Thứ Tư, 17 tháng 12, 2014

Xao xuyến biển Hòn Chông

(QĐND) - Nhiều du khách miền Bắc hẳn sẻ chia với tôi cảm xúc ngỡ ngàng khi lần đầu thấy biển miền Tây. Cảm xúc ấy cứ nhân lên theo từng ki-lô-mét đường giáp biển mà tôi đi qua, suốt từ miền Hà Tiên cho tới vịnh Hòn Chông. Chúng tôi dừng chân thăm hòn Phụ Tử trong khu du lịch Chùa Hang (xã Bình An, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang). Cái cảm xúc ngỡ ngàng đã dâng lên bất tận và chuyển thành một niềm xao xuyến khó tả.

Cảnh biển đẹp như một bức tranh thủy mặc. Biển như lẫn vào trời. Những cánh cò trắng muốt bay phất phơ trên những hòn non nước tạo nên một bức tranh quê thanh bình mà tráng lệ. Đất tràn căng sức sống. Tưởng như mỗi kẽ đá cũng có thể nứt ra những mầm cây. Đủ loại cây cỏ xanh um ào ào lấn biển. Cây xem thường bờ cát mặn mòi kia, xem thường cả sóng, cả gió, cả vị biển mặn mòi để leo ra xa mãi cuối chân trời.

Những hòn Phụ Tử, hòn Nhum Bà, hòn Rễ, hòn Chông… đứng như những bức tường đá chắn biển mà cũng bị các loài cây “xâm lăng” phủ nên màu xanh um. Chẳng cần phải có tâm hồn nghệ sĩ người ta mới muốn vung tay vẽ lên bức tranh phong cảnh tuyệt đẹp này.

Mải mê ngắm biển, mải mê trong cơn mộng mị khát khao thoát tục đó, bỗng ta nghe tiếng chuông chùa ngân vang trong gió. Tiếng tụng kinh của một vị cao tăng đắc đạo đều đều, chầm chậm, không vui, không buồn, khiến bao nhiêu dục vọng như tan biến vào hư không. Tiếng chuông và tiếng kinh đó vọng ra từ chùa Hang. Chùa Hang có tên chữ là “Sơn Hải Tự”. Chùa nằm ngay trong lòng núi đá. Có một cửa hang mở ra ngay sát bờ biển.

Theo cửa hang này đi vào không gian trong lòng núi cứ rộng mãi ra, chừng xây lọt được cả một căn nhà năm gian vào giữa. Song, trong không gian kỳ lạ đó, các nhà tu hành chỉ cải tạo chút ít để đặt bệ thờ, và một chút để phục vụ cho các hoạt động tín ngưỡng. Những thứ vật chất thiết yếu dành cho sinh hoạt đời thường không có ở đây. Nền hang ẩm ướt, thi thoảng nhô lên những ngọn măng đá. Vòm hang trút xuống những giọt “cam lộ” tí tách nhưng điều đó không khiến khách hành hương mảy may bận tâm. Không gian chùa Hang như bị cô đặc, qua chút ánh sáng yếu ớt của những ngọn đèn vàng có thể thấy những làn khói hương rất mỏng bay ngang lững lờ. Chùa Hang có hệ thống tượng thờ rất đặc trưng của dòng Tiểu Thừa-Nam Tông, có từ thế kỷ thứ 18. Chùa Hang được xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1989. Dulichgo

Ra khỏi không gian chùa, du khách có thể tham quan ngay một khu chợ nhỏ bán đủ các món quà vặt bình dân, cho tới đồ lưu niệm, hàng thủ công mỹ nghệ đặc sản địa phương. Dạo chợ chùa Hang, người ta dễ gặp và cũng dễ chạm tay vào cuộc sống của người dân địa phương với đủ thứ để thưởng thức như bánh ít, tàu hũ, bánh thốt nốt, đường thốt nốt và những thứ để tặng bè bạn, người thân như hạt cườm, vỏ ốc, hoa tai, vòng xuyến… Cảnh vật tươi đẹp của biển trời miền Tây, tấm lòng hồn hậu khoáng đạt của người miền Tây như hội tụ tại đây để lưu luyến bước chân du khách.

Theo Lê Đông Hà (Quân Đội Nhân Dân)
toimedulich

Hòn Chông (thuộc địa bàn xã Bình An, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang) là một địa chỉ thu hút đông đảo khách du lịch không kém gì Hà Tiên thập cảnh. Cùng với đảo Hòn Trẹm và đảo Hòn Phụ Tử, núi Hòn Chông là một trong những cảnh đẹp của danh thắng Ba Hòn nổi tiếng ở đất Kiên Lương.

Khu Văn hoá - Lịch sử Hòn Chông đã được thành lập từ năm 1986 với diện tích 3.000 ha. Năm 1995, Bộ Lâm nghiệp Việt Nam phê duyệt dự án đầu tư cho khu Văn hoá - Lịch sử Hòn Chông. Ngoài núi Hòn Chông, quần thể du lịch này còn bao gồm nhiều cảnh đẹp khác như chùa Hang, bãi Dương, hang Giếng Tiên...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét