(PNO) - Ai về xứ sen Đồng Tháp cũng dành thời gian ghé qua chùa Phước Kiển (xã Hòa Tân, huyện Châu Thành) để ngắm ao sen vua độc đáo tại chùa cổ này.
< Súng nia ở chùa Phước Kiển.
Sen vua còn có tên gọi là súng nia, nong tằm. Lá cây có đường kính có thể lên đến 3 mét, nổi bằng ngang trên mặt nước, thân cây chìm dưới nước dài có thể đến 8 mét.
Quê hương của súng nia là vùng nước nông ở lưu vực sông Amazon. Với những cây đã sống lâu năm, lá của chúng có thể to gần 5m, dày tới mức người lớn đi trên lá không sợ bị té ngã. Hạt của hoa sau khi nở tàn mềm, ăn ngon và chứa nhiều chất dinh dưỡng, nên người dân vùng này còn gọi là hạt “ngô (bắp) nước”.
< Lá súng nia ở chùa Phước Kiển rất chắc, trẻ em và người lớn đều có thể đứng lên. Khi chụp ảnh, một mặt bàn bằng gỗ hay kim loại mỏng sẽ được đặt lên lá để tránh làm rách lá.
Súng nia ở chùa Phước Kiển xuất hiện trong ao vào năm 1992. Vào mùa khô, lá súng chỉ to 1-1,5m, nhưng vào mùa mưa, chúng có thể phát triển đến 3m. Ba tháng sau mới tàn úa. Hoa thường nở trong ba ngày, mỗi ngày nở hai lần: Khoảng 6h sáng nở, đến 12h trưa thì khép lại. Khoảng 3h chiều lại nở, đến 4, 5h chiều thì khép cánh. Từ màu trắng ban đầu, hoa chuyển dần sang hồng rồi tím, đến khi tàn thì có màu tím sẫm.
Sau khi hoa tàn, cuống hoa sẽ rủ xuống, kết hạt trong nước. Hạt hoa to bằng hạt đậu ván, khi gieo sẽ mọc rất nhanh. Thường vào mùa xuân gieo hạt, sau 4 - 6 tháng cây có thể ra hoa.
Du khách tìm đến chùa Phước Kiển, trước là để ngắm chùa cổ (chùa có từ năm 1847), sau là để chụp hình với những lá súng nia khổng lồ. Nên trong chùa có dịch vụ chụp hình trên lá súng, mỗi tấm là 20.000 đồng (chụp vài phút sau có hình). Trước khi chụp cho khách, những người chụp hình sẽ lấy một cái mặt bàn bằng gỗ hay kim loại mỏng để lên lá sen (những lá to) để khách bước lên, nếu không lá sen sẽ bị rách vì thực tế chúng khá giòn. Dulichgo
< Súng nia tại Thảo Cầm Viên xưa. Ảnh chụp năm 1951.
Hiện trong chùa có hai hồ sen, hồ nhỏ trước chùa, hồ lớn ở sân sau, có cầu đi ra giữa hồ để khách tham quan và chụp hình.
Sen vua ở Sài Gòn
Những người sống ở Sài Gòn lâu năm cũng không xa lạ với sen vua vì trước đây Thảo Cầm Viên có trồng. Đến khoảng đầu năm 2000 thì không còn. Khi đó, nhiều người lớn lên cùng những cảnh quan của Thảo Cầm Viên đã buồn bã, ngậm ngùi, vì cảm thấy Sài Gòn mất đi một loài thủy sinh quý hiếm.
< Súng nia ở Bình Quới năm 2008, rất giòn và mỏng.
Năm 2008, khu du lịch Bình Quới bắt đầu trồng lại súng nia. Ban đầu, những cây súng nia tại đây lá vẫn còn nhỏ, lại rất mỏng, dễ gãy, rách. Mỗi khi cây hoa nở xong, nhân viên của khu du lịch phải lội xuống hồ, dùng bao bọc đài lại để thu hoạch hạt và ươm tiếp.
< Hoa và lá súng nia ở Bình Quới hiện nay.
Sau đó, tại Thảo Cầm Viên cũng bắt đầu có lại cây và hoa súng Nia. Nếu so với súng nia ở chùa Kiển Phước (là loại cây già, thân và gốc đủ lớn để tạo ra những chiếc lá chắc chắn cho một người ngồi lên mà không chòng chành) thì súng nia ở Bình Quới và Thảo Cầm Viên có tuổi đời trẻ hơn, thân và gốc chưa đủ tạo ra những chiếc lá dày. Dulichgo
Tuy thế, những cây súng nia cũng đủ làm người yêu Sài Gòn thích thú vì có thể ngắm lại một loại cây thủy sinh tưởng đã không còn.
Theo Việt Trung, Trần Duy (Phụ Nữ online)
toimedulich
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét