Có những con đường gắn liền với từng mốc son quan trọng trong lịch sử. Có những cung đường đèo gánh cả sức nặng của tình người, của sự hy sinh, của những chiến tích anh hùng qua thời gian. Một trong số đó là đèo Pha Đin huyền thoại nằm trên quốc lộ 6 chạy dọc các tỉnh phía Tây Bắc Việt Nam. Khi nghĩ về con đèo dài 32km, được mệnh danh là một trong sáu đèo ấn tượng nhất Việt Nam.
Thách thức lòng dũng cảm và máu phiêu lưu
Từ Hà Nội, nếu không đi bằng đường hàng không, chắc chắn chúng ta phải ngược quốc lộ 6, qua Hòa Bình, Sơn La tới lòng chảo Điện Biên, nơi ghi dấu chiến thắng lịch sử "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu" năm 1954.
Đặc điểm địa hình khiến cung đường hiểm trở với nhiều khúc quanh ngoằn ngoèo, thử thách bản lĩnh cầm lái của bao người. Thế nhưng, đoạn đèo Pha Đin nối hai tỉnh Sơn La và Điện Biên qua hai huyện Thuận Châu và Tuần Giáo là cung đèo cân não nhất với cả những tay lái xe đường dài lâu năm qua con đường này.
Xưa, ai đó mỗi lần qua đây đều ám ảnh bởi sự heo hút không bóng người qua lại, bởi những câu chuyện "thổ phỉ" có thật. Nay, người ta vẫn không khỏi "gai người" khi nghĩ đến khoảng thời gian vượt dốc, đổ đèo với những khúc quanh tay áo, những đoạn cua chữ A, chữ Z, độ dốc trung bình là 10%, cao nhất có đoạn cục bộ dốc tới 17, 18%, độ nghiêng của mặt đường có thể khiến bánh xe bị lật lúc nào không biết, nhất là những container.
Đỉnh đèo được người dân khắp vùng gọi là cổng trời. Xuất xứ tên đèo bắt nguồn từ tiếng Thái, gọi là Phạ Đin nghĩa là trời đất. Người ta cho rằng nơi đèo heo hút chỉ có gió mây vần vũ quanh năm với núi rừng đại ngàn ấy là nơi giao thoa giữa trời và đất. Chẳng thế mà bao người tin rằng chạm đến cổng trời Pha Đin mà dừng chân đứng lại nhìn khắp bốn phương với trời xanh mây trắng và nguyện ước một điều gì đó tốt đẹp thì mọi chuyện sẽ được như ý muốn?!
Người dân hai tỉnh Lai Châu và Sơn La sống ở khu vực quanh đèo đã có nhiều cuộc xô xát, tranh chấp quyền "sở hữu" cổng trời. Tranh chấp xảy ra nhiều năm liền, bất phân thắng bại. Cả hai bên đều không chịu lùi bước, cuối cùng họ đành xử hòa bằng cách tổ chức một cuộc đua ngựa ngay trên đường đèo.
Ngựa của Sơn La và Lai Châu cùng xuất phát từ hai điểm được cho là cuối chân đèo. Khi hai đoàn ngựa gặp nhau ở một điểm sẽ là ranh giới. Ngựa bên nào chạy nhanh hơn thì bên đó được sở hữu phần đèo dài hơn. Kết thúc cuộc thi, phần cổng trời đã thuộc về tỉnh Lai Châu (nay thuộc Tuần Giáo, Điện Biên) vì ngựa Lai Châu đã chạy được 2/3 đường đèo.
Ông Nguyễn Văn Hùng (SN 1930) ở Việt Hùng, Quế Võ, Bắc Ninh, một trong những bộ đội chủ lực của trận đánh lịch sử năm 1954 tại Điện Biên Phủ kể lại: "Đèo Pha Đin ngày đó đâu có nhựa trải phẳng như bây giờ. Đường đèo là đường được kết bằng những đoàn người hành quân và vận chuyển vũ khí, đạn dược. Tôi đã đôi lần trở lại chiến trường xưa bằng ô tô, đi dọc con đường 6 mà ngạc nhiên quá. Thời chúng tôi, đường chỉ là những lối mòn”.
Không muốn rời đèo vì thích "ngủ với mây"
Lần này, ngược Điện Biên, tôi cùng bạn đồng hành chọn phương tiện là xe máy để thử cảm giác "phượt" cung đèo của lịch sử. Quốc lộ 6 ngày nay đoạn đèo Pha Đin đã được Nhà nước đầu tư xây dựng lại thấp và to, đẹp, bớt hiểm trở hơn cũ. Thường chỉ có khách du lịch hoặc dân "phượt" mới can đảm chọn đường đèo cũ để thỏa chí phiêu lưu mạo hiểm. Tưởng rằng qua đèo sẽ chỉ có mình đối diện với đá với núi và "ngửi mây" miễn phí, nhưng tôi đã lầm. Người Thái đã có mặt và sinh sống dọc hai bên đường khu vực đỉnh đèo, xua đi cảm giác lạnh lẽo, heo hút của nơi đất trời hòa quyện. Những ngôi nhà tưởng lúp xúp, tạm bợ ngay ven đường đèo lại ẩn chứa trong nó nghị lực sống kiên cường. Dulichgo
Một phần vì mệt mỏi sau chặng đường dài, một phần vì tò mò với ngôi nhà sàn nhỏ nhắn, đơn sơ dựng ngay ven đường theo kiểu của dân tộc Thái, chúng tôi táp xe dừng lại bắt chuyện. Phải mất một lúc sau, sự bất đồng ngôn ngữ của chúng tôi mới được giải tỏa qua vài câu nói "trọ trẹ" của người phụ nữ. Thì ra họ đều không nói được tiếng Kinh, chỉ có bà Cà Thị Kỉn (SN 1963) là biết nói đôi ba câu vì xưa ở quê, bà có tiếp xúc với khá nhiều người Kinh.
Được biết, bà là người Thái gốc ở Phong Xa Lì của Lào. Sau cuộc chiến Điện Biên Phủ, mẹ bà lấy chồng Việt Nam nên chuyển sang Sam Mứn sinh sống. Sau này, khi chọn chồng bà vẫn theo mẹ chọn đàn ông Thái. Bà tâm sự: "Đàn ông Thái chăm chỉ cần cù và thương vợ lắm". Cuộc sống tuy không giàu có nhưng cũng đủ ăn, đủ tiêu. Rồi một lần có việc gia đình, hai vợ chồng bà đi qua Sơn La thăm họ hàng. Đến vùng đèo thiêng này, thấy trời đất giao hòa, khí trời thanh sạch thì ông bảo bà: "Hay vợ chồng mình chuyển lên đây sống nhé".
Chẳng hiểu sao, bà cũng đồng ý. Họ dọn lên đây sinh sống trong sự ngạc nhiên và không ít lời chỉ trích của bà con họ hàng dưới quê. Người ta bảo vợ chồng bà bị hâm. Nhưng hơn ai hết, bà hiểu chồng mình. Chồng bà đã từng có một thời lầm lỡ đi theo sự cám dỗ của "cái chết trắng". Sau này, thương vợ, yêu con nên ông đã quyết tâm và dứt bỏ được con đường cũ. Nhưng ở quê, nhiều người vẫn không từ bỏ lỗi lầm. Chính vì thế, ông quyết tâm rời bỏ quê hương để mãi mãi tránh xa "con ma" thuốc phiện.
Có lần tôi hỏi, ông ấy chỉ cười bảo: Tôi thích "ngửi gió" đỉnh trời và "ngủ với mây" rồi, coi như không cần ngủ với vợ hai nữa. Nếu bà không chịu được cảnh sống buồn thì bà cứ về quê với gia đình, thỉnh thoảng lên thăm tôi. Tôi sẽ không lấy ai khác ngoài bà".
Hôm nay, chồng bà có việc về quê, bà ở nhà một mình nên gọi những người hàng xóm qua chơi. Nói là hàng xóm, nhưng nhà họ cách nhau cả vài cây số ở trên đỉnh đèo này. Dù vậy, với họ, càng heo hút, càng muốn gắn bó để xích lại gần nhau. Nhờ những con người như họ mà con đèo Pha Đin huyền thoại đã khoác lên mình sức sống mới, sức sống của tình người nơi rẻo cao.
Theo Dương Thu (Người Đưa Tin)
toimedulich
Đèo Pha Đin hay Dốc Pha Đin là đèo núi có độ dài 32 km nằm trên quốc lộ 6, một phần thuộc xã Phỏng Lái, huyện Thuận Châu tỉnh Sơn La và một phần thuộc xã Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên. Điểm khởi đầu của đèo cách thị xã Sơn La về phía Tây 66 km còn điểm cuối của đèo cách thành phố Điện Biên khoảng 84 km.
Đèo Pha Đin nổi tiếng đẹp và nguy hiểm. Con đường đèo liên tục những cua dốc dựng đứng và cua tay áo suốt 32km chiều dài. Từ Tuần Giáo đến Thuận Châu là đoạn đèo khó khăn nhất, đang được mở rộng và ăn sâu vào núi. Dưới chân đèo còn lác đác vài bản, lên gần đến đỉnh đèo thì hầu như không còn bản làng nào nữa.
Tuy nhiên, từ năm 2006 đến năm 2009: dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 6 đoạn Sơn La-Tuần Giáo với tổng mức đầu tư hơn 1.165 tỷ đồng đã hoàn tất. Tuyến đường tránh đèo Pha Đin được xây dựng bám theo sườn núi các đỉnh đèo phụ phía trái quốc lộ 6 cũ, có độ cao khoảng 1.000m (thấp hơn đèo Pha Đin 200-400m), đã khiến xe cộ ít lưu thông qua cung đường qua đèo Pha Đin và con đèo chỉ còn phù hợp với khách du lịch ưa mạo hiểm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét