Thứ Hai, 6 tháng 4, 2015

“Ăn rừng” ở Tây Nguyên

(TPO) - Một số buôn làng ở nam Tây Nguyên vẫn duy trì các kiểu ăn rừng khá độc đáo, nhân văn nhằm lưu giữ mối quan hệ tương hỗ lâu dài, bền chặt giữa con người với tự nhiên, hòa vào nhau và cùng tồn tại như lẽ đương nhiên của đất trời.

Không săn con thú có chửa

Chiều tháng giêng se se lạnh. Già làng Krajan Plin (Lạc Dương, Lâm Đồng) cùng khách quây quần bên bếp lửa nhà sàn đỏ rực dưới chân núi Lang Biang. Già vừa trò chuyện vừa xoay trở con thỏ trên bếp than hồng. Trước đó thỏ được làm sạch, mổ phanh, ướp gia vị, dùng que tre xiên theo hình rẻ quạt. Chừng 30 phút sau, thịt đã vàng ruộm và tỏa mùi hương rất lạ.

“Mùi của lá rừng dùng để ướp thịt trước khi nướng đó!” - Già vui vẻ tiết lộ rồi xé thịt, mời chúng tôi ăn kèm với muối lá é mà vợ của già là bà Sara vừa mang ra. Vị thơm, ngọt của thịt thỏ hòa với vị mằn mặn, cay cay đậm đà của nước chấm khiến ai nấy suýt soa. “Giã nhỏ lá é hái trong rừng với muối hột, ớt xanh là có nước chấm này thôi” - bà Sara vui vẻ nói. Dulichgo

“Thịt chắc và ngọt quá! Thỏ nuôi hay mua ngoài chợ ạ?” - tôi thắc mắc. “Thỏ vừa bắn được trong rừng đó. Thỉnh thoảng mình đi săn cho vui và có món ngon đãi khách”- già Plin đáp. Các bậc cao niên làng Đăng Ja cho biết Krajan Plin là tay thợ săn thiện xạ bậc nhất ở vùng núi Lang Biang này, con thú nào lọt vào tầm ngắm của Plin thì hầu như khó thoát. Tham quan ngôi nhà như bảo tàng K’Ho thu nhỏ của già Plin, tôi đặc biệt ấn tượng với những cây lao sắc nhọn dài khoảng 1,8m với cán làm bằng gỗ quý và mũi bằng sắt, bộ ná bằng gỗ trắc và các chiến lợi phẩm trong những cuộc đi săn đầy hiểm nguy thuở trước như đầu con min (trâu rừng) khủng, răng nanh sắc nhọn của lợn lòi, bộ gạc nai tuyệt đẹp…

Lao, ná và xà gạc là vũ khí cổ xưa bất ly thân để tự vệ và săn bắn của nam giới khắp các buôn làng Tây Nguyên. Những cuộc săn bắt tập thể diễn ra nhiều lần trong năm, nhất là ở những vùng như cao nguyên Lang Biang, nơi rừng nguyên sinh và các đồi cỏ xen lẫn với nhau nên có rất nhiều thú. Hổ, chó sói, min, nai, heo rừng… đi thành bầy. Đôi mắt già Plin sáng rực và giọng nói sang sảng khi kể về những cuộc săn bắn ngoạn mục.

Tốp đi săn thường chia thành hai nhóm. Nhóm một lùa chó lên rừng đánh hơi phát hiện mùi, dò tìm hang thú và xua thú ra khỏi hang. Thợ săn thổi khèn, hò hét, còn đàn chó thì sủa, gầm gừ vang động cả cánh rừng để dồn con thú xuống khe núi, nơi có những hầm, hố đã cắm chông hoặc giăng bẫy sẵn. Nhóm hai mai phục tại khe này, khi con thú rơi xuống hầm là hè nhau bắt, còn nếu chúng né được hầm thì phóng lao hoặc bắn ná để tiêu diệt. Dulichgo

Theo kinh nghiệm của các thợ săn thiện xạ, ném lao khiến con mồi mất nhiều máu, còn bắn ná với tên tẩm thuốc độc thì thú chết ngay, không kịp bỏ chạy hay lủi sâu vào rừng bởi chất độc theo máu chuyển nhanh vào tim, máu con thú còn giữ lại bên trong nên thịt thơm và ngọt hơn. Thuốc độc được tinh chế từ mủ, nhựa chiết xuất ở vỏ, lá, rễ của một số loại cây rừng và mủ con cóc, có công dụng làm cho thú chết nhanh nhưng người ăn thịt nó không bị ngộ độc.  

“Mất nhiều công sức để săn bắt là thế nhưng không ít lần tốp săn phải thả thú về lại rừng sâu khi phát hiện chúng đang có chửa. Luật tục K’Ho nghiêm cấm đường tên, ngọn lao nhằm vào con thú có chửa. Ai vi phạm sẽ bị làng phạt vạ, nhiều khi mất hết toàn bộ của cải” – già Plin nói và cho biết thêm ngày nay lao và ná được dùng để săn bắn những con thú nhỏ hoặc biểu diễn trong lễ hội. Nhiều người vẫn tuân thủ điều khoản nói trên của luật tục; ngoài ra, không bắt chim bố mẹ trong thời gian đang nuôi con non...

Không bắt con cá đang mang bụng trứng

Dừng chân bên sườn đồi ven con suối có dòng nước ấm, một nhánh của sông Đạ Dâng chảy qua xã Lát (Lạc Dương), Da Gout Phi (K’Phi) bảo mọi người nghỉ ngơi, nấu cơm, còn anh đi bắt vài con cá. Sau khi đi dọc bờ suối để quan sát khoảng mươi phút, tay cầm cây xiên dài có mũi nhọn, K’Phi nhẹ nhàng bước xuống suối. Loáng một cái anh đã xiên được con cá khoảng 300 gram. Chừng 20 phút sau thêm một con nữa bị xiên ngang lưng.

Quá háo hức, tôi vượt lên trước, dán mắt vào dòng chảy của con suối. Sau một đoạn chảy xiết, dòng suối có phần êm ả rồi đến đoạn nước lững lờ, quẩn quanh. Cơ man nào là cá. Tôi vội ra hiệu cho K’Phi đến và nghĩ rằng tay sát cá như anh có thể xiên cùng lúc hai con cá chỉ với một nhát. Thế nhưng, thật bất ngờ, K’Phi bảo “Người K’Ho mình không bao giờ bắt cá ở những chỗ thế này” rồi giải thích thêm: Những nơi nước đọng rất thích hợp cho cá cái tìm đến để đẻ. Nếu bắt những con cá mang bụng trứng thì cái ăn từ sông suối chẳng mấy chốc mà cạn kiệt. Người làng mình còn dùng lờ, đêr (dụng cụ được đan bằng dây mây, nan tre…) để bắt lươn, cá và những con mang bụng trứng lọt vào đều được thả ra. Dulichgo

Không chỉ nổi tiếng với biệt tài bắt cá bằng tay không, già Plin còn tổ chức những cuộc bắt cá tập thể với chiêu thức đặc biệt. Già chỉ huy dân làng vào rừng hái lá hoặc đào bới để lấy rễ cây k’rô hoặc n’điêng, phân thành 7 bó rồi đập giập, thả xuống dòng suối. Các loại cây này có vị cay làm cho hàng loạt con cá bị cay mắt, quáng gà nổi lên mặt nước. Người làng chỉ việc lội xuống nước chọn bắt những con ưng ý, để lại những con cá nhỏ, cá có chửa… Những con cá này sau đó sẽ hết cay mắt, sống bình thường trở lại.

Cấm chặt những thân cây đang kỳ ra hoa

Với các tộc người bản địa Tây Nguyên như K’ Ho, Mạ, Raglai…, khi chọn cánh rừng để phát nương, bao giờ già làng cũng quyết định giữ lại khoảnh rừng thiêng nơi đầu con nước để cả làng tựa vào rồi mới dọn đất, tra hạt. “Đây là nơi trú ngụ của thần linh. Ai dám mạo phạm thì thần sẽ giận dữ giáng tai họa lên buôn làng nên mọi người phải bảo vệ những khu rừng thiêng như chính sự sống của mình.

Người nào vi phạm sẽ bị phạt vạ rất nặng, đuổi ra khỏi làng ” - già giảng giải rồi cho biết thêm: Những đứa trẻ ngay trong ngày đầu đặt chân lên rẫy đã được răn dạy không xâm hại rừng để con thú có chỗ ở, con chim có cây đậu và làm tổ, con suối không bị khô cạn cho tôm cá sinh sôi…

“Rừng thiêng thường là rừng đầu nguồn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bảo vệ môi trường sinh thái. Nhờ niềm tin vào rừng thiêng nên nhiều cánh rừng nguyên sinh vẫn còn nguyên vẹn. Có thể nói đằng sau lớp vỏ tín ngưỡng là kinh nghiệm giữ rừng được tích lũy lâu đời của người Tây Nguyên”, lời của Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Lâm Đồng Đoàn Bích Ngọ.

Dày công sưu tầm luật tục K’ Ho hơn mười năm qua nhằm lưu truyền lại cho thế hệ mai sau, già làng Krajan Plin cho biết có những quy định rất nghiêm ngặt khi khai thác rừng để đáp ứng nhu cầu trong đời sống cộng đồng. Chẳng hạn, muốn chặt cây lấy gỗ làm nhà sàn, phải lựa cây già nhất, cứng cáp nhất, không còn khả năng cho trái; tuyệt đối cấm chặt hạ những cây đang trổ hoa. Người Tây Nguyên coi cây rừng như sinh vật sống, có linh hồn và cảm xúc hệt con người, do đó khi chặt hạ cây cho nhu cầu thiết yếu của mình, bao giờ cũng làm lễ cúng xin phép Yang bri (thần rừng) và tạ lỗi với cây.  

Vì làng truyền thống ở Tây Nguyên có bề dày văn hóa, hệ thống luật tục với những điều khoản mang tính khoa học và nhân văn cùng sự cầm chịch hiệu quả của già làng nên UBND tỉnh Lâm Đồng đã chấp thuận cho Sở VH-TT&DL phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai dự án đầu tư bảo tồn làng truyền thống dân tộc K’Ho Cil, khởi đầu ở xã Đưng K’nớ, huyện Lạc Dương.

Theo Kim Anh (Tiền Phong)
toimedulich

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét