Thứ Năm, 3 tháng 9, 2015

Mùa măng rừng về

(TTO) - Mùa này nếu có dịp đến các tỉnh vùng cao Bắc Giang, Tuyên Quang, Lạng Sơn… dự buổi chợ phiên đậm chất truyền thống, bạn sẽ gặp cơ man những củ măng rừng mập mạp, đầy sức sống đặc sản của rừng.

< Măng mai.

Đối với người dân vùng cao, nơi đất đai cằn cỗi, nơi người dân thiếu thốn trăm bề, nơi con người nhọc nhằn mưu sinh từng ngày, mùa này khi nỗi nhớ quê ùa về chắc không thể nào không nhớ đến những gánh măng rừng trĩu nặng trên những con đường rừng rậm rạp.
Nói đến tre, chẳng người dân việt Nam nào không cảm thấy có gì đó thân thuộc, hình ảnh những lũy tre làng, hình ảnh của những lũy tre “ xây thành đắp lũy” trong các cuộc kháng chiến…

Tre không chỉ mang hồn của dân tộc mà măng còn là món quà quý thiên nhiên đã ưu ái dành tặng núi rừng, một món quà không thể thiếu mỗi mùa mưa về trong gói đồ gửi về xuôi - món quà chứa đựng cả mồ hôi, tình cảm và cả nắng, gió của vùng cao.

< Mầm măng mập mạp tràn đầy nhựa sống.

Khi mùa xuân đi qua, mùa mưa về trên những cánh rừng, các gốc tre già bật lên những mầm măng rừng tràn đầy sức sống, người dân miền núi lại nhộn nhịp với mùa măng rừng, một mùa mưu sinh mới lại bắt đầu.
Dulichgo
Mùa măng rừng thường bắt đầu từ tháng 7 đến tháng 10 âm lịch. Măng rừng có rất nhiều loại như măng lứa, măng mai, măng hóa, măng lộc ngộc…, mỗi loại mọc ở những thời điểm khác nhau.

Gọi là món quà thiên nhiên ưu đãi cũng không sai, những bụi tre rừng cứ thế mọc lên, tự mình đâm sâu vào lòng đất hút chất dinh dưỡng từng ngày. Mùa khô những bụi tre trông còn xơ xác nhưng khi mùa mưa kéo về lại xanh um như được khoác một chiếc áo mới.

< Măng rừng được bán ở một góc chợ phiên.

Cũng kỳ lạ, những gốc tre già tưởng chừng như cằn cỗi vậy mà khi những cơn dông trút xuống, các mầm măng mập mạp lại cựa mình vươn lên. Bà con thường truyền kinh nghiệm cho nhau rằng măng mọc nhanh hơn về ban đêm, và mỗi khi mưa về những bụi tre sẽ cho nhiều măng hơn.

Cũng theo người dân vùng núi, măng rừng có rất nhiều loại nhưng măng mai là loại măng ăn mang vị ngọt ngon nhất.

Măng thì nhiều vậy nhưng công việc lấy măng không dễ dàng. Người đi bẻ măng khăn gói vào rừng từ sáng sớm. Có mụt măng dễ lấy nhưng những mụt mọc sâu trong bụi phải đào, bới mới lấy được. Không buổi lấy măng nào tránh được gai cào rách da, thậm chí còn bị rắn cắn, ong đốt...
Dulichgo
Vất vả, đầy nguy hiểm là thế nhưng bà con vẫn vào rừng tìm măng cũng vì miếng cơm manh áo, hoặc cũng là vì thói quen hay lam hay làm đã ngấm sâu vào người dân nơi đây.

Măng sau khi hái về sẽ được chế biến thành những món ngon. Đơn giản chỉ bóc sạch vỏ, luộc chín kỹ chấm với nước mắm thôi cũng đủ thấy cái thú của việc thưởng thức đặc sản rừng khi nghe những miếng măng giòn, ngọt nơi đầu lưỡi.

< Măng tươi được nấu chín tới vớt ra để ráo.

Sang hơn thì ninh măng cùng xương heo, nấu với cá suối... vị ngọt của xương quyện với vị ngọt núi rừng dễ dàng làm vừa lòng bất cứ người khách khó tính nào.

Người dân vùng cao thường nói với nhau rằng tuy măng cùng một bụi nhưng không phải ai chặt măng cũng ngon, có người chặt măng ăn ngọt nhưng có người chặt măng khi luộc măng sẽ te.

Chẳng biết có phải chuyện thật không nhưng mùa này mà được thưởng thức món măng rừng bạn sẽ không quên được món ăn mang phong vị rừng núi này.

< Măng khô vàng ươm.
Dulichgo
Măng còn được người dân ở đây chế biến thành măng khô để dành khi hết mùa và làm quà cho những người con phương xa.

Măng hái về được bóc sạch vỏ, cắt khúc cho lên nồi gang luộc chín tới vớt ra, để nguội, sau đó thái thành những miếng mỏng đem hong ở gác bếp hoặc phơi nắng khô.

Măng khô có vị ngon riêng, và chắc hẳn ai cũng biết rằng món măng khô ninh chân giò hoặc xương lợn là món ăn không thể thiếu được trên mâm cỗ tết của người dân miền Bắc.

Theo Hoàng Hân (Tuổi Trẻ)
Du lịch, GO!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét