Thứ Ba, 11 tháng 11, 2014

Lừng lựng mùa sơn tra Tây Bắc

(TTO) - Mùa này, khách du lịch trên hành trình về Tây Bắc bị quyến rũ bởi sắc vàng sơn tra trong mùa chín rộ. Những quả chín vàng ươm theo khách về xuôi như một thứ quà của rừng.

Từ giữa thu cho đến đầu đông, trên những dải núi cao Tây Bắc tràn ngập sắc vàng của những trái sơn tra thơm lựng, “người bạn” rất mực thủy chung của người Mông. Những quả chín vàng ươm bén duyên người Mông từ lâu lắm rồi. Thấy quả chín vàng mỗi khi thu về trong những cánh rừng già, hái xuống ăn thấy vừa ngọt, vừa chua nhẹ, thỏa cơn khát mỗi khi leo rừng. Ăn vào thấy sảng khoái tâm hồn. Vì thế, sơn tra đã theo người Mông Tây Bắc “hạ sơn”, thành một thứ quả không thể thiếu trong cuộc sống ở chốn bình yên mờ sương này.

< Đồng bào Mông bày bán sơn tra ở chợ phiên.

Cũng phải thán phục cái giống cây hoang dại này. Sơn tra mọc và trở thành những cây cổ thụ táo trong những khu rừng già mà chẳng cần chăm bón hay tỉa tót gì.

Chỉ biết rằng vào mùa xuân, sơn tra nẩy lộc đâm chồi rồi trổ hoa trắng toát cả một vùng Tây Bắc xa xôi và hùng vĩ. Để rồi đến độ tháng 7, ngước nhìn lên những cánh rừng già trước bản, đã thấy màu vàng tươi đã lốm đốm xen lẫn màu xanh của lá rừng.

< Sơn tra chín thơm lừng vào độ thu về.

Đó là màu vàng của những trái táo Mèo bắt đầu vào mùa chín. Người Mông Tây Bắc trong lòng vui sướng, tràn đầy hi vọng. Mùa sơn tra đã về, mùa vàng gieo sự sống vừa hoang dã vừa thảo thơm nơi rừng già.

Thú nhất là được xem cảnh đồng bào Mông đeo gùi, dắt ngựa lên núi hái sơn tra khi cả rừng táo đã chín cho kỳ hết. Bài ca sự sống như đang réo rắt bên sườn núi hòa cùng sắc vàng tựa như mật ong tháng mười vậy. Dulichgo

Trái sơn tra khum khum hai đầu, quả to vừa nắm tay người, quả nhỏ bằng quả ổi găng, quả đanh chắc. Vì thế, người ta trèo lên cây hái quả rồi ném xuống đất rơi lụp bụp. Mùa sơn tra chín rộ, một mùi hương lừng lựng lan tỏa khắp không gian núi rừng Tây Bắc, vương theo bước chân người về tận bản xa.

Mỗi khi chiều về, dù đầu thu với cái hanh hao của nắng, dù cuối thu với cái lạnh mơn man da thịt hay đầu đông khi sương mù chờn vờn lưng núi, nhìn cảnh đồng bào Mông tấp nập gùi, thồ sơn tra xuống chợ bán mà thấy không gian như nhuộm sắc vàng của no ấm. Từ bao đời nay, sơn tra giúp cho người Mông Tây Bắc có thêm tiền để trang trải cuộc sống.

< Sơn tra thái lát phơi khô dưới nắng thu tạo ra vị thuốc quý.

Sơn tra là thứ quả lành nơi rừng già, là vị thuốc quý chỉ có ở miền đất Tây Bắc. Người ta thái lát sơn tra rồi phơi khô làm thuốc hay dùng quả tươi ngâm rượu uống hoặc ngâm đường làm thứ nước giải khát đậm đà, mát dịu mỗi khi hè về.

Khách du lịch trong hành trình về Tây Bắc bị quyến rũ bởi sắc vàng của những trái sơn tra trong mùa chín rộ. Sơn tra theo du khách về xuôi như một thứ quà của rừng.


< Rượu táo mèo.

Bởi thế, Tây Bắc những ngày này tràn ngập sắc vàng sơn tra và hương vị hấp dẫn của nó hòa vào cái bảng lảng của rừng chiều.

Quả sơn tra được người vùng cao Tây Bắc gọi bằng cái tên giản dị mà chân thật, quả táo Mèo, vì đây là cây trồng của người Mông. Ở những vùng đất như Sa Pa (Lào Cai), Mù Cang Chải (Yên Bái)... khí hậu mát lạnh quanh năm, cây sơn tra ưa đất núi cao nên đã bén rễ từ bao đời.

Theo Nguyễn Thế Lượng (Báo Tuổi Trẻ)
toimedulich

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét