(BKT) - Già làng A Xi cho biết: Cà kheo là dụng cụ đi lại một thời của chúng tôi. Vì lúc ấy chỉ có những con đường mòn nhỏ, nhiều hôm mưa lớn, đường lầy lội, phải dùng cà kheo để đi nương rẫy hay đến nhà rông. Đi cà kheo nhanh hơn gấp 3 lần đi bộ và lại rất tiện, khỏi sợ bùn đất, lầy lội...
Có dịp ghé về thôn Vi Ô Lắc, xã Pờ Ê công tác, chúng tôi tình cờ gặp một thanh niên đang ngồi chú tâm đẽo và trang trí chiếc gậy bằng tre ngay trước nhà. Thấy lạ, tôi lân la hỏi chuyện thì được biết anh tên là A Bìu và anh đang đẽo cà kheo để đi thi trong xã.
Già làng A Xi (78 tuổi) cho biết: Cà kheo là dụng cụ đi lại một thời của chúng tôi. Vì lúc ấy chỉ là những con đường mòn nhỏ, nhiều hôm mưa lớn, đường lầy lội, phải dùng cà kheo để đi nương rẫy hay đến nhà rông. Đi cà kheo nhanh hơn gấp 3 lần đi bộ và lại rất tiện, khỏi sợ bùn đất, lầy lội. Bây giờ ít ai dùng cà kheo nữa rồi, vì đã có các phương tiện đi lại hiện đại, đường sá đã làm bằng bê tông sạch đẹp.
Mặc dù đã lớn tuổi không còn đi cà kheo được nữa già A Xi vẫn giữ lại đôi cà kheo đã từng bắn bó với mình trong những năm trước đây. Vừa khoe đôi cà kheo của mình, già A Xi vừa kể: Đây là đôi cà kheo của già năm xưa, nó đã gắn bó với già khi đang còn thông dụng với bà con nơi đây. Còn bây giờ, nó chỉ để làm kỷ niệm hay nhiều lúc đưa ra hướng dẫn cho lớp trẻ trong thôn cách làm và tập đi cà kheo trong những lễ hội của thôn, xã thôi. Làm đôi cà kheo thì không khó, nhưng do nó chịu cả lực đẩy và trọng lượng của cơ thể, nên chọn được một đôi cà kheo làm sao cho nó dùng được lâu, đi cảm thấy không đau chân và thoải mái thì phải mất rất nhiều công sức và thời gian. Trước hết, phải đi vào rừng chọn những cây lồ ô nào vừa đến độ già, một mảnh gỗ mỏng hay đoạn gốc của cây lồ ô để làm chỗ đặt bàn chân và dây mây để níu chỗ đặt chân. Khi tìm đầy đủ nguyên liệu thì đo và chặt cây lồ ô dài 2m, lấy dây mây được phơi dẻo và cột 2 mảnh gỗ để ở giữa chừng 1m, làm bàn đạp mà đứng lên đó để đi.
Đôi chân thứ hai này giờ đây đã trở thành một nội dung thi trong các lễ hội, hội thi thể thao. Cụ thể trong năm 2013, huyện Kon Plông tổ chức Đại hội TD-TT và cà kheo được xem là một trong những nội dung chính. Dulichgo
Chị Y Nga (26 tuổi), thôn Vi Klâng, xã Pờ Ê đạt giải Nhất nội dung đi cà kheo của huyện Kon Plông năm 2013 tâm sự: Lúc 15 tuổi, em được tập đi cà kheo, những ngày đầu bị ngã liên tục, tập mãi thì cũng quen và biết đi cà kheo. Nhiều lần xã tổ chức hội thao hay lễ hội đều đem cà kheo vào để thi chạy và những lần tham gia em đều có giải nên được cán bộ văn hóa xã cử đi dự thi Đại hội TD-TT của huyện. Mỗi lần đi thi chạy cà kheo được giao lưu với các bạn và cùng nhau giữ gìn được nét đẹp truyền thống của cha ông mình em thấy vui lắm.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Võ Kim Thạch – Trưởng phòng Văn hóa thông tin huyện Kon Plông cho biết: Đi cà kheo là nét đẹp truyền thống của đồng bào DTTS trên địa bàn huyện . Cuộc sống ngày càng được đổi mới, bà con không còn cần sự trợ giúp của đôi chân thứ hai này như trước đây nữa. Để bảo tồn và phát huy nét đẹp truyền thống của dân tộc, cứ vào các lễ hội hay hội thao của huyện, chúng tôi đều đưa cà kheo vào thi đấu và giao lưu. Trong các dịp lễ hội hay hội thao đó, người Hre ở xã Pờ Ê luôn đạt giải cao và truyền thống đi cà kheo luôn được các thế hệ giữ gìn và phát huy.
Theo Tuấn Anh (Báo Kontum)
toimedulich
Làng cà kheo trên đất Gia Lai
Ấn tượng 2 làng 'chân dài'
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét