Thứ Sáu, 14 tháng 11, 2014

Vi vu vịnh Xuân Đài

(TTO) - Như một mê cung nhiều lớp, vịnh Xuân Đài (thị xã Sông Cầu, Phú Yên) khiến du khách ngỡ ngàng và thích thú. Những cái tên như vũng La, vũng Lắm, vũng Mắm, vũng Dông, vũng Sứ, vũng Me không chỉ mang đậm phong vị của vùng đất “xứ nẫu” mà còn là bức tranh phong cảnh quyến rũ với biển xanh, nắng vàng, dừa thơm, bờ cát trắng, làng chài nhỏ... Chẳng thế, người xưa đã từng ngợi ca về nơi này: Vũng La, vũng Sứ, vũng Chào/ vũng Dông, vũng Mắm, vũng nào cũng thương.

Vịnh Xuân Đài có diện tích mặt nước 130,45 km². Đứng từ dốc Găng nằm trên quốc lộ 1A thuộc thị xã Sông Cầu có thể thấy rõ toàn cảnh của vịnh này với rừng dừa và vòng cung núi bao bọc khu vực bờ vịnh. Chính những dãy núi phía đông án ngữ đã làm cho vịnh Xuân Đài kín gió và yên ả quanh năm.

Vịnh đẹp “xứ nẫu”

Trời về chiều, Mặt trời đỏ rực như hòn lửa, nước triều rút ra xa bờ để lộ rạn san hô lún phún rêu xanh, những đám mây bay nhiều hình thù in trên mặt nước...
Một vùng trời nước ửng vàng, cũng là lúc vịnh Xuân Đài khoe đường cong nổi bật nhất.

Bằng xe máy, bạn có thể xuất phát từ quốc lộ 1A đoạn qua phường Xuân Đài, rồi chạy dọc con đường dẫn vào vũng La của xã Xuân Phương khoảng 50km để bắt đầu hành trình khám phá vòng cung khổng lồ của bờ vịnh đẹp nhất “xứ nẫu”. Những địa danh lạ lẫm từ cửa phía nam đi vào trong vịnh như gành Đèn, cửa biển Tiên Châu, gành Đỏ, vũng Lắm, Nhất Tự Sơn...

Giữa vịnh là những hòn đảo nhỏ như Hòn Yến, cù lao Ông Xá, đảo Nhất Tự Sơn. Ở phía bắc vịnh dọc theo bán đảo Xuân Thịnh là các vũng đẹp như bãi Từ Nham, vịnh Hòa, bãi Tràm, bãi Nồm, gành Bà...

Có ba thời điểm để ngắm và chụp hình vịnh Xuân Đài lý tưởng nhất: sớm bình minh, giữa trưa nắng và hoàng hôn. Dọc con đường vào Vũng La, từ 5g sáng mặt trời đã lấp ló trên những tán lá dừa. Những ngư dân dậy thật sớm để chèo thuyền thúng ra vịnh bắt tôm cá, phụ nữ thì họp chợ bán cá, bán ốc, lũ trẻ con tíu tít đi học. Giữa trưa, sinh hoạt của người dân chậm lại, nhường chỗ cho vẻ đẹp của thiên nhiên.

Đi dọc bãi Ôm, bãi Rạng của xã Xuân Phương, bạn sẽ choáng ngợp bởi vẻ đẹp hoang sơ nơi này: phía sau hàng dừa xanh mát là một bờ cát trắng phau, biển biếc xanh có thể nhìn rõ san hô. Bãi biển nằm tách hẳn khu dân cư là nơi lý tưởng để bạn lặn ngắm san hô hay tĩnh tâm, thư thái trước gió và sóng biển gợn lăn tăn.

Hoàng hôn xuống, có mặt ở bãi biển Từ Nham của xã Xuân Thịnh, bạn sẽ dễ dàng bắt gặp những đứa trẻ hồn nhiên nô đùa trên thuyền thúng hoặc tập bơi. Cánh đàn ông ngồi nhậu lai rai vài món hải sản tươi ngon trên bãi cát mịn, phụ nữ thì mải mê tám chuyện. Nhịp sống dành cho sự chiều chuộng bản thân hơn trước khi kết thúc một ngày.

Ai đã một lần đến vịnh Xuân Đài hẳn không thể quên những sản vật quê: trên đất liền là dừa, dưới biển là cá tôm. Dừa hiện hữu khắp xóm làng, thành những rặng dài chạy dọc bờ vịnh, hay mọc thành rừng bao quanh bãi biển...

Những trái dừa nước ngọt, cùi dày rơi lả tả, chỏng chơ dưới gốc mỗi ngày, nhiều đến nỗi người dân ở đây chẳng thèm đoái hoài. Nếu khách có nhu cầu chỉ cần xin phép là có thể thưởng thức miễn phí. Còn dưới biển là cá dìa và tôm hùm. Dulichgo

Đi dọc các xã Xuân Phương, Xuân Thịnh dễ thấy hàng ngàn bè tôm, bè cá xuất khẩu trên mặt biển. Cá dìa được ngư dân ở đây đánh giá là thịt ngon thượng hạng bởi độ mặn nước biển ở vịnh Xuân Đài rất cao. Dulichgo

Thịt cá vì thế cũng chắc, thơm và dai như thịt gà. Với ngư dân chất phác nơi đây, cá dìa “đóng đinh” hai món nấu canh chua và nướng, cũng là hai món ngon nhất để chiêu đãi bất cứ thực khách nào đặt chân đến vịnh Xuân Đài.

Chứng tích lịch sử

Cũng như thương cảng Hội An ở Quảng Nam, vũng Lắm trong vịnh Xuân Đài từng là thương cảng sầm uất bậc nhất của Phú Yên. Đây là nơi diễn ra hoạt động đầu tiên giữa VN và Hoa Kỳ vào năm 1832 khi phái đoàn ngoại giao Hoa Kỳ mang theo thư của tổng thống Andrew Jackson đến để xin giao hảo thông thương.

Vũng Lắm càng quan trọng hơn “khi người Pháp đặt tòa công sứ năm 1887, đồng thời cũng đặt sở thương chánh để kiểm soát việc buôn bán tại đây” (theo tư liệu Bảo tàng tỉnh Phú Yên).

Vịnh Xuân Đài còn là chứng tích quan trọng trong Thế chiến thứ hai. Đó là vào tháng 4-1945, khi tàu hải quân của quân đội Nhật hoàng tiến vào vịnh Xuân Đài đánh chiếm để làm bàn đạp tiến sâu vào đất liền, nhưng bị phi cơ của quân đồng minh bắn chìm giữa vịnh.

Những năm cuối thập niên 1980 đầu năm 1990, những dấu tích của tàu hải quân này còn trên vịnh. Chỉ tiếc sau đó những toán thợ lặn đã đến tháo gỡ toàn bộ thân tàu để lấy sắt thép bán phế liệu.

Theo dòng thời gian, lịch sử lùi dần vào quá khứ, tất thảy những dấu tích xa xưa trên vịnh Xuân Đài cũng chỉ còn lưu lại trong sử sách. Xuân Đài ngày nay trở thành danh lam thắng cảnh quốc gia, một trong những vịnh đẹp nhất nước nhưng còn vắng bóng dấu chân khách du lịch.

Nếu ai đã từng ngắm hoàng hôn trên vịnh Xuân Đài hẳn có cảm giác thời gian và cảnh vật nơi đây giống như thước phim quay chậm: đẹp, hoang sơ và cũng man mác buồn.

Phía sau rặng dừa xanh, nhịp sống của những làng chài nhỏ vẫn yên ả hằng ngày, những ngư dân rất hào phóng và chất phác nhưng lạ lẫm với tiềm năng du lịch trên chính mảnh đất họ đang sống. Vịnh Xuân Đài vẫn như nàng tiên chưa thức giấc.

Theo Tiến Thành (Báo Tuổi Trẻ), ảnh sưu tập từ nhiều nguồn.
toimedulich

Vịnh Xuân Đài, nàng tiên chưa thức giấc
Vịnh xanh Xuân Đài

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét