Thứ Ba, 29 tháng 7, 2014

Cồn cỏ có con cá đua...

(ANTĐ) - Ra thăm Cồn Cỏ vào một ngày hè đầu tháng 7, ước mơ đến nay đã nửa thế kỷ của tôi mới trở thành hiện thực. Hòn đảo thuộc tỉnh Quảng Trị này có hình dáng giống như một con cá sấu bập bềnh trên sóng nước, tuy diện tích nhỏ, chỉ khoảng 277ha nhưng mỗi lần nhắc đến lại gợi lên bao cảm xúc thân thương trong lòng người dân Việt.

Đặt chân lên hòn đảo triệu năm tuổi giữa biển cả mênh mông này, Cồn Cỏ hiện lên với đủ gam màu. Bên cạnh màu xanh thẫm của cây rừng là những mảng màu sinh động của tòa nhà công vụ, những công trường dân sinh, máy móc, thiết bị đưa từ đất liền ra để phục vụ công cuộc kiến thiết, xây dựng đảo.

< Bến cảng đảo Cồn Cỏ.

Cạnh UBND huyện là ngôi trường tiểu học vừa được khánh thành khang trang mang tên “Phong Ba”, loài cây phổ biến ven biển, bao quanh bảo vệ đảo. Dù khí hậu khắc nghiệt, loài cây này vẫn vươn mình trong nắng gió, bão bùng, tượng trưng cho sự can trường của người dân trên đảo.

Thăm Cồn Cỏ vào tháng 7 này, đoàn chúng tôi đã đến thắp nén nhang thơm tại nghĩa trang liệt sĩ tưởng nhớ những anh hùng đã ngã xuống, vĩnh viễn nằm lại trên hòn đảo xa vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.

Dấu tích những năm tháng gian khổ, oai hùng của Cồn Cỏ vẫn hiện diện trước mắt chúng tôi. Đó là hệ thống hào giao thông dài 28km; trận địa pháo mang tên khu Hà Nội, khu Hải Phòng, quê hương 5 tấn Thái Bình; địa đạo Bến Nghé; giếng nước ngọt đào từ những tháng năm chống Mỹ bây giờ vẫn phục vụ quân dân trên đảo; hai trạm xá dã chiến nằm sâu trong lòng đất. Bài thơ Bác Hồ gửi tặng đảo nhỏ anh hùng: “Cồn Cỏ nở đầy hoa thắng trận/ Đánh cho tan xác giặc Hoa Kỳ” được tạc vào bia đá ghi lại dấu ấn một thời như một “bài ca không bao giờ quên”.

Còn nhớ, năm 1964, khi đất nước tạm thời bị chia làm 2 miền, Cồn Cỏ là “mắt thần”, “vọng gác tiền tiêu” của miền Bắc, nơi trung chuyển nhân lực, lương thực, vũ khí vào chiến trường miền Nam. Dù bị quân giặc nhiều lần đổ bộ, ném bom, đánh phá ác liệt nhưng quân và dân trên đảo đã anh dũng chiến đấu, bắn rơi 48 máy bay Mỹ, bắn chìm 17 tàu chiến, hải thuyền của địch, bảo vệ chủ quyền biển đảo…

Những kỳ tích ấy đã trở thành nguồn cảm hứng sáng tác của lớp Văn 3D, khóa Nguyễn Văn Trỗi (ĐHSP Hà Nội) chúng tôi thời đó.

< Cây phong ba trên đảo Cồn Cỏ.

Trong tập thơ “Đảo nhỏ anh hùng” kính tặng các chiến sĩ Cồn Cỏ của lớp chúng tôi, sinh viên Hoàng Hưng (sau này là nhà thơ) đã viết: “Đây chính là nơi ta phải đến/ Thử thách lòng ta giữa thép sôi/ Sẽ nối cuộc đời vào đất nước/ Bằng máu mình một giọt đỏ tươi/ Cho tôi đến đảo ơi cho tôi đến/ Để mỗi đêm không hối tiếc mỗi ngày/ Để tự hào mang một tên người Việt/ Cồn Cỏ ơi! Tôi gọi, đảo có hay”.

< San hô ở biển Cồn Cỏ.

Đảo Cồn Cỏ được hình thành từ quá trình vận động phun trào của núi lửa, nên cấu tạo đa dạng. Trên đảo vừa có đất đỏ bazan, vừa có san hô và cát trắng mịn. Vẻ đẹp của đảo Cồn Cỏ đầy chất hoang sơ và lãng mạn. Hệ thống rừng già của đảo có nhiều loại cây sống hàng trăm năm tuổi, phía Bắc đảo có cây bàng gốc to tới mức 3 người ôm không xuể. Dưới biển có hải sâm đen, trắng to bằng ngón chân cái, dài 20cm, là vị thuốc quý và món ăn “đặc sản” cao cấp được xếp ngang hàng với yến sào.

Khi ánh mặt trời vừa tắt, chúng tôi thỏa sức lặn biển, bơi thuyền thúng, câu cá, bắt ốc… Nếu may mắn có thể bắt được loài cua đá to gần bằng bàn tay đã đi vào ca khúc nổi tiếng:

“Cồn Cỏ có con cá đua là con cua đá/ Nó nằm trong đá, nó nằm trong khe/ Nó có 8 cái que có 2 cái càng…”.
Cua đá nướng trên bếp lửa hồng, nhâm nhi với rượu ngâm rắn biển thì cứ muốn ở mãi với Cồn Cỏ.

Lê Sĩ Tứ (An Ninh Thủ Đô)
toimedulich

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét