(BBĐ - Thượng nguồn sông Côn, ấy là nơi cư trú của những bản làng Bana. Vít cong cần rượu cần nồng đượm, thả trí tưởng trong những bản hơamon lẫn trong khúc nhạc đệm vĩnh hằng của dòng sông, để thấu hiểu nhịp sống đại ngàn của những người “ở lại với dòng sông”…
Kỳ 2: Người ở đầu nguồn sông
Nhìn từ xa, những ngôi làng ở vùng cao An Toàn trông như những tổ chim nhỏ đậu trên một triền đồi cao. Những nếp nhà sàn quần tụ, những chiếc chòi lương thực xinh xắn, trông như những nốt nhạc trầm bổng khác nhau trên một dòng nhạc mang tên đại ngàn.
Ông Đinh Văn Lý, Bí thư Đảng uỷ xã An Toàn, nói: “An Toàn là xã có biên giới với hai tỉnh Gia Lai và Quảng Ngãi, lại là đầu nguồn sông Côn và sông An Lão. Vậy nhưng, người dân ở đây chưa được hưởng lợi gì nhiều từ sông”.
Ông Lý nói vậy bởi cư dân của vùng đất này hiện vẫn chưa thể làm giàu từ sông. Nguồn lợi chủ yếu từ sông chỉ là bắt cá. Mà ở lĩnh vực này, xem ra cư dân bản địa khai thác theo kiểu truyền thống đang bị “cạnh tranh” dữ dội bởi những người rà điện. Ba thôn của An Toàn tiếng là nằm trên nguồn của Nhà máy Thuỷ điện Vĩnh Sơn, nhưng đến giờ, vẫn chưa có điện lưới Quốc gia. Còn dự án Vĩnh Sơn 2 thì đến nay cũng mới xong phần khảo sát… Nhưng nói vậy thôi, chứ với cư dân đầu nguồn sông này, họ vẫn gắn bó với sông nhiều lắm.
Hai chàng trai Bana đi bắt cá mà chúng tôi gặp là một ví dụ. Bắt cá sông Côn với họ gần như đã thành một thứ nghề. Hết đánh lưới rồi câu, cả ngày họ trầm mình bên sông và lắng nghe nhịp lên xuống của những mùa nước. Họ cho biết: Mỗi ngày, họ bắt được 4-5 kg cá chình, cá nhau, cá phá… chủ yếu để cải thiện bữa ăn, vì cũng chẳng biết bán cho ai. Còn theo ông Lý, nguồn cá sông Côn vậy là đã giảm đến khoảng 80%, nguyên nhân chủ yếu cũng do nạn rà điện. “Họ từ vùng khác đến, rà vào ban đêm, nên khó mà phát hiện được”- ông Lý nói.
< Câu cá ở thượng nguồn sông Côn.
Nguồn lợi chủ yếu của những cư dân thượng nguồn là từ rừng. Tháng tư, tháng năm, tháng sáu, “mùa con ong đi lấy mật” cũng là mùa đi lấy mật ong rừng. Men dọc sông Côn, họ đi riêng hay thành từng tốp mươi người trở lại, và tuỳ vào thời gian bám rừng mà gói cơm hay gùi gạo. Họ chặt dây rừng bó lại thành cục, bên trong lèn lá khô, thêm lá tươi bên ngoài, gặp tổ ong thì đốt để hun khói. Đêm, họ căng võng, đốt lửa, ngủ lại với rừng. Mỗi ngày vào mùa như thế, mỗi người có thể kiếm được cả vài lít mật ong. Với thời giá hơn trăm ngàn đồng/lít, mùa săn ong trở thành mùa thu nhập quan trọng với cư dân đầu nguồn. Gần Tết, họ lại vào mùa khai thác mây theo hợp đồng khai thác với một chủ thu mua.
Sản vật từ rừng còn là những chiếc bẫy thú trong rừng. Anh Đinh Xảo, một trai làng vừa thăm bẫy trở về, cho biết: “Người làng mình không dùng súng, mà chỉ đặt bẫy thôi. Mới tuần rồi còn bắt được con heo rừng nặng tới 40kg. Nai, mang… vẫn thường hay gặp lắm. Nhưng cũng chỉ để ăn thôi. Nếu muốn bán thì có những người mua từ Ba Tơ sang”. Dulichgo
Bên cạnh việc khai thác nguồn lợi tự nhiên, những năm qua, bằng các nguồn vốn đầu tư như 134 135, ODA... An Toàn đã được đầu tư xây dựng một số công trình như gia cố đập Cha Pít, Gia Múc, đập Xang, A Len; xây mới các công trình nước sinh hoạt ở ba thôn, sửa chữa cầu treo, làm 300m đường bê tông… Toàn xã cũng đã có 190 hộ đăng ký trồng rừng với diện tích 109 ha gồm các loại cây như keo, sầu đông, mây... và nhận bảo vệ 3.031ha rừng.
Nguồn lợi từ sông, từ rừng; rồi sự quan tâm đầu tư như vậy không ít, nhưng An Toàn vẫn còn là xã khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo của xã vẫn còn 80,15% (105 trong tổng số 131 hộ). Ngoài hai nguyên nhân khách quan là cách trở giao thông và không có điện lưới Quốc gia, thì nguyên nhân chủ quan vẫn là tập quán canh tác của bà con vẫn còn lạc hậu, nên ảnh hưởng đến năng suất (xã có 45ha trồng lúa nước, năng suất 45 tạ/ha). Trong khi đó, trình độ cán bộ còn hạn chế nên việc hướng dẫn cho bà con ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi còn rất hạn chế.
< Giá Xuân, nghệ nhân hát Hơamon ở xã Vĩnh Sơn.
Có lẽ, cũng bởi vậy nên hiện nay, thu nhập chính của một bộ phận cư dân nơi đây vẫn chủ yếu là “ăn rừng”. Nhưng đâu phải nguồn lợi nào cũng dồi dào mãi. Bên bếp lửa nhà sàn, ông Lý trầm ngâm: “Theo Nghị quyết của HĐND huyện thì đến năm 2010, tuyến đường bê tông từ trung tâm huyện lên An Toàn sẽ hoàn thành. Đường đã thông, An Toàn sẽ phát triển thuận lợi hơn”. Còn chúng tôi, qua khe liếp, đã thấy những chiếc cột điện vừa được dựng lên sừng sững dọc triền đồi; trên một đỉnh núi, cánh thợ đang tất bật xây dựng một trạm phát sóng của Viettel. An Toàn sắp hoà điện lưới Quốc gia và có sóng điện thoại di động. Liệu có tin nào vui hơn với những cư dân đầu nguồn?
Xuôi theo sông, bên kia sườn núi, là xã Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Thạnh). Cư dân Vĩnh Sơn nói riêng và Vĩnh Thạnh nói chung có lẽ được hưởng lợi nhiều hơn từ dòng sông Côn. Nguồn nước dồi dào của sông đã tạo điều kiện cho nhân dân cấy gặt quanh năm. Và tuy là xã vùng cao, nhưng Vĩnh Sơn lại là một trong hai xã có diện tích lúa lớn nhất ở Vĩnh Thạnh (135 ha). Trên những mảnh đất đỏ bazan màu mỡ ở Vĩnh Sơn, nay đã và đang mọc lên, những vườn cà phê, bời lời, quế… Kỹ thuật trồng trọt, canh tác ở đây đã có nhiều tiến bộ. Trong xã cũng đã xuất hiện những nông dân sản xuất giỏi như Đinh Jol.
Cũng từng gặp trắc trở giao thông như An Toàn, nhưng ở Vĩnh Sơn hiện nay, đường bê tông nay đã lên đến trung tâm xã, trải về tận các làng K2, K8. Là một xã vùng cao, có 600 hộ dân với 2.706 nhân khẩu, trong đó người Bana chiếm đến 85%, nhưng đời sống của cư dân nơi đây những năm gần đây đã thuận lợi hơn. Xã đã có sóng điện thoại, bưu điện văn hoá và những tiểu thương lên buôn bán hàng ngày. Tỉ lệ hộ nghèo của Vĩnh Sơn hiện chỉ còn 62%.
Chiều nhập nhoạng, ngồi giữa căn nhà ruộng nhìn ra cánh đồng lúa nước, Đinh Xoa, từng là Chủ tịch UBND xã Vĩnh Sơn, giờ là Bí thư Đảng uỷ xã, say sưa kể về Vĩnh Sơn ngày ấy, bây giờ. Trong đôi mắt rạng rỡ của người con gắn bó cả đời với Vĩnh Sơn, chúng tôi như đọc thấy triển vọng tương lai của mảnh đất trù phú đầu nguồn này…
< Khu sản xuất làng K3, xã Vĩnh Sơn, nằm bên sông Côn.
“Phù sa” của dòng sông
Sông Côn mang đầy đủ những đặc trưng của sông miền Trung: lòng dốc, trắc diện trẻ, xâm thực lớn. Phù sa của sông thô, tụ lại nhiều nơi sườn núi tiếp giáp đồng bằng. Bên cạnh phù sa của đất, sông Côn lại lắng đọng những phù sa của hồn người. Ở đó, bên dòng sông, xứ sở của những bản hơamon; của những truyện cổ gắn với những tên núi, tên nguồn; của thổ cẩm mang hương sắc ủa sông, của núi; của những câu chuyện nửa là truyền thuyết, nửa chân thật như chính dòng sông, về những người anh hùng áo vải… Ở đó, bên dòng sông, địa bàn cư trú của những cư dân xưa, vốn đã có mối giao lưu với cư dân các khu vực khác thông qua con đường sông. Bởi vậy, nếu sông Hồng có thể được xem là nỗi nhớ phù sa của đời người, sông Cửu Long là khát vọng đi tới biển, thì sông Côn sẽ là dòng sông của những cảm thức lịch sử.
Cư dân Bana bên sông Dak Krong Bung vẫn được người Bana vùng An Khê (gồm cả Kbang và Kông Chơro) gọi là Bana Kriêm. Dak Kriêm vốn là tên dòng suối nhỏ vẫn được gọi là suối Sem, từ đông An Khê đổ vào sông Côn. Vậy đó, sự chia cắt tưởng chừng chỉ là tự nhiên của sông, hoá ra lại góp phần hình thành nên nét khác trong văn hoá của người Bana Kriêm so với đồng bào vùng núi phía trên, thể hiện khá cụ thể qua những bản hơamon và những sắc màu thổ cẩm...
Một ngày lên làng K3 (xã Vĩnh Sơn), tôi được nghe giá Xuân kể hơamon. Tôi nhớ đã nghe ai đó nói rằng, giá Xuân học hơamon từ người cha, vốn là người An Toàn “bắt vợ” ở xã Vĩnh Sơn. Cứ đinh ninh là khi gặp giá Xuân phải hỏi cho được. Vậy rồi, khi câu hơamon cất lên, tôi lại để hết trí nhớ của mình ngoài bậu cửa. Phải rồi, tôi đang lạc vào không gian tiền sử, nơi tôi có thể đi từ miền không gian này sang miền không gian khác, nơi tôi đang trò chuyện với hai chị em Dyoong, nơi tôi đang dõi theo cuộc quyết chiến của chàng Dyoong Knoa với lão già Bok Jraoong…
< Cầu treo vượt sông Côn ở xã An Toàn.
Giá Xuân sinh năm 1938, nay đã gần 70 tuổi, vậy mà khi tôi nài hát một đoạn trong bài hơamon, giọng giá cất lên vẫn thật ấm và trong. Nghe giá hát, trong tiếng đại ngàn xào xạc, tưởng như đang nghe những thanh âm thủ thỉ của núi rừng, chuyện ngày xưa. Này là chuyện tình yêu của đôi trai gái, phải qua bao cách trở; này là cuộc sống sản xuất, săn bắn và những khát khao của người làng; hay sự tích về nước ksí… Những bài hơamon của giá, “muốn mấy có mấy, bữa nào nghe cũng lạ tai”- ấy là sau này, một người làng nói lại với tôi vậy. Ngay như hiện tại, tuy tuổi đã cao, sức khoẻ đã không còn cho phép giá trải mình theo câu hát hàng đêm nữa, nhưng bên bếp lửa ngôi nhà sàn tại khu sản xuất, những đêm quây quần bên ché rượu cần, được yêu cầu, giá lại hát. “Hát chơi ít ít vậy thôi”- giá Xuân giải thích vậy.
Về làng M9, xã Vĩnh Hoà, một làng tái định cư ven sông Côn nằm dưới Định Quang, tôi lại được nghe bok Đoan kể hơamon. Nếu giá Xuân chuyên kể tình ca, thì “kho” hơamon của bok Đoan lại chủ yếu là những anh hùng ca. Những bản hơamon dài “từ lúc tra hột bắp xuống đất đến lúc bắp đã ăn tràng mới hết”. Bok Đoan cứ tâm đắc mãi ngày kháng chiến, bok đi họp dưới huyện: “Hồi đó ở huyện không ai hát hay và thuộc nhiều hơamon bằng tôi. Do đó, ban ngày họp xong, cứ tối đến, tôi mắc võng ngủ ở đâu, thì mọi người lại đến mắc võng xung quanh, và yêu cầu mình hát. Nhiều đêm, tôi hát hơamon từ 7 giờ tối đến tận 2, 3 giờ sáng. Cứ khi nào có người còn thức là mình còn hát”.
Ký ức vẫn chỉ là ký ức. Còn hiện tại, trong cuộc sống hiện đại, chẳng tìm đâu không gian thích hợp để diễn xướng sử thi. Vậy là ngày ngày, bok Đoan lại nằm ngay trên chiếc võng đầu nhà mà hát đôi câu hơamon cho đỡ nhớ. Những câu hát lạc trong không gian của nhà xây mái ngói, như tiếng sông lạc giữa lòng phố thị, đâm buồn…
Điều lạ lùng là trong những bản hơamon này, không ít lần ta bắt gặp hình ảnh biển cả. Phải chăng, đây là dấu hiệu xác nhận giả thuyết, rằng người Bana là cư dân cổ xưa, được người Chăm ghi trong bi ký là Mađa, cư ngụ ở vùng ven biển Quảng Ngãi, Bình Định. Các cụ già Bana ở Gia Lai còn kể, cách đây dăm, ba đời, người Bana còn ở Phú Phong, Phú Mỹ, Đập Đá, Bình Khê. Cho tới những năm kháng chiến chống Pháp, hàng năm một số gia đình Bana ở vùng thấp như Hà Nhe, Vĩnh Hoà, Vĩnh An vẫn về Thuận Ninh, Phú Mỹ, Trinh Tường, Tả Giang… để thăm quê cũ.
< Vườn cà phê xanh tốt trên triền núi Vĩnh Sơn.
“Kho” sử thi của Bana sống bên dòng Krong Bung xem ra còn dày và tiềm ẩn nhiều tư liệu quý. Chẳng thế mà trước đó, gặp nhà sưu tầm văn học dân gian Hà Giao, ông cứ ước mãi, rằng giá đôi chân còn khoẻ, để được dạo khắp miền Dak Krong Bung sưu tầm hơamon. Này nhé, ngoài những cái “kho” của giá Xuân, bok Đoan, ít ra cũng đã được sưu tầm ít nhiều; thì vẫn còn những “kho” hơamon khác ở Vân Canh, An Lão. Chẳng như, tại An Toàn, vẫn có ông Đinh Văn Ôi và già Đinh Rúi biết hát hơamon. Hay như theo bok Đoan, ở Vĩnh Thạnh vẫn còn trên chục người biết hát hơamon. Làm sao cho câu hơamon không vùi chôn dưới lòng đất. Làm sao cho người già nằm xuống, vẫn còn kịp trao truyền câu hát hơamon cho người trẻ. Những câu hỏi ấy cứ vương vất mãi trong tôi, vương vất và hoài nhớ về một phần ký ức thẳm sâu của đại ngàn.
Một nét độc đáo khác của văn hoá cư dân đầu nguồn là những sắc màu thổ cẩm Bana Kriêm. Nếu hoa văn của thổ cẩm Bana vùng trên phức tạp với mẫu hoa cây dót, người, cùng những đường lượn theo hình lá dong; thì người Bana Kriêm bằng lòng với mẫu hoa văn phức tạp nhất chỉ là ngôi sao tám cánh và đường vành cong đơn giản. Người Bana vùng dưới không quá nhấn mạnh đến bố cục thoáng, mà chồng nhiều giải li ti lên nhau, tạo thành cả giải phức hợp với độ dày lớn. Giữa hai tầng giải nhỏ, họ chèn vào một giải lớn trang trí hoa văn tám cánh trên nền trắng…
Không chỉ là y phục, nét hoa văn ấy cũng là một phần hình thành nên cái mà chúng ta vẫn gọi là văn hoá. Nhưng điều đáng buồn là những tấm thổ cẩm ấy hiện chỉ còn nằm trong gùi, trong rương, ít nhiều trong ký ức và chỉ bừng lên những dịp lễ hội. Những sắc màu tự nhiên, của cây rừng, của lá cây ven sông, ven suối, nay cũng được thay bằng chỉ màu nhân tạo bán sẵn. Còn dự án xây dựng làng thổ cẩm phục vụ du lịch thì hiện vẫn nằm sau hai cánh cửa im ỉm đóng của ngôi nhà trưng bày thổ cẩm…
Dak Krong Bung vẫn miệt mài chảy ngoài cửa, miệt mài với cuộc đối thoại ngàn năm, về những dâu bể, mất còn; về lẽ sống và niềm tin. Trong ngôi nhà sàn, bên bếp lửa, câu hát hơamon vẫn ngân dài, như dao vọng và đánh thức người nghe phần ký ức tập thể, vẫn ẩn sâu dưới tầng trí nhớ vốn bội bạc của con người…
Còn tiếp
Kỳ 1 - Kỳ 2 - Kỳ 3 - Kỳ 4 - Kỳ 5 - Kỳ 6 - Kỳ 7 - Kỳ 8 - Kỳ 9 - Kỳ 10 - Kỳ 11 - Kỳ 12
Theo Viết Thọ-Hoài Thu-Văn Trang (Báo Bình Định)
toimedulich
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét