh tế, sự lịch lãm, tính hiếu thuận và lòng nhân từ của tính cách Huế.

< Vấn Trai.

Nguyên thủy, nơi đây là một khoảnh đất bỏ hoang thuộc làng Dương Xuân ở phía nam Kinh Thành Huế. Năm 1889, ông hoàng Nguyễn Phước Hồng Khẳng (1861 - 1931), con trai trưởng của Tùng Thiện Vương Miên Thẩm (1819 - 1870) mua mảnh đất này, đặt tên là Lạc Tịnh Viên (khu vườn yên vui) và dựng một túp lều tranh đơn sơ để cho thân mẫu của ông là bà Trương Thị Thú ở. Năm 1891, ông thay thế túp lều tranh bằng một ngôi nhà ba gian, và đến năm 1897, một tòa nhà rường tường gạch, mái ngói bề thế với kiểu kiến trúc đặc trưng của nhà rường xứ Huế, được dựng lên để thay thế cho ngôi nhà ba gian xưa cũ.

< Di Tâm Thích Thể Đường.

Ngày khánh thành tòa nhà, Tuy Lý Vương Miên Trinh (1820 - 1897) đã tặng cho chủ nhân Hồng Khẳng bức hoành phi đề ba chữ Hán Hy Trần Trai làm tên nhà, hàm ý sánh chủ nhân Lạc Tịnh Viên với Quân Trần, con trai của Chu Công (ở Trung Hoa), là người có đủ đức, tài và lòng hiếu để.

Năm 1901, ông Hồng Khẳng cho dựng thêm bên trái Hy Trần Trai một ngôi nhà rường khác, đặt tên là Di Tâm Thích Thể Đường, dùng làm nơi cho con cháu ăn ở, học hành. Đến năm 1910, ông cho xây thêm ở bên phải, đối xứng với Di Tâm Thích Thể Đường, một tòa nhà gạch theo kiến trúc kiểu Âu, đặt tên là Vấn Trai, để làm nơi ở, làm việc, sáng tác thi văn và tiếp đón bằng hữu. Vấn Trai cũng là bút hiệu của chủ nhân ông Hồng Khẳng.

< Nhân Hậu phương đình.

Ba tòa kiến trúc: Hy Trần Trai, Di Tâm Thích Thể Đường và Vấn Trai đã hợp thành một quần thể kiến trúc theo lối “tam hợp viên” cho Lạc Tịnh Viên, một kiểu bố trí kiến trúc đặc thù của Huế với tòa Chính đường (Hy Trần Trai) ở giữa, Đông vu (Di Tâm Thích Thể Đường) và Tây vu (Vấn Trai) ở hai bên. Án ngữ phía trước quần thể “tam hợp viên” này là một bức bình phong, theo quan niệm phong thủy nhằm bảo vệ, ngăn cho Lạc Tịnh Viên khỏi những tai ương và bất trắc đến từ bên ngoài, đồng thời tạo nên một không gian chuyển tiếp cần có giữa ngoại viên và nội thất.

< Hoa của thân bằng quyến hữu từ phương xa mỗi dịp về thăm Lạc Tịnh Viên.

Giữa không gian trung chuyển ấy, chủ nhân Lạc Tịnh Viên dựng nên một phương đình, đặt tên là Nhân Hậu, bốn bề thông thoáng, dùng làm nơi tiếp khách và ngắm hoa thưởng nguyệt và cũng là nơi để các thế hệ con cháu truyền thừa của Lạc Tịnh Viên thi ân với những cảnh đời khốn khó vào mỗi buổi sáng Chủ Nhật trong hơn một thế kỷ qua.

Lạc Tịnh Viên dường như hội tụ đầy đủ tinh hoa của kiến trúc nhà rường Huế. Đó là sự vận dụng thuật phong thủy trong quy hoạch; đăng đối trong bố cục; tinh xảo trong nghệ thuật kiến trúc và chạm trổ; minh triết trong lối đặt tên, chọn chữ…

< Gian thờ Phật và gia tiên trong Hy Trần Trai.

Ngoài tòa Nhân Hậu, không gian để chủ nhân mở lòng với thế giới bên ngoài và thi hành việc thiện, các tòa nhà còn lại đã tạo thành một quần thể kiến trúc hoàn hảo, mang đậm chất Huế. Linh hồn của sự hoàn hảo ấy là Hy Trần Trai, tòa nhà ba gian hai chái làm nơi thờ phụng gia tiên, nơi lưu truyền những giá trị nhân văn và lễ giáo của một gia đình hoàng phái lừng danh xứ Huế, mà tôi xin mạo muội gọi là “tòa hồi cố”.

Bên cạnh Hy Trần Trai là một Vấn Trai có hàng hiên và các hoa văn trang trí chịu ảnh hưởng của dòng kiến trúc Gothique, nên tôi xin gọi là “tòa hướng tân”. Đây chính là nơi truyền thống tiếp xúc với cách tân, nơi phương Đông giao hòa với phương Tây, cả trong quy thức kiến trúc lẫn lối bày biện trang trí, cũng là nơi ước vọng thi lễ truyền gia của chủ nhân được gửi gắm và trao truyền cho các thế hệ con cháu, như dòng chữ khắc trên một bức hoành phi treo ở nơi đây.

< Nội thất phòng khách của Vấn Trai.

Giữa phố xá tập nập, giữa những ngôi nhà hình ống cố khoác một lớp vỏ hào nhoáng, hiện đại san sát nhau, Lạc Tịnh Viên hiện ra với chiếc cổng vòm cổ kính, có đôi câu đối chữ Hán thâm trầm mà dung dị; có bức bình phong cổ kính như cố che chắn cho nếp nhà rường trầm mặc bên trong khỏi những xô bồ, náo nhiệt của phố phường bên ngoài. Trong khu vườn cổ và mái nhà xưa ấy, văn hóa Huế, tâm hồn được bảo lưu với tất cả những giá trị tốt đẹp của nó.

Chất nhân văn của văn hóa Huế và sự cầu kỳ của lối sống Huế thấm đẫm trong từng gian nhà; trong từng nét chạm trổ trên các vì kèo, liên ba, đố bản; trong từng gốc cây, góc vườn. Các thế hệ chủ nhân của Lạc Tịnh Viên dường như cố gắn kết tất cả những cảm nhận của họ về phong thủy, lịch sử, văn hóa, sự tri ân với tổ tiên và thiên nhiên, sự nhân ái với đồng loại… Họ tạo nên bức bình phong và các lối đi khúc khuỷu để tránh những điều xấu vô hình và sự đường đột hữu hình; cũng như để giữ vẻ tôn kính cho ngôi nhà. Họ tạo nên các hồ nước (hay bể cạn) có hòn non bộ trước nhà để giữ cân bằng về phong thủy và trấn yểm hung sự.

< Hoành phi và trấn phong bằng gỗ thếp vàng trong phòng khách của Vấn Trai.

Họ tạo nên những không gian thờ cúng uy nghiêm trong nhà để bày tỏ sự tri ân với Trời, Phật, tổ tiên. Họ khu trú ngôi nhà thành những không gian riêng biệt để duy trì tôn ti trật tự trong gia đình, răn dạy con cháu theo những tín điều mà nhiều “kẻ thức thời” cho là xưa cũ. Họ bài trí ngôi nhà, cho chạm trổ hay sơn thếp ở những nơi cần thiết nhằm biến nơi cư trú của mình thành một tác phẩm nghệ thuật và để phô bày học vấn và thẩm mỹ của mình.

Họ chọn lựa những loại cây phù hợp, trồng theo lớp lang từ ngoài vào trong và sử dụng chúng theo những mục đích nhất định: có loài để ngửi hương; có loài để hưởng trái, có loài để ngắm hoa; lại có loài chỉ để cung cấp bóng mát cho khách bộ hành lạc bước giữa trưa hè oi nồng của xứ Huế. Lạc Tịnh Viên là nơi chứa đựng những điều thiêng liêng như thế.

< Chân dung bà Công Tằng Tôn Nữ Khánh Nam, người giữ bóng thời gian cho Lạc Tịnh Viên trong hơn nửa thế kỷ qua.

Và một trong những người đã giữ cho những giá trị nhân văn của Lạc Tịnh Viên trường tồn với thời gian chính là bà Công Tằng Tôn Nữ Khánh Nam, người phụ nữ Huế lịch lãm và sang trọng nhất mà tôi hân hạnh diện kiến. Bà là người giữ lửa cho Lạc Tịnh Viên suốt mấy chục năm qua, đúng như lời Bảo Hải, con trai của bà, xưng tụng: “Lạc Tịnh Viên thuộc về cả gia đình, nhưng linh hồn của Lạc Tịnh Viên thuộc về Mẹ”.

Có lẽ vì thế mà Lạc Tịnh Viên trở thành một trong những biểu trưng cho nền văn hóa nhà vườn của miền đất sông Hương núi Ngự và có một chỗ đứng đặc biệt trong văn hóa Huế.

Theo Trần Đức Anh Sơn (Khám Phá Huế)
toimedulich

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét