Năm năm sau cuộc di dân từ “ốc đảo” lên phố, phường Hòa Xuân (quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) được mệnh danh là phường duy nhất trong cả nước không có kiệt hay hẻm. Hiếm nơi nào, mà cả phường được sống ở mặt tiền, và sở hữu những con phố tâm linh vô cùng độc đáo.
“Ốc đảo” của lũ
Ông Nguyễn Văn Toàn, Chủ tịch UBND phường Hòa Xuân, nhớ lại: “Hòa Xuân trước đây nằm ở vùng trũng thấp, chỉ cần một trận mưa lớn là nước bì bõm cả sân. Đã ở xa trung tâm thành phố, lại chỉ có duy nhất một cây cầu Cẩm Lệ nối vào nên phường y hệt một “ốc đảo”. Chẳng ai muốn vào đây kinh doanh, buôn bán, dân trong phường quanh năm sống nhờ trồng lúa, nuôi heo. Tẻ nhạt vô cùng”.
Lũ như là “đặc sản” của Hòa Xuân. Mỗi năm tới vài lần lũ chứ không chỉ một như các nơi khác. Mưa kéo dài chừng hai hôm thì cả làng bó gối không đi đâu được, còn vào mùa lũ, nước dâng ngập đầu. Ông Hồ Văn Ký (72 tuổi) thở dài: “Có làm gì nổi với lũ đâu, ruộng thì năm một vụ, heo gà cũng nuôi có chừng chứ sợ ngập nước bất thường vớt không kịp. Nhà cửa xây lên năm nào cũng dầm nước làm bong tường, ẩm mốc, đường sá vốn đã nhỏ hẹp, ổ voi ổ gà cũng bị lũ tàn phá nham nhở”.
Cả phường bấy giờ toàn nhà cấp 4, nhà nào có thêm căn gác lửng là thuộc hạng sang bởi không lo ướt người, ướt thóc. Ai cũng dè chừng với lũ nên dù có hướng làm ăn cũng nhụt chí. Đời ông, đời bố, đời con cứ vậy gắn với ruộng, làm không nổi thì bỏ xứ đến nơi khác làm thuê làm mướn.
Đến năm 2008, Đà Nẵng có chủ trương chỉnh trang đô thị, mở rộng phía nam thành phố, gần 3.000 hộ dân Hòa Xuân mở cờ trong bụng. Toàn bộ khu dân cư Hòa Xuân được giải tỏa “trắng” , bà con chuyển lên nơi ở mới không xa, chấm dứt tháng ngày giằng co với lũ.
Cả phường sống ở mặt tiền
Năm 2010, bà con chia tay với “ốc đảo”, chuyển lên nơi ở mới cách đó hơn 1 km, với nền đất cao ráo không lo lũ lụt. Các cây cầu Nguyễn Tri Phương, cầu Khuê Đông, cầu Hòa Xuân, cầu Trung Lương lần lượt mọc lên kéo Hòa Xuân gần lại với trung tâm thành phố và các quận khác. Chính quyền chủ động đền bù, hỗ trợ và cấp đất tùy theo diện tích đất cũ của từng hộ, mỗi nền đất bố trí xây nhà bình quân 100m2, còn có cả khu biệt thự, nhà vườn. Hơn một năm sau, Hòa Xuân hóa thành khu đô thị khang trang, nhà hai, ba tầng mọc lên san sát.
Đặc biệt, phường không có kiệt, hẻm, bởi tất cả các con đường đều rộng từ 5,5m trở lên. Thành thử, nhà nào cũng được sống ở mặt tiền, thậm chí hai, ba mặt tiền, quay hướng nào cũng gặp đường lớn. Tranh thủ lợi thế đó, người dân mở quán buôn bán, kinh doanh rất nhiều mặt hàng. Dulichgo
Bà Phạm Thị Khương (68 tuổi) phấn khởi: “Ở dưới kia nhà tui cũng buôn bán hàng mã, nhưng chỉ ai đặt mới làm, cứ lo nước lên dầm ướt hết. Giờ ở cao ráo, mặt tiền hai bên nên thuê cả nhân công về làm, hàng lúc nào cũng sẵn, còn đưa ra bán ở các phường khác nữa”. Cũng như bà Khương, vợ chồng anh Hồ Văn Mai mở quán bán cà phê từ sáng đến tối gần khu chung cư, anh nói: “Buôn bán mới có đồng ra đồng vào, rồi dư nữa, trước làm nông nhà tôi định sẵn: lúa để ăn, heo gà nộp học phí cho con, ốm đau thì…vay mượn”.
Lớp thanh niên trong phường cũng sớm có công ăn việc làm ở các khu công nghiệp, nhà máy, người già vẫn được trồng hoa, cây cảnh, nấm ở các khu đất trống ủy ban cho mượn.
Phố… nhà thờ
Hòa Xuân còn là địa phương duy nhất ở Đà Nẵng có các khu phố nhà tộc hoành tráng. Hơn 90 nhà thờ tộc họ, chi, phái và các chùa của cả phường được quy hoạch tập trung về các tuyến đường phố riêng.
Khi tiến hành tái định cư, người dân kiến nghị với chính quyền bố trí đất để gom các nhà thờ tộc về theo từng cụm, không để rải rác bất tiện cho việc đi lại thờ cúng. Vậy là 4 khu nhà thờ tộc mọc lên, mỗi khu khoảng 20 căn nhà thờ. Nhà thờ tộc của thôn nào gần với thôn ấy, còn để ý đến cả mặt tâm linh. Như người dân thôn Cẩm Chánh trước đây làm nghề sông nước, thì giờ khu nhà thờ của họ được bố trí nằm sát ngay sông Cẩm Lệ. Chính quyền còn hỗ trợ tiền thiết kế, làm móng…
“Được đà”, dân lại đề nghị cấp luôn sổ đỏ cho nhà thờ. Không lâu sau, mỗi nhà thờ cầm trong tay cuốn sổ đỏ của mảnh đất hương hỏa họ tộc mình. Anh Nguyễn Đăng Vinh, con cháu tộc Nguyễn Đăng ở đây cho biết: “Do quy hoạch làm khu nhà thờ riêng nên quá trình thờ cúng không hề ảnh hưởng đến nhà bà con xung quanh. Hơn nữa còn gắn kết với các anh em họ tộc lân cận”. Dulichgo
Cứ dịp Tết đến, không khí ở các khu nhà tộc lại rộn ràng như ngày hội, con cháu khắp nơi tìm về hương khói, cắm thêm nhành mai vàng trên bàn thờ. Ngoài cổng đặt chậu cúc, treo cờ, cắm cây nêu. Bên dưới mái hiên, chuyện làm ăn xa quê, chuyện anh em ở nhà nhang khói ông bà, xây dựng nhà cửa rôm rả. Đến lễ tế xuân 10/3 âm lịch, phố nhà tộc đón cả những vị khách phương xa tìm về, họ tò mò muốn xem ngày lễ trong con phố có một không hai.
Cụ Huỳnh Lộc trải lòng: “Hòa Xuân ngày xưa có nhiều nhà thờ, đình làng và cây đa cổ thụ. Di dời lên đây, ai cũng day dứt với kí ức của làng mình. Nhưng không ngờ ở chốn đô thị mà vẫn xây dựng được những khu nhà tộc gắn kết với nhau, vậy là vẫn giữ được nếp làng".
Theo Thanh Trần (Tiền Phong)
toimedulich
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét