Thứ Tư, 16 tháng 7, 2014

Dấu xưa trên “xứ Gò”

Đến Gò Công (Tiền Giang) – quê hương của những "Bà hoàng" lừng lẫy trong lịch sử Việt Nam như: Thái Hậu Từ Dũ, Nam Phương Hoàng hậu, du khách không chỉ say lòng với cảnh sông nước hữu tình mà còn được chiêm ngưỡng những công trình rêu phong trăm tuổi. Đó cũng là dịp cảm nhận vẻ đẹp của vùng đất cổ xưa bậc nhất xứ "Nam kỳ lục tỉnh".

Xứ Gò Công xưa, nay được chia ra thành 3 địa danh hành chính gồm: thị xã Gò Công, huyện Gò Công Đông và huyện Gò Công Tây. Dù vậy, người dân địa phương và du khách phương xa vẫn quen gọi "xứ Gò" để nói về vùng đất này.

Ngay trong lòng thị xã Gò Công tấp nập, hàng chục ngôi nhà cổ trăm tuổi vẫn tồn tại với kiến trúc rất đẹp. Trong đó, nổi danh hơn cả là nhà cổ Đốc phủ Hải mà ai một lần đến với Gò Công cũng không thể bỏ lỡ. Nhà thu hút bởi kiến trúc rô-man đặc trưng của Pháp nhưng cách bày trí nội thất lại mang đậm dấu ấn Nam bộ. Ngôi nhà được xây dựng vào năm 1890 theo dạng chữ "Đinh", lợp ngói âm dương, gồm ba phần: nhà chính, hai nhà vuông và lẫm lúa.

Bước vào trong, du khách không khỏi choáng ngợp bởi những nét chạm trổ trên hệ thống hoành phi, bao lam, liễn đối, xiên trính với đủ đề tài, thể loại của kiến trúc nhà Nam bộ cuối thế kỷ 19 như: tứ linh, tứ quý, bát bửu, các tích truyện xưa như: Nhị thập tứ hiếu, Văn Vương cầu hiền... hoặc các nhạc cụ cổ truyền… khảm xà cừ óng ánh. Ngôi nhà vẫn còn giữ được khá nhiều thứ quý giá, như: bộ đi-văng bằng đá cẩm thạch, đồ sứ, bàn ghế bằng danh mộc, két sắt đựng tiền hơn trăm tuổi...

Đặc biệt, du khách có thể thử "ngả lưng" trên chiếc giường Thất Bảo bằng đá cẩm thạch dày gần 1 tấc, nguyên khối lấp lánh nhiều màu sắc như ánh đèn màu do phản quang với ánh nắng từ cửa sổ xiên vào để cảm nhận sự mát lạnh, sảng khoái. Nhà Đốc phủ Hải là một trong những ngôi nhà cổ tiêu biểu nhất ở châu thổ Cửu Long, được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận Di tích Kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia năm 1994.

Cách Nhà cổ Đốc phủ Hải không xa là Di tích Đền thờ Anh hùng dân tộc Trương Định. Lăng mộ Trương Định có kiến trúc dạng mộ táng tiêu biểu của người Việt ở Nam bộ với hai phần: mộ bằng đá ong kết dính bởi hồ dước và đền thờ có kiến trúc đình miếu phương Nam gồm hệ thống áng thờ và hoành phi, liễn đối được chạm trổ sơn son thếp vàng. Ngày tuẫn tiết của cụ Trương (20-8 dương lịch hàng năm) được nhân dân Gò Công tổ chức rất long trọng, thu hút hàng chục ngàn lượt bà con về thắp hương tưởng nhớ công đức của vị anh hùng xứ Quảng chọn Gò Công làm quê hương.

Rời thị xã Gò Công, đi theo quốc lộ 50, đến địa phận ấp Ông Non, xã Tân Trung, huyện Gò Công Đông, du khách sẽ thích thú khám phá làng nghề đóng tủ thờ ra đời hơn trăm năm và đến nay vẫn làm ăn thịnh vượng với hàng trăm cơ sở. Tương truyền, làng Ông Non được đặt theo tên của ông tổ nghề. Dân gian có câu "Nhất tủ thờ Gò Công, nhì sa-lông Sông Bé" để chỉ vẻ đẹp và chất lượng của tủ thờ nơi đây. Những chiếc tủ thờ truyền thống được chế tác chắc chắn, vững chãi bằng danh mộc như: gõ đen, gõ đỏ, cẩm lai... có giá từ vài chục triệu đến bạc tỉ đồng nhưng vẫn rất đắc hàng. Nét độc đáo của chiếc tủ thờ Gò Công là khóa mối nối đều bằng mộng gỗ chứ không dùng đinh.

Nếu còn thời gian, du khách có thể tìm thêm dấu xưa xứ Gò: di tích Đền thờ Võ Tánh (thị xã Gò Công), nghe bài vọng cổ "Võ Đông Sơ - Bạch Thu Hà" và câu chuyện tình đẹp như cổ tích của đôi tình nhân này. Một sự thật ít người biết là Võ Đông Sơ chính là con trai của Hoài Quốc Công Võ Tánh. Hay đến với Lầu Bà Tám Huê, Lầu Bà Chín Đào và Lầu Bà Năm (huyện Gò Công Tây) – những ngôi nhà lầu đầu tiên có tuổi đời ngót thế kỷ để chiêm ngưỡng những tuyệt tác kiến trúc "trơ gan cùng tuế nguyệt".

Du khách cũng có thể "xả hơi" ở biển Tân Thành (huyện Gò Công Đông), cách làng tủ thờ chừng chục cây số. Không có những bãi cát trắng, cát vàng nhưng "biển miệt vườn" Tân Thành có sự cuốn hút riêng bởi cát mềm mịn như nhung, và khách theo chân ngư dân cào nghêu, sò giống trên những lối mòn để cảm nhận vẻ đẹp của biển.

Rời xứ Gò trong tiếng gió rít rao của biển cả, trong mùi thơm ngào ngạt của mắm tôm chà Gò Công, vị ngọt đặc trưng của nghêu Tân Thành, nhiều du khách bịn rịn, chưa muốn rời xa.

Hướng dẫn thêm:

Từ TP Cần Thơ, du khách theo quốc lộ 1 hướng TP Mỹ Tho, đến ngã ba Trung Lương, quẹo phải theo tỉnh lộ 24 đi thêm khoảng 35km là đến thị xã Gò Công. Còn xuất phát từ TP Hồ Chí Minh, nếu không đi hướng quốc lộ 1 về ngã ba Trung Lương, du khách có thể đi theo quốc lộ 50 về Cần Đước (Long An), qua phà Mỹ Lợi là đặt chân đến xứ Gò. Hiện nay nhiều công ty lữ hành đã khai thác tour từ Cần Thơ, TP Hồ Chí Minh đi Gò Công, giá dao động khoảng 500 ngàn đồng/khách/ngày đi về.

Theo Huỳnh Mai (Báo Cần Thơ)
toimedulich

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét