Thứ Tư, 30 tháng 9, 2015

Biển Bảo Ninh giản dị và yên bình

(NSO) - Không đông đúc như nhiều bãi biển khác, Bảo Ninh lặng lẽ với làn nước trong xanh, bãi cát mịn vàng óng ả, đồi phi lao cao vút vi vu gió, những ghềnh đá nhấp nhô...

< Bình minh trên bãi biển Bảo Ninh.

Nằm ở phía đông thành phố Đồng Hới - tỉnh Quảng Bình, bán đảo Bảo Ninh nối liền thành phố bằng cây cầu Nhật Lệ, tiếp giáp với bãi biển Nhật Lệ thơ mộng và cũng là dải cát vàng nổi lên giữa ba bề sông nước tựa như một bức tường thành thiên nhiên khổng lồ che chắn phía đông cho thành phố.

Trong hành trình khám phá Đồng Hới, du khách sẽ bị cuốn hút bởi không gian yên ắng, thanh bình của vùng trời hoang sơ, dịu dàng trên bãi biển Bảo Ninh, trải dọc theo dòng sông Nhật Lệ trong khung cảnh thanh bình như một nàng tiên đang say giấc nồng.
Dulichgo
Bạn sẽ được hòa vào thiên nhiên khoáng đãng, thả hồn trong sự yên tĩnh với tiếng rì rào của gió và sóng biển, những rặng dừa xanh trĩu quả nằm sát các ngôi nhà nhỏ của làng chài Bảo Ninh, nhìn những đứa trẻ nô đùa trên bãi biển mỗi khi về chiều hay dạo quanh biển lúc sáng sớm ngắm bình minh, những đoàn thuyền cập bờ của ngư dân sau đêm dài đánh cá.

Cầu Nhật Lệ là điểm dừng chân lý tưởng nhất để giúp du khách thu nhỏ toàn bộ khung cảnh trên biển vào tầm mắt. Từ trên cầu nhìn xuống, biển Bảo Ninh xanh biếc, mênh mông dải cát trải dài ẩn hiện theo những gợn sóng biển, nối nhau chấp cánh phủ dọc theo dòng sông Nhật Lệ.

Biển nơi đây như một viên ngọc diệu kỳ, điểm tô cho vẻ đẹp miền đất Bảo Ninh giữa hai làn nước. Một bên là biển, một bên là dòng sông Nhật Lệ thơ mộng lặng lờ trôi, tạo nên vẻ đẹp như thực như mơ của tạo hóa ban tặng cho Đồng Hới.

< Cầu Nhật Lệ dẫn vào Bảo Ninh.

Ban đêm, đứng trên cầu Nhật Lệ phóng tầm mắt ra xa, du khách sẽ thấy được vẻ đẹp dịu dàng trong sự tĩnh lặng của biển Bảo Ninh, chỉ có tiếng sóng biển vỗ rì rào, lác đác những chiếc thuyền đánh cá ngược xuôi trên biển, lấp lánh ánh đèn pha của dân làng chài như tô điểm thêm cho cảnh quan hữu tình non nước.
Dulichgo
Đường bờ biển Bảo Ninh nghiêng mình thoai thoải theo dòng sông Nhật Lệ. Điểm nhấn của biển Bảo Ninh chính là những bãi cát trắng pha lẫn màu vàng xen kẽ nhau khiến du khách say mê khám phá.

< Quảng trường Bảo Ninh.

Quảng trường Bảo Ninh nằm ngay trên bãi biển, là khu vui chơi, giải trí mới cho dân bản địa cũng như khách thập phương, nơi giao lưu văn hóa bản địa. Ở đây thường xuyên tổ chức lễ hội cầu ngư, cầu mùa của ngư dân làng chài sống ven biển.

Vẻ hoang sơ của Bảo Ninh luôn thu hút những ai thích khám phá, trải nghiệm để tìm cảm giác mới lạ. Xung quanh biển Bảo Ninh còn có các di tích như Thành lũy cổ, đền thờ Cá Ông mang biểu tượng văn hóa ngư dân làng chài Bảo Ninh, tượng đài Mẹ Suốt đưa đò năm xưa.

Ngoài ra, du khách cũng có thể tham gia một số hoạt động thể thao trên bãi biển như bóng chuyền, bóng đá, thả diều mỗi khi chiều buông hay đơn giản dạo bước trên cát ngắm cảnh, nằm nghe tiếng sóng rí rào của biển vào buổi chiều giữa không gian mát mẻ của đất trời.
Dulichgo
Dạo quanh thành phố Đồng Hới để tìm hiểu về văn hóa truyền thống, lối sống… của người dân địa phương là một trải nghiệm không thể bỏ lỡ khi đến đây.

Vào những đêm rằm trăng sáng, người dân nơi đây thường tổ chức các lễ hội đặc sắc và thú vị như đua thuyền, chèo cạn, múa bông với khúc vang ngân mặn mà của giai điệu hò khoan, hò hụi của ngư dân vùng biển Bảo Ninh, Hải Thành… và các lễ hội dân gian như bài chòi, cờ người ngay trên bãi biển.

Ẩm thực miền biển luôn là sợi dây vô hình níu chân du khách bởi các món ăn mang hương vị biển cả như mực khô, cá khô, tôm nướng, đẻn biển nướng… với phong cách chế biến mặn mà rất riêng của những con người vùng biển. Nếu muốn mua hải sản tươi ngon, bạn có thể ra biển vào sáng sớm khi những tàu thuyền đánh cá ngoài khơi cập bến với rổ cá tôm còn tươi rói, giá rẻ hơn nhiều lần so với trong chợ.

Theo Hoàng Thương (Ngôi Sao)
Du lịch, GO!

Những con đèo hiểm trở trên hành trình đi Mù Cang Chải

Khau Phạ, đèo Khế, đèo Ách là những cung đường du khách sẽ đi qua từ Hà Nội theo hướng quốc lộ 32 để tới Mù Cang Chải, Yên Bái.

Mỗi con đèo hiện lên như một bức tranh hùng vĩ của thiên nhiên với sức mạnh của bàn tay con người qua bao năm tháng.

Đèo Khế - ranh giới tự nhiên giữa Phú Thọ và Yên Bái

Có nhiều cung đường núi mang tên “đèo Khế” và con đèo nối hai tỉnh Phú Thọ và Yên Bái cũng được đặt theo cái tên này. Chạy xe qua Thu Cúc, quốc lộ 32 rẽ làm hai nhánh là 32 (qua đèo Lũng Lô) và 32B (qua đèo Khế).

Cung đường dẫn lên Yên Bái sẽ đi qua quốc lộ 32 với khung cảnh hùng vĩ của núi rừng hai huyện Văn Chấn và Tân Sơn. Bạn có thể chiêm ngưỡng những cánh đồng lúa mênh mông nằm bên rừng cọ bạt ngàn của Phú Thọ hay đồi chè hút tầm mắt.
Dulichgo
Đèo Khế từng là “nỗi sợ” với dân lái xe, đặc biệt là những người đi đêm. Con đường này thường xuyên xảy ra sạt lở, gây ách tắc giao thông. Tuy nhiên, những năm qua, đèo Khế đã được tu sửa và trở thành tuyến đường chính cho những người đi du lịch Mù Cang Chải, thay vì chạy dài hơn từ thành phố Yên Bái, qua Văn Chấn và lên Nghĩa Lộ.

Đèo Ách, nơi khởi nguồn của dòng suối Ngòi Phà

Nằm hoàn toàn trong địa phận huyện Văn Chấn, đây là con đèo hùng vĩ của tỉnh Yên Bái, cùng với đèo Lũng Lô và Khau Phạ. Đèo Ách nổi tiếng với các con đường có độ dốc lớn và nhiều khúc cua tay áo. Cơn mưa bất chợt của vùng núi đem theo làn sương mỏng che lấp tầm nhìn của lái xe thường khiến du khách “chùn chân” khi đi qua cung đèo chỉ kéo dài vài km này.

Tuy chưa lên đến độ cao lý tưởng để ngắm khung cảnh hùng vĩ của Tây Bắc, con đường qua đèo Ách mang lại cho bạn không khí trong lành và vẻ đẹp mộc mạc của làng quê Văn Chấn. Sông Ngòi Lao chạy qua chân đèo Ách, đổ về các con suối và mang đến sự sống cho những cánh đồng cũng đang vào vụ mùa.

Đèo Khau Phạ - “Cổng trời” dẫn vào xứ sở Tây Bắc

Được mệnh danh là một trong tứ đại đỉnh đèo, cái tên Khau Phạ khiến người ta nhớ ngay tới con đèo hiểm trở, dài hơn 30 km, nằm giữa hai huyện Văn Chấn và Mù Cang Chải.
Dulichgo
Đèo nổi tiếng với các cung đường quanh co, các khúc cua gấp, một bên là thung lũng, một bên là núi cao dựng đứng, đem lại cảm giác choáng ngợp cho du khách. Khau Phạ cũng là con đường huyết mạch nối Yên Bái với Lai Châu và Lào Cai.

Đến với đèo Khau Phạ, bạn như lạc vào thế giới của núi rừng và những thửa ruộng bậc thang hùng vĩ. Từ trên đèo, du khách có thể phóng tầm mắt xuống cánh đồng Lìm Mông và thung lũng Cao Phạ, nơi có những thửa ruộng bậc thang kéo lên tận cổng trời. Lên cao hơn là những đỉnh núi quanh năm vờn mây trắng và thác nước róc rách bên vách đá.

Hãy dành những phút giây nghỉ ngơi trên con đèo này sau một chặng đường dài căng thẳng và cùng ngắm nhìn vẻ đẹp của trời đất vào thu.

Con đường đèo từ Tú Lệ đến Nghĩa Lộ

Dù không được gọi tên cụ thể nhưng con đường từ Nghĩa Lộ tới Tú Lệ sẽ đem đến cho du khách những khúc cua liên tiếp đến thót tim. Trên quãng đường hơn 45 km không có những dốc đứng hay vách núi đá, nhưng có nhiều khúc cua khiến các tay lái phải dè chừng.

Theo Minh Đức (Vnexpress)
Du lịch, GO!

Say men rượu cần ở Lạc Dương

(Zing) - Đến với bản của người Lạch ở xã Lát, thị trấn Lạc Dương, Lâm Đồng, nếu được nếm rượu cần, nhấm nháp miếng thịt hun khói thơm ngon, bạn sẽ không bao giờ quên.

< Những hũ rượu cần đã được ủ men.

Xã Lát nằm ngay dưới chân núi Lang Biang, có đồng bào người Lạch sinh sống. Đời sống của đồng bào nơi đây tương đối khá giả nhưng vẫn giữ lưu giữ được những nét văn hóa đặc sắc, như nhà dài đã có hơn 100 tuổi làm bằng gỗ. Trong buôn Bon Dong I, những ngôi nhà sàn còn lại khá nhiều với những nét kiến trúc đậm nét cổ truyền.

Chúng tôi ghé thăm nhà chị Blui Cil trong ngôi nhà sàn nguyên sơ vào đúng giờ cơm trưa. Ấn tượng đầu tiên là dọc khắp bức tường gỗ ngay lối vào là hàng chục những vò rượu cần xếp ngay ngắn, vừa để người nhà dùng , vừa bán cho du khách.

< Thịt hun khói nướng than hồng.

Rượu cần là đồ uống quen thuộc đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, nhưng mỗi nơi có hương vị khác nhau, tùy vào cách lên men, ủ rượu. 3 nguyên liệu chính để làm rượu gồm men gạo, cơm và trấu. Men gạo là thứ tạo nên hương vị đặc trưng cho mỗi loại. Loại men này được làm từ gạo được giã thành bột, sau đó trộn với nước, nắm lại rồi đem phơi khô. Sau thời gian 1-2 tuần, khi đã lên men, sản phẩm giã lần 2 rồi mang trộn với cơm trước khi ủ thành rượu.
Dulichgo
Quá trình ủ rượu trong những bình bằng sứ bao giờ cũng được bắt đầu bằng một lớp trấu được lót bên dưới, sau đó đến lớp cơm đã được trộn men rượu, cuối cùng là một lớp trấu phủ lên trên. Loại cơm dùng để ủ rượu này có thể nấu với rất nhiều nguyên liệu: gạo tẻ, gạo lứt, nếp than, bắp, bo bo...

< Theo phong tục của người Lạch, khách quý sẽ là người cắm cần rượu, xoay 3 vòng sau đó trao lại cho chủ nhà.

Chiel cho biết rượu của gia đình anh làm thường có nồng độ cồn trên dưới 2 độ, nhẹ hơn bia. Chính điều này khiến rượu cần mới uống tưởng chừng rất nhẹ nhưng càng uống càng thấm, và say lúc nào không hay. Với một bình ủ có dung tích khoảng 5 lít, vừa uống vừa tiếp nước chừng 3-4 lượt, tổng cộng cho khoảng 20 lít rượu, có thể uống từ sáng đến chiều khi men đã nhạt.

Quây quần trong ngôi nhà sàn của chị Blui, chúng tôi còn được thưởng thức món thịt hun khói nướng trong gian bếp. Những miếng thịt nạc, thớ dày nhưng không quá cứng. Thông thường, thịt được treo trên bếp nấu của người Lạch chừng vài ngày, có màu vàng óng. Trước khi treo, thịt được ướp với một chút muối để tạo nên vị đậm đà.

Thịt hun khói được nướng trên than hồng tỏa mùi thơm nghi ngút. Chấm với chút muối tiêu dầm cùng một loại lá của người Lạch thịt có vị ngọt, bùi, vừa dai lại vừa mềm.

Đối với người Lạch, tục uống rượu cần cũng có quy luật riêng. Chị Blui chia sẻ, thường những vị khách quý sẽ được chủ nhà mời cắm cần rượu, xoay đủ 3 vòng rồi đưa cho chủ nhà thưởng rượu đầu tiên. Phong tục này vừa cho thấy tấm lòng hiếu khách, vừa thể hiện sự tôn trọng của khách đối với chủ nhà.
Dulichgo
Chủ nhà uống lượt đầu tiên xong sẽ xoay vòng đến mọi người. Rượu vừa uống vừa được châm thêm nước, sao cho vừa đầy lên miệng bình. Đến khi cạn, men rượu đã nhạt, bình rượu vẫn tràn đầy như tấm lòng của chủ dành cho khách, sự trân trọng mà khách đáp lại với chủ nhà.

Nhiều bữa rượu cần kéo dài từ sáng đến tối. Vào dịp Tết hay có đám, có khi rượu được uống từ ngày này qua ngày khác, đến khi tàn tiệc. Rượu cần thể hiện tấm lòng hiếu khách của người Lạch, vì thế, đã uống rượu phải uống trọn cho say.

Theo Văn Tuấn (Zing New)
Du lịch, GO!

Thứ Ba, 29 tháng 9, 2015

Không làm du lịch tại đảo Bình Ba

(TTO) - Đây là nội dung trong “Quy chế đảm bảo an ninh, an toàn căn cứ quân sự Cam Ranh” ban hành ngày 22-9.

Là đảo lớn nhất trong vịnh Cam Ranh (Khánh Hòa), Bình Ba hiện là điểm du lịch thu hút nhiều du khách. Nhưng theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành (có hiệu lực từ ngày 6-11), quy định “khu vực mũi Hời, đảo Bình Ba, Hòn Chút không được tiến hành, phát triển các loại hình du lịch”.
Đây là nội dung trong “Quy chế đảm bảo an ninh, an toàn căn cứ quân sự Cam Ranh” ban hành ngày 22-9.

Theo quy chế này, các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận liên quan đến khu vực căn cứ quân sự Cam Ranh (bao gồm trên bán đảo và vịnh Cam Ranh) phải có ý kiến của Bộ Quốc phòng trước khi trình Chính phủ hoặc Thủ tướng phê duyệt.

Ngày 29-9, ông Nguyễn Văn Hùng, giám đốc Công ty dịch vụ du lịch Tâm Huy Hùng Bình Ba - Cam Ranh, cho biết hiện nay các cơ sở du lịch chủ yếu tập trung trên đảo Bình Ba, thuộc xã đảo Cam Bình (TP Cam Ranh). Còn trên đảo Hòn Chút, thuộc xã Bình Hưng nằm gần cửa Lớn và mũi Hời nằm ngay cửa Bé vào vịnh Cam Ranh hiện không có cơ sở du lịch nào. Riêng cơ sở du lịch Ngọc Sương hình thành từ lâu thì chỉ nằm ở khu vực gần tiếp giáp với mũi Hời.

Theo ông Hùng, với quy định “không được tiến hành, phát triển du lịch” tại đảo Bình Ba sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến cơ sở kinh doanh du lịch của người dân ở đây. Trao đổi với Tuổi Trẻ về vấn đề này, ông Đào Văn Hòa, chủ tịch UBND TP Cam Ranh, cho biết trước đây TP Cam Ranh đã khuyến cáo không đầu tư kinh doanh du lịch trên đảo Bình Ba và vịnh Cam Ranh. Việc xem xét, cấp phép cho dự án đầu tư vào khu vực này là thuộc thẩm quyền của tỉnh Khánh Hòa.

Đến nay, việc đầu tư, phát triển các cơ sở kinh doanh du lịch của người dân trên đảo Bình Ba chủ yếu ở dạng tự phát. Sắp tới, khi thực hiện theo quy chế mới, TP Cam Ranh sẽ đề xuất các cấp thẩm quyền có chính sách hỗ trợ người dân chuyển đổi ngành nghề.

Liên quan đến các dự án du lịch, ông Trần Minh Hải, phó giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh Khánh Hòa, cho biết việc cấp phép đầu tư vào các khu vực nằm trong vịnh Cam Ranh từ trước đến nay đều phải thực hiện theo quy định rất chặt chẽ của Bộ Quốc phòng, phải có ý kiến của Quân khu 5 và Vùng 4 hải quân.

Cho đến nay, chưa có dự án nào được cấp phép đầu tư tại khu vực đảo Bình Ba, còn dự án ở mũi Hời thì đã thu hồi từ lâu. Về hoạt động kinh doanh du lịch trên đảo Bình Ba thật ra chỉ là những cơ sở du lịch tự phát của người dân.

Tuy nhiên vào chiều 29-9, nguồn tin của Tuổi Trẻ cho biết hiện nay trên đảo Bình Ba có hai khu du lịch quy mô đang được đầu tư xây dựng. Trong đó có một khu resort đã xây dựng được khoảng 40 căn (kế hoạch xây 150 căn).

Đối với du khách đến các cơ sở du lịch trên đảo Bình Ba và vịnh Cam Ranh, theo ông Trần Minh Hải, từ trước đến nay đều phải trình báo với các cơ quan chức năng và phải chấp hành quy định không được ở lại qua đêm trên các đảo. Một người dân làm du lịch ở đảo Bình Ba cho biết đến nay du khách nước ngoài và Việt kiều đều không được lưu trú trên đảo.

Người yêu du lịch và kẻ phượt mất một chốn hoang sơ để khám phá. Tuy nhiên, đây cũng là điều cần thiết để bảo vệ CCQS Cam Ranh.

Theo Tuổi Trẻ
Du lịch, GO!

Mênh mang An Thọ

(BQN) - Anh bạn thân công tác tại Đài truyền thanh – truyền hình Đức Phổ, huyện Đức Phổ rủ rỉ: Cuối tuần, mời ông nhập hội với bọn tôi làm chuyến phượt lên ngắm cảnh trời nước trên hồ An Thọ. 

< Hồ chứa nước An Thọ với vẻ đẹp hoang sơ khi chiều nhạt nắng.

Thấy tôi chuẩn bị chiếc ba lô du lịch to tướng, anh “mắt tròn, mày dẹt” như trông thấy người ngoài hành tinh: Trời đất, ông định đi bụi cả tháng luôn hả? Nơi đấy chỉ cách thị trấn Đức Phổ hơn 1km đường bê tông thôi. Tôi nén tiếng thở dài… Và thật may là mình đã nhầm khi định từ chối chuyến đi đầy thú vị!

< Những cánh cò trắng tìm về bến đậu.

Sau hơn 20 phút rong ruổi bằng xe máy từ trung tâm thị trấn huyện lỵ Đức Phổ, cả nhóm hào hứng trước khung cảnh non xanh nước biếc đẹp tựa như bức tranh thủy mặc. Hồ chứa nước An Thọ (giáp ranh giữa hai huyện Đức Phổ và Ba Tơ) như tấm gương soi khổng lồ in bóng núi đồi và những đám mây trắng bay lững lờ giữa trời chiều phai nắng.
Dulichgo
Bất chợt nhớ đến những câu thơ của cố thi sĩ Nguyễn Đình Thi: “…Trời xanh đây là của chúng ta/Núi rừng đây là của chúng ta…”. Xóm làng thấp thoáng ẩn hiện sau những vòm cây xa xa. Chim rừng ríu rít khúc hoan ca trong nắng thu vàng…

< Những cần thủ nghiệp dư buông câu ven hồ.

Sau khi thỏa thuê ngắm nhìn vẻ đẹp hoang sơ nơi núi rừng, cả nhóm xách theo cần câu cùng với giun đất và tép buông cần ven hồ.

Sau hơn một giờ đồng hồ, chúng tôi câu được được gần hai chục con cá bống tượng béo tròn, tươi rói. Thay vì nướng rơm như thường lệ, chúng tôi gom vội những nhánh củi khô nhỏ ven rừng, chất thành đống lớn rồi châm lửa cháy bập bùng. Cá bống được xiên qua cành cây tươi nướng trên ngọn lửa rực cháy. Lát sau cá chín, da cháy sém, bốc mùi thơm phức.

< Món cá bống nướng trui câu được dưới lòng hồ.

Cá nướng được bày ra đĩa cùng với rau thơm ven hồ và vài lát xoài xanh vừa hái trong rừng. Chén muối sống giã nát cùng với vài trái ớt hiểm nằm cạnh đĩa cá như mời gọi. Bóc lớp da cá cháy phơi ra thớ thịt trắng tinh chưa ăn đã thấy ngon lắm rồi. Thịt cá chấm vào chén muối ớt rồi chậm rãi thưởng thức hương vị ngọt thơm từ thịt cá hòa cùng vị mặn của muối xen lẫn vị cay của ớt cứ đọng mãi nơi đầu lưỡi. Thêm lát xoài xanh cùng với ngọn rau thơm, nhấm nháp ngụm bia quả là tuyệt vời.
Dulichgo
Chiều dần đi vào tối, những cánh cò trắng phau lướt trên mặt hồ tìm về bến đậu tạo nên cảm giá yên bình, thư thái đến lạ thường. Bữa tiệc đơn sơ, dân dã cạnh hồ nước nơi núi rừng dưới bóng hoàng hôn khiến cho cảnh vật thêm lung linh, huyền ảo. Vầng trăng thượng tuần chêch chếch treo đầu núi khiến cho tâm hồn lữ khách mơ màng tựa lạc vào chốn thiên thai.

Theo Trang Thy (Báo Quảng Ngãi)
Du lịch, GO!

Đẹp dung dị Hòn Yến - Phú Yên

Khi xuôi Nam hay ngược Bắc, đến đoạn qua đỉnh đèo Quán Cau (huyện Tuy An - Phú Yên) nhìn về hướng biển Đông, ta sẽ nhìn thấy một hòn núi đá sừng sững cao vút nằm ngoài biển khơi mênh mông: nơi đó được gọi là Hòn Yến, thuộc thôn Nhơn Hội, xã An Hòa.

< Hòn Yến, xã An Hòa, huyện Tuy An nằm cách thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên 15 km theo đường bê tông ven biển qua các làng quê thanh bình.

Nơi này còn thu hút du khách bởi những gành đá hình thù kỳ thú cùng làng biển yên bình. Đến Hòn Yến, chúng ta có thể rẽ từ ngã ba Phú Điềm tại quốc lộ 1 đi về hướng đông chừng 5km theo con đường bê tông qua làng biển Nhơn Hội là đến nơi. Nếu không, chúng ta cũng có thể ngồi thuyền máy chạy từ TP Tuy Hòa ngược ra hướng Bắc chừng 3 hải lý.

< Khi thuỷ triều xuống, du khách dễ nhìn thấy nhiều loài san hô đẹp ở biển Hòn Yến.
Dulichgo
Đến Hòn Yến, cảnh trời biển tự tình. Đó là một vùng trời nước mênh mông đẹp, còn rất nguyên sơ, đến những cây bàng biển, cây phi lao, xương rồng cứ mọc tự nhiên chen cát lớn lên trong gió và nắng.

< Du khách chăm chú ngắm, tìm chụp ảnh những sinh vật biển ở Hòn Yến khi nước rút.

< Đây cũng là nơi để các nhiếp ảnh gia sáng tác.

Tương truyền rằng, nơi đây ngày xưa là một hòn đảo giữa biển khơi, rồi theo năm tháng cát trong bờ lấn dần để ngày nay Hòn Yến còn gần bờ chỉ vài mươi mét. Thế đứng của Hòn Yến có hình như chóp nón khổng lồ, quay mặt bốn phương bởi những tầng đá cheo leo dựng đứng.

< Nhóm bạn trẻ rất phấn khích khi được trải nghiệm cùng biển trời Hòn Yến.

< Các đôi cũng thường chọn Hòn Yến để lưu lại kỷ niệm đẹp ngày cưới.
Dulichgo
Ngày xưa, chim yến từ khắp mọi nơi tụ về đây làm tổ sinh sản rất nhiều song do con người không gìn giữ đúng cách nên dần dần chúng đi nơi khác. Dù vậy, người bản địa để ghi nhớ một tên gọi đẹp, có ý nghĩa nên gọi hòn núi này là Hòn Yến đến tận bây giờ.

< Gành Hố Chảo kỳ thú nằm kề bên Hòn Yến. Nơi đây còn nhiều gành đá ấn tượng khác như Hòn Sụn, Bãi Choi...

< Du khách có thể làm những món ăn dân dã từ chính sản vật địa phương.

Nếu đến đây đúng vào dịp những ngày đầu tháng hoặc giữa tháng, buổi chiều nước thủy triều rút, để lộ một bãi đá và cát vàng óng nối đến chân Hòn Yến, du khách có thể đi bộ ra biển, trèo lên những vách đá, phóng mắt nhìn phong cảnh xung quanh với những mái nhà của ngư dân dưới những tán dừa xanh rợp.

< Sắc đỏ lá bên Lăng ông ở Hòn Yến. Đây là nơi lưu giữ vẻ đẹp cổ kính và nét tâm linh của ngư dân. Cá cơm ngần là đặc sản ở làng biển Hòn Yến. Ngoài ra, nơi đây còn nổi tiếng với nhiều loại hải sản tươi ngon khác như mực tươi, ốc vú nàng, cua biển...

- Tuy Hòa trong tiềm thức kẻ lãng du... (Phần 7)
- Khám phá vẻ đẹp Hòn Yến - Phú Yên.


Theo Lê Minh (Vnexpress)
Du lịch, GO!

Chùa Cổ Lễ (Trực Ninh - Nam Định)

Chùa Cổ Lễ (hay Quang Thần tự) là một quần thể kiến trúc đạo Phật và tín ngưỡng Việt Nam mang các yếu tố kiến trúc gô-tích ở thị trấn Cổ Lễ, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định, ngay sát quốc lộ 21A. Trong chùa có quả chuông Đại Hồng Chung lớn nhất Việt Nam được Hòa thượng Thích Thế Long cho đúc vào năm 1936.

Theo bảng giới thiệu trong chùa, thì chùa Cổ Lễ nguyên được xây dựng từ thời Lý Thần Tông, do quốc sư Nguyễn Minh Không sáng lập để thờ phật. Chùa đầu tiên bằng gỗ theo lối kiến trúc cổ. Tuy nhiên chùa ban đầu này đã bị đổ nát.

Năm 1902, sư Phạm Quang Tuyên về trụ trì, cho thiết kế và xây dựng lại chùa theo kiến trúc "Nhất Thốc Lâu Đài" với những yếu tố kiến trúc gô-tích giống như các nhà thờ Công giáo có khá nhiều ở khu vực lân cận. Sau đó, chùa đã được trùng tu nhiều lần. Vật liệu xây dựng là gạch, vôi vữa, mật mía, giấy bản tạo nên độ cố kết vững bền của toàn bộ kiến trúc ngôi chùa.
Dulichgo
Chùa Cổ Lễ là sự hòa nhập các yếu tố kiến trúc cổ truyền Việt Nam với các yếu tố kiến trúc gô-tích (Gothic) của châu Âu. Đây là một ngôi chùa thờ Phật nhưng lại mang dáng dấp một thánh đường Thiên Chúa giáo.

Trước chùa là ngôi tháp Cửu Phẩm Liên Hoa cao cao 32 m, có 8 mặt, dựng năm 1927. Đế tháp được đặt trên lưng một con rùa lớn, đầu quay vào phía chùa. Con rùa được nằm giữa một hồ nước hình vuông, bốn góc là bốn hòn núi giả khá lớn, có đắp bốn con voi to bằng voi thật.

Trong lòng tháp có cầu thang gồm 98 bậc xoắn ốc đến đỉnh. Tương truyền rằng tín đồ phật tử, khách hành hương lên đến bậc thứ 98 này, sờ tay vào bức tượng trên đỉnh tháp thì cuộc sống sẽ luôn gặp may mắn.

Tiếp theo ngôi tháp là một chiếc cầu cong ba nhịp bắc qua hồ Chu Tích (còn gọi là hồ Núi), gọi là cầu Cuốn. Mặt cầu lát gạch. Cầu Cuốn dẫn tới chùa Trình, còn gọi là Phật giáo Hội quán. Chùa Trình được xây vào năm 1936 và trùng tu vào năm 2001. Trong chùa có tượng Phật Quan Âm nghìn tay. Trước sân chùa Trình có 2 lư đồng khổng lồ.

Bên trái chùa Trình là đền Linh Quang Từ, được xây vào năm 1937, thờ Trần Hưng Đạo và hai tiến sĩ họ Đào người làng Cổ Lễ là Bảng nhãn Đào Sư Mỗ và Tiến sĩ đệ tam giáp Đào Toàn Mỗ. Bên phải chùa Trình là Khánh Quang phủ, được xây vào năm 1937, là nơi thờ Tam Tòa Thánh Mẫu.
Dulichgo
Sau lưng chùa Trình là một cái hồ lớn. Giữa hồ có một quả chuông nặng 9000 kg gọi là chuông Đại Hồng Chung. Quả chuông cao 4,2 m, đường kính 2,2 m, thành dày 8 cm. Miệng chuông có họa tiết hình cánh sen, thân có họa tiết hoa lá, sông nước và một số văn tự bằng chữ Nho. Quả chuông này chưa được đánh một lần nào nhưng dân gian truyền miệng khi đánh lên thì cả tỉnh và một vài vùng lân cận sẽ nghe được tiếng ngân của chiếc chuông Đại hồng chung này. Đây là một trong những quả chuông lớn nhất ở Việt Nam. Nhân dân quanh vùng vì yêu mến chùa mà đúc tặng. Trong quá trình đúc chuông, nhiều người đã tháo cả nhẫn, vòng, vàng hòa tan trong đó. Khi quả chuông vừa đúc xong thì kháng chiến bùng nổ, nhân dân trong vùng đề phòng sự phá hoại của giặc nên đã đem ngâm quả chuông xuống hồ. Đến năm 1954, chuông mới được trục vớt và được đặt trên bệ đá cho du khách tham quan từ đó đến nay.

Có hai chiếc cầu giả như động núi, gọi là cầu Núi, bắc qua hồ dẫn tới kiến trúc chính của chùa Cổ Lễ, đó là chùa Thần Quang. Chính điện được thiết kế theo kiến trúc hài hòa giữa phong cách truyền thống và hiện đại. Thần Quang Tự được xây dựng từ năm 1914 trên nền chùa cổ từ thế kỷ 12. Năm 1995, chùa được trùng tu lớn. Trong chùa có tượng Phật sơn son thếp vàng bằng gỗ bạch đàn cao 4 m đặt ở trên tầng cao phải đi theo những cầu thang nhiều bậc ở hai bên mới lên đến chỗ đặt các tượng Phật. Sau lưng tượng Phật là bàn thờ với tượng Nguyễn Minh Không.

Từ điện Phật, có các hành lang quanh ra phía sau nối với nhà khách và nhà tổ. Vách hành lang gắn đầy những tấm bia hậu. Ở nhà tổ có tượng Hòa thượng Phạm Quang Tuyên.
Dulichgo
Sau nhà thờ tổ là một gác chuông lớn có kiến trúc truyền thống gồm 3 tầng 4 mặt, gọi là Kim Chung Bảo Các. Gác chuông này cao 13m40, được xây dựng vào năm 1997. Tầng 2 của gác chuông này có treo một quả chuông đồng to, cao 4m20, rộng 2m03, nặng 9.000 kg. Chuông được đúc vào năm 2003. Tầng 3 có treo một quả chuông đồng nữa đúc từ thời Lê Cảnh Thịnh, nặng 300 kg. Sau gác chuông là khu lăng mộ tổ của chùa.

Trong chùa còn có một chiếc trống bằng đồng và những chiếc thuyền dùng để thi bơi chải. Bốn bề của chùa là vườn tược, hồ nước và sông ngòi. Nhờ kết hợp tinh hoa kiến trúc cổ truyền Việt Nam với các yếu tố của phong cách kiến trúc phương Tây, chùa Cổ Lễ đã trở thành một danh lam ở vùng đồng bằng sông Hồng.

Hội chùa Cổ Lễ từ 13 đến 16 tháng 9 Âm lịch hàng năm, có nhiều nghi thức văn hóa cổ truyền giàu tính nhân văn như lễ rước Phật, đấu vật, đánh cờ người..., đặc biệt là được xem cuộc thi bơi chải truyền thống trên dòng sông uốn lượn quanh chùa.

Theo Wikipedia, ảnh internet
Du lịch, GO!

Thứ Hai, 28 tháng 9, 2015

Hoang sơ nơi Giếng Trời

(TTO) - Giếng Trời, một địa điểm thuộc cánh rừng nguyên sinh tại xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng.

Thỏa sức hò hét rồi nghe tiếng trả lời vang vọng của núi rừng, nằm giữa bốn bề cỏ cây, ngửa mặt ngắm bầu trời sao chi chít như rắc giấy... Cứ ngỡ phải lặn lội tìm kiếm xa lắm, không ngờ lại ở ngay đây. Giếng Trời - cái tên mới nghe đã thôi thúc sự khám phá.

Tình cờ đọc được các lời chia sẻ đó trên một trang mạng xã hội, chúng tôi quyết định dành hai ngày một đêm đi tìm những điều yên bình đó trong chuyến trekking (đi bộ khám phá) Giếng Trời, một địa điểm thuộc cánh rừng nguyên sinh tại xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng.

“Hồn nhiên như cây cỏ”

< Đường vào Giếng Trời qua những dốc thoai thoải...

Chưa có bất kỳ kinh nghiệm gì cho những chuyến đi mang tính trải nghiệm, khám phá thế này, chúng tôi lên mạng tìm đọc tất cả thông tin liên quan đến Giếng Trời, hình thức du lịch trekking và chuẩn bị đồ đạc cần thiết như thuốc ngừa côn trùng, thuốc và các vật dụng sơ cấp cứu, quần áo ấm, áo mưa...

Sau khi đến bãi giữ xe cáp treo Bà Nà, xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang - nơi chỉ phục vụ khách đi cáp treo, cả nhóm gửi xe tại nhà người dân gần đó và bắt đầu cuộc hành trình.

Để đến được Giếng Trời, chúng tôi phải đi bộ hơn 10km đường rừng với sự chỉ dẫn ban đầu của người dân bản địa. Sau gần 500m men theo con đường đất đỏ mấp mô, trước mắt chúng tôi là hình ảnh suối Tóc Tiên khoe mái tóc mượt mà, trắng xóa trên nền xanh thẳm của cây lá. Vào sâu trong rừng, chúng tôi như lạc vào một thế giới khác - thế giới trong những thước phim tài liệu dài tập kể về chuyến du khảo, khám phá của một nhà sinh vật học nào đó.
Dulichgo
Màu xanh rười rượi của cây cối, không khí lành lạnh mênh mang quyện cùng thanh âm xao động của núi rừng thoảng qua khiến mỗi bước chân trở nên nhẹ hẫng. Sự ồn ã, náo nhiệt của phố thị và cái nắng gắt gao của trưa hè như vướng lại trên tàn lá rậm rạp. Chỉ cần nhắm mắt vài giây, du khách đã có thể hít căng lồng ngực hương thơm cỏ cây...

Đi thêm một đoạn, một dòng suối nhỏ vắt ngang đường làm mát lòng du khách. Một vài giọt nắng vàng ươm cố len lỏi qua tán cây, gieo mình trên dòng nước lấp loáng. Nhìn số nước ít ỏi còn lại trong balô, không ai bảo ai, chúng tôi thi nhau chồm người xuống để từng ngụm nước suối ngọt lịm và mát lành tan trong cổ họng.

Ở con suối thứ tư, khu rừng nguyên sinh này lại mở ra trước mắt chúng tôi cảnh tượng tuyệt đẹp: đàn bướm bé xíu với đôi cánh hoặc trắng tinh, hoặc vàng nhạt đang bay là là trên mặt nước. Mỗi người chúng tôi chọn cho riêng mình cách ghi lại khoảnh khắc hư ảo ấy: người vội vã lấy điện thoại chụp ảnh liên hồi như sợ rằng chỉ cần chậm một giây thôi, đàn bướm ấy sẽ tan vào bóng chiều chập choạng, người khác đứng lặng như tờ, lo rằng chỉ một cú nhón chân khẽ khàng cũng làm kinh động đến cuộc chơi đùa của những sinh vật bé nhỏ này...

“Trần trụi với thiên nhiên”
Dulichgo
Gần năm giờ chiều, dù đôi chân mệt mỏi rã rời nhưng khi thoáng nghe tiếng thác nước ầm ào, chúng tôi sải những bước dài về phía luồng âm thanh mê hoặc ấy. Giếng Trời hiển hiện trước mắt, một người bạn không giấu nổi niềm sung sướng khi chinh phục thử thách lập tức nằm dài giữa đá và nước, cười nói huyên náo cả một vùng. Người khác nhanh nhảu lấy chai hứng đầy nước hòng mang về thành phố... làm quà.

Giếng Trời ôm trọn lấy chúng tôi bằng bờ đá sừng sững với dòng thác dựng đứng, bên dưới là hồ nước trong vắt một màu, sâu thẳm. Miệng giếng thênh thang, bị thứ ánh sáng yếu ớt của chiều tà bao phủ. Ngẩng mặt lên, du khách thấy mình thật nhỏ bé.

< Trên đỉnh thác Giếng Trời.

Chúng tôi được chào đón bằng một cơn mưa - đặc trưng của những khu rừng nhiệt đới. Lập tức nhóm chia thành nhiều tốp nhỏ: tốp dựng lều trại, tốp nhặt nhạnh củi khô chuẩn bị lửa trại... Mưa tạnh, chúng tôi rải hỗn hợp tỏi và rượu gạo quanh chỗ nằm đề phòng rắn rết và bắt đầu nhóm củi nấu nướng. Chưa bao giờ mùi thức ăn quyện trong mùi khói lại trở thành thứ hương thơm hấp dẫn như thế.
Dulichgo
Sống lâu ở thành phố, những cuộc hội họp bạn bè xưa nay chỉ gói gọn trong quán xá nhạc nhã xập xình hoặc những trung tâm vui chơi giải trí kín mít với máy lạnh hoạt động liên tục. Quả thật lần đầu tiên bạn bè có cơ hội tâm tình bên nhau như thế. Đám côn trùng thi nhau rỉ rả, hòa vào tiếng ghita mộc mạc của một tay đàn trong nhóm.

Du khách rệu rã, tựa lưng trên những mỏm đá mấp mô, cảm nhận cái lạnh phả ra từ đá. Trời đêm lẻ loi vài ngôi sao xa do cơn mưa chiều, duy chỉ có ánh trăng từ miệng Giếng Trời vẫn rót xuống dòng thác thứ ánh sáng huyền diệu lấp loáng...

Ai đó bất giác ngâm nga câu thơ của Nguyễn Duy: “Trần trụi với thiên nhiên/ Hồn nhiên như cây cỏ/ Ngỡ không bao giờ quên/ Cái vầng trăng tình nghĩa”...

Sớm mai về thành phố, lòng người hẳn không thể nào quên ánh trăng nơi miệng Giếng Trời cùng điệp khúc ầm ào của thác nước trong một đêm hoang vắng...

Theo N.CA DAO (Tuổi Trẻ)
Du lịch, GO!

Khám phá Giếng Trời.

Phượt Phan Dũng

Phan Dũng là một xã miền núi thuộc huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận, cách thị trấn Liên Hương khoảng 20 km.

Nhắc đến Tuy Phong, thường người ta sẽ nghĩ ngay đến chùa Cổ Thạch, bãi đá bảy màu, cánh đồng phong điện với những cánh quạt gió khổng lồ hay gành Son rực đỏ trong nắng.

Chỉ trong thời gian gần đây, khi cung trekking Tà Năng - Phan Dũng nổi lên như một cung đường đẹp như mơ cho dân ưa xê dịch, cái tên Phan Dũng mới bắt đầu được nói đến.

Di chuyển

Tuy Phong cách TP HCM khoảng 300 km. Bạn có thể dễ dàng đến đây bằng xe ôtô khách hoặc xe gắn máy. Vé xe khách về Tuy Phong được bán ở bến xe miền Đông với nhiều nhà xe và giờ khởi hành đa dạng. Bạn cũng có thể đặt vé xe Phương Trang, tuy nhiên, do Phương Trang chưa có tuyến về Tuy Phong nên bạn phải đặt mua vé tuyến Nha Trang và xuống tại Tuy Phong.

Nếu di chuyển bằng xe máy, từ TP HCM, bạn chạy theo quốc lộ 1A về hướng Phan Rang - Tháp Chàm, rẽ trái tại ngã tư Liên Hương, đi khoảng 20 km nữa là đến xã miền núi Phan Dũng. Gần đây, quốc lộ 1A đã được sửa chữa, mặt đường rất đẹp và thông thoáng, thời gian di chuyển chỉ khoảng 5 giờ.
Dulichgo
Đến vào thời điểm nào?

Có hai thời điểm thích hợp để bạn đến với Phan Dũng, một là từ tháng 12 đến tháng 2 dương lịch. Thời điểm này chưa phải cao điểm mùa khô,  thời tiết không quá nóng, bầu trời lại trong xanh quang đãng, rất phù hợp băng rừng, tham quan khung cảnh hùng vĩ.

Thời điểm thứ hai là tháng 7, tháng 8 dương lịch. Lúc này, Tuy Phong đã đón một lượng mưa tương đối nhiều, bạn sẽ bắt gặp những vườn nho trĩu quả, đồng cỏ xanh mát, và đặc biệt là bằng lăng rừng nở tím những ngọn đồi Phan Dũng.

Ăn gì?

Bạn có thể chọn các hàng quán tại Liên Hương với rất nhiều món hải sản tươi sống, thơm ngon mà giá cả rất rẻ, hoặc tự mang theo thực phẩm. Nếu bạn có sở thích câu cá, những con suối trong vắt tại Phan Dũng đang chờ đón bạn, chuẩn bị sẵn sàng cho món cá nướng thơm phức.

Ở đâu?
Dulichgo
Chỉ cách thị trấn Liên Hương khoảng 20 km, Phan Dũng lại nằm khuất sâu trong núi, gần như tách biệt với thế giới bên ngoài. Thế nên, ở đây chưa có một nhà trọ hay khách sạn nào khả dĩ có thể ngủ lại qua đêm.

Bạn có thể chọn cách thuê khách sạn ở Liên Hương, rồi từ đây di chuyển lên Phan Dũng và về trong ngày, hoặc có thể xin ngủ nhờ tại nhà bà con dân tộc Rắc-lây tốt bụng. Với những bạn yêu thích thiên nhiên, đam mê trekking, cách tốt nhất là mang theo lều trại, ngủ đêm lại bên một con suối róc rách, hoặc trên một đồi hoa tím mộng mơ.

Hành trang cần gì?

Vì thời tiết Phan Dũng nói riêng và Tuy Phong nói chung rất nắng nóng nên bạn cần chuẩn bị nón mũ, kem chống nắng, áo khoác, đem theo nhiều nước uống khi bạn đến vào mùa nắng. Còn vào mùa mưa, hãy chuẩn bị sẵn sáng áo mưa, giày dép phù hợp.

Mang theo lều, túi ngủ và đặc biệt là thuốc bôi chống côn trùng nếu muốn cắm trại.

Theo Zing New
Du lịch, GO!