Minh Châu là một trong 5 xã thuộc tuyến đảo Vân Hải của huyện đảo Vân Đồn, có bãi biển trải dài gần 2km. Minh Châu còn có một rừng trâm tự nhiên, diện tích rộng khoảng 14 ha, chạy dài 4 đến 5km theo hình vòng cung phủ gần kín cồn cát tương đối bằng phẳng cạnh bãi tắm Chương Nẹp.
< Trâm Minh Châu sống quần tụ thành một dải dọc bãi Minh Châu hay còn gọi là bãi Chương. Từ biển nhìn vào rừng như một dải hình trăng khuyết ôm lấy làng.
Rừng trâm tồn tại đến nay bởi dân Minh Châu coi loài cây này là 'Thần Mộc' giữ làng. Thân cây trâm chỉ cao chừng 10m nhưng mọc rất dày, bao đời nay đứng chắn gió cát, chắn sóng dữ của những trận bão biển gầm thét đe dọa xóm biển.
< Bên trong rừng, trâm mọc san sát, dày đặc. Theo nghiên cứu trâm ở đây phần lớn cùng một loại và có từ hàng trăm năm trước đây.
Theo người dân trong xã, rừng trâm được những thế hệ người đầu tiên đặt chân lên đảo Minh Châu trồng. Không một ai kể cả những người già trong làng biết rõ nguồn gốc, sự hình thành của rừng trâm.
Tại đây lưu truyền câu chuyện về việc rừng trâm đã che chắn cho làng chài trước một trận bão lớn những năm 1945. Dù bị tàn phá xác xơ sau bão nhưng rừng trâm đã kịp hồi sinh mạnh mẽ xanh tươi trở lại, đơm hoa kết trái dịp cuối năm cứu người dân qua nạn đói hoành hành thời điểm đó.
< Trâm dẻo dai, bền, chắc. Cành lá vươn cao, đan xen vào nhau tạo nên một lá chắn vững chắc trước gió bão, cát, nước biển.
Minh Châu còn có hẳn một truyền thuyết về rừng trâm kể về mối tình chung thuỷ giữa nàng Trâm và chàng Trương. Nàng Trâm ở nhà trông đảo, chờ đợi chàng Trương ra biển đánh giặc. Chàng đã dũng cảm hy sinh trong trận thuỷ chiến bảo vệ vùng biển quê hương. Nàng Trâm đau đớn khôn nguôi, rồi qua đời. Thần biển thương tình nhờ sóng đưa xác chàng dũng sĩ về với bãi biển.
< Một gốc trâm cổ thụ có tuổi hàng trăm năm.
Một vị thần rừng đi qua nghe chuyện cảm động đã gieo xuống bãi cát những mầm cây xanh tốt mong che chắn cho hai linh hồn. Cây đó mọc lên đan bện vào nhau rất cứng cáp. Nơi đó chính là rừng Trâm. Bãi biển bao quanh ôm lấy rừng Trâm là bãi Trương. Ở đây có rất nhiều con nẹp, một loài hải sản thơm ngon, nên dân làng thường gọi là bãi Trương Nẹp.
Riêng dân làng, người ta tin rằng rừng cây là do chàng Chương hóa thành để bảo vệ và làm đẹp cho người yêu và thôn xóm, còn những con Nẹp dịu ngọt, nép mình dưới những viên đá trên bãi biển là do nàng Trâm hiến tặng cho người thân để thể hiện tài nấu ăn khéo léo của mình. Vì thế khu rừng được các bô lão đặt tên là Rừng Trâm, còn bãi cát được đặt tên là chương Nẹp.
< Nhiều đoạn đường mòn trong rừng đã được lát gạch sạch sẽ phục vụ khách du lịch tham quan.
Ngày nay, rừng trâm Minh Châu đem lại cảnh quan sinh thái, tô điểm cho bãi tắm tuyệt đẹp trên đảo. Trong tâm thức người dân xã đảo từ lâu rừng trâm đã trở thành một vị thần hộ mệnh cho họ. Thật đặc biệt khi rừng trâm nơi này mọc tập trung, gắn kết với nhau thành một quần thể, một dải dài ven biển ôm lấy làng chài.
< Được bảo tồn tốt ngày nay rừng trâm tô điểm cho cảnh quan của bãi tắm Minh Châu, tạo nên một điểm dừng chân mát mẻ, hấp dẫn cho du khách phương xa.
Trâm là loại cây thân gỗ to, khả năng tái sinh tốt, có thể mọc nhiều nhánh đan xen với nhau. Gỗ trâm tốt chỉ đứng sau: Lim, gụ, sến...
Với sức sống mãnh liệt, rừng trâm mọc tập trung, đan xen, gắn kết với nhau thành một dải như lá chắn vững chắc ôm lấy xã đảo. Càng đi sâu khám phá khu rừng, du khách dễ bắt gặp nhiều gốc trâm cổ thụ, có hệ thực vật phong phú là nguyên liệu cho nhiều bài thuốc quý.
< Dưới bóng mát tán trâm các chương trình, dịch vụ du lịch sinh thái thân thiện với môi trường được du khách rất ưa thích (Dịch vụ du lịch của khách sạn Le Pont, Minh Châu).
Rừng trâm trở thành một sản phẩm du lịch của xã Minh Châu, con đường dẫn tới rừng trâm được tôn tạo, lát gạch thuận tiện cho du khách thăm quan, hóng mát, thưởng thức không khí trong lành, ngắm cảnh hoàng hôn trên biển và nghe những truyền thuyết thú vị về "thần mộc" của Minh Châu. Rừng trâm Minh Châu cũng trở thành ứng cử viên sáng giá cho danh hiệu cây di sản. Theo các chuyên gia, đây là rừng trâm lớn nhất Việt Nam, với hơn 90% cây thuần chủng.
toimedulich - Ảnh & chú thích từ báo Quảng Ninh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét