Thứ Sáu, 5 tháng 9, 2014

Đèo Sa Mù xưa và nay

Đèo Sa Mù dài 19,8 km nối hai xã Hướng Phùng và Hướng Việt thuộc huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị uốn lượn quanh co, mây phủ trắng xóa.

< Từ thị trấn Khe Sanh đi theo đường Hồ Chí Minh khoảng 35 km về hướng Quảng Bình sẽ đến chân đèo Sa Mù, đây là con đèo hiểm trở vào loại bậc nhất miền tây tỉnh Quảng Trị, cao gần 1.400m so với mặt nước biển giáp biên giới Việt Lào.

Những năm tháng chiến tranh chống Mỹ, nhắc đến địa danh đèo Sa Mù – Khe Sanh với địa thế hiểm trở, nhiều dốc đứng, thú dữ… ai cũng “rùng mình”. Không có cách gì để vượt đèo, các đơn vị bộ đội phải đi vòng hơn 30km để đến được bên kia chân đèo.

< Dù chỉ mới một giờ rưỡi trưa, nhưng sương mù đã giăng ngang trên những tán cây.

Đến tận năm 1997, Bộ Quốc phòng quyết định giao cho Đoàn công binh Lũng Lô thuộc Bộ tư lệnh Công binh phụ trách thi công khai thông phía nam đèo để tiện giao thông qua lại, cũng như cấp phát hậu cần cho các đồn biên phòng dọc trục biên giới Việt - Lào.

Trong quá trình mở đèo, các anh chị em của Đoàn công binh Lũng Lô đã chứng kiến rất nhiều chuyện lạ lùng mà hết sức cảm động về những liệt sĩ đã hy sinh nơi đây.

< Đoàn công binh Lũng Lô đang rải đá khai thông những đoạn đường đầu tiên dưới chân đèo Sa Mù. (Ảnh Tư liệu)

Vượt đèo phải vòng sang Lào

Thượng tá Nguyễn Văn Hùng – nay là Phó giám đốc Công ty xây dựng Lũng Lô, một người đã có rất nhiều năm gắn bó với Trường Sơn. Khi đất nước đang còn chiến tranh ông là một trong những người lính, người chỉ huy mở những tuyến đường Trường Sơn đầu tiên. Khi đất nước đã hòa bình, ông lại tiếp tục được cấp trên giao phó mở những tuyến đường mới góp phần hình thành nên đường Hồ Chí Minh sau này.

< Màu trắng dày đặc của sương mù bao phủ khung cảnh dù rằng mùa hè là thời điểm ít sương mù nhất.

Gắn bó nhiều với Trường Sơn, Thượng tá Nguyễn Văn Hùng là người đã chứng kiến không biết bao nhiêu câu chuyện lạ lùng về đất và người nơi này. Duy có một câu chuyện làm ông thay đổi tư duy rất nhiều về cái chết, về vong linh của những người đã khuất. Đó là câu chuyện những ngày ông cùng đơn vị đảm trách thi công khai quang con đường ở phía nam chân đèo Sa Mù đến đỉnh đèo để hình thành tuyến giao thông mới.

< Mặc cho sương gió bão táp, cây vẫn vươn lên đứng một mình giữa sườn núi.

Ông cho biết, đèo Sa Mù nằm ở phía tây bắc tỉnh Quảng Trị, giáp biên giới Việt - Lào. Đèo có độ cao trên 1.400m so với mực nước biển, với nhiều dốc đứng, quanh co, hiểm trở. Trong chiến tranh chống Mỹ, Sa Mù – Khe Sanh là những vùng đất gắn liền với nhiều trận chiến lịch sử và cũng là nơi chiến tranh ác liệt nhất.

< Sương mù giăng phủ che khuất một phần tầm mắt trên con đường quanh co.

Những năm 1964 – 1975, mỗi lần vận chuyển lương thực, vũ khí... từ miền Bắc vào, khi đi qua đèo U bò, Cù Đăng, sông Xê Băng Hiên (gần địa phận Cù Bai, Tà Rùng) đến phía bắc đèo Sa Mù bộ đội ta buộc phải hành quân vòng sang đi nhờ trên đất bạn Lào khoảng 30km rồi mới đi vòng trở lại chân đèo ở phía Nam vì đèo quá cao, nhiều dốc đứng, rất khó để đi qua.

Sau này, (từ 1995- 1996) để vận chuyển hậu cần cho các đồn biên phòng dọc tuyến đường này các chiến sĩ ta vẫn phải bám theo tuyến đường mòn cũ đi nhờ trên đất bạn Lào.

< Màu đỏ của đất, vàng xám của đường, xanh của cây và trắng xóa của sương mù.

Đến giữa năm 1997, Bộ Quốc phòng chính thức cho triển khai xây dựng tuyến vượt đèo Sa Mù dài 12km để thuận tiện cho việc đi lại. Đơn vị của ông được phân công thi công phía nam chân đèo lên đến đỉnh dài khoảng 7 km. Đoạn còn lại từ đỉnh đèo kéo xuống bắc chân đèo do đoàn 384 thuộc Binh đoàn 12 phụ trách.

Thượng tá Hùng cho biết: “Đoạn đường chúng tôi thi công gặp vô vàn khó khăn vì đèo cao, dốc đứng, dây gai và dây mây chằng chịt quấn quýt lấy nhau chặn hết cả lối đi. Trước đó còn được dân bản xứ cho biết, đường lên đỉnh đèo Sa Mù trước nay chưa hề có dấu chân người. Đêm đến, ngoài tiếng vượn hú còn có cả tiếng voi rống hổ gầm...”.

Không thể bạt đèo vì gặp hài cốt liệt sĩ

< Một đoạn đường có lối đi khá nhỏ, bao bọc xung quanh là hai hàng cây mọc cao.

Thượng tá Hùng kể: “Khoảng 9h sáng một ngày trung tuần mùa hạ năm 2007, trời vừa tan sương mù, tôi đề nghị anh chị em nuôi quân cho anh em ăn cơm sớm để tranh thủ ra đường thi công, bù lại mấy hôm ảnh hưởng mưa bão. Tôi và đồng chí phụ lái đến gần doanh trại, xác định vị trí hố móng để chuẩn bị đào đường, lắp ống cấu tạo phi 75. Tuy nhiên, do đoạn đường này có quá nhiều lớp đá rắn nên Ban chỉ huy công trường đã phải quyết định điều chiếc máy ủi C100 mới toanh từ Hà Nội vào hỗ trợ. Cách đấy ba hôm, tôi đã cưỡi lên chiếc xe này để ủi thử, máy nổ êm ru, đi lại rất ngon lành, lưỡi ben sắc như dao phát rừng. Các loại cây có đường kính từ 30 – 40 li án ngữ trên tuyến đều ngã gục trước lưỡi ben này.

< Khung cảnh mờ ảo tạo cảm giác như lạc đến vùng đất huyền bí.

Sáng hôm đó, sau khi kiểm tra dầu mỡ, tay lái, tôi và mấy anh em quyết định chạy máy động thổ. Chúng tôi ngồi lên xe, nhằm mô đất trước mặt, nâng lưỡi ben lao tới. Khi lưỡi ben sắp chạm mô đất, tôi cho hạ cần ben để đẩy. Bỗng dưng xe rú ga ầm ầm, rồi tắt lịm. Cậu phụ lái hoảng hốt nhảy xuống kiểm tra rồi nói vọng lên: “Báo cáo chỉ huy, máy móc tốt ạ!”. Tôi lại cho xe rú ga nhưng lần này lại có những làn khói mờ đục nhả ra hòa vào trong sương sớm. Tôi cho xe lùi lại phía sau 5m rồi được đà tiến lên. Bánh xe xích ầm ầm lao tới với vận tốc khá đều và thuận lợi, nhưng khi lưỡi ben vừa đóng phập vào mô đất là xe bỗng gầm lên rồi tắt lịm.

Lúc này đích thân tôi và cậu phụ lái cùng nhảy xuống, kiểm tra lại máy móc, xem xét chướng ngại vật thì tất cả đều ổn. Sau khi xem xét xong tôi toan bước chân lên buồng lái thì bỗng dưng có một cảm giác rất lạ trỗi dậy. Một cảm giác bồn chồn, khó tả cứ xâm chiếm lấy tôi nhưng vì thời gian đang gấp gáp nên tôi không kịp nghĩ nhiều đến nó. Tôi lại ngồi lên xe rồi cho xe lùi lại 10m sau đó nhằm thẳng mô đất tiến tới. Lần này cũng như hai lần trước, máy chỉ gầm lên rồi lại tắt lịm. Chúng tôi nhìn nhau không hiểu chuyện gì đang xảy ra.

< Con đường vắng vẻ, rất ít xe chạy qua. Thỉnh thoảng mới xuất hiện một chiếc xe máy như thế này.

Khi bước ra khỏi buồng lái, dù tôi không nói gì nhưng cậu phụ lái như đã hiểu ý tôi, chạy vội vào doanh trại cầm ra một bó hương thắp lên rồi hướng về phía mô đất, chắp tay khấn rằng: “Anh em bộ đội công binh chúng tôi được lệnh vào mở con đường này. Nếu đây là nơi trú ngụ của các liệt sỹ từ những ngày tham gia chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh thì chúng tôi xin phép được dời các anh về an nghỉ tại Nghĩa trang Đường 9 để người thân, đồng đội tiện đi lại thăm viếng, khói hương”.

< Những cái cây trơ trọi lá vẫn đứng đó giữa làn sương trắng xóa.

Khấn xong, chúng tôi vội vàng lên xe cho nổ máy tiếp tục hoạt động. Lúc này xe không còn bị tắt máy như lần trước nữa mà cắm phập vào mô đất và chém bạt từng mảng đất một cách dễ dàng. Được khoảng gần 1m đất thì trong lòng đất lộ ra rất nhiều túi ni- lông... Tôi nhảy xuống cùng đồng chí lái phụ nâng nhẹ từng túi một, đặt các túi đó lên một tấm ni- lông chúng tôi đã chuẩn bị sẵn. Có tất cả 5 túi trong đó có 1 túi bị bạc, lộ ra một chiếc mũ cối đã bạc màu, đôi dép cao su, chiếc bi đông bị méo mất một góc ở đáy và một khẩu súng ngắn K54 đã hoen rỉ.

< Gần cuối đèo mới thấy trời ửng nắng khi nhìn qua xã Hướng Việt, một góc quang cảnh hùng vĩ của dãy Trường Sơn hiện ra trong tầm mắt.

Trong lúc chúng tôi đang sắp xếp lại các bộ hài cốt thì phát hiện ở trong túi này có một chiếc túi ni- lông nhỏ được cột chặt, nằm lẫn trong đó. Chúng tôi mạn phép mở ra xem thì thấy một tờ giấy đã nhòe màu mực, trên đó vẽ sơ lược nơi chôn cất, quê quán, ngày hy sinh của những liệt sỹ này. Lúc này, các anh chị em đang thi công ở đoạn đường gần đó biết chuyện chạy đến vây quanh. Bộ phận nuôi quân đã kịp chuẩn bị xong một mâm cơm cúng với một con gà trống choai, một bát xôi nếp và 5 quả trứng gà luộc. Một em gái liên lạc chạy vội vào rừng chặt được một cành phong lan rừng màu tím cắm vào chai nước suối đặt cạnh bát hương.

< Toàn cảnh chân đèo thuộc huyện Hướng Việt, con đường vẫn cứ kéo dài xa tít tắp.

Tôi thắp thêm ba bó hương rồi chia đều cho mỗi anh chị em mỗi người một nén. Nhiều chị em nuôi quân và mấy chiến sĩ trẻ mới ở Hà Nội vào đã không cầm nổi nước mắt, cứ sụt sịt như chính các liệt sĩ là người thân của mình. Hôm đó chúng tôi một mặt cử người gác bảo vệ hài cốt, một mặt về huyện Hướng Hóa, Quảng Trị thông báo”. Được tin, huyện Hướng Hóa và bộ chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Trị đã cử người về làm lễ di dời các liệt sĩ về an nghỉ tại nghĩa trang Đường 9.

Cũng từ đó, trước mỗi lần thi công làm những con đường mới trên tuyến đường Trường Sơn anh chị em đoàn công binh Lũng Lô lại thận trọng làm lễ trước khi động thổ. Bởi hơn ai hết họ hiểu rằng, đâu đó trong lòng đất mẹ vẫn còn những bộ hài cốt của các chiến sĩ đã hy sinh anh dũng trong chiến tranh đang bị thất lạc, chưa thể tìm ra hết.

Theo Giadinh.net, Vnexpress
toimedulich

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét