Thứ Sáu, 12 tháng 12, 2014

Đình Hàng Kênh (Hải Phòng)

Đình Hàng kênh, tên chữ là Nhân Thọ còn có tên là đình Rồng Bay toạ lạc trên đường Nguyễn Công Trứ (thuộc thôn Trung Hành, xã Hàng Kênh cũ).

Theo văn bia thì đình được xây dựng vào năm Mậu Tuất (1717) ở đường Hàng Kênh hiện nay. Đến năm 1841, Đình được chuyển ra vị trí hiện nay. Đình được xây dựng với qui mô lớn và làm trong nhiều năm (khoảng 15 năm). Đây chính là một đài tưởng niệm Ngô Quyền. Kiến trúc trọng yếu nhất của công trình "Đại Đình", làm theo kiểu vì "chồng giường kẻ hiên". Với nguyên liệu chính bằng gỗ lim, đình được bố cục theo kiểu chữ công, gồm hai phần: đại đình ở phía trước, hậu cung ở phía sau, nối hai phần chính là nhà cầu. Toà đại đình là kiến trúc quan trọng nhất trong tổng thể kiến trúc của đình.

Được thiết kế theo kiểu "vì chống rường", tòa đại đình có chiều dài 32m, rộng 13,2m; 7 vì với 32 cây cột, chia lòng đình thành 5 gian. Mỗi cây cột có chu vi khoảng 2m, cao 5m, dưới chân mỗi cột là tảng đá xanh chạm nổi hình bông sen nở.

Mái đình lợp ngói vẩy hến, chính giữa có lưỡng long chầu nguyệt. Hai bên bờ nóc của mái đình thiết kế khá độc đáo với hai con rồng bò ra rồi ngoặt đầu trở lại ngậm lấy bờ nóc. Bốn đầu mái uốn cong hình bốn con cá sấu cùng đôi rồng quấn quýt lấy nhau như muốn đưa cả ngôi đình bay lên.

Ngoài vẻ đẹp về kiến trúc, đình Hàng Kênh còn có giá trị về điêu khắc. Nhờ có sự kế thừa giữa hai phong cách nghệ thuật thời Lê và thời Nguyễn cộng thêm đôi bàn tay khéo léo, sự sáng tạo của những nghệ nhân xưa nên ngày nay du khách mới được chiêm ngưỡng những bức chạm tạo hình nhiều tầng nhiều lớp  rất tinh xảo.

Các bức chạm khắc với nhiều đề tài phong phú đã thể hiện trình độ khắc gỗ độc đáo và là một trong những ngôi đình tiêu biểu điển hình trong các ngôi đình được xây dựng vào những năm đầu thế kỷ thứ 18.

Chỉ ở một ngôi đình này, các nghệ nhân đã tạc gần 900 con rồng mang phong cách nghệ thuật thời Lê, không con nào giống con nào. Đó là các loại rồng mẹ, rồng con quấn quýt bay lượn giữa mây trời cùng chim muông và hoa lá cách điệu. Đi trong đình, chúng ta như lạc vào thế giới của rồng vô cùng sống động, lung linh, huyền ảo, bởi mỗi con rồng ở đây đều có những sắc thái biểu cảm riêng biệt mà qua trí tuệ tâm linh của người xưa đã gửi vào đôi tay tài hoa tác thành.

Bên cạnh đình còn có văn miếu làng huyện An Dương, có bia ghi tên những người đỗ tiến sỹ, cử nhân của huyện An Dương. Người Hàng Kênh không xây đền mà xây đình để thờ Ngô Quyền. Thế là từ lịch sử, ông đã đi vào cõi thiêng để bất tử trong tâm khảm của dân làng. Họ như muốn ông gắn bó với cuộc sống buồn vui, sướng khổ và nỗi truân chuyên của cả làng. Dulichgo

Hơn ba thế kỷ trôi qua, nhưng đình Hàng Kênh vẫn nguyên vẹn nét cổ xưa với mái đình cong cong, cây đa cổ thụ nghiêng mình dưới làn nước trong xanh của hồ bán nguyệt. Hơn thế, trong đình còn lưu giữ nhiều hiện vật quý: văn bia ghi tên tuổi những người của làng đỗ đạt từ 1460 đến 1693; bia ca tụng Ngô Quyền trong trận đánh quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng và nhiều di vật có giá trị lịch sử khác.

Trước đây, đình Hàng Kênh thường mở hội cầu phúc vào trung tuần tháng hai âm lịch hằng năm để tưởng nhớ Ngô Quyền; thường có hát ả đào, múa hạc gỗ, hát chèo cổ và nhiều trò vui tạo không khí cầu nhân khang, vật thịnh vào dịp đầu xuân. Nay những hoạt động truyền thống đó đang dần được khôi phục.

Theo Báo Hải Phòng
toimedulich

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét