(DVO) - Từ suy nghĩ đến hành động, người miền Tây để lại những nét văn hóa sống độc đáo mà giá trị nhân văn của nó còn to lớn hơn nhiều. Trong số những nét đẹp ấy có phong tục "chạp mả làng" và "cúng cô hồn" ngày tết.
Khi đặt chân đến vùng đất mới khai hoang lập nghiệp dựng nhà lập xóm, người bình dân miền Tây Nam bộ gặp phải biết bao thử thách khắc nghiệt của thiên nhiên. Cùng với bão lụt và bệnh tật, không ít người bỏ mình khi họ tìm kế mưu sinh, khẩn hoang, mở đất cho con cháu hôm nay. Cũng vì thế, hiện tượng xiêu mồ lạc mả là chuyện khá phổ biến. Nhiều ngôi mộ đất chôn vội ở chòm mả cuối xóm chỉ được một vài năm bị mưa gió xói mòn sẽ thành mả lạn rồi chừng chục năm sau thì kiếp người đã hoàn toàn về với đất.
Người miền Tây trọng nghĩa, hơn thế, đối với người đã khuất, nghĩa tử là nghĩa tận. Khi sống họ đối với nhau theo quan niệm tối lửa tắt đèn có nhau, bán anh em xa mua láng giềng gần, thì đối với người bất đắc kỳ tử chịu cảnh bơ vơ, lẽ nào họ lại nhắm mắt khoanh tay. Dulichgo
Khi tiết trời se lạnh, mưa đã ngừng hẳn, từ đầu tháng Chạp người ta đã bắt đầu công việc chuẩn bị tết. Ngoài chuyện chuẩn bị nếp, đậu để gói bánh tét, chuẩn bị vần công quết bánh phồng hay tát đìa bắt cá dự trữ,… công việc không thể thiếu là tảo mộ ông bà. Con cháu hẹn nhau một ngày nào đó rồi cùng nhau làm sạch cỏ trên mộ, đắp đất, sửa sang lại, để ông, bà, cha, mẹ có ngôi nhà mới ăn tết. Còn những ngôi mộ không con cháu thân thích thì chịu cảnh dàu dàu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh.
Thế là đến chiều những ngày cuối năm, thường là sau ngày tiễn Ông Táo trở đi, nếu ngôi mộ nào chưa được sửa sang (đánh dấu bằng miếng giấy vàng bạc dằn cục đất lên trên), thì sẽ có đám trai làng kéo nhau đến. Người giẫy cỏ, người đắp đất để người bên kia được ấm lòng trong mấy ngày tết. Tục đó gọi là chạp mả làng. Dulichgo
Theo quan niệm của người dân thì ông bà mình đã yên mồ đẹp mả bởi đã có con hiền cháu hiếu lo lắng. Còn đối với những số phận bất hạnh, người ta cũng sẵn lòng, dù việc làm ấy chỉ mang ý nghĩa về tinh thần là nhiều hơn. Một giá trị nhân văn mà lưu dân xa xứ đến đây khai hoang khẩn hóa đã truyền lại cho con cháu tận hôm nay.
Theo Hai Miệt Vườn (Dân Việt)
toimedulich
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét