(KPO) - Ao Khứ La Vê (tên gọi theo tiếng người Nùng) nằm giữa 3 đỉnh núi thuộc dãy Tây Côn Lĩnh trùng điệp ở thôn Lùng Khum, xã Đản Ván (huyện Hoàng Su Phì, Hà Giang) xưa nay vẫn được người dân vùng này xem như là ao bí ẩn và khó lý giải nhất.
Người dân ở 3 thôn nằm bên dưới ao là Lùng Khum, Pố Ải, Thính Nà đã tự lập đàn cúng “ao thần” vào tháng 3 hằng năm như một tín ngưỡng văn hóa lâu đời.
Trên đỉnh núi mờ sương xuất hiện một ao nước hình lòng chảo, trải qua các cuộc chiến tranh của dân tộc, ao vẫn giữ được địa mạo nguyên vẹn và không kẻ thù nào may mắn phá hủy được nó, người dân vùng này gọi hồ nước nhỏ kỳ lạ là “ao thần”.
Chuyện lạ về “ao thần” ?
Một số già làng ở vùng này cho biết, ao Khứ La Vê là ao thiêng, trước đây vốn là một hồ nước nhỏ nằm trên đỉnh núi cao nhất của thôn Lùng Khum. Trải qua thời gian, ao vẫn giữ địa mạo vẹn nguyên cùng nhiều câu chuyện nghe như huyễn hoặc từ đời này truyền sang đời khác. Không có tư liệu nào cụ thể cho biết thời gian người dân ở đây bắt đầu thờ cúng ao vào tháng 3 hằng năm, chỉ biết rằng ao nước kỳ lạ này từ xa xưa đã được người dân nơi đây tôn sùng và coi đó là niềm tự hào của người dân cả vùng.
Ông Lù Sào Phụng (76 tuổi) người duy nhất ở đây lập lán ngay bên cạnh ao và được người dân cả một vùng gọi là “người trông ao thần” cho biết, hồi còn nhỏ ông vẫn nghe các cụ trong làng kể về ao thần rằng, trước đó ao này vốn rất linh thiêng.
Câu chuyện cổ của người xưa kể rằng, người phụ nữ địu con đi qua khu vực cạnh ao thì đều bị mất con, dắt chó đi qua hết ao thì chỉ còn gọng cổ và dây buộc chó, còn con chó thì đã bị thần bắt từ bao giờ không biết. Ông Phụng cũng cho rằng đó có thể là chuyện mà các cụ người xưa tự kể chứ không được chứng thực vì ông cũng không hề được tận mắt chứng kiến.
Theo ông Phụng, trong những năm tháng chống thực dân Pháp và Mỹ, nhiều lần kẻ thù đã cho quân nhảy dù xuống đỉnh núi có “ao thần” này và ý định đóng quân tại đây làm mật báo. Chính ông Phụng là người đã phối hợp với quân đội của ta đánh chặn kẻ thù và bắt sống được nhiều tên giặc thời bấy giờ.
“Những năm chiến đấu ác liệt, nhất là thời gian quân Mỹ đánh chiếm. Chúng thả bom xuống tàn phá cánh rừng bao bọc 3 ngọn núi vây quanh “ao thần”, nhưng vì địa hình hiểm trở, ao được 4 bề bao bọc nên không quả bom nào rơi xuống miệng ao, bởi thế mà không khi nào ao Khứ La Vê phải chịu sức nặng do bom, mìn chiến tranh gây ra.
Cũng chính vì thế, người dân lầm tưởng là ao có thần bảo vệ nên đã gọi ao với cái tên nhuốm màu huyền bí như vậy. Đã từng có thời gian người dân ở vùng này kéo nhau lên đây đào hào xung quanh ao để lẩn trốn chiến sự khốc liệt bên ngoài, kể cả trong cuộc chiến tranh biên giới năm 1979 cũng vậy”, ông Phụng nói.
Cũng vì tín ngưỡng từ hàng trăm năm nay về “ao thần”, nên người dân vẫn lập đàn cúng ao vào đầu tháng 3 hằng năm với ý nghĩa đơn thuần chỉ là cầu cho mùa màng hàng năm lúc nào cũng tươi tốt, cuộc sống thêm sung túc.
Theo những già làng tại đây, lễ cúng thần ao còn có ý nghĩa cầu mưa, cầu nắng cho dân bản làm ăn sinh hoạt đúng mùa vụ. Anh Lù Văn Kim (45 tuổi) đôi mắt đỏ rực khi nhắc đến ao thần: “Cách đây hơn 20 năm, khi đó tôi vẫn là thanh niên. Những năm tháng ấy cả một vùng hạn hán triền miên không một giọt mưa chút xuống khiến dân bản đói kém vô cùng, mùa màng thất bát. Vì thế mà người ta mới lập đàn cúng ao thần, nhưng chẳng hiểu là may mắn hay ngẫu nhiên mà vài ngày sau đó lại có mưa to nên người dân lại có thể gieo trồng. Có lẽ đó chỉ là chuyện của tự nhiên chứ năm nào chả cúng ao, nhưng vẫn có hạn hán lần đó đấy thôi”.
Người canh giữ “ao thần”
< Anh Đinh Văn Kim, cán bộ văn hóa xã Đản Ván đang giới thiệu về “ao thần”.
Những câu chuyện kỳ lạ về ao và việc một cái ao trên đỉnh núi không mạch nước ngầm mà không cần mưa vẫn có nước mà người dân vùng này vẫn kể đã thôi thúc chúng tôi có cuộc hành trình lên đây tìm hiểu thực hư. Theo chân anh Đinh Văn Kim, cán bộ văn hóa xã Đản Ván dẫn đường, phải mất hơn 2 giờ đồng hồ đi bộ vượt qua những dãy núi dựng đứng chúng tôi mới đặt chân đến được “ao thần”.
Ao nằm xen giữa 3 ngọn núi trùng điệp bao phủ, điều đó cũng dễ hiểu tại sao nhiều lần quân giặc đánh chiếm mà “ao thần” vẫn giữ nguyên được địa mạo xưa kia. Đem câu hỏi tại sao không một nguồn nước nào dẫn vào ao Khứ La Vê mà ở đây vẫn quanh năm có nước hỏi anh Kim, thì anh trả lời có thể là do có mạch nước ngầm bên dưới ao.
Nhìn từ đỉnh núi xuống làng bản dưới chân núi, chúng tôi vẫn canh cánh câu hỏi: “Tại sao một ao nước trên đỉnh núi cao như thế lại có mạch nước ngầm được? Tìm lời giải đáp chúng tôi tìm đến ông Lù Sào Phụng "người rừng" 20 năm sống bên "ao thần".
Ông Phụng kể, vào những năm lính Mỹ leo thang lên Miền Bắc, ông đã xung phong đi lính trong khi vợ ông mới sinh cậu con trai đầu lòng kháu khỉnh. Hơn 5 năm đi lính, ông trở về vui vầy cùng gia đình. Hạnh phúc bên vợ con chẳng bằng găng tay thì chiến tranh biên giới 1979 lại bắt đầu gieo rắc đau thương lên làng bản. Cũng như lần trước, ông lại xung phong đi chiến đấu, ở chiến tuyến phía bắc được hơn 2 năm thì ôngđược cử về để lãnh đạo dân làng.
“Thời đó tôi được chỉ huy cho phép về nhà để chiến đấu cùng dân bản, bởi quê tôi cách biên giới chẳng bao xa. Lúc đó thanh niên trong làng được lệnh đào hào bên cạnh “ao thần” bây giờ để tránh đạn, pháo giặc bắn. Cũng phải nói ao Khứ La Vê có địa thế thuận lợi vì được bao bọc bởi 3 ngọn núi cao nên rất ít khi pháo giặc nã trúng, bởi thế mà quân, dân ta bị tổn thất là rất ít”, ông Phụng nói.
< Ông Phụng vẫn còn lưu giữ vỏ lựu đạn để làm kỉ niệm một thời chiến đấu.
Những năm hòa bình lập lại, ông Phụng trở về giữ chức chủ tịch xã Đản Ván năm 1986, sau đó vì vợ ốm nặng rồi mất, 2 đứa con út của ông cũng bỗng đột ngột ra đi, nên ông sinh buồn bã rồi từ chức trở về làm rẫy, lên nương nuôi con cái lớn khôn. Sau những đau buồn mà bản thân ông phải trải qua, ông quyết tâm dứt bỏ mọi thứ để lên núi.
Những ngày làm “người rừng” trên núi, ông Phụng chỉ mang theo một cái bật lửa trên người, bởi thế mà khi cần nấu ăn, ông chặt vầu để đun, ban đầu có gạo thì làm cơm lam. Sau khi hết gạo thức ăn của Phụng là hoa quả, có khi lại là ngọn song (cây họ mây trên núi) cứ thế thành quen.
Sống hơn 20 năm gắn với “ao thần”, bởi thế mà trong bằng đó thời gian Phụng uống nước của ao, tắm giặt ở ao. Cho đến mãi sau này, người dân ở bản mới lên rừng chặt cây và phát hiện thấy ông, lúc bấy giờ các con của ông biết, họ khuyên ông trở về nhưng ông vẫn khăng khăng không chịu.
Ông Lù Seo Phứ (57 tuổi) cho biết: “Từ trước đến nay tôi chưa bao giờ thấy một người nào sống kỳ lạ như ông Phụng, chắc có lẽ cũng nhiều năm một mình gắn bó với ao thần trên đỉnh Tây Côn Lĩnh đã thành quen và không muốn quay về bản nữa".
Chia tay ông Phụng khi ánh nắng chiều vàng vọt, chúng tôi vẫn nhớ mãi về câu nói đầy lưu luyến về rừng núi của ông rằng: “Nếu như cho tôi sinh thêm một lần nữa, tôi vẫn sẽ chọn nơi này làm nơi tôi sẽ nhắm mắt”.
Theo Khám Phá
toimedulich
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét