(GLO) - Đến với Phố núi Pleiku thơ mộng, du khách chắc chắn không thể bỏ qua thắng cảnh Biển Hồ (hay còn gọi là hồ T’Nưng), là dấu tích của ba miệng núi lửa đã ngừng hoạt động cách đây hàng triệu năm. Cũng trên con đường vào danh thắng này, mất khoảng 20 km nữa, bạn sẽ ngỡ ngàng trước cảnh đẹp ít được biết đến là ngọn núi lửa Chư Đăng Ya hùng vĩ (thuộc xã Chư Đăng Ya, huyện Chư Pah).
Chúng tôi đến với ngọn Chư Đăng Ya vào một buổi sáng sương mờ, trời mát rất thích hợp cho hành trình leo núi của đoàn sau khi khảo sát đường vòng quanh danh thắng Biển Hồ và tìm hiểu đời sống đồng bào dân tộc thiểu số làng Tlũ. Nếu nhìn từ dưới, ngọn núi Chư Đăng Ya tựa như một chiếc bát úp, nhưng leo tới đỉnh miệng núi lại mở ra một thung lũng lòng chảo rộng lớn với những thửa ruộng trồng bí đỏ, dong riềng, bắp, khoai…
Điều kỳ lạ là miệng núi không hề có nước, mà cũng chẳng ai đủ sức chở nước lên đây tưới được, vậy mà quanh năm cây cối lúc nào cũng xanh tốt nhờ vào lộc trời chăm bón cho đời sống dân cư nơi đây cải thiện lên từng ngày.
Dulichgo
Vào mùa mưa, Chư Đăng Ya được bao phủ bởi màu xanh bạt ngàn của những ruộng khoai lang, khoai môn hay cây dong riềng. Đến mùa khô, hàng vạn đóa dã quỳ bung nở trên sườn núi làm mê mẩn lòng người yêu cái đẹp của loài hoa đặc trưng Tây Nguyên này.
Con đường chinh phục đỉnh Chư Đăng Ya quả là một thử thách đối với du khách bởi những con dốc khúc khuỷu và dễ trơn trượt. Nhưng khi lên tới miệng núi lửa, bước chân lữ hành sẽ được tưởng thưởng bởi cảnh đẹp nơi đây.
Giữa một không gian bao la, rộng mở, du khách có thể thảnh thơi hít hà mùi hương của hoa cỏ đồng nội, của khí trời trên cao nguyên lộng gió sau một hành trình leo núi mệt mỏi.
Chư Đăng Ya theo tiếng của đồng bào Jrai nghĩa là củ gừng dại. Núi lửa Chư Đăng Ya ẩn mình giữa bốn bề núi non trùng điệp, âm thầm, lặng lẽ nhưng tràn đầy sức sống và đầy mê hoặc.
Dulichgo
Dấu tích của nham thạch qua hàng triệu năm để lại cho Chư Đăng Ya là một vùng đất đỏ bazan màu mỡ, trù phú. Điểm nhấn cho ngọn núi là sự hòa quyện của những loài hoa, cỏ dại và mỗi mùa, ngọn núi sẽ có những nét đẹp riêng. Từ đây đi thêm khoảng 3 km nữa du khách sẽ đến được với xã Tân Sơn (TP. Pleiku) thưởng thức món gà nướng đã trở thành thương hiệu ẩm thực đặc trưng của Gia Lai.
Khi đến với Chư Đăng Ya, du khách sẽ được trải nghiệm cảm giác yên ả, thanh bình của khung cảnh thiên nhiên hoang sơ một vùng bình nguyên xanh thẳm và xa thẳm đậm chất Tây Nguyên, được thỏa sức chiêm ngưỡng và sáng tạo ra những tác phẩm nghệ thuật, bởi mỗi đoạn đường là một khung cảnh mới, một tầm nhìn mới, điều thú vị mới.
Thiết nghĩ việc tổ chức một tour du lịch leo núi lửa thưởng ngoạn hoa dã quỳ vào mùa hoa nở rộ hẳn sẽ đem đến một luồng gió mới, đầy cuốn hút với bước chân phiêu du, thích khám phá những điều mới lạ, độc đáo của du khách trong và ngoài nước.
Theo Võ Thanh Thảo (Báo Gia Lai)
Du lịch, GO!
Ngắm dã quỳ trên núi lửa Chư Đăng Ya
Chư Đăng Ya không tắt
Bất ngờ với núi lửa ở Pleiku
Núi ở Gia Lai
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét