Thứ Sáu, 6 tháng 2, 2015

Bánh tráng Sa Rài (Tân Hồng)

Đồng bằng sông Cửu Long, vùng đất phù sa màu mỡ từ hàng trăm năm trước đã in dấu chân của cộng đồng người Quảng đến khẩn hoang lập nghiệp. Dù xa quê, nhưng nhiều cộng đồng Quảng Nam – Đà Nẵng nơi đây vẫn lưu giữ những giá trị văn hóa và bản sắc, cốt cách xứ Quảng.

Ấy vậy nên khắp ấp 1, 2, 3 thị trấn Sa Rài (Tân Hồng, Đồng Tháp) những ngày này trắng màu bánh tráng. Ở thị trấn được xem là “toàn người Quảng” ấy, bà con bắt đầu tráng bánh và tết đang xôn xao…

Nhà bà Trần Thị Năm (ấp 1, thị trấn Sa Rài) mấy hôm nay cứ đỏ bếp từ 4 giờ sáng. Bình thường mỗi ngày tráng 20kg gạo bánh, mấy hôm nay ngày nào bà cũng tráng cả 70kg, có ngày lên đến 100kg.

Bà cho biết, dân Quảng ở đây ai cũng tráng bánh được nên sản phẩm làm ra không phải cung cấp cho dân trong vùng mà mang lên Sài Gòn hay đưa đi mấy tỉnh miền Tây để bán. Bà Năm tâm sự: “Thời buổi này, không chỉ người Quảng mình mới ăn bánh tráng vào dịp tết mà người Nam cũng rất thích. Dulichgo

Vậy nên, khoảng 3 năm trở lại đây, cứ vào thời điểm chuẩn bị gần sang tháng chạp là làng trên xóm dưới ở đây nhộn nhịp xay bột, tráng bánh ngày đêm. Bánh tráng Quảng Nam mình thường chỉ có mè đen và chút gia vị thôi, và tui cũng tráng y theo công thức đó chứ không thêm thứ gì vào hết. Có điều, bánh tráng tết phải để dành lâu nên cần phải tráng chuẩn và phơi đủ nắng”.

Những ngày này, dạo khắp ấp ở Sa Rài, nhà nào cũng chất đầy trấu và gạo và… bánh tráng. Vợ chồng ông Trần Văn Ninh (ấp 2) mấy hôm nay cũng thức dậy từ sáng sớm đếm bánh, cột bánh đến tận đêm khuya. Có 2 đứa con gái đều theo nghề của cha mẹ, nên đến tháng chạp dù tuổi đã cao nhưng ông bà cũng xắn tay áo phụ giúp con.

Vừa nhanh tay cột bánh, ông Ninh móm mém cười nói: “Cả đời làm nghề tráng bánh nên cứ đến tết là thấy nhớ nôn nao. Hồi xưa ở quê, tháng giáp tết là phải canh từng ngày vì thời tiết ngoài đó hay mưa lạnh. Bây chừ ở đây khỏe hơn, trời nắng to, nắng đẹp nên tráng bánh sướng lắm. Bà con ở đây toàn làm nghề này, cứ hối hả tráng bánh, phơi bánh là thấy vui và rất ý nghĩa. Cả ấp nhộn nhịp cả lên, nhà nào cũng thơm nức mùi bột gạo. Sáng sớm trời se se, dậy nhen bếp lửa, uống ấm trà là thấy nhớ quê chi lạ”.

Cộng đồng người Quảng Nam sinh sống ở thị trấn Sa Rài (Tân Hồng) đã tạo dựng nếp nhà đậm chất Quảng, khi tỷ lệ người Quảng chiếm đến 8.500 trong tổng số 10.000 dân. Và tráng bánh, nghề mang theo từ thuở di dân đi kinh tế mới, đến nay đã trở thành nghề truyền thống được người miền Tây ưa chuộng. Ông Lê Văn Phi - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Sa Rài cho biết phần lớn người dân ở đây sống bằng nghề tráng bánh và nông nghiệp, số gia đình làm bánh tráng rất nhiều và đó là đặc trưng của vùng này. Dulichgo

Sau thời gian nghiên cứu và tìm hiểu nguyện vọng của bà con, chính quyền thị trấn quyết định thành lập Làng nghề truyền thống bánh tráng Sa Rài. Đây cũng là định hướng và mục tiêu phát triển kinh tế của địa phương. “Nghề tráng bánh không chỉ đem lại công ăn việc làm, thu nhập của người dân mà còn là một nét văn hóa ẩm thực đặc biệt của người Quảng Nam đem vào miền Tây Nam Bộ. Chúng tôi đã và đang cố gắng hết sức mình để bảo tồn và phát triển nghề truyền thống này theo hướng thị trường, nhưng vẫn giữ nguyên bản sắc Quảng” - ông Phi khẳng định.

Những ngày này thị trấn Sa Rài đẹp lắm. Mái nhà nào cũng có khói lam bốc nhẹ, những mành mành với bánh tráng tròn vạnh phơi khắp các con đường. Đây cũng là mùa người Quảng ở Sa Rài được… lên phim nhiều nhất khi ngày nào cũng có những đoàn làm phim về quay làng nghề truyền thống đặc biệt này.

Chị Lê Thị Tư (người gốc Tam Kỳ) khoe: “Ai cũng khen dân Quảng mình có duyên ngầm, ngồi tráng bánh tết mà nghe sướng cái tai. Hai năm nay, năm nào tui cũng được phỏng vấn, cũng được lên hình trên ti vi. Mà công nhận, cái bánh tráng ngó rứa chứ đưa lên phim đẹp lắm! Ngồi xem Sa Rài trên ti vi lại cứ tưởng đang xem bà con ở Quảng Nam đang làm bánh tết. Nhớ quê lắm!”. Dulichgo

Ở Sa Rài thời điểm cuối năm, nhiều người già đang cùng con cháu tráng bánh tết mà hồn lại nhớ quê xứ của mình. Rồi họ ước chi được trở về quê ăn tết năm nay… Thôi thì cứ tráng bánh, cứ nhen bếp trấu lên mà ngồi cơi đống tro cho đỡ nhớ quê.

Theo Minh Kiệt (Báo Quảng Nam)
toimedulich

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét