(VTC) - Thành phố Vinh bây giờ đã được công nhận Đô thị loại một, Huân chương Độc lập hạng ba. Nhiều công trình xây dựng cao tầng làm đẹp cho thành phố, đường sá nội thành rộng thênh thang. Đêm đêm dòng người nô nức đổ về Quảng trường dạo chơi, nơi có tượng đài Bác Hồ và các bài hát vang lên ca ngợi công lao của Người hy sinh vì dân tộc, vì dân.
Tôi đến Vinh, và ở Vinh đã gần 30 năm, nhiều lần ngồi xem các trang báo viết về Vinh, bần thần trước bàn phím. Vinh có vui, có buồn, và có cái gì đó bồn chồn, thoảng thốt lướt qua, xót xa trong quá khứ? Cái còn, cái mất, cái xưa, cái nay có còn tồn tại với “cơ chế thị trường” không? Trong ký ức của tôi có nhiều kỷ niệm đẹp về Vinh xưa, nhưng Vinh nay lại không có, không còn nữa. Đôi lần giữa đêm khuya, hồi tưởng, lòng mình hẫng hụt, thiếu thốn, thầm thì không thành lời: Vinh ơi, không lẽ...
Nhớ mãi lần đầu tới Vinh cuối những năm tám mươi. Ngày ấy từ quê vào Vinh trở thành vấn đề, đi ô tô phải chen chúc cả ngày trên xe tải, xe ca. Đi tàu phải chờ đợi, có khi thức trắng qua đêm chờ giờ tàu chợ, làm bạn với rệp cắn ở ghế ga tàu, người liêu xiêu mất ngủ, rệp còn theo người lên cả chuyến tàu suốt cuộc hành trình. Giờ nghĩ lại phương tiện vào Vinh cuối năm tám mươi bao giờ người cũng gai gai, cũng nhồn nhột ngứa ngáy với cảm nhận như thể… rệp đang cắn mình vậy. Các cột điện ở Vinh ngày ấy bằng gỗ được quét hắc ín đen thui, đường đi nội thành rải nhựa, có nhiều ổ gà, lồi lõm. Tiếng xe ngựa lọc cọc, lọc cọc buồn buồn theo nhịp bước. Vẫn biết bây giờ đã có xe buýt thay thế “chức năng, vai trò” của xe ngựa rồi, mà sao mình vẫn nhớ, vẫn mong có chuyến xe ngựa cho mình nhìn lại.
Đàn bà, trẻ nhỏ trong quá khứ bán nước chè xanh rao dọc phố đều đều đến buồn ngủ. Tiếng rao kẹo kéo, cu đơ, kem que… làm loãng không khí buồn tẻ hiu hắt của một ngày lao động. Người đi xe đạp nhiều như người đi xe máy bây giờ. Gian phòng nhỏ mặt đường thấp lè tè với biển hiệu “Hiệu sách nhân dân” thế là thành… hiệu sách. Ngày xưa biển hiệu gì cũng kèm theo hai chữ “nhân dân” phía đuôi dòng chữ. Bây giờ thì thành phố Vinh không còn biển hiệu nào kèm theo hai chữ “Nhân dân” như ngày xưa nữa. Cũng giống các thành phố khác, biển hiệu tiếng Việt, nhà hàng lớn thì thêm tiếng Anh, mặc dù người tây, tàu xuất hiện buôn bán ở Vinh không nhiều. Nơi sản xuất ra hàng hoá ở Vinh rất ít, hầu hết buôn bán trung gian, hàng ăn, hàng uống thì nhiều vô kể, đủ các loại, các kiểu…
Ngày trước, một lần vào thành phố bao giờ cũng ra ngay chợ Vinh để mua một cái gì đó, để về quê khoe cho mọi người biết mình đã đi…Vinh. Ấy vậy mà một, hai lần đi chợ rồi sau đó sợ chạy mất dép. Vì sao vậy? Vì có một thời chợ Vinh nổi tiếng về giá thách cao ngất ngưởng tận trên… trời. Ví như cái áo đúng giá chỉ có năm mươi ngàn đồng, nhưng có thể thách tới ba trăm ngàn. Người nhà quê u ơ chỉ dám trả giá hai trăm ngàn, hoặc “dũng cảm” lắm ngã giá thấp nhất cũng phải một trăm năm mươi ngàn. Thế là quá đủ lời cho một con buôn ở “chợ giời” qua một ngày buôn bán. Có người nhà quê trả giá xong, biết mình hớ, bỏ đi không lấy nữa, thế là con buôn nắm tóc lại, dúi mặt xuống hàng, bắt lấy. Kinh hoàng cho thái độ buôn bán ở chợ Vinh một thời.
Tiếng lành đồn xa, tiếng dữ cũng đồn xa, chợ Vinh vắng dần, vắng dần, các con buôn chỉ ngồi ngáp, và dần dà nhận ra rằng, chợ Vinh vắng khách là tại mình chứ không phải tại ai. Người tiêu thụ đã “sợ” Vinh, chỉ tập trung mua bán ở các shop, chợ nhỏ, chợ huyện và ở các vùng khác. Những năm mở đầu của thời kỳ mở cửa, thái độ của người buôn bán chợ Vinh có sự thay đổi, đó là cách ứng xử văn hoá kinh doanh giữa con người với con người. Mà nói cho cùng, nhịp độ của cuộc sống phát triển nhanh như vũ bão, thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá, thời kỳ của điện tử, thái độ kinh doanh không thay đổi thì chỉ có “sống hay là chết”?
Tôi có người bạn xa quê đã ba mươi năm, sinh sống ở đất Bắc, cuối đời chuyển việc về quê hương, ngỡ ngàng trước sự đổi thay. Đường sá rộng, sạch, hoa quả các loại: cam, chanh, xoài, ổi, chuối… có mặt quanh năm, hầu hết đều do người Nghệ mình trồng khắp nơi trên địa bàn của tỉnh đưa về Vinh tiêu thụ. Mùa hè, khách du lịch về Vinh, về quê Bác cũng nhiều, cách ứng xử kinh doanh của ngành du lịch cũng đã đổi thay. Nhưng có lẽ sự ngạc nhiên của bạn không phải là ở đường sá và hoa quả, mà là cách ăn diện của đa số đàn bà con gái tại Vinh, nhất là ở các công sở, nhất nữa là khi các mợ đã có điều kiện. Tôi người Nghệ, nên thích nghe tiếng Nghệ, ấm, trầm, gần gụi, tự tin hơn khi gặp nhau.
Ấy vậy có một số các bà, các cô mặc váy kiểu tây quanh năm, quần áo lúc nào cũng như đồ mới, tóc xanh, tóc vàng, mắt xanh mỏ đỏ, tiếng nói lại đa đá tiếng Bắc vào, khó nghe. Nói thẳng ra là nhìn các mợ cảm thấy gia giả thế nào, khó gần, khó tin khi hình thức đã được các mợ trau chuốt đến mức không còn nhận ra là người Nghệ. Gần đây, thấy nhiều mợ tự lái ô tô đi làm. Nhìn các mợ mặc, phương tiện đi lại như thế, ai dám nói Vinh đang nghèo? Mà thôi, không bàn luận về cách mặc, đi lại của các mợ nữa, chỉ nói thêm một tý về cách “ăn” để kết luận rằng các mợ tại Vinh nổi tiếng hơn cả mợ Bắc Hà. Thì có mợ thuộc đẳng cấp “quan”, ăn gì chưa nói, chỉ riêng uống rượu như nước lã đã “nể” rồi, nhất là khi tiếp khách, đã có hàng chục bài báo về mợ, nhưng hai từ “ăn chơi” đến giờ vẫn tồn tại với mợ, không ai vượt qua được!
Về Vinh, không ai không nhắc tới gió Lào, không nhắc tới gió Lào là coi như chưa về Nghệ An. Gió thổi cồn cột, bụi tung lên trời, trả cát bụi về… trời, đường sá ở Vinh mùa hè sạch tinh như thể bị lau trong nhà vậy. Người đi đường ở Vinh phải đầy đủ áo quần, khẩu trang kín mít, nếu không sẽ không mở được mắt mà đi. Vinh ngày xưa ít nóng hơn ở Miền tây xứ Nghệ, nhưng những năm gần đây, mùa hè ở Vinh cũng nóng không kém. Đường sá bằng nhựa, bê tông, nhà cao tầng ở Vinh mọc lên càng nhiều, kèm theo nhiều máy điều hoà xả cái nóng ra ngoài về mùa hè, rồi ô tô, xe máy, bụi, khói, vì thế nên Vinh thời đại CNH-HĐH bây giờ khác Vinh xưa là thế.
Lại nhắc thêm một tý nữa về Vinh, mà Vinh cũng nhiều điều cần nhắc nữa, nhưng tôi lại chỉ muốn nói về mối quan hệ giữa con người với con người. Về mối giao lưu ngoài tỉnh, nhất là người cùng nghề văn hoá với nhau. Mà sao ngày xưa trong nam, ngoài bắc qua lại Vinh thường dừng tại Vinh, vui lắm, tôi còn nhớ mãi tên những người ấy, bạn ấy, đồng nghiệp ấy, đang còn sống tại Thủ đô và nơi khác nữa, giờ vẫn qua lại Vinh, nhưng ít dừng, hoặc không dừng nữa với Vinh. Vinh ơi, không lẽ…
Vinh bây giờ hơn hẳn ngày xưa, nhưng cũng có một điều gì đó không bằng Vinh xưa, là cái gì vậy? Tất cả cũng đang là cảm nhận? Tôi nhớ mãi một buổi sáng mưa lạnh, có người đàn bà gầy, ốm yếu, quê tận miền trung du Nghệ An tìm tôi chỉ để đọc một… bài thơ, cảm động quá. Nhất là chị lại đang là cựu chiến binh Trường sơn, lần đường về Vinh. Ai dám nói Vinh đã đi vào dĩ vãng? Vẫn có người tìm Vinh để chia sẻ hoài niệm với Vinh đây! Chị nói, Vinh đổi thay nhiều, tìm nhà mãi, nhưng cố tìm sẽ gặp người cần gặp, cùng hoài niệm với chị những năm tháng ở Trường Sơn. Chị đọc:
EM BÂY GIỜ.
“Em bây giờ đã hết tuổi xanh.
Mái tóc bạc nghiêng vào vùng quá khứ.
Đường Trường Sơn ta đi một thuở
Xanh ngút cây ngàn, xanh ngút mộng mơ.
Giữa rừng già cánh võng đung đưa.
Một tiếng chim kêu cũng giật mình thảng thốt.
Hoa phong lan tỏa hương thơm ngát.
Suốt dọc đường tuổi trẻ ta qua.
Em bây giờ thiếu vắng những giấc mơ.
Mơ một ngày đong đầy hạnh phúc.
Hãy trở về đây cánh chim từng phiêu bạt.
Như ngôi sao xa nhấp nháy cuối chân trời”
Theo Truyền Hình Số VTC
toimedulich
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét