Thứ Tư, 30 tháng 3, 2016

Trải nghiệm Cao Xiêm (Quảng Ninh)

(BQN) - Cao Xiêm – ngọn núi cao 1.429 mét so với mực nước biển. Đây được coi như “nóc nhà” của Quảng Ninh. Để chinh phục ngọn núi nhiều kỳ thú này du khách phải trải qua chặng đường dài khoảng 15km (cả đi và về) với những cung bậc cảm xúc kỳ lạ khi chiêm ngưỡng những cánh rừng thông bát ngát vi vu, bãi cỏ mênh mông lưng chừng núi, một thế giới mờ mờ ảo ảo mây quyện quanh mỗi bước đi...

Theo Quốc lộ 18C từ Tiên Yên vào Bình Liêu, khi đến bản Mạ Trạt hoặc dốc Cô Tiên ở xã Vô Ngại chúng ta nhìn thấy một ngọn núi sừng sững, cao nhất - đó là núi Cao Xiêm. Theo người dân Bình Liêu, ở khắp các thôn, bản từ Húc Động, Vô Ngại, Tình Húc, Lục Hồn, Đồng Tâm đến Hoành Mô đều có thể quan sát thấy đỉnh Cao Xiêm. Thế nhưng, số người đã từng đặt chân lên đỉnh núi này thì chưa nhiều. Có lẽ vì vậy mà Cao Xiêm còn khá xa lạ và kỳ bí.

Theo tài liệu xưa, độ cao của núi Cao Xiêm là 1.330 mét so với mực nước biển. Ngày nay, bằng công nghệ đo đạc bản đồ hiện đại, đã xác định Cao Xiêm cao 1.429 mét so với mực nước biển. Với độ cao này, Cao Xiêm được coi như “nóc nhà” của Quảng Ninh.
toimedulich
Để chinh phục Cao Xiêm, chúng ta có thể xuất phát từ 3 địa điểm: Bản Cao Thắng (xã Lục Hồn), bản Lục Ngù (xã Húc Động) và bản Ngàn Mèo (xã Lục Hồn).

< Hành trình đi trong mây chinh phục "nóc nhà" của Quảng Ninh.

Hành trình lên đỉnh Cao Xiêm, chúng ta được chiêm ngưỡng những bản làng của các dân tộc thiểu số huyện Bình Liêu, ở đó mỗi ngôi nhà đều có những kiến trúc rất riêng, rất đặc biệt của các dân tộc anh em.

Theo lối mòn, chúng ta đi xuyên qua những cánh rừng thông bát ngát, thi thoảng lại gặp những chùm hoa mua, những vạt hoa sở nở trắng rừng. Trong làn gió mát vu vi xen qua những rặng thông xanh mướt chúng ta cảm nhận được mùi hương quế, hoa hồi thoang thoảng khiến bao mệt mỏi cứ thế mà tan biến.

< Bản làng Bình Liêu nhìn từ núi Cao Xiêm.

Vượt qua những cánh rừng thông bạt ngàn với nhiều triền dốc, chúng ta như lạc vào một thảo nguyên xanh mướt, không khí trong lành đến kỳ lạ. Ở đây, giờ không còn là cánh rừng ngút ngàn, thay vào đó là những “cánh đồng” cỏ tự nhiên bằng phẳng xa tắp.
toimedulich
Trên thảo nguyên xanh này, chúng ta có thể thoả sức cắm trại, vui chơi hoà mình vào thiên nhiên, núi rừng Bình Liêu. Đây cũng là thời điểm, mọi người có thể nghỉ ngơi sau ½ chặng đường chinh phục Cao Xiêm.

Tiếp tục cuộc hành trình, chúng ta vượt dốc đi xuyên qua một cánh rừng thông chừng 2km. Khi những cây thông cuối cùng xuất cũng là lúc chúng ta cảm nhận được một thế giới vô cùng khác biệt, đó là những áng mây, sương mù bắt đầu quyện vào mỗi bước chân.

Giờ đây, chúng ta bước vào một “thế giới” khác, mờ mờ ảo ảo, thật huyền bí. Theo người dân địa phương, thì vào những ngày có sương mù, chỉ cần đi cách nhau hơn chục mét là người sau đã không thể nhìn thấy người đi phía trước. Vì vậy khi chinh phục Cao Xiêm vào ngày mù trời mọi người cần bám sát nhau để không bị lạc đường.

< Thảo nguyên giữa lưng chừng núi rất thuận tiện cho việc cắm trại, vui chơi.

“Chặng đường mù” – nói như người dân bản địa, là quãng đường gian nan nhất để chinh phục đỉnh Cao Xiêm. Chúng ta sẽ phải vượt qua 1/3 chặng đường còn lại với những triền núi có độ dốc lớn, men theo con đường mòn quanh co, uốn lượn qua những tảng đá với mọi hình thù.
toimedulich
Ở trên núi, với mây, sương mù dày đặc, ta cảm nhận được cái lành lạnh của mùa đông, sự ướt át của mưa, sự trong lành của núi rừng, cùng với những làn gió từ biển thổi vào khiến mệt mỏi tan biến.

< Đỉnh Cao Xiêm Bình Liêu.

Trên đỉnh Cao Xiêm, hiện vẫn còn những hầm hào, những con đường được mở lên núi sót lại. Nơi đây, ngày xưa từng được cắm một ngọn cờ thể hiện chủ quyền của nước Việt Nam. Cũng chính vì vậy, người Sán Chỉ (Bình  Liêu) còn gọi núi Cao Xiêm là “Kèo Kăm Khây” (núi Cắm Cờ), người Tày gọi là “Khau Cẳm cờ”…

Cao Xiêm là đỉnh núi án ngữ giữa biên giới và biển trời Đông Bắc Quảng Ninh. Vào những ngày nắng ráo, từ đỉnh Cao Xiêm, chúng ta có thể bao quát cả một vùng rộng lớn từ Tiên Yên đến Hải Hà, Đầm Hà…

Theo người dân nơi đây, phía Đông đỉnh núi hướng tầm nhìn vượt huyện Hải Hà, Đầm Hà ra Vịnh Bắc Bộ. Phía Tây có thể nhìn vượt qua những dãy núi cao biên giới Việt Nam – Trung Quốc. Sườn Nam hướng tầm nhìn xuống thung lũng Bình Liêu và xa hơn là núi đồi thấp khu vực Tiên Yên. Còn sườn Bắc hướng tầm nhìn đến dãy núi "anh em" là Cao Ly và xa hơn là vùng núi Quảng Nam Châu hùng vĩ.

Hãy đến với Cao Xiêm - Đỉnh núi Cột cờ để cảm nhận được hồn thiêng sông núi, nơi gặp gỡ đất trời vùng Đông Bắc Tổ quốc.

Theo Thái Bình – Ngọc Nhất (Báo Quảng Ninh)


Chinh phục Cao Xiêm: "Nóc nhà" của Quảng Ninh

1 nhận xét:

  1. Blog bạn hầu như bài nào cũng cóp 'nguyên con' ở Du lịch, GO!, vậy nên trích nguồn đầy đủ nhé, đừng cắt bỏ dòng Du lịch, GO! đi.

    Trả lờiXóa