(GLO) - Ở Gia Lai, An Khê là nơi trồng nhiều dừa nhất. Giá trị kinh tế không cao song dừa vẫn có mặt khắp bờ thửa, vườn nhà nhiều gia đình ở An Khê. Dừa cho trái ngọt giải cơn khát khi oi bức, dừa làm nhân bánh mỗi khi lễ Tết, làm mứt khi Xuân về… Chỉ cần thế, dừa tiếp tục trụ lại trước sức đào thải ghê gớm của các loại cây trồng bởi áp lực lợi nhuận kinh tế.
Ở xứ dừa An Khê có hẳn một xóm được đặt tên Vườn Dừa. Nghe tên cũng có thể đoán ra lý do vì sao người ta lại đặt tên cho xóm như vậy. Cô Lê Thị Kim Cúc (51 tuổi), nhà ở xóm Vườn Dừa (phường An Tân-thị xã An Khê), kể lại rằng, từ khi 10 tuổi cô đã theo gia đình về sinh sống ở xóm Vườn Dừa này. Trước năm 1975, xóm có tên gọi là xóm Vườn Dừa miếu Bà (bởi giữa xóm có miếu Bà rất linh thiêng). Cả xóm chỉ vài ngôi nhà thưa thớt, trong đó nổi bật nhất là ngôi nhà và vườn cây trái của ông Đoàn Khanh.
< Dừa bên lối quê.
Vườn cây trái ấy rất rộng và đủ loại nhưng nhiều nhất là dừa. Và cũng chẳng riêng khu vườn ông Khanh, cả xóm Vườn Dừa khi ấy chỗ nào cũng rặt những dừa. Cả xóm bao phủ bởi bóng dừa, dừa ngút ngàn, tới mùa dùng không hết. Giao thương khi ấy chưa mạnh nên ai ưng cứ hái lấy chứ chẳng tính toán gì, không thì để già, bỏ khô.
Bóng dừa trở nên hao hụt dần khi hợp tác tới đem theo nghề làm bún và đan lát thủ công mặt hàng đồ trang trí. Người ta phá bỏ dần dừa để lấy không gian. Thương lái từ Tam Quan và các vùng khác tới mua nhưng so với dừa các vùng khác, nước dừa An Khê không ngon bằng nên bị ép giá. Mấy năm gần đây sâu đục hại dừa nhiều, người ta còn “phát minh” ra cách lấy gỗ dừa nghiền nhỏ làm ván ép, rất có tiền... Cứ thế, dừa bị đối xử “lạnh nhạt” và ít dần đi... “Xưa dừa mười phần giờ chắc may còn một phần thôi”- cô Cúc, chia sẻ.
< Người trồng gắn với dừa không chỉ vì mục đích kinh tế...
Nói là vậy nhưng về xóm Vườn Dừa hôm nay vẫn thấy bóng dừa bạt ngàn. Những mái nhà xám, đỏ lẩn khuất dưới tán dừa làm nên chút dáng quê, hồn quê. Phía sau phố thị sầm uất, nhộn nhịp là cảnh quê thanh bình với cánh đồng lúa xanh mướt, những dáng dừa nghiêng mình, buông tóc xanh duyên dáng. Người dân xóm Vườn Dừa vẫn có thói quen chẳng dễ bỏ là găm vài gốc dừa quanh vườn nhà, lối ngõ. Chị Võ Thị Hạnh, bộc bạch: “Nhà có vài sào đất trồng rau, ông bà trước tính găm chục gốc dừa sau này cho tụi nhỏ có trái lấy uống nước, tới dịp lễ chạp có dừa làm bánh cúng kiếng rồi chia con cháu ăn”. Dừa gắn bó với người dân cũng bởi là cây “dễ tính”, trồng dừa ít kén và cũng chẳng tốn đất, không mất công chăm bón. “Cứ găm dưới đó dừa tự lớn. Đến độ thì cho trái. Tới mùa nếu dừa nhiều rác quá thì dọn rác, “làm cỏ” dừa”- chị Hạnh, cho biết. Dulichgo
< Thị xã An Khê ngày nay.
Nếu mua dừa tươi ở cửa hàng nước, dừa vườn thường có giá mềm hơn so với dừa nhập từ Bến Tre, Bình Định lên chừng 5-7 ngàn đồng/trái. Tuy nhiên, giá dừa vườn còn thấp hơn rất nhiều, chưa nói là rẻ mạt. “Thường thì bán mỗi trái chừng 2-3 ngàn đồng tùy thời điểm. Cây nào nhiều cũng chừng vài chục trái”-chị Trần Thị Anh (tổ 12-phường Tây Sơn-thị xã An Khê), bộc bạch.
Lợi ích kinh tế chưa phải là yếu tố quyết định để dừa còn tồn tại và vươn bóng trên mảnh đất này. Con người xứ này gắn bó mặn mòi với dừa bởi những lý do khác. Họ nghĩ tới niềm vui của con cháu khi hưởng những giọt nước mát lành, nghĩ tới chút lễ nhỏ chứa lòng thành kính dâng lên tổ tiên ngày lễ, Tết, là món “cây nhà lá vườn” thiết đãi họ hàng, chòm xóm trong tiết Xuân sang... Và vì thế, dừa vẫn nối tiếp nhau vươn mình tỏa bóng.
Theo Hải Lê (Báo Gia Lai)
toimedulich
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét