Miếu Lác - Ngôi miếu cổ thuộc làng Lác, xã Giang Biên, huyện Vĩnh Bảo tọa lạc trên một gò đất nổi cao hình “linh quy”, phía trước là dòng sông Luộc hiền hòa, hiện còn lưu giữ khá nhiều di vật lịch sử quý giá. Đây không chỉ là nơi sinh hoạt tín ngưỡng của người dân địa phương, mà còn được kỳ vọng phát triển thành điểm du lịch văn hóa tâm linh, tìm hiểu về cội nguồn.
Miếu Lác nằm ở vị trí đắc địa, mặt quay ra sông Luộc, với hướng nhìn ra phía Bắc – khá đặc biệt với các di tích đền, miếu ở nước ta. Căn cứ vào thần phả do dân làng lưu giữ và sao chép lại năm Gia Long thứ 3 (1804) cũng như trí nhớ các cụ cao lão trong làng, ngôi miếu có lịch sử rất lâu đời, thời Đại Đức nguyên soái Lương Toàn – vị tướng tham gia trận chiến lịch sử trên sông Bạch Đằng năm 1288.
< Khu Lăng mộ Đại Đức nguyên soái Lương Toàn.
Theo sử sách ghi, sau đại thắng quân Nguyên Mông, vua Trần mở tiệc mừng công tại phủ Thiên Trường, Lương Toàn được vua phong chức Thống lĩnh thủy bộ chư dinh tổng, quản nội ngoại bình phương quân vụ.
Tiệc tàn, Lương Toàn xin nhà vua về thăm lại quê hương, nhưng khi thuyền vừa về đến khúc sông quê, giông tố nổi lên, gió mưa dữ dội, sóng đánh ngập bờ, ngài và đoàn tùy tùng thác hóa tại khu vực sông Luộc, nay là khu vực chân cầu Qúy Cao. Khi ông mất, vua Trần phong chức Đại nguyên soái và truyền cho dân sở tại lập miếu phụng thờ. Còn hướng miếu nhìn ra phía Bắc có dụng ý nhắc nhở con cháu muôn đời luôn cảnh giác.
< Cuốn thư.
Nét cổ kính, rêu phong, tĩnh mịch của ngôi miếu được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia này thể hiện qua kiến trúc mái thấp được lợp bằng hai loại ngói mũi hài to, nhỏ đan xen nhau thường gặp trong các công trình kiến trúc thời Lê; tưởng hồi bổ trụ, giật tam cấp được xây bằng loại gạch vồ lớn có niên đại thế kỷ 17, 18.
Các bậc cửa được lát bằng đá xanh nguyên khối. Kết cấu nóc mái là giá đỡ lớn đứng vững trên bề mặt thân, xà nóc, dui, hoành. Độ bền của công trình và yếu tố thẩm mỹ của miếu được bảo đảm bởi hệ thống khung, cột gỗ lim bề thế, cùng những nét chạm trổ, điêu khắc tinh tế của đôi bàn tay những nghệ nhân xưa.
< Ngai thờ.
Cùng với kiến trúc uy nghiêm, miếu Lác còn lưu giữ nhiều đồ tế khí, di vật như long ngai, bài vi, mũ thờ, giày thờ… có niên đại thế kỷ 18 đến đầu thế kỷ 20. Tiêu biểu phải kể tới chiếc sập thờ bằng đá khối có niên đại thế kỷ 19. Sập kiểu “chân quỳ dạ cá” cao 0.7m, dài 1.4m, rộng 0.8m, thân sập chia làm hai diềm trang trí nổi; diềm trên trạm “lưỡng long chầu nguyệt”, hình âm dương, chung quanh là các hình hoa có 4 cánh; diềm dưới chạm đồ bát bửu gồm pho sách, cuốn thư, lẵng hoa, bầu rượu, đàn tỳ bà… Chân quỳ tọa hình xoắn ốc, khúc lồi tại mặt rồng ngậm lá cúc dài.
Bên cạnh đó, miếu hiện còn lưu giữ 6 bản sắc phong cổ từ các đời Trần, Lê, Mạc, Nguyễn cùng 2 tấm bia đá có niên hiệu Chính hòa năm 1701 và Bảo Đại 1940, được chạm khắc cầu kỳ, tinh xảo, độc đóa. Theo Ban Quản lý Di tích miếu Lác, nhiều đoàn nghiên cứu tìm hiểu về miếu đều khẳng định đây là 2 tấm bia có trang trí rất độc đáo, hiếm gặp. Ban thờ của miếu bày đôi hạc cổ với những nét chạm khắc rấy tinh xảo, chiếc mỏ hạc hướng vút lên cao, cổ hạc được trang trí hình vẩy rồng, đôi cánh mô tả hình cánh phượng như thể hiện ước mơ, cầu trường thọ, sự phù trợ vĩnh tồn của thần thánh với người dân nơi đây. Trước cổng là đôi voi phục có niên đại từ xa xưa, vẻ cổ kính, rêu phong cùng năm tháng. Dulichgo
Theo trí nhớ của các cụ cao niên trong làng, vào đầu năm 1954 trong khi đào đất đắp đê gần miếu, nhân dân tìm thấy gần 20 ngôi mộ chum được cho là lăng mộ của Lương Toàn và các quân sĩ trong đoàn tùy tùng gặp nạn năm xưa. Sau đó, người dân tổ chức an táng các ngôi mộ chum phía sau hậu cung của miếu. Từ đó, nơi đặt mộ chum mọc lên vườn trúc quanh năm xanh tốt, tỏa rợp bóng mát.
Miếu Lác với lịch sử hơn 700 năm tồn tại, không chỉ là địa chỉ sinh hoạt tín ngưỡng uy linh của người dân địa phương. Bà Minh, Trưởng ban Hộ tự miếu cho biết: giá trị của ngôi miếu không chỉ lưu giữ được nhiều di vật quý mà ngôi miếu còn là nơi học tập, tham quan, vãn cảnh của thanh thiếu niên trong xã và cùng lân cận, cũng như du khách thập phương. Từ ngôi miếu cổ này nhiều bài học lịch sử sống động được khơi dậy, truyền lại cho các thế hệ trẻ, giúp họ hiểu hơn về truyền thống đấu tranh dựng nước của ông cha. Hằng năm, vào dịp lễ hội dân làng tổ chức tế thần, thi đánh cờ, hát chèo, hát chầu văn. Miếu cũng là nơi các cụ cao tuổi trong làng họp bàn những việc quan trọng của địa phương; tổ chức chúc thọ người cao tuổi, khen thưởng học sinh giỏi hằng năm…
Theo Haiphong.gov
toimedulich
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét