Thứ Bảy, 19 tháng 7, 2014

Hầm bí mật dưới Hoàng thành Thăng Long

Hầm chỉ huy tác chiến nằm bên dưới tòa nhà Cục Tác chiến trong khuôn viên Hoàng thành Thăng Long. Hầm đã được Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long tu bổ, chỉnh trang và sưu tầm nhiều hiện vật, tư liệu để trưng bày phục vụ khách tham quan sau nhiều năm bị đóng cửa.

Hầm được xây dựng từ năm 1964 đến năm 1965, kết cấu nửa nổi nửa chìm bằng bêtông nguyên khối với khối lượng khoảng 1.000m3; nóc nhô lên khỏi mặt đất 1,4m; tường dày 40cm. Được đánh giá là hiện đại nhất lúc bấy giờ, hầm chỉ huy tác chiến có hệ thống lọc bụi, chống nhiễu, hệ thống điều hòa và có khả năng chống được bom nguyên tử.

< Không gian của phòng trực ban tác chiến.

Với diện tích 65m2, căn hầm chia làm ba phòng: phòng giao ban tác chiến, phòng trực ban tác chiến và phòng thông hơi lọc độc lọc sạch.

Lớn nhất là phòng trực ban tác chiến có diện tích khoảng 34m2. Phòng trực ban tác chiến với bốn cabin (mỗi cabin chỉ huy một mặt trận, được trang bị ba máy điện thoại do một người trực đảm trách), hệ thống tiêu đồ xác định vị trí máy bay của cả ta và Mỹ phục vụ công tác chỉ huy tác chiến, bản đồ chiến sự, hệ thống thông tin liên lạc, còi báo động, loa phóng thanh thông báo máy bay địch.

< Bàn chỉ huy tác chiến.

Các kíp trực ban tác chiến do Cục Tác chiến, Bộ Tổng Tham mưu đảm nhiệm, có nhiệm vụ trực tiếp trả lời Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Chủ tịch gọi hỏi; theo dõi tình hình chiến sự toàn chiến trường miền Bắc cũng như chiến trường Đông Dương; đề xuất với Bộ Tổng Tham mưu các phương án tác chiến...

< Các ca bin điện thoại để liên lạc giữa các chiến trường.

Hai phòng còn lại là phòng đặt trang thiết bị, động cơ lọc độc lọc sạch có diện tích 10m2 gần cửa hầm ở hướng Nam và phòng giao ban tác chiến có diện tích 20m2 gần cửa hầm phía Đông. Đây là nơi các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước, Quân đội đến làm việc, chỉ huy chống cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ.

< Phòng giao ban tác chiến.

Dưới hầm còn lưu lại khá nhiều hiện vật quý như sổ nhật ký công tác, đồ dùng sinh hoạt (ấm chén, đèn bão, quạt...), quân tư trang...

< Tai nghe của tiểu đồ viên (dùng nghe và vẽ đường bay của địch để quân ta có phương án tác chiến hợp lý).

Hầm tác chiến được mở cửa giúp du khách tham quan trong và ngoài nước biết được thêm một phần lịch sử quân sự Việt Nam trong thời kì kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

< Đài radio dùng cho việc nghe tin tức thời sự từ năm 1970 - 1975 của các đồng chí trong Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng tham mưu.

Hoàng thành Thăng Long là một di tích mang giá trị lịch sử của quốc gia, được tổ chức UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.

Đến với Hoàng thành Thăng Long hôm nay, du khách còn được chiêm ngưỡng căn hầm chỉ huy tác chiến được xây dựng kiên cố, là chứng nhân thầm lặng của một thời kỳ lịch sử.

Theo Báo Ảnh Việt Nam
toimedulich

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét