Chủ Nhật, 6 tháng 3, 2016

Câu biển: Càng đi càng ghiền

Thú câu cá có những tác động rất tích cực về mặt tâm thần, giúp giải tỏa stress, căng thẳng, tăng sự hứng thú với cuộc sống, công việc; riêng câu biển còn có giúp tăng cường sức khỏe thể chất. Đặc biệt, nhờ thú đam mê câu cá mà một số cần thủ trong Câu lạc bộ Thegioicauca.com từ bỏ được ma túy, game, cờ bạc…

< Cần thủ phấn khích tột độ khi con cá mắc câu kéo chiếc cần cong vút.

Với những giá trị tích cực như vậy nên câu cá đã được người xưa xếp vào một trong bốn thú vui của ẩn sĩ (ngư (câu cá) - tiều (đốn củi) - canh (cày ruộng) - mục (chăn trâu). Còn ngày nay, câu cá trở thành một thú chơi phổ biến của phái mạnh, từ thanh niên mười tám, đôi mươi đến người lớn tuổi; từ nhạc sĩ, bác sĩ, kỹ sư đến nhà giáo, thương gia.

Cùng ngồi bên ly cà phê vào một buổi sáng cuối tuần, anh Đặng Ngọc Sâm Thương, Trưởng phòng Kế hoạch - Kinh doanh của Công ty thực phẩm Amanda Việt Nam (Biên Hòa) đồng thời là một cần thủ kỳ cựu (người câu cá lâu năm) trong Câu lạc bộ Câu cá Bốn số chín, kể:

< Đưa được con cá lớn lên ghe là một chiến tích của cần thủ.
toimedulich
- Tháng này không có chuyến câu biển nào, thấy trong người thiêu thiếu thế nào ấy. Tháng trước đã vừa năn nỉ vợ vừa xin phép sếp tạm gác công việc bộn bề để cùng anh em trong câu lạc bộ vác cần đi Thổ Chu, Phú Quốc.

Bây giờ mà tôi đi nữa thì có lỗi với vợ con và các sếp quá. Nhưng nghe các anh trong hội mở tiệc linh đình vì câu được cá to, trong lòng cứ thấy nôn nao.

Ngưng một chút, anh nói tiếp:
- Lần trước tôi đã để sổng mất một con cá to, chưa kịp nhìn thấy là con cá gì, cảm thấy ấm ức trong lòng đến không ngủ được, mong đến chuyến câu khác để “phục thù”.

- Không câu biển được sao anh không câu sông, câu hồ cho thỏa đam mê?

- Khổ nỗi ai đã từng một vài lần câu biển thì không còn ngồi câu ở sông, hồ nữa.

- Tại sao?

- Vì cảm giác khi câu cá ở biển “đã” lắm. Con cá biển chỉ khoảng 3-4kg nhưng rất khỏe và dai sức, bị lưỡi câu móc vào hàm vẫn kéo sợi cước đi xa đến 200 - 300m làm chiếc cần cong vút.

< Anh Sâm Thương với con cá kiếm - kình ngư hiếm có ở biển Việt Nam.

Cần thủ phải chiến đấu hết sức mình ít nhất là 30 phút mới mong đưa con cá lên khoang ghe. Chiến thắng một con cá to sau một cuộc vật lộn không mệt mỏi tạo cho người câu cá một cảm giác vừa sung sướng vừa tự hào.

Đang kể về chuyện câu biển, anh Sâm Thương cao hứng mở máy tính xách tay mang theo để khoe chiến tích của cả đoàn sau chuyến đi Thổ Chu.

Anh tự hào nói: “Đây là hình tôi với con cá bè lão hàng nặng 8kg. Còn đây là các bạn tôi với con cá thu nặng hơn 8kg, cá bè lão nặng 9kg. Nhìn xem, cá nằm la liệt trên khoang ghe, nào là cá mú thông, mú đỏ nặng 6kg, thút thít, mỏ heo, bớp, nhồng, bò da... đủ cả. Còn đây là con cá đã mắc lưỡi câu, đang được kéo lên thì bị một con cá lớn nào đó đớp ngang bụng, khi câu lên chỉ còn nửa”.

Hào hứng và thỏa mãn trong mỗi chuyến đi

Anh Sâm Thương mê câu từ những năm học cấp một. Ngày ấy, cả nhà và trường đều sát bên những ruộng nước nhiều cá nên anh và các bạn tha hồ quăng cần. Càng lớn, anh càng muốn khám phá nhiều thủ thuật câu, nhiều điểm câu khác nhau.

< Chiến thắng của cần thủ sau hơn hai giờ chiến đấu là con cá thu 12kg.

Đến năm 2007, sau những lần câu biển đầu tiên đầy hứng thú, lại câu được một con cá kiếm lớn – loài kình ngư rất hiếm ở biển Việt Nam, anh không màng đến những chuyến câu cá nước ngọt nữa.

Từ lúc đó, cứ mỗi 1-2 tháng, anh lại tham gia một chuyến câu biển kéo dài bốn ngày, từ thứ Năm đến Chủ nhật. Để tiết kiệm thời gian, anh thường đi về bằng máy bay, đợt đi Thổ Chu tháng Hai vừa rồi cũng không ngoại lệ.

Đoàn của anh có một nhạc sĩ trẻ khá nổi tiếng, một bác sĩ thẩm mỹ cùng một số doanh nhân. Sau chuyến máy bay đến Phú Quốc, cả đoàn tiếp tục lênh đênh trên ghe suốt 7-8 tiếng mới ra đến đảo.
toimedulich
Mực nước biển Thổ Chu sâu từ 40-60m, phía dưới có các rạn đá sỏi nhô cao từ 5-10m, đây chính là nơi trú ngụ của rất nhiều loài cá lớn như bè lão, mú thông, mú đỏ, bớp, nhồng, thu, bò da, thút thít, mỏ heo...

Cá ở rạn phong phú như vậy nên ngư dân ở đây vẫn chú trọng đánh bắt cá hơn là làm dịch vụ. Muốn có nhu cầu đi câu, các cần thủ phải đến liên hệ trực tiếp để theo ghe ngư dân ra biển.

< Những chiếc ghe đưa cần thủ đến những hòn đảo nhiều tôm cá.

Gần đây, một cần thủ trong Câu lạc bộ Câu cá Bốn số chín đã đầu tư một ghe ở Thổ Chu để chuyên phục vụ cho những người mê câu biển. So với Phú Quốc thì dịch vụ du lịch - câu kéo ở Côn Đảo phát triển hơn.

Trước đây, có sáu ghe của ngư dân Côn Đảo chuyên đánh bắt cá ở các rạn đá. Nhận thấy nhu cầu câu cá biển đang dần trở nên phổ biến và thường xuyên nên ba ghe đã chuyển hẳn sang làm dịch vụ.

Hiện nay, tour du lịch - câu kéo của cả chiếc ba ghe này khá chuyên nghiệp, các đoàn câu đã đặt kín lịch trong bốn tháng tới.

Hơn 2 giờ chiều, đoàn câu biển Thổ Chu của anh Thương mới ra đến nơi. Một số cần thủ trong đoàn tỏ ra khá mệt mỏi sau chuyến đi dài, thậm chí có người bị say sóng đến nằm vật vờ trên ghe. Nhưng khi bắt đầu buông cần, bao nhiêu mệt mỏi bỗng dưng tan biến.

< Khi con nước "đẹp" cần thủ có thể câu được hai con cá to một lúc.

Những con cá nhồng bằng bắp tay cắn câu liên tục. Cá này chỉ khoảng 3-4kg, sử dụng để làm mồi câu những con cá to hơn. Đến chiều, khi khoang ghe đã có khá nhiều cá mồi, cả đoàn lại tiếp tục theo thuyền đi câu mực (cũng để làm mồi câu cá hôm sau).

Khoang thuyền sáng trưng, từng mẻ lưới đầy mực ống trong suốt được kéo lên, lấp lánh trong ánh đèn điện, phản chiếu xuống làn nước biển. Khi được chuyển vào khoang nuôi, mực chuyển đổi màu sắc từ trắng sang xanh, hồng… rất đẹp. Lại một đêm mất ngủ với mực đêm.

Sáng hôm sau, cả đoàn thức dậy trước hừng đông để kịp câu đàn cá đói mồi và tranh thủ ngắm mặt trời mọc tuyệt đẹp trên biển. Trời buổi sáng thật yên tĩnh, bốn bề là mặt nước mênh mông, gợn những con sóng nhỏ.

Anh chàng trẻ tuổi nhất đoàn vốn hay nói cũng lặng im, tập trung cao độ vào chiếc cần của mình. Cả trong tầm nhìn lẫn suy nghĩ của các cần thủ lúc này chỉ còn biển và cá.

Một cảm giác hồi hộp đến kỳ lạ, giống như một cầu thủ đang đưa bóng vào vòng cấm địa, chỉ chờ một cú sút đẹp mắt để ghi bàn nữa thôi.

Có cần thủ trong đoàn nói rằng trong khoảnh khắc ấy là sự giằng co giữa nhiều tâm trạng, giữa hy vọng và thất vọng, giữa sung sướng và đau khổ làm cho thần kinh tăng lên tột độ. Chỉ cần dây cước căng lên, bị kéo đi thì bao nhiêu cảm xúc sẽ vỡ òa bằng một tiếng “Aaa…” thật lớn.

< Cảm giác làm chủ biển cả mênh mông khi chiến thắng được con cá lớn.

Rồi, bằng tất cả sức lực vốn có, đôi khi có cả cùng sự hỗ trợ của đồng đội, cần thủ sẽ chiến đấu với con cá. “Cùng trọng lượng với cá sông, hồ nhưng con cá biển khỏe và dai sức hơn nhiều.

Những con cá cắn câu cứ rẽ nước bơi loằng ngoằng để thoát thân, cần thủ phải có những phút giây chiến đấu hết sức mới đưa cá lên khoang được”, anh Sâm Thương cho biết, “Thông thường, với những con cá 3 - 4kg cần thủ phải chiến đấu gần 30 phút, thời gian này sẽ kéo dài đến 2-3 tiếng đối với những con cá 8 - 10kg”.

Vì thế nên mấy chuyến câu biển trước, một số bạn câu của anh bị kéo tung mất cần, mất cước, thậm chí có cần thủ còn bị cá kéo rớt xuống biển. Chỉ đến khi cần thủ cười khà khà và nói: “Tao thắng mày rồi nhé”, cuộc chiến mới kết thúc.

Mồi giả (mồi jig) ngon hơn mồi thật

Nhiều cần thủ vẫn nghĩ rằng cá biển chỉ thích mồi sống như: cá cơm, tôm sống, mực sống… Do đó, câu cá bằng mồi giả dường như vẫn chưa được nhiều người ưa chuộng.

< Mồi giả rất đa dang và đẹp mắt.

Tuy nhiên, Sâm Thương và các cần thủ trong nhóm câu Côn Đảo, Phú Quốc lại rất thích câu bằng mồi giả. Từ chuyến đi câu ở Côn Đảo vào tháng 10-2011, anh phát hiện ra cá biển rất mê loại mồi này, đặc biệt là cá gáy, bè đốm, bè quỵt, bè lão, hoắc, khế...

Cá bè trang thì tranh nhau ăn mồi giả đến nỗi một cặp cùng dính một con mồi giả có hai lưỡi. Ngay cả hồng bạc 9 - 10kg khá kén mồi cũng bò khỏi hang với miếng mồi này.

Việc sử dụng mồi giả khá thuận tiện vì lưỡi được gắn vào đầu, giữa bụng và đuôi con mồi. Trong sáu loại mồi giả là mồi quay (spinner), mồi nối (plugs), mồi cao su dẻo (soft plastics), mồi nhảy (jigs) và mồi hình thìa (spoons) thì mồi nhảy được sử dụng rộng rãi nhất trong câu biển.

Mồi nhảy làm bằng chì, chìm nhanh nên rất tiện khi câu ở những chỗ sâu hay nước chảy xiết. Phần lưỡi của mồi nhảy thường được phủ bởi nhựa dẻo, lông thú, vải màu, kim loại mỏng, len…
Phần đầu có nhiều hình dạng khác nhau phù hợp với điều kiện của từng ngư trường.

< Cá bé đã bị cá lớn đớp trước khi được câu lên.

Chẳng hạn loại đầu như viên bi giúp mồi chìm nhanh nhưng khoen móc hay có chiều hướng mắc rong; loại đầu hình mũi tàu giúp rẽ nước nhanh, chìm nhanh, thích hợp cho chỗ nước chảy mạnh và sâu; loại hình đầu đạn rẽ nước nhưng nhanh bằng loại mũi tàu nhưng lại ít vướng rong hơn; ngoài ra còn có loại đáy bằng, hình nấm, quả chuối, gót chân, kim tự tháp, cánh quay…

Lưỡi câu của mồi nhảy được phủ bằng nhiều nguyên liệu khác nhau như: lông thú, nhựa dẻo, sợi kim tuyến, có khả năng phản chiếu ánh sáng... Nhiều cần thủ còn kết hợp câu mồi giả với mồi thật để đạt hiệu quả tốt hơn.

Anh Đặng Hoàng Nhân, người sáng lập Câu lạc bộ Thegioicauca.com, cho biết: “Hiện nay cần câu biển có hai loại là cần phíp (fibre, làm từ sợi thủy tinh) và carbon (than chì - grafit). Cần phíp rất dẻo, bền nhưng nặng, cầm mau mỏi tay và người câu khó cảm nhận khi con cá cắn câu. Cần carbon cứng và nhẹ hơn, đọt cần rất nhạy cảm, độ phản hồi cực kỳ cao nhưng lại giòn và dễ gãy hơn. Tùy theo từng ngư trường và loại cá để cần thủ chọn cần câu phù hợp, đôi khi chọn cần cũng do sở thích. Tôi thì thích câu cần carbon hơn”.

< Chế biến cá ngay trên khoang ghe.

Về độ dài của cần, anh Sâm Thương chia sẻ: “Câu biển chỉ nên sử dụng cần ngắn từ 1,6 - 2,1m. Riêng cá thu ở tầng trung thì sử dụng cần dài từ 2,7 - 3m”.
toimedulich
Anh nói thêm: “Cá biển đi ăn theo dòng hải lưu (dân câu thường gọi là con nước). Con nước ở biển Côn Đảo, Phú Quốc thường có hai lần chảy xuôi và hai lần chảy ngược, con cá thường ăn mồi vào khoảng một tiếng đầu con nước (gọi là đầu con) và một tiếng cuối con nước (gọi là cuối kiệt). Con nước đẩy phù du đi nên cá nhỏ sẽ bơi theo để ăn phù du, cá lớn lại ăn cá nhỏ. Buông câu đúng thời điểm, cá sẽ cắn câu liên tục. Đây là lúc cần thủ kéo cá đến không kịp suy nghĩ, nhất là những con cá khoảng 3kg".

Anh Nguyễn Tuấn Nam, chủ nhiệm Câu lạc bộ Thegioicauca.com, chia sẻ thêm: “Thời điểm trước khi biển động, cá ăn mồi rất mạnh, có lẽ để dự trữ năng lượng. Trong biển động và sau động vài ngày, con cá rất kém năng động khi tìm thức ăn. Do đó, con nước có “đẹp” bao nhiêu nhưng nếu trong cơn dông bão, động đất, sấm chớp… thì câu cũng không thu kết quả tốt”.

Trong những lần anh em hội câu biển ngồi lại bên nhau, các cần thủ thường đùa rằng câu cá là thú chơi của triệu phú. Bởi vì từ cần, cước, chì, mồi câu… đều có nhiều giá khác nhau để dân câu lựa chọn, nhưng một bộ cần “được được” cho câu biển thì phải cả chục triệu đồng trở lên.

< Đi câu mực đêm.

Nhiều bộ dụng cụ câu đặt từ nước ngoài giá vô cùng đắt đỏ, như bộ của một dân câu thứ thiệt (giấu tên) ở Quảng Ninh, bạn của anh Tuấn Nam, lên đến cả trăm triệu đồng. Ông là một thành viên quen thuộc của Câu lạc bộ Câu cá Phú Quốc.

Mỗi năm, ông lại vác cần lên hai chuyến bay liên tiếp từ điểm đầu đến điểm cuối tổ quốc (Phú Quốc) để thỏa “cơn ghiền”.

Dân câu lắm chiêu nịnh vợ

Dân câu thường tếu táo ngâm nga với nhau đoạn thơ biến tấu từ bài Quê hương của nhà thơ Giang Nam: Có những ngày trốn đi câu/ Té cầu ao/ Vợ bắt được/ Chưa mắng câu nào đã khóc/ Cô bé nhà bên nhìn tôi cười khúc khích / Chị giận anh rồi/ Tối sang ngủ với em… (Nguyên văn: Nhớ những ngày trốn học/ Đuổi bướm cầu ao/ Mẹ bắt được/ Chưa đánh roi nào đã khóc/ Có cô bé nhà bên/ Nhìn tôi cười khúc khích...).
toimedulich
Bởi hầu như ông chồng nghiện câu nào cũng thường xuyên bị vợ giận. Các chuyến câu biển dài ngày làm mặt mũi người chồng trở nên phờ phạc vì mất ngủ, không có cảm giác đói khát dù bỏ bữa, toàn thân cháy nắng vì phơi mình giữa biển khơi.

< Màu sắc của mực trong khoang nuôi biến đổi liên tục.

Nhiều khi, cần thủ còn gặp nguy hiểm như chuyến đi Kiên Lương - Kiên Giang hồi tháng 2/2012 của anh Tuấn Nam. Người lái ghe bị lạc đường trong hoàn cảnh nửa đêm tối mịt mùng.

Anh cho biết: “Mười bốn người thật sự hoang mang trên một chiếc ghe cào cá ven bờ khá mỏng manh chứ không phải thuyền đánh cá chuyên nghiệp, ghe chỉ cần đụng phải một rạn đá ngầm nào thì… ”.

Tuy giận dỗi thường xuyên nhưng hầu hết các cô vợ vẫn tôn trọng thú đam mê của chồng vì mỗi chuyến đi câu vừa giúp xả stress, lại vừa thắt chặt hơn tình cảm giữa những người của nhiều ngành nghề khác nhau như: doanh nhân, bác sĩ, kỹ sư, nhạc sĩ…

Chỉ cần một người phấn khích la lên “Aaaa…” thì những người khác gần như quăng cần mình sang một bên, hăng hái xông đến, người phụ cầm cần, người kéo dây, người cầm vợt, người gỡ cá…

Bên cạnh đó, để vừa giữ bình yên gia đình vừa thỏa máu nghiện câu, các cần thủ đều có vài chiêu thu phục vợ như: chiều chuộng vợ gấp đôi ngày đầu mới cưới, cố gắng “ôn bài trả bài” tốt, thi thoảng còn phải massage cho vợ, giăng mùng cho vợ trước khi ngủ, năng đưa vợ con đi chơi…, có ông còn chịu khó pha sẵn nước nóng với tí phèn để ngâm chân và cọ móng cho vợ vào ngày cuối tuần thay vì gặp gỡ, la cà cà phê với bạn bè.

Trên thực tế, thú câu cá có những tác động rất tích cực về mặt tâm thần, giúp giải tỏa stress, căng thẳng, tăng sự hứng thú với cuộc sống, công việc; riêng câu biển còn có giúp tăng cường sức khỏe thể chất.

Đặc biệt, nhờ thú đam mê câu cá mà một số cần thủ trong Câu lạc bộ Thegioicauca.com từ bỏ được ma túy, game, cờ bạc… Với những giá trị tích cực như vậy nên câu cá đã được người xưa xếp vào một trong bốn thú vui của ẩn sĩ (ngư (câu cá) - tiều (đốn củi) - canh (cày ruộng) - mục (chăn trâu).
Còn ngày nay, câu cá trở thành một thú chơi phổ biến của phái mạnh, từ thanh niên mười tám, đôi mươi đến người lớn tuổi, từ nhạc sĩ, bác sĩ, kỹ sư đến nhà giáo, thương gia.

Theo Xuân Lộc (Doanh Nhân Sàigòn)
Du lịch, GO!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét