(BDL) - Nơi đây, đầu thế kỷ thứ XX đám chủ mỏ người Pháp đã xây nhà nghỉ (dân thường gọi là nhà đỏ), nay đã đổ nát. Năm 1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh từ ATK Thái Nguyên lên Cao Bằng trực tiếp chỉ huy chiến dịch giải phóng biên giới đã đi trên con đường này và nghỉ đêm ở Phja Đén.
Sáu mươi nhăm năm đã qua kể từ ngày Bác Hồ ra trận, tôi muốn được đi trên chính con đường Người đã đi để chiêm nghiệm từ những dấu mốc lịch sử và cũng là làm tiền trạm cho đoàn làm phim tài liệu “Bác Hồ ra trận”.
Chẳng ngại ngùng gì một đoạn đường từ Nà Phặc đến Phja Đén 40 cây số với điều kiện và phương tiện đi lại dễ dàng như bây giờ! Chỉ có điều con đường đó tôi chưa hề đi qua mà theo “khảo sát” thì hiện trạng con đường là cực kỳ xấu, toàn ổ trâu, ổ voi! Khó, biết vậy nhưng tôi vẫn quyết đi bằng được. Tôi điện thoại nhờ nhà văn Nông Văn Kim, nhà ở gần chợ Nà Phặc thuê cho 2 xe ôm chở tôi từ Nà Phặc đến Phja Đén, với tiền công “không cần phải mặc cả”.
toimedulich
Chiều ngày 18/8/2015, từ Hà Nội về Bắc Kạn, tôi lên nghỉ ở nhà khách Tỉnh ủy xây trên đỉnh ngọn đồi, cây cối xanh tươi, thoáng đãng. Đêm ngủ tĩnh tại và mát mẻ. Buổi sáng thức dậy nghe tiếng chim hót trên cành cây xa xa bên cửa sổ thấy đời thật bình yên và đáng sống. Sáng ngày 19/8/2015, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bắc Kạn bố trí cho tôi đi Phja Đén. “Trên con đường khổ ải, xe ô tô gầm cao chưa chắc đã đi được” – Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tỉnh Bắc Kạn đưa ra “tiên lượng” xấu. Tôi bảo: “ Cứ đi, đến chỗ nào không đi được thì xe quay về. Tôi sẽ thuê xe ôm đi tiếp”.
9h lái xe Nông Văn Thuyên và cán bộ phòng lịch sử Hoàng Chiến Thuật cùng tôi khởi hành từ thành phố Bắc Kạn để “chinh phục” con đường Nà Phặc – Phja Đén. Xe bon trên đường Quốc lộ 3, vượt đèo Giàng, đến đầu chợ Nà Phặc, rẽ trái vào Hà Hiệu, không gặp trở ngại gì vì đường nhựa tuy đã hỏng nhiều đoạn nhưng đã được san lấp, vá víu. Xe cứ đi với suy đoán “phía trước là những đoạn khó”.
Qua Bản Mới, đến ngã ba Phúc Lộc – Ba Bể - Phja Đén tại Phiêng Điểm, có cột cây số ghi: Nà Bản 19 km. Vẫn chẳng thấy đèo dốc đâu cả, đi mãi mới gặp một con đèo thấp. Dừng xe, hỏi, một chị tên Hưng, dáng khỏe mạnh bảo: “Đây là Bản Khuổi Tẩu, trên kia là đèo Ngạm Lạng. Đi một đoạn nữa là đến chân đèo Cô Lê A. Cách Nà Bản gần 20 cây. Dân ở Nà Phặc, chợ Rã ngày chợ vẫn chở hàng lên bán ở chợ Phja Đén”.
Thế là yên tâm. Xe lại chạy tiếp, một chốc đã hiện ra con đường trải nhựa áp phan phẳng lỳ. Tôi liếc nhìn đồng hồ tốc độ thấy chỉ con số 40 km/h. Tôi bảo lái xe “cứ thế này thì thích nhỉ”. Thuyên bảo “ Em chưa đi đường này bao giờ. Nghe nhiều người bảo đường khó đi lắm”. Và quả là thích thật! Vì 30 cây số tiếp theo đường nhựa thật dễ đi. Không dám đi làm sao biết được con đường như thế nào!
Đường tốt, cảnh đẹp, thanh bình. Đi trên đèo nhìn xuống, ruộng bậc thang chằn chặn. Những con suối trông xa như sợi chỉ.
toimedulich
Phja Đén ngày chợ phiên. Chợ đã vãn, nhiều chủ xe đã bốc hàng chuẩn bị về. Ăn trưa muộn ở chợ Phja Đén tôi chia tay 2 người bạn đồng hành. Tôi sẽ ở Phja Đén vài hôm, khảo sát những điểm di tích đã được xếp hạng và chưa được xếp hạng để chuẩn bị cho đoàn phim ghi hình nay mai.
Chiến thắng biên giới 1950 đã được sử sách ghi lại với tất cả những diễn biến và kết quả, những nhận định và kết luận… với phim tài liệu Bác Hồ ra trận, tôi muốn tái hiện con đường Bác Hồ ra trận năm 1950, với những chi tiết, những tư liệu còn ít người biết như câu chuyện Người đi từ Khau Lấu đến Tà Sa (Cao Bằng), những bức ảnh chụp dọc đường chưa được công bố (hoặc chưa xác định được địa điểm, vị trí chụp). Tôi sẽ kể về chuyến đi ấy qua Hồi ký của đồng chí Chu Phương Vương, người trong đội bảo vệ Bác Hồ đi và về trong chiến dịch biên giới và được Bác Hồ đặt tên mới là Định (8 người trong đội bảo vệ Bác Hồ TRƯỜNG – KỲ - KHÁNG – CHIẾN – NHẤT – ĐỊNH – THẮNG – LỢI) và qua những bức ảnh của nghệ sĩ Vũ Năng An chụp như: Bác Hồ thiền trong hang đá; Bác Hồ ở nhà máy thủy điện Tà Sa (Nguyên Bình); Bác Hồ khảo sát Pháo Đài thị xã Cao Bằng…
…Và chuyến đi ngược đường Phja Đén này đã cho tôi nhiều cảm nhận, nhiều xúc cảm mới về những năm tháng hào hùng của dân tộc còn vang vọng mãi ngàn năm.
Theo Hoàng Quảng Uyên (Báo Du Lịch)
Du lịch, GO!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét