(DNSG) - Ngày nay, nhiều người quên rằng Lương Sơn vẫn là vùng đất cổ thanh bình với bao điều kỳ thú khi nó đã cận kề thủ đô Hà Nội, đã khoác lên mình chiếc áo mới với những khu công nghiệp hiện đại. Ở Lương Sơn vẫn còn chiếc cổng thành rêu phong, dòng sông chết trong huyền tích, những hang núi bí ẩn và những mái nhà sàn yên ả cùng các món ăn độc đáo...
Từ Hà Nội đi ô tô ngược quốc lộ 6 không xa, chúng tôi đã thấy sương ôm trọn đỉnh núi thiêng Ba Vì. Vào những bản mường Đông Xuân, Tiến Xuân mới cảm nhận được khúc đệm văn hóa giữa cửa ngõ phía Tây thành Thăng Long xưa, nơi tận cùng miền châu thổ sông Hồng với khúc dạo đầu của nền văn hóa Việt - Mường cổ.
Đọc trong sử cũ, hẳn nhiều người sẽ chẳng ngờ cái tên Mỹ Lương (thuộc tỉnh Sơn Tây cũ) gắn với cuộc khởi nghĩa của vị danh nho Cao Bá Quát và Lê Duy Cự (1854 - 1856) lại nằm ở chính nơi đây. Mỹ Lương gồm cả đất của Chương Mỹ và Lương Sơn, khi lập tỉnh Hà Sơn Bình năm 1976 đã khiến hai miền đất này thêm gắn kết, giao thoa văn hóa.
Lên tới Lương Sơn, ngắm cảnh núi rừng, được nghe bà cụ bỏm bẻm nhai trầu, vừa rót chén nước lá cây bổ máu đỏ ối, vừa kể chuyện những đàn khỉ quanh năm vui đùa trên núi. Sáng sớm chúng về nương ngô lấy ngô đánh đai quanh người, chiều xuống đã lẩn vào màn sương bí ẩn.
Ở đây khí hậu mát mẻ dẫu đang độ tháng 5 oi nồng. Bởi thế, làn da trắng muốt của các cô gái Mường như được ủ bằng sương núi, được tắm gội bằng nước đầu nguồn sông Bưởi hiền hòa.
Theo dấu xưa lần tìm vào nơi thành cổ xã Cao Thắng rộng gần bốn vạn mét vuông, gặp mái cổng rêu phong với bao dấu hỏi về một thời ngựa xe tấp nập cùng bao khanh tướng ghé qua. Tòa thành ấy có tự thuở nào? Dấu tích thời nhà Mạc hay của một phong trào khởi nghĩa nào đó vẫn còn là một ẩn số.
Chỉ biết rằng nó làm nên sự huyền bí cho vùng đất này và lôi cuốn bước chân du khách. Bao đoạn tường thành dầu dãi nắng mưa nhưng những viên gạch vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt.
toimedulich
Ghé vào mái nhà gác (nhà sàn) nhỏ bên dòng suối, được thưởng thức bao món ăn lạ lẫm. Nào là trứng kiến nướng cuốn lá bưởi, ốc chổ thơm ngon. Trên bếp lửa là chảo mỡ nóng, cô gái khéo léo xào món rau đắng đậm đà. Cô bảo món rau này đắng mà ngon là do sự kết hợp hoa đu đủ đực, hoa chuối rừng, rau tầm bóp...
Trên bếp than hồng đã nghe tí tách ngô nếp nướng thơm. Bà cụ kể câu chuyện về hang núi Sáng ở mạn Cao Răm từng tìm thấy những bộ xương đười ươi huyền bí. Cửa hang rất nhỏ, người ta phải lách rất khéo mới vào được. Ngày nay, hai bộ xương đười ươi đã được đem về bảo tàng lưu giữ nhưng đám trẻ trong thôn vẫn thường đến đó chơi với bao thích thú, tò mò.
Đứng trước cửa hang, nghe người đàn ông Mường quắc thước kể gần đây còn có hang Chổ với những hình tượng trông rất lạ mắt. Có nơi là "tượng" hình con cá sấu, nơi lại là hình linga để những cặp vợ chồng hiếm muộn đến cầu tự.
Lang thang qua các vùng núi non, các cánh đồng nơi phù sa sông Bưởi bồi đắp một thời, ngắm những mái nhà gác sang trọng mà cổ kính chợt thấy bất ngờ bởi huyện lỵ giáp ranh thủ đô vẫn còn giữ được những nét xưa đáng quý.
Sau bao biến thiên của lịch sử, vẫn còn lại những gì đủ để những người trẻ tuổi hình dung về lịch sử vùng đất này. Trong khi những khu công nghiệp, những tòa nhà cao tầng mọc lên đủ để minh chứng cho sự chuyển mình trong giai đoạn phát triển mới.
Tôi cố nán lại bên bếp lửa nhâm nhi từng ngụm trà xanh mát rượi, vừa lắng nghe cụ bà kể tiếp những câu chuyện bằng tiếng Mường Cao (xóm Cao ngày nay) xen lẫn tiếng miền xuôi.
toimedulich
Nơi đây có thể coi là miền đất cửa rừng, là vùng đệm mà vẫn đậm đà các giá trị văn hóa được bảo lưu khá tốt. Nhìn những dãy núi hùng vĩ chắn bão gió, nhìn bóng Mặt trời lấp lánh trên mặt nước sông Bưởi trước khi lặn sau dãy núi bỗng nhận ra một ngày ở Lương Sơn sắp cạn.
Bóng tối đã lan tỏa khắp nơi. Hẹn một dịp khác được nghỉ lại nơi nhà gác đơn sơ mà ấm cúng để nghe tiếp những câu chuyện của người già. Xe chạy từ từ qua dốc Kẽm về bên kia là đến đất Xuân Mai (ngoại thành Hà Nội). Đêm thâm u không thấy trăng rừng, nhưng chúng tôi tưởng tượng nếu có dịp trở lại nơi đây vào năm mới chắc hẳn sẽ có thêm cảm nhận thú vị khác...
Theo Bùi Việt Phương (DNSG)
Du lịch, GO!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét