Thứ Sáu, 16 tháng 10, 2015

Bữa sáng trên chợ nổi Cái Răng

(TTO) - Du khách đi chợ nổi không chỉ để ngắm nhìn những ghe thuyền đầy ắp hoa quả, hàng hóa mà còn để thưởng thức hương vị tô hủ tiếu hay tô bún cua thơm ngon giữa dòng nước mênh mông.

Tờ mờ sáng, khi những chiếc thuyền chở đầy hoa quả, hàng hóa tập trung tại khu vực chợ nổi Cái Răng thì cũng là lúc khách du lịch rời bến Ninh Kiều hướng về chợ nổi. Tuy không phải vụ chính của hoa quả tại miền Tây, nhưng trên bến dưới thuyền vẫn đông đúc, chủ yếu để phục vụ khách du lịch. Đến chợ nổi, chắc chắn bạn không thể bỏ qua một tô bún nóng hổi hay bát cháo lòng thơm phức được chở bán trên những chiếc ghe nhỏ. Giữa dòng sông mênh mông, tiếng chào hàng của cô chủ ghe ăn vang lên, đánh thức những thực khách đang đói cồn cào sau một đêm dài.

Những du khách chỉ cần ngồi trên thuyền và gọi với theo chiếc thuyền chở đầy đồ ăn kia. Vài du khách không quen tiếng miền Tây được người chèo thuyền gọi hộ. Cô bán hàng nhanh tay chèo thuyền vào sát thuyền khách, mắc dây vào thành thuyền.

Những chiếc thuyền buôn bán như thế này thường của hai vợ chồng, người chồng ngồi trong khoang nhỏ chế biến món ăn, người vợ ngồi mũi thuyền nhận gọi món, phục vụ rồi thanh toán.
toimedulich
Gọi là phục vụ nhưng thực chất “quán ăn” chỉ có vài món chính. Thuyền nào thức đấy, có những thuyền chỉ chuyên bán hủ tiếu, bánh canh, bún cua... có những thuyền bán đồ giải khát, cà phê, dừa tươi. Nếu muốn ăn chơi, những cô bán bánh với ghe thuyền đầy ắp bánh lá dừa, bánh da heo, bánh bò sẽ rẽ dòng nước, áp sát thuyền để mời chào du khách.

Tôi gọi một tô hủ tiếu khi thấy chiếc thuyền chòng chành vì lỉnh kỉnh đồ tiến gần thuyền chúng tôi. Trong khoang thuyền nhỏ bày đủ các loại rổ giá, bát đũa gia vị. Cơ man nào bún, rau sống, thịt lợn băm, nội tạng heo, riêu cua, đường ớt tỏi... không thiếu thứ gì như ở quán ăn trên bờ. Chúng tôi gọi bún xong, người chồng ngồi trong khoang thuyền nhanh tay gắp bún ra bát, kèm theo các nguyên liệu và chan nước dùng...

Ở trên thuyền, làm mọi thứ đều phải cực kỳ khéo léo và cẩn thận, chỉ cần một sơ sẩy thôi là sẽ đổ vỡ. Những người bán hàng như nghệ sĩ giữ thăng bằng, bát bún làm xong thì được chuyển ra ngoài mũi thuyền, cô bán hàng hai tay hai bát bước qua thuyền cho chúng tôi.
toimedulich
Dường như đã quen với việc khách ngồi ăn trên ghe, chú lái thuyền đặt một tấm ván ngang ghe để những người ít “kinh nghiệm” ăn trên thuyền như chúng tôi có thể thoải mái. Đa số người dân ở đây chỉ cần cầm bát bún, và mấy chặp, hít hà vài cái là bát bún sạch không còn một sợi.

Tô hủ tiếu hay bánh canh trên thuyền cũng đơn giản, không quá đặc sắc như các cửa hàng trên bờ. Vài cọng rau sống, giá non, thịt lợn cắt miếng mỏng, gan heo, thịt băm là thành được tô bún. Nồi nước dùng luôn được giữ nóng nên dù ở trên thuyền, bát bún cũng luôn nóng hổi. Hương vị đậm đà của nước dùng quyện với vị ngọt của thịt và thanh mát của rau sống, thêm chút cay nồng của ớt và chua dịu của chanh tươi.

Nhìn sang bên cạnh thấy bát bún riêu của bạn tôi cũng bắt mắt không kém, gạch cua màu vàng tươi, trộn lẫn đậu phụ rán vàng ruộm, bên trên là những ngọn rau muống chẻ và giá. Cái hay nhất của việc ngồi ăn bún trên ghe không chỉ nằm ở hương vị của bát bún mà ở cái không khí mà du khách được trải nghiệm. Trong cái se se lạnh của sáng sớm trên chợ nổi, một tô bún ấm nóng như đánh thức mọi giác quan của thực khách.

Giống như ở phố cổ Hà Nội, người ta gọi một tô bún thang không hẳn chỉ vì ngon mà còn vì cái vẻ hoài cổ lãng đãng của từng con phố. Nhìn tô hủ tiếu nước lèo trong vắt tỏa hương ngào ngạt, tôi lại tưởng tượng ra được cả không gian mênh mông của miền sông nước. Bên tai là những tiếng gọi thuyền, tiếng xuồng máy tấp nập qua lại. Cô bán hàng nụ cười rạng rỡ bên ghe thuyền, ngồi xếp gọn gàng chồng bát sau khi chúng tôi đã ăn xong.
toimedulich
Người miền Nam vốn dân dã, vừa ăn vừa cười nói vui vẻ. Thấy những vị khách xa lạ như chúng tôi, vài người bạn không quen từ các thuyền khác cũng niềm nở, gọi sang cùng chung vui và trò chuyện. Ghe hủ tiếu vừa đi qua thì chiếc thuyền chở toàn đồ giải khát lại tiến gần.
toimedulich
Đến xứ miệt vườn sông nước, tôi chỉ muốn thưởng thức hương dừa tươi “thứ thiệt” của vùng đất này. Một quả dừa có giá phải chăng (10.000 đồng/trái), tuy không ngọt như bình thường tôi hay uống nhưng hương vị rất thanh, chua nhẹ, tự nhiên đúng chất dừa và không pha tạp gì.

Ăn uống no nê, chúng tôi tranh thủ mua vài tấm bánh làm quà và cũng ăn chơi trên chặng đường tiếp theo. Những chiếc bánh da heo có màu xanh đặc trưng bên cạnh chồng bánh lá dừa.

Hơn 7g sáng, khi cuộc sống nhộn nhịp bắt đầu trên TP Cần Thơ thì cũng là lúc thuyền chở chúng tôi về bến. Những món ăn trên chợ nổi Cái Răng tuy bình dị, dân dã nhưng giữ được cái hồn, cái không khí riêng của mảnh đất mà du khách khó lòng có thể tìm được ở bất cứ nơi đâu.

Theo Minh Đức (Dulich.Tuoitre)
Du lịch, GO!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét