(iHay) - Vượt đèo Lò Xo ở địa phận huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum, du khách sẽ gặp ngục Tố Hữu nằm khép mình giữa núi rừng hùng vĩ và nguyên sơ.
< Con đường đèo uốn lượn, nằm vắt vẻo trên những sườn núi đưa khách đến với ngục Tố Hữu.
Ngục Tố Hữu là di tích lịch sử đặc biệt cách thành phố Kon Tum khoảng 90km về hướng tây bắc, cách thị trấn Đăk Glei 20 km về hướng bắc. Nếu đi từ hướng bắc theo quốc lộ 14, để đến ngục Tố Hữu bạn phải vượt qua đèo Lò Xo với những khúc quanh liên tiếp cực kỳ nguy hiểm.
< Một khúc cua tay áo trên đèo Lò Xo để đến với ngục Tố Hữu.
Đúng như tên gọi của nó, đèo Lò Xo là nơi rất thu hút đối với những người thích du lịch mạo hiểm. Hiện nay, toàn bộ tuyến đường đèo này đã được tu sửa, nâng cấp nhằm đảm bảo an toàn cho những chuyến đi.
< Tấm biển chỉ dẫn từ đường lớn để du khách dễ dàng không bị lạc đường.
toimedulich
Nằm trên cung đường của đèo Lò Xo, từ đường lớn bạn sẽ phải rẽ vào đường nhỏ dốc ngược với tấm biển chỉ dẫn để đến với ngục Tố Hữu.
< Con đường vào ngục được trải bê tông, dáng hình uốn lượn đẹp mắt.
Ngục Tố Hữu thực chất là tên gọi sau này được người dân quen gọi vì đây từng là nơi giam cầm nhà thơ cách mạng.
< Nhìn từ ngục Tố Hữu phóng tầm mắt ra xa là thiên nhiên hùng vĩ.
Ngục được xây dựng trong khoảng thời gian từ năm 1932 đến 1942, với tên ban đầu có tên là ngục Đăk Glei. Đây là nơi ở và làm việc của đồn trưởng Bê-li-ô. Ngoài Tố Hữu, nơi đây còn giam cầm nhiều nhân vật chủ chốt khác của cách mạng Việt Nam mà sau đó trở thành những cán bộ cao cấp của Đảng và Chính phủ như Nguyễn Duy Trinh, Chu Huy Mân, Lê Văn Hiến, Huỳnh Ngọc Huệ...
< Căn phòng giam đá xanh xám lạnh lẽo giờ mở cửa cho du khách tham quan tự do.
toimedulich
Trải qua gần 100 năm thăng trầm, ngục Tố Hữu hầu như vẫn còn vẹn nguyên dấu vết thời gian với những lớp đá màu xanh, xám lạnh.
< Những khung cửa căn phòng giam xưa giờ nhìn ra xa là phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ.
Những căn phòng giam của 3 khu nhà giam khác nhau dù được mở cửa cho khách tham quan từ nhiều năm nay nhưng vẫn mang không khí nặng nề của một thời kỳ đau thương nhưng bất khuất, kiên cường trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
< Con dốc đứng nối giữa các khu nhà giam khác nhau.
Khu giam cầm chính nằm ở trên ngọn đồi cao nhất, nằm sát ngay khu nhà chỉ huy. Khu căng an trí được xây dựng năm 1932 gồm 3 dãy nhà xung quanh được rào kín bằng dây kẽm gai, chỉ chừa một lối nhỏ ra vào nằm bên dưới sườn núi.
< Những hàng rào dây kẽm gai được đặt san sát lớp trong lớp ngoài.
toimedulich
Nếu nhìn từ xa, 3 ngôi nhà được lợp mái lá này dễ khiến người khác nhầm tưởng là nhà ở. Nơi đây đã giam cầm hơn 100 chiến sĩ. Trong khi đó, từ khu ngục chính, dưới chân con dốc dựng đứng là khu biệt giam được xây dựng sau cuộc vượt ngục của nhà thơ Tố Hữu và Huỳnh Ngọc Huệ.
< Những hàng rào dây kẽm gai được đặt san sát lớp trong lớp ngoài.
Nếu như ngày xưa, ngục Tố Hữu nằm chơ vơ giữa núi rừng đại ngàn, là nơi giam giữ khổ sai của các chiến sĩ cách mạng thì ngày nay, nơi này trở thành điểm du lịch thu hút rất nhiều du khách. Ngoài vẻ quyến rũ và mạo hiểm của đèo Lò Xo, con đường dẫn đến với ngục Tố Hữu cũng khiến những người ưa mạo hiểm thích thú bởi vẻ hùng vĩ của thiên nhiên, núi rừng.
< Khu nhà biệt giam được xây dựng sau sự kiện nhà thơ Tố Hữu vượt ngục.
Con đường bạt núi nằm vắt vẻo trên những sườn đồi tựa như con trăn khổng lồ. Đứng ở bất kỳ điểm nào trên cung đường này đều có thể chiêm ngưỡng được thiên nhiên rộng lớn nơi mây trời. Phía xa xa, dưới những chân núi, thung lũng là những bản làng của người dân tộc. Bởi vậy, đến với ngục Tố Hữu không chỉ giúp ta thêm hiểu về truyền thống đấu tranh quật khởi mà còn thêm yêu mảnh đất cao nguyên đại ngàn.
Theo Đào Minh (iHay.Thanhnien)
Du lịch, GO!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét