Chủ Nhật, 18 tháng 10, 2015

Di tích lịch sử trường Dục Thanh – Phan Thiết

Trường Dục Thanh - Phan Thiết được xây dựng vào năm 1907 (cùng năm xây dựng với trường Đông Kinh Nghĩa Thục) tọa lạc trên địa bàn làng Thành Đức nay là số nhà 39 đường Trưng Nhị, phường Đức Nghĩa, TP.Phan Thiết. Trường dựng lên để hưởng ứng phong trào Duy Tân do cụ Phan Chu Trinh, Trần Quý Cáp và Huỳnh Thúc Kháng khởi xướng.

Trường do các cụ Nguyễn Trọng Lội, Nguyễn Quý Anh (hai người con của nhà văn - thơ yêu nước Nguyễn Thông) thành lập. Mục tiêu của phong trào Duy Tân và của trường là mở mang dân trí, thức dậy ý thức giống nòi, dân tộc. Đây là trường tư thục có nội dung giảng dạy tiến bộ nhất ở Bình Thuận lúc bấy giờ.

< Sáu sáng lập viên của trường Dục Thanh: Hồ Tá Bang, Nguyễn Trọng Lội (hay Lợi), Nguyễn Quý Anh (hàng trên), Nguyễn Hiệt Chi, Trần Lệ Chất, Ngô Văn Nhượng (hàng dưới).

Năm 1910, trên đường đi tìm phương cứu nước, thầy giáo Nguyễn Tất Thành (sau này là Chủ tịch Hồ Chí Minh) được cụ nghè Trương Gia Mô giới thiệu đã đến Phan Thiết và dừng chân dạy học ở trường Dục Thanh. Học sinh của trường có khoảng 60 người cùng 7 thầy giáo giảng dạy các bộ môn: Hán văn, Pháp văn, thể dục thể thao... Thầy Thành dạy lớp nhì, chủ yếu là dạy quốc ngữ, Hán văn.

Trong thời gian dạy học ở trường Dục Thanh, ngoài những nội dung được phân công giảng dạy, thầy Thành còn bằng tình cảm người thầy, người anh đã truyền bá lòng yêu quê hương đất nước, nòi giống tổ tiên cho học sinh. Những giờ học ngoại khóa, những lúc rảnh thầy dẫn học sinh du ngoạn cảnh đẹp ở thị xã Phan Thiết lúc bấy giờ như bãi biển Thương Chánh, động làng Thiềng, đình làng Đức Nghĩa...
toimedulich
Năm 1911, thầy Thành rời trường Dục Thanh - Phan Thiết vào Sài Gòn vượt đại dương đi tìm con đường giải phóng dân tộc.

Một vài năm sau ông Nguyễn Trọng Lội qua đời, ông Nguyễn Quý Anh chuyển vào Sài Gòn, không còn người phụ trách và nhiều lý do khách quan nên trường đóng cửa vào năm 1912. Ngôi trường xưa Bác dạy vốn đã bị hư hỏng nhiều, nhưng trong số học sinh thầy Thành dạy năm xưa vẫn còn 4 cụ còn sống, đó là bác sĩ Nguyễn Quý Thầu, bác sĩ Nguyễn Kim Chi, cụ Từ Trường Phùng, cụ Nguyễn Đăng Lâu.

Sau ngày quê hương được giải phóng, nguyện vọng của nhân dân là muốn phục chế lại ngôi trường Dục Thanh xưa để tỏ lòng biết ơn Bác Hồ kính yêu và giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ hôm nay và mai sau. Nhờ những ký ức, kỷ niệm của các cụ, vị trí ngôi trường và những thành phần kiến trúc nội, ngoại thất được hình thành qua các bản vẽ và được dựng lại từ những năm 1978-1980.

Khu di tích trường Dục Thanh gồm có các công trình chính: một gian nhà lớn phía trước với những bộ bàn ghế gỗ ngăn nắp vốn là nơi diễn ra hoạt động dạy học của thầy trò trường Dục Thanh. Bên phải gian nhà chính là Nhà Ngư được xây dựng năm 1906 và từ năm 1908 trở đi dùng làm nơi nội trú của học sinh. Ở dãy phía sau, Ngọa du sào là ngôi nhà được xây dựng vào năm 1880 của cụ Nguyễn Thông.
toimedulich
Vào những năm cuối đời, cụ Nguyễn Thông ở căn nhà này ngâm thơ, bình văn và luận bàn công việc với các sĩ phu yêu nước. Lúc ở trường Dục Thanh thầy Thành đọc sách, soạn bài ở Ngọa du sào. Ngôi nhà này cũng được tu bổ lại, hiện vật bên trong bị xáo trộn và mất mát khá nhiều. Không thể không nhắc tới cây khế, giếng nước gắn bó với cuộc đời làm thầy của Bác Hồ ở Dục Thanh nên đó cũng là điểm chính trong khu di tích.

Theo Báo CATPHCM, ảnh internet
Du lịch, GO!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét