Thứ Tư, 30 tháng 7, 2014

Trên đỉnh Cao Ba Lanh

(BQN) - Cao Ba Lanh (xã Đồng Văn) là một dãy núi có độ cao dưới 1.000m so với mực nước biển, diện tích trên 400ha, bao gồm 3 đỉnh núi: Cao Ba Lanh Thượng, Trung và Hạ.

< Bãi đá thần trên đỉnh Cao Ba Lanh.

Từ khu vực đỉnh dãy núi Cao Ba Lanh có thể quan sát được toàn bộ khu vực các bản Phai Làu, Phạt Chỉ, Khu Chợ, Đồng Thắng và điểm thông quan (xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu) cùng khu vực bản Tràng Nhì, bản Hanh, bản Nà Kép (Trung Quốc). Trên đỉnh núi Cao Ba Lanh Thượng có nhiều hòn đá lớn với hình thù dị biệt (người dân gọi là “Bãi Đá Thần”).

Từ truyền thuyết...

Trên đỉnh Cao Ba Lanh có những hòn đá rất kỳ lạ, khi gõ vào phát ra tiếng kêu vang, dân gian gọi là "đá thần". Những phiến đá thần ở Cao Ba Lanh vừa huyền bí, vừa gợi vẻ linh thiêng khi nằm ở tầm cao trên ngàn mét, mây bay la đà cả một vùng rộng lớn. "Bãi Đá Thần" có nhiều hòn đá lớn với hình thù kỳ quái, được gắn với truyền thuyết chống giặc, cướp từ bên kia biên giới.

Truyền thuyết kể rằng, đứng trên Cao Ba Lanh có thể quan sát được rõ động tĩnh của các thôn bản của cả hai phía biên giới. Vì vậy, những thôn bản bên Việt Nam dưới chân núi thường cử người lên đỉnh Cao Ba Lanh quan sát canh phòng. Mỗi khi quân giặc, cướp từ bên kia biên giới tràn sang với ý đồ cướp bóc, người canh gác có thể nhanh chóng thông báo cho người dân biết, bằng cách gõ vào đá trên núi, tạo ra tiếng kêu lớn như chuông đồng, vang đi rất xa.

Nhiều người kể lại rằng, mỗi khi giặc cướp từ bên kia biên giới tràn sang, người dân gõ vào những hòn đá lớn trên đỉnh núi, tiếng vang tựa hồ như của một quái vật to lớn, hung hiểm, làm cho giặc cướp khiếp vía, hoảng loạn mà bỏ chạy.

Đến những giá trị cần bảo tồn và khai thác

Trên đỉnh Cao Ba Lanh có hai hồ nước tự nhiên có diện tích từ 0,2-1ha, có nhiều bãi đá với hình thù khác lạ, nằm trong lòng hồ nước và nằm xen kẽ giữa các bãi cỏ và các khu rừng tự nhiên. Khi dùng tay và đá nhỏ gõ vào đá to sẽ tạo ra những âm thanh trầm, bổng khác nhau theo sự cảm nhận của mỗi người. Đứng trên Cao Ba Lanh, trải hết tầm mắt của mình, có thể bao quát được cả một vùng rộng lớn của Bình Liêu, Hải Hà và cả những thôn bản phía bên kia biên giới.

Du khách đến đây được tận hưởng một không gian thoáng đãng, trong lành, mát mẻ và quyến rũ của thiên nhiên, xoá hết những cảm giác mệt nhọc, những lo toan vất vả của đời thường. Hàng năm, vào mùa hè, rất nhiều người dân trong và ngoài huyện đã đến đây để thưởng ngoạn khung cảnh kì vĩ, tận mắt chiêm ngưỡng "đá thần" đỉnh Cao Ba Lanh.

Là dãy núi cao trên 1.000m so với mặt nước biển, địa hình chạy dài theo hướng Đông Nam, đất đai chủ yếu của dãy Cao Ba Lanh là đất feralit vàng nhạt, độ ẩm cao; lượng mưa trên núi tương đối lớn, nhiệt độ rất thích hợp với sự sinh trưởng và phát triển của cả rừng tự nhiên và rừng trồng.

Rừng tự nhiên trên dãy Cao Ba Lanh đan xen với bạt ngàn rừng trúc có nhiều loài gỗ quý như sến, dẻ vàng, dổi, sau sau; các loại cây đặc sản như hồi, quế; cây thảo dược quý như ngũ gia bì, hà thủ ô, cam thảo... Hai bên sườn núi có nhiều khe suối, thác nhỏ như thác Sông Moóc, thác Khe Tiền...

Trước đây, ba phía sườn núi có rất nhiều cây cổ thụ, rừng tự nhiên hoang sơ, nhiều loại động, thực vật quý hiếm, một số côn trùng đặc hữu... Tuy nhiên, những năm qua, tác động của con người đã phần nào làm ảnh hưởng đến hệ sinh thái ở đây; nhưng hiện tại, Cao Ba Lanh cơ bản vẫn giữ được cảnh quan thiên nhiên vốn có. Ngoài ra, Cao Ba Lanh còn là địa danh ghi dấu ấn lịch sử của quân và dân các dân tộc huyện Bình Liêu nói riêng, tỉnh Quảng Ninh nói chung trong cuộc chiến tranh biên giới năm 1979.

Hiện Cao Ba Lanh vẫn chưa được quy hoạch tổng thể, nên việc bảo vệ và phát huy giá trị còn hạn chế, nhất là việc bảo vệ di tích "Bãi Đá Thần". Với bãi đá lớn nhỏ được tạo thành bởi sự vận động của địa chất trong hàng ngàn năm qua, cùng với vẻ đẹp độc đáo của cảnh quan thiên nhiên và giá trị lịch sử, huyện Bình Liêu đang gấp rút hoàn thiện hồ sơ để xin các cơ quan chức năng xếp "Bãi Đá Thần" núi Cao Ba Lanh vào loại hình di tích danh thắng. Như vậy, những giá trị đặc biệt về nhiều mặt của Cao Ba Lanh sẽ được đầu tư, bảo tồn và khai thác hợp lý, góp phần thúc đẩy sự phát triển của du lịch Bình Liêu.

Núi Cao Ba Lanh là ngọn núi thuộc địa phận xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu, Tỉnh Quảng Ninh. Núi có độ cao 860 mét, được xem là ngọn núi cao thứ 4 của tỉnh Quảng Ninh đồng thời là ngọn núi cao thứ 786 tại Việt Nam. Núi là một địa danh lịch sử của tỉnh Quảng Ninh.

Theo Minh Hà (Báo Quảng Ninh)
toimedulich

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét