Thứ Hai, 2 tháng 2, 2015

Chợ nổi Vĩnh Thuận

Sông nước là đặc thù của miền Tây, vùng đất của hàng ngàn dòng sông, cửa sông đan xen, gắn với đó là cảnh sinh hoạt mua bán, trao đổi hàng hóa ở chợ nổi. Không vùng nào có nhiều chợ nổi như Đồng bằng sông Cửu Long, trong số đó phải kể đến chợ nổi Vĩnh Thuận (Kiên Giang).

Chợ nổi Vĩnh Thuận mang nét đặc trưng trên bến dưới thuyền sông nước miền Tây. Chợ nổi lênh đênh nhưng lúc nào ghe xuồng cũng tấp nập, tập trung nhiều địa phương khác nhau như Cà Mau, Hậu Giang, Sóc Trăng và Cần Thơ về đây buôn bán, trao đổi hàng hoá.

< Cả gia đình cùng ra chợ bán hàng.

Cũng như nhiều chợ nổi khác, chợ nổi Vĩnh Thuận nhóm họp đông nhất vào buổi sáng. Ngồi trên chiếc xuồng ba lá len lỏi giữa chợ họp trên sông đông vui, tấp nập, du khách sẽ cảm nhận không khí trong lành, thư thái; ngẫu hứng thưởng thức món bún mắm thơm ngon đậm đà trên sông nước, ngắm nhìn những chiếc thuyền chở đầy rau quả, trái cây, vừa nghe tiếng xuồng máy rẽ sóng…

< Nét duyên con gái miền sông nước.

Đặc thù của Miệt Thứ là người dân sống trong những con kênh, rạch nhỏ, vì vậy hàng hóa được vận chuyển bằng xuồng, vỏ lãi và chọn con sông Vĩnh Thuận làm nơi họp chợ. Từ đây họ đem ngược vào các kênh, rạch rao bán. Vì thế, chợ nổi Vĩnh Thuận không rao mời, cũng không treo hàng lủng lẳng trên mũi ghe, bởi đa số người bán hàng là chủ vườn, chủ rẫy, họ trồng gì bán nấy, nên giá cả cũng phải chăng. Dulichgo

< Đa số người bán hàng là chủ vườn, chủ rẫy, họ trồng gì bán nấy. Người dân ở các điểm chợ lân cận đến mua hàng về bán lại, bởi giá bán ở đây rất “mềm”. Có xuồng không trực tiếp chào bán mà bán lại cho vựa trên bến.

Nơi đây hầu như lúc nào cũng đông đúc, nhưng nhộn nhịp nhất là từ sáng cho đến trưa, chiều về thì các xuồng, vỏ nhỏ sẽ tan, chỉ còn lại những ghe lớn vùng Hậu Giang, Sóc Trăng và Cần Thơ neo đậu lại. Dulichgo

< Những ghe lớn từ Hậu Giang, Sóc Trăng và Cần Thơ neo lại lâu hơn vì có lượng hàng lớn và thường có treo “bẹo” (treo những món hàng hóa bán trên ghe).

Qua bao đời nay, các chợ nổi vẫn giữ nguyên nét sinh hoạt đặc trưng này. Hiện nay, các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang khai thác chợ nổi, làm điểm tham quan du lịch hấp dẫn - nét văn hóa đặc trưng của vùng kinh tế trọng điểm Tây Nam Bộ. Đi thăm chợ nổi đã trở thành một tuyến du lịch hấp dẫn du khách gần xa.

Theo Báo Ảnh Đất Mũi
toimedulich

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét