(QNĐT) - Cổ Lũy cô thôn (Cổ Lũy thôn côi) là một trong mười hai danh thắng của tỉnh Quảng Ngãi. Đây là một cảnh đẹp hiếm thấy, hội đủ các yếu tố sông biển, núi non, làng mạc. Xa ồn ào nhân thế mà không dứt bỏ cõi đời. Ở nơi quạnh vắng nhưng chẳng để mình đơn độc. Hòa vào thiên nhiên mà không chìm khuất, u trầm.
Tên gọi Cổ Lũy liên quan mật thiết đến địa danh Cổ Lũy động - danh xưng mà người Việt dùng để chỉ vùng đất của vương quốc Chăm nằm ở phía nam châu Amaravati, nay là tỉnh Quảng Ngãi. Sử cũ nước ta nhắc đến một cửa biển ở vùng phủ Tư Nghĩa thuộc Đạo thừa tuyên Quảng Nam có tên Chiêm Lũy lịch môn 占 壘 歷 門. Tên gọi nầy hàm nghĩa đây là cửa biển của vùng Chiêm Lũy động.
< Cổ Lũy Nam (Tư Nghĩa).
Năm 1402, người Chăm giao Chiêm động (nay là tỉnh Quảng Nam), và Chiêm Lũy động (phía bắc Quảng Ngãi) cho nhà Hồ. Sông Trà Khúc và Chiêm Lũy lịch môn (cửa Đại Cổ Lũy) có lẻ là ranh giới giữa 2 quốc gia Việt Chiêm sau sự kiện nói trên.
Các nhà nghiên cứu cho rằng sở dĩ Chiêm Lũy trở thành Cổ Lũy trong các tài liệu về sau, rất có thể do nhầm lẫn tự dạng giữa hai chữ (Hán tự) Chiêm 占 và Cổ 古. Dulichgo
< Mũi Cổ Lũy.
Ở vùng cửa sông Trà Khúc (cửa Đại Cổ Lũy), bên hữu ngạn có núi Cổ Lũy (núi Phú Thọ, núi Đá, Thạch Sơn) và thôn Cổ Lũy (nay chia thành thôn Cổ Lũy Bắc và thôn Cổ Lũy Nam) thuộc xã Nghĩa Phú, huyện Tư Nghĩa. Cũng tiếp giáp với cửa Đại Cổ Lũy, bên tả ngạn là thôn Cổ Lũy thuộc xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh.
Quả thật là điều thú vị, Cổ Lũy bên bờ bắc và Cổ Lũy bên bờ nam đều là những làng quê rợp bóng dừa, bóng dương, vây bọc chung quanh là sông, biển, lạch, chằm. Người dân ở cả hai làng đều sống bằng nghề đánh cá và đặc biệt là nghề dệt chiếu cói nổi tiếng ở Quảng Ngãi:
Ai về Cổ Lũy, xóm Câu
Nhớ mua đôi chiếu đón dâu về làng.
Ai bảo “Giúp em đôi chiếu em nằm” chỉ là chuyện nhỏ? Cổ Lũy, xóm Câu là tên gọi có cả ở hai bờ, biết rẽ ngã nào mà chọn chiếu cho vừa lòng bậu đây?
Nhưng không chỉ chàng- trai- ca- dao bối rối đi tìm Cổ Lũy. Nhiều sách vở, tài liệu chính thức của hai huyện Sơn Tịnh và Tư Nghĩa cùng khẳng định Cổ Lũy cô thôn nằm ở địa phương mình. Ấy là chưa kể cơ man những bài viết có tên và không tên, công phu thì ít quay cóp thì nhiều trên báo in, báo mạng thời nay. Mà kỳ thực, cảm nhận về một cô thôn, lãng đãng trời mây sông nước, đẹp như bức tranh thủy mặc, khó mà nói là chỉ riêng ở bờ bắc hay ở bờ nam.
< Những thắng cảnh tuyệt tác ở Cổ Lũy Cô Thôn.
Sách Quốc Văn Giáo Khoa Thư thuật chuyện một người đi du lịch đã nhiều nơi, hôm về nhà, có người bạn hỏi:
- “Ông đi du sơn du thủy, thể tất đã trông thấy nhiều cảnh đẹp. Vậy ông cho ở đâu là thú hơn cả ?”.
Người du lịch đáp lại rằng:
- “Cảnh đẹp mắt tôi trông thấy đã nhiều, nhưng không đâu làm cho tôi cảm động, vui thú bằng lúc trở lại chốn quê hương, trông thấy cái hàng rào, cái tường đất cũ kỷ của nhà cha mẹ tôi. Từ cái bụi tre ở xó vườn, cho đến con đường khúc khuỷu trong làng, cái gì cũng gợi ra cho tôi những mối cảm tình chứa chan, kể không sao xiết được”.
Chỉ một làng quê Việt bình thường mà đã vậy, huống hồ là thắng cảnh kỳ thú như Cổ Lũy cô thôn, hỏi sao không đáng tự hào. Nhưng dẫu sao cũng phải đến lúc để tình cảm quê hương lắng xuống rồi vin vào lý trí mà theo dấu Nguyễn Cư Trinh đi tìm “Cổ Lũy cô thôn”.
Thử bắt đầu từ sách Đại Nam nhất thống chí do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn. Quyển thứ X – tỉnh Quảng Ngãi, mục Cửa quan và tấn sở, sách nầy chép: “Tấn Đại Cổ Lũy: Ở cách huyện Chương Nghĩa 17 dặm về phía đông bắc, của biển rộng 230 trượng, thủy triều lên sâu 14 thước, thủy triều xuống sâu 10 thước, phía nam là cửa biển lớn; nước sâu, cạn tàu thuyền đều do đấy; phía bắc là cửa biển nhỏ, tàu thuyền không thông. Có đặt thủ ngự và hiệp thủ, lại lấy dân phụ lũy sung việc trú phòng.
< Cửa biển Cổ Lũy.
Lại thôn Cổ Lũy, phía đông bắc dựa ven bờ biển, phía tây nam là giáp chỗ giao lưu của sông Vệ và sông Trà, cách xa làng xóm, trông như ở trong khói nước lờ mờ, là một trong “Mười cảnh Quảng Ngãi” đề là “Cổ Lũy cô thôn”. Dân địa phương làm nghề dệt chiếu và đánh cá.” (Đại Nam nhất thống chí; nxb Thuận Hóa; 1992; trang 433).
Còn sau đây là trích thuật từ sách Quảng Ngãi tỉnh chí (Tuần vũ Quảng Ngãi Nguyễn Bá Trác chủ trương; đăng trên Nam Phong tạp chí; 1933): “Cổ Lũy cô thôn là chỉ một làng nhỏ ở một mình bên cửa Cổ Lũy, nếu leo lên Thạch Sơn thì mới thấy phong cảnh đẹp”.
Thêm nữa là một nhà biên khảo đáng tin cậy, ông Phạm Trung Việt, trong sách Non nước xứ Quảng: “Cổ Lũy cô thôn (thôn Cổ Lũy hiu quạnh) thuộc ấp Cổ Phú, xã Tư Hiền quận Tư Nghĩa, đông bắc dựa biển, tây nam giáp cửa biển Lớn tục gọi Đại Cổ Lũy. Xưa kia Cổ Lũy ở trên cửa sông Trà là một đồn phòng thủ kiên cố của Chiêm Thành. Sau khi người Chiêm nhường đất thì quân Việt đóng, dùng Cổ Lũy làm trụ sở hành chánh. Khi trụ sở dời đi thì đồn bị bỏ hoang.
Hiện nay Cổ Lũy là một thôn nhỏ, dân cư làm nghề đánh cá, cửa biển xa làng mạc. Phong cảnh như một vùng khói lờ mờ, êm đềm vắng vẻ nên được vịnh là Cổ Lũy cô thôn. Khi sương thu mờ nhạt, bóng hoàng hôn vây phủ, xa trông thôn Cổ Lũy như phong cảnh bức cổ họa “ Ngư thôn tịch chiếu” trong Bát cổ Tiêu Tương của đời Tống bên Tàu”.
< Cổ Lũy – sông Kinh (Sơn Tịnh).
Miêu tả khá cụ thể của Phạm Tiên sinh rất gần với bài thơ Nôm “Vịnh Cổ Lũy cô thôn” của Nguyễn Cư Trinh:
Giặc giã đời mô đã dẹp rồi
Lũy xưa còn đắp xóm mồ côi.
Đá xây quanh quất theo bờ biển,
Người ở cheo leo dưới cửa lồi.
Trông thấy thuyền tình ba bốn phía,
Vẳng nghe trống giục một đôi hồi.
Hỏi thăm tạo hóa bao giờ đó
Thạch trận về đây mới đắp bồi.
Thiết tưởng những trích dẫn trên đây đã có thể thay cho một lời kết luận về địa chỉ chính xác của Cổ Lũy cô thôn mà cổ thư nhiều lần nhắc đến.
Song, vốn dĩ sự đời, nói qua rồi cũng phải nói lại mới thấu được trước sau. Cổ Lũy – Tịnh Khê dẫu không phải là “xóm mồ côi” trong thơ Đạm Am nhưng với rừng dừa, sông Kinh, cửa Đại, đây lại là một miền quê đẹp đến mê hồn. Chẳng thế mà Tuy Thạnh quận công Trương Đăng Quế khi về trí sỹ đã thốt lên đầy tự hào “Nhất Huế, nhì đây!”
Theo Lê Hồng Khánh (Báo Quảng Ngãi)
toimedulich
Tìm về Cỗ Lũy Cô Thôn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét