Ngồi bên gian bếp ấm áp ngày đông, nhìn cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn của bà con dân tộc nơi đây khiến chúng tôi không kìm nổi cảm xúc.
Khi những cơn gió lạnh đã bao trùm trên khắp nẻo đường vùng Tây Bắc, chúng tôi lại lang thang tìm về Hà Giang. Thời điểm chúng tôi đến, mùa hoa Tam Giác Mạch cũng đã hết, thay vào đó là những cánh đồng hoa Cải vàng rực rỡ giữa cái nắng le lắt của tiết trời đông.
Dường như dưới cái lạnh -2 độ C ở mảnh đất này không khiến chúng tôi cảm thấy khó khăn trong chuyến hành trình khám phá, chinh phục cột mốc 428 thuộc địa phận bản Xéo Lủng, xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, điểm xa nhất về phía bắc của Tổ Quốc.
Chúng tôi cứ đi mãi, đi mãi, thêm vài lần trèo qua ruộng bậc thang, chui qua những lùm cây lút đầu, chợt vỡ òa cảm xúc khi mốc 428 hiện ra ngay trước mắt với vẻ hiên ngang sừng sững một góc trời. Dulichgo
Đến với Hà Giang, chắc hẳn ai cũng đã từng một lần đặt chân tới núi Long Sơn, nơi có cột cờ quốc gia Lũng Cú uy nghi, trấn giữ cả một dải biên cương “vách sắt thành đồng “.
Tuy nhiên, ít ai biết rằng phía sau Lũng Cú còn có một mảnh đất nhỏ nhô ra phía dòng Nho Quế. Nơi đó dòng sông nước xanh biếc, quanh năm hiền hòa đổ vào đất Việt, ôm trọn mỏm đất cực bắc, chảy sang Mèo Vạc, Xín Cải và về đến Cao Bằng. Cột mốc 428 thiêng liêng ” ngự trị ” gần khu vực đó, được xác định là điểm xa nhất về phía bắc của Tổ Quốc. Dulichgo
Quãng đường gần 200 cây số, băng qua Cao nguyên đá Đồng Văn đồ sộ, nơi thì vút lên trời xanh, nơi thì sâu thăm thẳm đến rợn người, cuối cùng chúng tôi đã đến chân cột cờ Lũng Cú vào lúc 9h sáng, phóng tầm mắt để phân định rõ mảnh đất địa đầu Tổ quốc. Sự phân định có lẽ chỉ bằng cảm giác, chứ đất trời giữa hai bên đường biên thì chẳng khác gì nhau, cũng núi đá nhấp nhô, cũng khoảng trời xanh ngắt.
Từ chân Cột cờ Quốc gia, men theo con đường đi vào mốc 422 sẽ đến địa phận bản Xéo Lủng, xã Lúng Cú, Huyện Đồng Văn.
Nhắc đến bản Xéo Lủng nằm chơi vơi trên vách núi sát đường biên, nơi đây những nóc nhà người Mông đã trụ vững ở mảnh đất này từ lâu đời, trồng ngô, trồng màu và trở thành những người lính Biên phòng canh giữ mỏm đất cực Bắc thiêng liêng. Ngồi bên gian bếp ấm áp ngày đông, nhìn cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn của bà con dân tộc nơi đây khiến chúng tôi không kìm nổi cảm xúc.
Mốc 428 nằm cách bờ sông chừng 2km, nếu tính theo đường chim bay xuống đến mốc thì chỉ chừng không quá 500m.Thế nhưng, con đường đi xuống thử thách chân người trọn một buổi sáng. Dulichgo
Từ bản Xéo Lủng, đi bộ men theo con đường mòn cuối bản, qua những sườn núi xuống phía bờ sông Nho Quế, đường đi vòng quanh, liên tục xoay phải, xoay trái theo kiểu zích zắc. Nắng trên những triền núi đá càng khiến chúng tôi cảm thấy thấm mệt…
Cùng đi với chúng tôi, anh lính biên phòng kể ngày đường vào Bản Xéo Lủng chưa được làm, mùa mưa hay mùa khô, bộ đội vẫn đều đặn đi tuần qua bản Xéo Lủng.
Có những ngày tuyết rơi táp vào mặt, chân bị cước đau đớn nhưng vẫn phải bám chặt xuống đường đất đá. Ngay đêm giao thừa, Biên phòng cũng phải đi tuần dọc toàn tuyến, không bỏ một điểm mốc nào. Câu chuyện về phân giới cắm mốc, về những buổi tuần tra, gian nan giữ mốc 428 của anh trở thành động lực khiến đôi chân của chúng tôi xuống tận mốc thêm dẻo dai. Dulichgo
Từ mốc 428, nếu không đi xuống bờ sông mà đi vòng qua sườn núi sẽ gặp mốc 426, 427 nằm khuất phía bên kia sườn dốc. Ba mốc này là ba điểm quan trọng vẽ nên đỉnh cực Bắc của Việt Nam. Dulichgo
Kết thúc sau chuyến hành trình vất vả chinh phục cột mốc 428, chúng tôi nhận ra không phải dễ dàng mà mỏm đất nhìn ra dòng Nho Quế có được những màu xanh của rau, của ngô, trên màu xám xịt của đá Hà Giang.
Có những cột mốc bình yên vững chãi, người dân bản Xéo Lủng mới yên tâm ở lại, yên tâm xua ngựa qua những con đường mòn, yên tâm trồng ngô trồng rau trên vùng đất cằn. Tôi vẫn còn nhớ như in câu nói anh lính biên phòng nói rằng: “Giữ được dân thì sẽ giữ được chủ quyền”.
Thế đó, Cột mốc, đâu chỉ là một tấm bia đánh số. Để Tổ quốc được tính từ phía ấy, có rất nhiều người, nhiều đêm không ngủ, nhiều chuyến đi tuần qua mưa rét và băng tuyết vùng cao,…
Theo Dongvan.gov
toimedulich
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét