Đi xem múa rối nước làng Đào Thục hay học làm chuồn chuồn tre tại Thạch Xá là những gợi ý bạn nên thử.
Câu chuyện cuối tuần đi đâu luôn là đề tài muôn thuở của nhiều người. Nếu còn băn khoăn thì tới thăm các làng nghề sẽ là gợi ý thú vị cho bạn. Không phải làng gốm Bát Tràng hay làng nón Chuông quá quen thuộc nữa mà thay vào đó là những làng nghề khác không kém phần thú vị.
Làng chuồn chuồn tre Thạch Xá
Nằm gần chùa Tây Phương, cách Hà Nội chừng 35 km, Thạch Xá là làng làm chuồn chuồn tre nổi tiếng của huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chuồn chuồn tre ở đây được làm bắt mắt và có thể đứng thăng bằng bởi phần đầu trên những điểm tựa nhỏ. Chính vì vậy khách du lịch tới chùa Tây Phương rất yêu thích sản phẩm này.
Sở dĩ gọi là chuồn chuồn tre vì sản phẩm này được làm từ những cây tre bánh tẻ, đốt dài và ít mối mọt. Thông thường, một sản phẩm phải trải qua các giai đoạn gồm: Chẻ tre, vót thân và cánh chuồn chuồn, làm mỏ, lắp cánh, trang trí. Trong đó, công đoạn khó nhất là lắp cánh vào thân chuồn chuồn. Công đoạn này đỏi hỏi người thợ thủ công phải tính toán cẩn thận để chuồn chuồn đậu được trên tay. Chỉ khi chuồn chuồn cân bằng, người thợ mới gắn keo cố định và trang trí.
Dulichgo
Có 3 loại chuồn chuồn theo cỡ lớn, vừa và nhỏ với độ dài tương ứng là 12 - 15 và 18 cm được làm tại đây. Cầu kỳ hơn, bạn có thể đặt theo ý mình hay tự làm dưới sự hướng dẫn của các nghệ nhân trong làng.
Làng quạt Chàng Sơn
Quạt Chàng Sơn là sản phẩm có tiếng tại xã Chàng Sơn, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Nghề làm quạt ở đây có từ cách đây hơn trăm năm. Ngay từ thế kỷ 19, những chiếc quạt Chàng Sơn đã được người Pháp đem đi triễn lãm tại kinh đô Paris hoa lệ. Không chỉ vậy, người làm quạt giỏi nhất làng còn được phong chức Bá Hộ (phẩm hàm cấp cho hào lý hoặc người giàu có thời phong kiến).
Những chiếc quạt Chàng Sơn nổi tiếng bền và đẹp. Để có một chiếc quạt như ý, mỗi người thợ ở đây phải lựa chọn từng loại nguyên liệu tốt nhất. Trong đó tre làm quạt phải dẻo, không mối mọt, sợi mây phải óng mượt và dài để không bị đứt đoạn khi viền. Giấy làm quạt là loại giấy dó, giấy điệp mua tại Đông Hồ để tranh vẽ lên màu đẹp nhất.
Cái khó của việc làm quạt chính là căn thật chuẩn các nếp gấp ở mỗi nan quạt. Điều này đòi hỏi người thợ phải tính toán kỹ lưỡng để khi hoàn thành, chiếc quạt gấp lại không bị ảnh hưởng đến tranh vẽ bên trên. Các nếp gấp cũng phải nằm đúng vào khoảng giữa để không bị cắt người hay vật trên tranh. Trường hợp bắt buộc phải cắt thì cái tài của người thợ Chàng Sơn chính là vẽ thêm những mối liên kết khó nhận biết nếu không nhìn gần.
Làng tương bần Yên Nhân
Tương bần là tên một loại tương được sản xuất tại thị trấn Bần Yên Nhân, Hưng Yên. Trước kia tương bần là sản phẩm dùng để tiến vua. Ngày nay tương bần không chỉ nổi tiếng ở Hưng Yên nói riêng mà còn ở Việt Nam nói chung.
Nguyên liệu làm tương bần đơn giản và dễ tìm là gạo nếp cái hoa vàng, đỗ tương và muối. Thế nhưng để có được bát tương ngon, lại không phải điều dễ dàng. Quy trình làm tương bần trải qua ba bước chính là lên mốc xôi nếp, ngả đỗ và ủ tương. Gạo nếp đem ngâm rồi nấu chín thành xôi sau đó xới ra nong để khoảng 2 ngày cho lên mốc vàng. Đỗ tương rang vàng rồi xay nhỏ và ngâm trong chum sành từ 7 đến 10 ngày để đỗ lên màu. Sau khi hai bước này hoàn tất, người làm tương sẽ lấy nước đỗ ngâm trong chum tưới lên mốc xôi và trộn đều. Để như vậy thêm 1 ngày 1 đêm nữa cho xôi mốc lên vàng mới cho vào chum đỗ tương có trộn muối tinh và phơi ngoài trời nắng.
Dulichgo
Tương bần Yên Nhân có màu vàng như mật ong và là thứ nước chấm không thể thiếu của bánh đúc, bánh tẻ... Không chỉ vậy, tương bần còn giúp các món ăn dậy mùi và đậm đà khi chế biến.
Làng thêu Quất Động
Một trong số những làng nghề truyền thống tại Hà Nội không thể không nhắc tới chính là làng thêu Quất Động. Đây là làng thêu nổi tiếng, có lịch sử từ thế kỷ 17. Khi ấy, thợ thêu Quất Động chỉ làm các loại nghi môn, trướng, câu đối và các loại khăn chầu. Tuy nhiên đến đầu thế kỷ 20, nghề thêu ở đây đã trở nên tinh tế và khéo léo hơn và đạt đến độ thẩm mỹ cao cũng như đa dạng về sản phẩm.
Thông thường vải được chọn thêu phải là loại vải bông hoặc lụa và chỉ thêu làm từ sợi tơ tằm nhuộm màu. Riêng với đồ thờ cúng thì dùng thêm chỉ thêu kim tuyến màu vàng và ngân tuyến ánh bạc. Đầu tiên người thợ sẽ phác thảo phần khung tranh trên vải, sau đó tùy theo cảm hứng sáng tác mà thêu thêm hay bớt đi một vài chi tiết.
Điều làm nên nét quyến rũ của bức tranh thêu không chỉ ở nguyên liệu hay chủ đề đa dạng mà nằm ở kỹ thuật của mỗi người thợ. Mỗi một bức tranh thêu đòi hỏi người thợ Quất Động phải có một tâm hồn nhạy cảm với cái đẹp và thật kiên trì. Khi ấy mọi kỹ thuật thêu như nối đầu, đâm xô, thụt lùi... mới kết hợp với nhau nhuần nhuyễn và cái hồn của tác phẩm mới thoát ra khỏi từng đường kim mũi chỉ.
Làng rối nước Đào Thục
Không giống những làng nghề khác, sản phẩm truyền thống tại Đào Thục, Đông Anh, Hà Nội lại là bộ môn nghệ thuật nổi tiếng: Múa rối nước. Ông tổ truyền nghề múa rối nước cho làng Đào Thục có tên là Nguyễn Đăng Vinh.
Dulichgo
Không chỉ chế tác các con giống múa rối, những nghệ nhân trong làng còn chính là người nghệ sỹ tham gia vào mỗi vở diễn. Trước đây làng Đào Thục thường biểu diễn các tích trò nổi tiếng là "Ba khí giáo trò", "Lên võng xuống nước", "Trâu chui ống"... nhưng hiện nay, nhiều tiết mục đã được sáng tác thêm để ca ngợi quê hương đất nước như "Tặng hoa ngày hội", "Rước ảnh Bác Hồ", "Hà Nội 12 ngày đêm"....
Khách đến Đào Thục có thể tới vào cuối năm hay đầu xuân là thời gian đông khách du lịch. Vào dịp này, mỗi tháng các nghệ nhân sẽ diễn khoảng 20 buổi hoặc hơn. Trước đây, các buổi biểu diễn được tổ chức tại ao làng với sân khấu được chiếu sáng bởi đèn dầu, đuốc và chưa có chỗ ngồi. Nhưng hiện tại, ao làng đã được xây dựng thêm nhà thủy đình đẹp đẽ và có sắp đặt chỗ ngồi thuận tiện cho khách.
Phường múa rối nước làng Đào Thục, xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội, được biết đến là nơi gìn giữ vốn văn hóa cổ truyền, môn nghệ thuật dân gian rối nước, đã có gần 300 năm nay. Đi qua Cầu Đuống rẽ trái theo quốc lộ 3 chừng 20 km nữa đến cầu Phủ Lỗ thì rẽ phải Men theo triền đê sông Cà Lồ về thôn Đào Thục (xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, TP Hà Nội).
Hướng dẫn đường đi:
- Làng chuồn chuồn tre Thạch Xá: Từ Hà Nội, bạn đi theo hướng đại lộ Thăng Long khoảng 25 km đến Thạch Thất sau đó rẽ phải, đi tiếp 10 km nữa để hỏi thăm đường đến chùa Tây Phương. Khi thấy biển chùa Tây Phương thì rẽ trái. Làng nằm ngay dưới chân ngọn núi này, nơi có chùa Tây Phương tọa lạc.
- Làng quạt Chàng Sơn: Nằm cùng trục đường tới làng Thạch Xá nhưng bạn không rẽ phải vào chùa Tây Phương mà rẽ theo hướng ngược lại.
- Làng tương bần Yên Nhân: Từ Hà Nội, bạn đi theo quốc lộ 5 chừng 25 km thì tới nơi.
- Làng thêu Quất Động: Bạn đi theo đường Giải Phóng, qua thị trấn Văn Điển, tới chợ Vồi sẽ thấy biển chỉ dẫn bên đường.
- Làng rối nước Đào Thục: Từ trung tâm Hà Nội, bạn đi qua cầu Đuống, rẽ trái theo quốc lộ 3 đến Phủ Lỗ thì men theo đê sông Cà Lồ về thôn Đào Thục. Tổng đường đi khoảng 24 km.
Theo Diệu Huyền (Vnexpress)
Du lịch, GO!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét