Các bà nội trợ miền Tây Nam bộ đã sáng tạo, tìm tòi chế biến các món ăn lạ, trong đó có nhiều loại bánh dân gian vừa ngon vừa lạ, chẳng hạn bánh mãng cầu (ta). Nét độc đáo của bánh mãng cầu chính là hình dáng đẹp và tinh tế, từng mắt sống động như trái mãng cầu thật có cuống, có lá xanh.
Để có được chiếc bánh mãng cầu, người làm bánh phải thực hiện nhiều công đoạn. Nếp được vuốt sạch, để ráo rồi xay thật mịn, đem rang chín. Sau đó, đem bột nếp rang trộn với nước cốt dừa và đường theo tỷ lệ thích hợp. Hỗn hợp bột trên được nhồi đều tay giống như cách làm bánh in. Để có màu xanh như vỏ trái mãng cầu, người ta dùng lá dứa, ép lấy nước rồi trộn với hỗn hợp bột.
Nhân bánh cũng được làm khá kỳ công: đậu xanh cà nguyên vỏ đãi sạch nấu chín, ngào với đường, muối, nước cốt dừa, rồi vò viên. Vò từng viên bột với nhân đậu xanh rồi gắn chúng lại với nhau sao cho đều, tạo hình như trái mãng cầu. Cuối cùng, lấy ít bột hòa cùng đường nhuyễn rắc lên vỏ mãng cầu. Bánh rất dẻo, béo, thơm, vừa ngọt, vừa mặn. Chính sự kỳ công đó mà ngày nay rất hiếm người làm bánh mãng cầu, bánh chỉ xuất hiện trong dịp lễ, Tết.
toimedulich
Tại Cần Thơ, du khách có thể thưởng thức bánh mãng cầu trong Lễ Kỳ yên Thượng điền Đình Bình Thủy, sẽ diễn ra vào ngày 12 đến 14-4 âm lịch, tức khoảng 18 đến 20-5 dương lịch.
Theo Báo Cần Thơ, Doanh Nhân Sàigòn
Du lịch, GO!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét