Thứ Sáu, 26 tháng 12, 2014

Chùa Đồng Thiện ở Hải Phòng

Chùa Đồng Thiện (tên chữ là Hải Ninh tự) nằm trên địa bàn phường Vĩnh Niệm, quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng. Theo tục truyền và nội dung văn bia thì chùa Đồng Thiện được xây dựng vào những năm 30 do Hội đồng thiện đứng chủ hưng công.

Công việc thiện tâm này của Hội đồng thiện được sự hưởng ứng của đông đảo tín đồ, thiện nam, tín nữ trong nước. Hội đồng thiện tỉnh Bắc ninh đã quyên cúng cho việc làm tình nghĩa này cả một ngôi chùa khang trang, đẹp dẽ. Tên chùa Hải Ninh ra đời để ghi nhớ về sự kiện thiện tâm đó của Hội đồng thiện Hải Phòng và Hội đồng thiện Bắc Ninh. Ngay từ buổi ấy, chùa cũng được gọi là chùa Đồng Thiện với ý nghĩa là ngôi chùa được xây dựng nên từ tấm lòng thiện tâm của con người.

Kiến trúc với dáng bề thế, khang trang gồm nhiều tòa ngang dãy dọc, mặt quay hướng Đông Bắc. Chùa có hai lớp tam quan dọc theo đường “Thần đạo”. Nối tam quan thứ nhất với tam quan thứ hai là một nhà thiêu hương và một hồ nước tròn, kèm hai bên chùa là khu nghĩa trang rộng lớn. Các mộ chí ở đây là cả một thế giới thu nhỏ của các loại hình kiến trúc cổ kim, đông tây muôn sắc màu, san sát bên nhau yên bình và ấm cúng. Nhà thiêu hương với kiến trúc một gian vuông vức, hai tầng tám mái chung quanh để thoáng không xây tường che, bốn bức dựng 4 cốn tròn, kê trên chân tảng hình đôn đá, mái lợp ngói vẩy rồng rêu phong cổ kính, đao cong hình đá lật thâm thấp, âm u. Dulichgo

Thiêu hương là nơi quàn linh cữu của người xấu số, nơi các vị tăng ni chạy đàn cầu siêu thoát cho các sinh linh. Cả khối nhà là một thể thống nhất tượng trưng cho thái cực. Hai tầng tám mái là biểu tượng của lưỡng nghi (âm và dương). Ngôi nhà vuông tượng trưng cho tứ tượng. Tám mái là biểu tượng của bát quái.

Qua tam quan thứ nhất, đi bên hồ nước tròn quanh năm đầy nước sẽ đến cổng tam quan thứ hai dẫn vào kiến trúc chính của chùa. Tam quan này kiêm luôn gác chuông to lớn hiếm thấy ở các ngôi chùa Việt Nam khác. Cổng chính xây một ngôi lầu ba tầng tám mái, với các đao cong đắp “Rồng chầu phượng mớm” quen thuộc.

Phần chồng diêm tầng trên cùng trổ cửa sổ tròn nhìn ra bốn hướng, còn chồng diêm tầng hai mở cửa hình vòm cuốn, bên trong treo quả chuông đồng lớn. Hai bên “tam quan gác chuông là một kiến trúc mái bằng bề thế, bốn góc dựng cột vuông kiểu cột đồng trụ càng làm tăng quy mô bề thế cho công trình. Dulichgo

Hai bên cổng nhỏ bé hơn xây kiểu 2 tầng 8 mái. Tam quan là một kiến trúc thiết yếu của chùa, là chiếc cổng tượng trưng cho ý nghĩa cao siêu của Phật pháp. Sau tam quan là khu sân thiền rộng bồn hoa cây cảnh tốt tươi. Trung tâm sân thiền là bể non bộ lớn với nhiều hình thù mang dáng “vật linh”. Dọc hai bên sân tòa nhà tổ và tòa thờ hậu kiên cố, mỗi tòa 5 gian, mái lợp ngói âm dương, tường hồi xây “bổ trụ giật tam cấp” chắc khỏe.

Tòa Phật điện đối diện với tam quan qua “sân thiền” có cấu trúc hình chữ công truyền thống gồm 7 gian tiền đường, 3 gian ống muống, 3 gian hậu cung. Nét độc đáo của kiến trúc chùa là tòa hậu cung được dựng theo kiểu “chồng diêm 3 tầng, 8 mái” cao ngất trong tổng thể kiến trúc của chùa. Hai bên trước hiên tiền đường dựng nhà bia trong đồ hình vuông như cung điện 2 tầng, 8 mái. Mái nhà bia khum hình lợi chậu, bờ mái và đao cong tầng trên đắp hình phượng múa, tầng dưới đắp “độc long”. Khoảng giữa hai nhà bia hoặc đội bảo tháp “cửu phẩm” mang dáng dấp của tháp Phổ Minh (Nam Định) thu nhỏ. Nhà bia cột hiên, tháp “cửu phẩm” sân thiền tạo nên cho chùa Đồng Thiện nét hư ảo của cõi linh và sự cổ kính, đậm đà sắc thái Việt Nam.

Bước vào Phật điện, một cảnh lộng lẫy vàng son của các bức đại tự, hoành phi, câu đối, y môn và tượng pháp. Tòa tam bảo là nơi ngự của các pho tượng Tam Thế, A Di Đà, Quan Âm Thiên Phủ, Thiên Nhỡn với 11 đôi tay. Tượng Đức Thế Tôn và Bồ Tát Văn Thù, Phổ Hiền cưỡi trên thanh sư và bạch tượng. Tượng tòa Cửu long cùng Thích ca sơ sinh. Đức Địa tạng đội mũ thất Phật ngồi trên tòa sen, tay giơ ngang vai nâng mặt trời và dải mây tượng trưng cho pháp lượng vô biên. Tượng Quan âm Nam Hải được thể hiện đứng trên đài sen bên dưới là Ô Ban Nam Đà Long vương mang bộ mặt quỷ sứ nhô từ sóng nước ba đào. Hai bên Tam bảo có Hộ Pháp khuyến thiện và trừ ác đứng chầu trông như những thiên sứ nhà trời cao tới 2,5 mét.

Ngoài ra, Phật điện còn có ban thờ Thánh Tăng, đức A Nan Đà Tôn Giả đại tâm đại chí, mang hình bóng một tăng sư, hai bên có Hộ pháp đứng chầu và 10 pho Thập điện Minh Vương. Tượng Thập điện Minh Vương mang dáng dấp của những viên quan đương thời, đầu đội mũ bình thiên ngồi trong tư thế thiết triều trên bệ ngọc. Đứng trước những pho tượng chùa Đồng Thiện như đứng trước những con người đích thực, trong sạch, nhân hậu, không chút đau thương khắc khoải, ta còn thấy ở đó giữa lòng người và Phật tâm như hòa quyện làm một.

Trong chùa còn có hai cây bảo tháp, mỗi cây cao 1,4 mét, hình lục giác, cạnh đáy 0,2 mét gồm 5 tầng, ngăn cách giữa các tầng là một mái đao cong. Trên đỉnh tháp có hình nậm rượu và một con rồng quấn quanh. Hai cây bảo tháp có 60 bức họa mà tác giả là ông Vương Ái Việt, hội viên Hội đồng thiện Hải Phòng, năm 1926 ông đã cúng hai cây bảo tháp này cho nhà chùa.

Chùa Đồng Thiện có giá trị thẩm mỹ cao, bình dị không ồn ào đã góp phần làm sáng tỏ thêm tính “Nhập thế gia trụ trì Phật pháp” của đạo Phật Việt Nam đậm tính nhân văn, đầy lòng nhân ái. Dulichgo

Khuôn viên chùa có cây sala sừng sững tỏa bóng mát, hương thơm ngào ngạt khắp nơi. Loài hoa sala còn được biết đến với tên gọi khác là hoa đầu lân kèm theo một sự tích nhà Phật được truyền từ đời này sang đời khác.

Hoa sala thuộc họ Dầu, là loại cây thân gỗ cao từ 30-35 mét, lá hinh bầu dục mọc sole. Nhánh hoa đâm chồi thẳng ra từ thân cây phân bố cả ở gần gốc, chùm hoa sala có thể dài tới 2-3 mét, bung nở vào sáng sớm với 6 cánh màu hồng dầy tỏa ra như đóa sen. Nhị hoa xếp thành chiếc búp màu trắng che khuất phần nhụy bên dưới trông giống chiếc đầu kỳ lân.

Theo CTTĐT quận Lê Chân, ảnh internet
toimedulich

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét