Thứ Năm, 29 tháng 10, 2015

Pháo đài trên núi Tượng

Trong một chuyến về An Giang, chúng tôi có dịp tìm đến với núi Tượng ở thị trấn Ba Chúc, huyện Tịnh Biên, cách TP. Hồ Chí Minh 300km.

< Đường đến núi Tượng.

Núi Tượng có tên chữ là Liên Hoa Sơn, cao 145m, thuộc hệ thống Thất Sơn, đã từng được nhà văn Sơn Nam miêu tả như sau: Vùng Ba Chúc (quanh núi Tượng), thung lũng nhỏ, cổ kính, có cảnh “trước miễu, sau chùa”, miễu (là đình làng độc đáo, thờ trăm quan đại thần) cất phía trước, chùa phía sau, kề sát nhau.

Con đường từ quốc lộ 91 vào thị trấn Ba Chúc dài khoảng 25km, đường khá tốt. Hai bên đường là xóm làng, vườn tược, những cánh đồng lúa rộng bát ngát với những dãy núi xa xa.

< Ông Năm núi Tượng.

Đến nơi, nhóm chúng tôi được một em thiếu nhi tên Đoàn, dân núi Tượng chính gốc hướng dẫn leo núi. Đường lên núi chỉ là một lối mòn nhỏ xuyên qua rừng tầm vông rậm rạp, quanh co hiểm trở, có những hang hốc nhỏ hẹp, có cả đoạn dốc cao bên cạnh vực sâu. Hai bên đường có khá nhiều cây cối hoang dại như trâm, sung, mét, săn máu… xen lẫn với xoài, mít, me, đào um tùm, mát mẻ. Chim sâu nhảy nhót, ríu rít trong những vòm lá xanh rậm rạp.
toimedulich
Đến lưng chừng núi, chúng tôi gặp một người đàn ông ăn mặc như đạo sĩ đi lấy củi và xắn măng trên núi xuống. Được hỏi chuyện, “đạo sĩ” xưng mình là “ông Năm núi Tượng” và nhân tiện ông kể lại vài nét về lịch sử Liên Hoa Sơn. Theo ông, trước năm 1870, vùng núi này hãy còn hoang vắng. Sau đó, thầy Ngô Lợi, người khai sáng đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa đã dẫn dắt một số đệ tử vào vùng núi Tượng khai hoang lập ấp, sau này trở thành làng An Định với 14 thôn. Tín đồ các nơi đổ về ngày càng đông đúc. Đến năm 1890, thầy Ngô Lợi mất tại núi Tượng.

< Cốt Hai trên đỉnh núi.

Sau một hồi nghỉ chân nghe chuyện, chúng tôi lại lên đường với quyết tâm “chinh phục” đỉnh Liên Hoa Sơn. Càng lên cao, đường càng dốc, có nơi gần như thẳng đứng phải chen lách qua những khe, gờ, hẻm đá, ai nấy phải đeo bám những thân tầm vông, dây leo chằng chịt tiến lên từng bước một. Có đoạn phải men theo vách đá trơn nhẵn với một bên là vực sâu.

Cuối cùng, bao mệt nhọc cũng tan biến khi đỉnh núi Tượng cùng với cốt (lô cốt) Một, cốt Hai sừng sững hiện ra. Hai lô cốt này được quân dân địa phương xây dựng như là hai pháo đài ở địa thế hiểm yếu làm điểm phòng thủ và cảnh giới trong những năm chiến tranh biên giới Tây Nam.

< Đồng ruộng dưới chân núi.
toimedulich
Cốt Một, cốt Hai nằm trên hai tảng đá lớn cách nhau chừng 5m. Mỗi cái có thể chứa một tiểu đội. Dưới tảng đá của lô cốt là hang Vồ Đá Dựng thâm u, bí ẩn, sâu hun hút, hầu như chưa ai dám xuống! Chung quanh lô cốt có rất nhiều hang hốc, gờ đá thuận lợi cho phòng thủ. Đứng trên nóc hai lô cốt, du khách có thể quan sát gần như toàn bộ khu vực Tây Nam với nhà cửa lô nhô dưới chân núi, vườn tược, đồng ruộng xanh tươi, xa xa là vùng núi Tà Lơn của nước bạn Campuchia…

Một chuyến đi đến Thất Sơn, leo núi Tượng, khám phá 15 hang động của Liên Hoa Sơn sẽ mang lại nhiều điều thú vị, bổ ích cho những ai muốn khám phá, tìm hiểu vùng bán sơn địa của miền đất Tây Nam Tổ quốc.

Đặng Xuân Nhi (Doanh Nhân Cuối Tuần)
Du lịch, GO!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét