(CAND) - Không nhớ cụm từ 'Hốc Pờ Tó' bắt đầu được hình thành từ khi nào nhưng cho đến tận bây giờ, mỗi khi nhắc đến cụm từ này, nhiều người đã từng sống và làm việc ở Gia Lai phải rùng mình.
< Nhà Rông văn hóa thôn Chu Ru xã Pờ Tó.
Là một địa danh của huyện Ia Pa (Gia Lai), vốn là vùng đất hoang sơ, xa xôi cùng cực, xã Pờ Tó từng được ví như cái “Hốc” giữa bốn bề rừng núi Tây Nguyên. Vượt qua bao bộn bề khó khăn, Pờ Tó hôm nay đang đổi thay mạnh mẽ từng ngày, rất đáng tự hào.
Tiếp chúng tôi bên tách trà nóng tại trụ sở UBND xã, Chủ tịch Lê Trọng Nam nhớ lại những ký ức về mảnh đất Pờ Tó cách đây gần 30 năm mà ông đã sống và gắn bó. Với ông, đó là cả một quá trình phấn đấu gian nan và đầy thử thách.
< Được đầu tư các công trình thủy lợi, đến nay lúa ở Ia Pa đã trồng được 2 vụ, cho năng suất cao.
Ông Nam kể: Năm 1984, ông cùng hơn 100 hộ dân tộc Kinh từ miền Bắc vào định cư ở Pờ Tó theo chương trình đi xây dựng kinh tế mới. Cuộc sống khi đó thiếu thốn trăm bề, những tưởng không thể bám trụ nổi. Bữa cơm gia đình ngày ấy chỉ có ít đậu phộng rang, muối mè hoặc một ít cá khô đã là sang lắm rồi. Vùng đất Pờ Tó tách biệt hoàn toàn với thế giới bên ngoài, không đường, không điện, không trường học và cả trạm y tế. Nếu gia đình nào có người đau ốm thì phải đi bộ nửa ngày mới ra được trung tâm huyện, chính vì vậy mà ở đây hầu như năm nào cũng có người thiệt mạng vì bệnh sốt rét.
Những năm 80 trở về trước, người dân nơi đây đều là đồng bào Bana, cuộc sống rất lạc hậu, khó khăn, chủ yếu du canh, du cư, cây trồng phụ thuộc hoàn toàn vào nước trời. Dulichgo
< Cây sắn là cây xóa đói giảm nghèo ở huyện Ia Pa.
Sau năm 1980, được Nhà nước hỗ trợ 2 máy nổ Ba Lan để bơm nước tưới, cánh đồng lúa nước 2 vụ bắt đầu được khai hoang và hình thành trên diện tích 13 ha. Bước ngoặt khơi dậy niềm kiêu hãnh và tự hào của Pờ Tó cho đến tận ngày hôm nay, đó là vào năm 1999, khi Chương trình 135 đến với xã như một cơ duyên đã định trước.
Chính sự quan tâm đầu tư về cơ sở hạ tầng đã tiếp thêm niềm tin và sức mạnh cho nhân dân Pờ Tó đồng tâm, hiệp lực xây dựng thôn, làng khang trang, cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Sự phát triển ấy được nhân lên gấp bội khi Công ty Mía đường Gia Lai qui hoạch và đầu tư phát triển vùng nguyên liệu. Tranh thủ cơ hội này, người dân Pờ Tó tập trung chuyển đổi cây trồng, phát triển mạnh mẽ cây mía, sắn cùng một số loại cây trồng hiệu quả khác. Từ đó, những rẫy lúa năng suất thấp khắp vùng thung lũng Pờ Tó trước kia dần nhường chỗ cho những cánh đồng mía, sắn xanh tốt gắn với những vụ mùa bội thu của ngày hôm nay.
< Tỷ phú bò Nguyễn Kim Tống ở "hốc Pờ Tó".
Xã Pờ Tó hiện có 12 thôn, làng với khoảng 1.200 hộ, thu nhập bình quân đầu người xấp xỉ 10 triệu đồng. Trong đó, số hộ khá giả có thu nhập trên 100 triệu đồng, chiếm tới 20%. Toàn xã có gần 5.900 ha mía và sắn, chiếm gần 90% tổng diện tích gieo trồng. Gần như nhà nào trong xã cũng trồng mía, sắn; nhà ít thì dăm sào, nhiều thì từ 10 - 20 ha.
Đơn cử như gia đình chị Kpă H’Chơn, ở thôn Ksom là một trong những hộ sản xuất điển hình của xã với ruộng mía gần 10 ha, bình quân hàng năm gia đình chị thu được trên dưới 700 triệu đồng. Hay như gia đình anh Ksor Thí, ở cùng thôn Ksom với mô hình kinh tế tổng hợp, sản xuất mía, sắn, chăn nuôi bò, cho thu nhập mỗi năm cả trăm triệu đồng. Rất nhiều hộ nông dân khác có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm nhờ trồng mía, trồng sắn ở xã Pờ Tó.
< Thôn, làng đổi mới.
Ông Đinh Krô, Trưởng thôn Ksom phấn khởi cho biết: Thôn Ksom hiện có 160 hộ, trong đó 110 hộ là người dân tộc Bana. Trước kia, do canh tác lạc hậu nên hầu như gia đình nào cũng bị đói giáp hạt. Từ khi có đồng bào Kinh đến ở và xây dựng cuộc sống mới, bà con trong làng thay đổi tư duy và học hỏi cách làm ăn mới, nhờ đó mà bây giờ trong thôn không còn hộ đói.
Vượt qua bao thăng trầm của thời gian, Pờ Tó hôm nay xứng đáng trở thành vùng kinh tế tiềm năng nhất vùng và là trung tâm giao thương quan trọng nối giữa các huyện Ayunpa, Ia Pa, Kôngchro và An Khê của tỉnh Gia Lai.
Theo Nguyễn Hoài Nam (CAND)
toimedulich
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét