Thứ Sáu, 31 tháng 7, 2015

Biển ngàn đời, chợ cũng bao đời

Khách du lịch đến Nha Trang có thể gặp những con đường mang tên Bến Cá, Hàng Cá, Bến Chợ ngay giữa lòng thành phố này. Đường Bến Cá nằm ven sông Kim Bồng xưa, gần chợ Phường Củi (nay là chợ Phương Sài); còn đường Hàng Cá và Bến Chợ nằm bên hông chợ Đầm, xưa là bờ đầm Xương Huân, đã bị lấp để xây chợ vào năm 1969.

Hơn nửa thế kỷ trước, thuyền bè đi biển về vào cập bến khá sâu trong khu vực nay là nội thành. Sông Kim Bồng bị lấp dần qua thời gian, mất đi một thủy lộ có ý nghĩa di tích lịch sử vì đó là con sông dẫn vào nơi từng là xưởng đóng thuyền của Chúa Nguyễn (nay vẫn còn con đường mang tên “Thủy Xưởng” và ngọn đồi “Trại Thủy”), cũng là nơi đã từng xảy ra những trận thư hùng giữa quân Tây Sơn và quân của Nguyễn Ánh những năm cuối thế kỷ XVIII.

Chợ cá xưa

Bến cá lớn nhất ở Nha Trang trong nhiều năm trước đây là chợ cá Xóm Bóng (cảng Cù Lao) nằm ở tả ngạn sông Cái gần cửa sông ra biển; đây là nơi tập trung lượng hải sản lớn của nhiều loại nghề đánh bắt từ ngư trường rộng lớn và là nơi “chia” hải sản lên các tỉnh Tây Nguyên. Ngoài ra còn có chợ cá Cửa Bé ở phường Vĩnh Trường, nơi tập trung những nhà thùng sản xuất nước mắm nằm ở phía Nam Nha Trang.
Dulichgo
Người dân Nha Trang (Khánh Hòa) trước đây thường dùng chữ “cá” để chỉ các thức ăn (gồm cả thịt, rau…) trong bữa cơm hàng ngày; những cư dân đầu tiên trên mảnh đất thành phố du lịch ngày nay chính là những ngư dân từ các tỉnh Nam, Ngãi, Bình, Phú tìm vào đánh bắt ngư trường mới từ khi người Khánh Hòa ‘chính gốc’ vẫn sống tập trung vùng Diên Khánh, Vĩnh Xương…

Đặc trưng của hải sản là ăn tươi và chỉ cần chế biến đơn giản với hai món nướng, hấp là tuyệt nhất. Cá nào vị nấy; tôm, mực, cua, ghẹ… không lẫn với nhau. Nếu có dịp, du khách sẽ nhận ra hương vị con tôm sú nuôi với tôm đánh bắt từ biển khác nhau rất xa. Đó chính là cái “sướng” của người vùng biển, được thưởng thức hải vị đúng chất của nó. “Tươi” là yếu tố quyết định chất lượng cao nhất, ngon nhất của mọi loài hải sản, khi món ăn phải dùng đến gia vị nghĩa là nguyên liệu đã không còn “tươi” nữa. Thậm chí, lạm dụng gia vị khi chế biến hải sản tươi sống sẽ làm giảm vị ngon của đồ biển. Ở những nơi xa biển, người ta phải dùng thêm gia vị, chế biến nhiều cách để tăng hương vị cho món ăn vì nguyên liệu hải sản không còn tươi.

Ngày trước, những chợ cá lớn dành cho các chủ vựa hoặc dân buôn chuyển hàng đi các chợ nhỏ hơn. Còn người Nha Trang có cái thú tìm đến các bãi biển, xóm chài nhỏ mua trực tiếp hải sản của các thuyền đánh bắt ven bờ vừa vào bờ.

Khi kinh tế, xã hội phát triển thì nếp sống của cư dân cùng bộ mặt đô thị và nông thôn cũng thay đổi; hạ tầng dịch vụ và sản xuất phải đi trước tạo nền tảng cho sự phát triển của xã hội. Dịch vụ hậu cần nghề cá được chú ý, đầu tư mạnh từ hơn ba mươi năm qua, nhất là khi ngư trường ven bờ cạn kiệt, ngư dân phải ra khơi với những chuyến đi biển dài đến vài ba tháng.
Dulichgo
Tuy nhiên, cùng với sự phát triển mang lại lợi ích thì đồng thời cư dân đô thị cũng phải trả giá về chất lượng môi sinh. Những cảng cá được xây dựng ngốn khá nhiều kinh phí vẫn bộc lộ những yếu kém trong việc bảo vệ môi trường và cả sự thiếu đồng bộ về kỹ thuật hạ tầng.

Chợ cá ngày nay

Năm 1999, cảng cá Hòn Rớ được xây dựng cùng lúc với việc hình thành khu dân cư này (xã Phước Đồng), đón nhận hàng trăm hộ ngư dân từ Xóm Cồn và Cồn Giữa (phường Xương Huân) và ngư dân Xóm Bóng (phường Vĩnh Thọ) di dời, đồng thời dẹp bỏ cảng cá Xóm Bóng. Đây là điểm hậu cần cho những chuyến đánh bắt xa bờ của ngư dân Nha Trang và các tỉnh lân cận, mua nhiên liệu, nước đá, nước ngọt và các dịch vụ bảo trì, sửa chữa ghe thuyền, ngư cụ. Vào những ngày cao điểm có hơn 60 tàu cá cập bến bán cá, lấy nhiên liệu, thực phẩm. Vào những ngày mưa bão, tàu bè vào trú bão dày đặc.

Hòn Rớ hiện là chợ thủy sản lớn nhất khu vực Nam Trung bộ. Nhiều vựa thủy sản túc trực thường xuyên tại cảng để mua cá đánh bắt xa bờ xuất khẩu sang Mỹ, Canada và một số nước châu Âu. Thời gian qua, hạ tầng cảng Hòn Rớ trở nên quá tải, việc chế biến hải sản ngay tại chợ không bảo đảm vệ sinh cho thực phẩm lại gây ô nhiễm môi trường khá nghiêm trọng. Trong quá trình sơ chế các loại hải sản, một lượng lớn nước thải từ chợ chảy thẳng xuống sông. Thậm chí, người ta vô tư múc nước tại chân cầu cảng này để rã đông cá ngừ đại dương mới đánh bắt về. Đó chính là nguyên nhân khiến phía đối tác mua thủy sản của Việt Nam từng có lúc từ chối nhận hàng.

Bên ngoài cảng, dọc bờ sông trong khu dân cư Hòn Rớ, những vỉa hè đầy các loại hải sản được bày ra phơi, rất mất vệ sinh. Các loại cá hố, cá đuối, mực tẩm, xương và thịt cá nhám… phơi trên vỉa hè, trải trên vỉ hoặc rải ra nền bê tông vỉa hè. Phần lớn thành phẩm hải sản khô này sẽ ra chợ Đầm và các chợ khác ở Nha Trang để bán cho du khách hoặc “xuất” lên Tây Nguyên, vào TPHCM… Những “đặc sản” khô này thường không ghi tên cơ sở sản xuất và hạn sử dụng.
Dulichgo
Ngoài Hòn Rớ, Nha Trang còn có hai chợ cá khá sầm uất là chợ Cửa Bé (Vĩnh Trường) và chợ Lương Sơn (Vĩnh Lương, cách Nha Trang hơn chục cây số về phía Bắc), có lượng ghe thuyền ra vào hàng trăm lượt vào những ngày biển đẹp, nguồn hải sản chủ yếu từ ngư trường gần bờ, ghe thuyền ra khơi buổi chiều và trở về vào sáng hôm sau.

Chợ cá Cửa Bé nằm sâu bên trong cửa sông phía tả ngạn, có tuổi đời lâu hơn nhưng quy mô nhỏ hơn Hòn Rớ. Tuy vậy, hàng ngày chợ Cửa Bé cũng đông từ 3 giờ sáng, cho đến trưa thì chợ tan. Hải sản từ hai chợ này cũng được cung cấp cho các xí nghiệp đông lạnh xuất khẩu, nhưng phần lớn được phân phối đi các tỉnh bạn và tiêu thụ tại địa phương.

Khách du lịch đến Nha Trang thường tập trung đến chợ Đầm mua hải sản khô và hàng lưu niệm, nhưng những người yêu thích chụp ảnh lại chịu khó dậy sớm đến hai cảng cá Cửa Bé và Lương Sơn đón xem cảnh thuyền về bến lúc bình minh, thời gian thích hợp có mặt tại chỗ từ 5 giờ đến 7 giờ sáng, thuyền lần lượt vào cập bến, rỗi nước, rỗi bờ thi nhau mua cá, mực, tôm, cua tươi rói… cảnh tượng sinh hoạt nhộn nhịp, rộn ràng.

Trễ hơn, khoảng 6 giờ đến 8 giờ sáng, người Nha Trang thường ghé vào những điểm cập bờ của những chiếc thuyền nhỏ tấp vào bãi tắm gần Hòn Chồng hoặc chợ cá buổi chiều ở xóm Ba Làng, Đồng Đế để mua những thứ đánh bắt ven bờ của các thuyền nhỏ. Có lẽ không có gì ngon hơn khi mua được vài ký ghẹ, mực hay tôm sú biển còn sống về đưa ngay lên bàn ăn gia đình.

Theo Tư Miền Biển (Sàigòn Tiếp Thị)
toimedulich

Bạch Long - một ngày đồng không muối

(TTO) - Cánh đồng muối Bạch Long (Giao Thủy, Nam Định) rất nổi tiếng với dân nhiếp ảnh. Nhưng với chúng tôi, một ngày không làm muối với những cư dân mộc mạc, thân thiện đã dệt nên sợi chỉ gắn kết vô hình.

< Trên triền đê Bạch Long, phía ngoài kia là biển.

Áp thấp nhiệt đới gây mưa trên diện rộng, mưa lớn ở các tỉnh miền núi và duyên hải Bắc bộ không tránh khỏi biển động, đất trời âm u. Bến thuyền đánh cá trong đêm Giao Hải vì thế sớm mai không có gì để họp, ngoài những con thuyền lặng lẽ neo mình gần bờ kè trong làn sóng biển đỏ ngầu phù sa. Nơi đây rất gần với cửa sông Ba Lạt, nơi con sông Hồng đổ ra Biển Đông.

< Triền hoa muống biển trên đê.

1. Chúng tôi cho xe chạy chầm chậm trên con đường đê bao ven biển, hít thở không gian mặn mòi và ngai ngái sóng gió. Biển không xanh biếc và nắng cũng không đổ vàng trên rặng phi lao như những vịnh biển du lịch nổi tiếng.
Dulichgo
Đã sắp sang trưa mà trời mới hưng hửng. Ngoài biển, những căn nhà chòi nuôi ngao nằm cô độc giữa mênh mang sóng cả, vắng vẻ đến lạ lùng, chỉ có tiếng sóng vỗ rì rào dưới chân đê, một triền hoa muống biển tím ngát và hiếm hoi lắm mới thấy một chiếc xe đi ngược chiều.

< Bến thuyền đánh cá trong đêm Giao Hải.

Đôi chỗ lại gặp dãy kè quai đê lấn biển, chắn sóng, ngăn dòng lũ cuốn mà hẳn bà con nơi đây đã phải đổ nhiều mồ hôi và công sức để chinh phục thiên nhiên, bảo vệ cánh đồng và mùa màng trong đê, tạo dựng nên những bãi nuôi trồng hải sản rộng khắp vùng. Xe dừng lại ở bến thuyền Giao Hải. Không một bóng người.

Anh Hậu, một người dân ở Giao Xuân, giải thích với tôi “vì đây là bến thuyền chỉ đi đánh cá vào ban đêm rồi trở về khi trời tờ mờ sáng” nên anh thường gọi Giao Hải bằng cái tên rất dài “Bến thuyền đánh cá trong đêm” khiến tôi thấy lạ lùng và bị ấn tượng.

< Ngày âm u nên diêm dân không làm muối.

Đáng tiếc vì mưa bão nên tôi chưa có cơ hội được tham dự phiên chợ hải sản mỗi sớm mai với những ngư dân ăn sóng nói gió và cần mẫn ra khơi ra lộng bằng những con thuyền nhỏ của gia đình. Đành tự nhủ lòng nhất định sẽ có lần sau.

Tiếp tục “chỉ mình ta với ta” trên đê biển Bạch Long, chúng tôi bảo nhau không biết bà con trong vùng hôm nay đi đâu, làm gì mà quê nhà trở nên vắng vẻ. Xóm Vó Bè im lìm đến mức ngỡ như nghe thấy cả tiếng cá mắc lưới đang quẫy nước.

< Làng Vó Bè ở Bạch Long.

Bên này bờ lạch, nơi có con đường đi vào thị trấn không một bóng xe, nhưng căn lều chắp vá đóng cửa im ỉm, vó bè cái chìm, cái nổi trải dài hút mắt về phía xa. Bên kia bờ có ai đó vừa kéo tấm rèm che ô cửa sổ vội vã, rồi lại mở ra lén nhìn chúng tôi một cách tò mò. Không thấy chủ nhà nên lại đành bỏ lỡ cơ hội làm nông dân dân đánh cá, bỏ lỡ cơ hội được cất vó bè trong bóng chiều hôm.
Dulichgo
2. Chúng tôi tìm về cánh đồng muối Bạch Long, đúng như dự đoán hôm nay không có nắng nên cả một vùng vắng tanh vắng ngắt, những chòi nông cụ, kho muối khóa cửa lặng thinh. Rời đê biển rẽ sâu vào làng để tìm đường xuống cánh đồng làm muối nhưng càng đi càng không hiểu bằng cách nào có thể vượt qua những đầm nuôi tôm và cả một khúc sông nhỏ để sang đồng.

< Một góc sân phơi của đồng muối Bạch Long.

Đứng trên đầu ngõ một căn nhà gọi ầm lên mới được chỉ dẫn quay ngược trở lại đê, nơi đầu gốc cây bàng, ở đó sẽ có đường đi vào đồng muối. Bạch Long là xã độc canh sản xuất muối lớn nhất huyện Giao Thủy với tổng sản lượng muối hằng năm ước đạt hàng chục ngàn tấn. Dân nhiếp ảnh thường tới đây vào buổi chiều để ghi lại hình ảnh diêm dân thu hoạch muối trong ánh hoàng hôn.

Quy trình làm muối của diêm dân diễn ra trong một ngày, một ngày nhất định phải có nắng bắt đầu từ 7-8g sáng, nước chạt đã được tinh lọc bởi cát và có độ mặn hơn nước biển sẽ được trải trên sân phơi được làm từ hỗn hợp vôi và gio bếp, bốc hơi nước kết tinh thành muối hột, đến chiều thu hoạch bán liền hoặc đem cất vào kho.

< Nhưng chòi nông cụ và kho muối im lìm.

3. Chúng tôi đỗ xe trên bờ đê và vào nhà hai ông bà cụ ngay đầu con đường dẫn ra cánh đồng muối để xin được... vào chơi. Ông bà đang ăn trưa và con chó xích đầu hồi thấy người lạ sủa to gầm gào. Vừa nghe chúng tôi nói là khách du lịch, cả hai đã đồng ý cho cả nhóm mang đồ vô nhà để ăn trưa.

Trong nhiều chuyến đi các bạn tôi vẫn luôn giữ thói quen xin vào nhà dân và được cùng ăn uống, giao lưu với bà con bản địa. Và kết quả, chúng tôi luôn được cùng nhau chia sẻ những trải nghiệm thú vị tuyệt vời.

< Những khoảnh khắc ấm áp của đồng quê.

Do đã chuẩn bị một số đồ picnic để nấu bữa trưa nhanh gọn, chúng tôi lập tức dọn bếp và đồ ăn ra giữa sân nhà và hào hứng nấu nấu, nướng nướng.
Dulichgo
Thấy chúng tôi mang đi cả bếp, nồi, thìa đĩa bát đũa hai bác phì cười bảo lần sau tới đây vào luôn nhà bác, không cần chuẩn bị gì, muốn ăn hải sản thì dặn bác đi chợ sớm mua hộ, vừa tươi vừa rẻ, muốn ăn gà thì bác thịt. Nói rồi bác chỉ ra khoảng đất đầu hồi ven sông nuôi dễ tới 40 con gà đang cục ta cục tác gáy ò ó o ầm ĩ.

< Những "đầu bếp" chuẩn bị bữa trưa tại nhà dân.

4. Ăn trưa và hỏi chuyện hai bác xong, tôi rủ mấy đứa nhỏ ra đồng muối. Trời mát nên cũng dễ lang thang, chứ nếu nắng chang chang chắc không dám lê la ngang dọc. Ấn tượng của đồng muối là những căn nhà chòi hình tam giác lợp mái rơm chi chít đồng, tò mò nhìn qua lỗ khóa thì ra là kho để diêm dân trữ nông cụ hoặc trữ muối.

Bác Phương cũng đội nón ra đồng để chỉ cả nhóm biết quy trình làm muối, từ việc dẫn nước biển vào lạch, tưới nước lên sân cát, phơi cát, gom cát đưa vào bể lọc làm ra nước chạt, rồi từ nước chạt làm ra hạt muối. Vất vả, nhọc nhằn và trông chờ vào mặt trời. Mưa như ngày hôm nay là cả làng nghỉ, trong khi giá thu mua muối cũng không bõ bèn gì.

< Du khách muốn được cùng nông dân làm việc trên đồng.

Một kênh nước khá lớn nằm song song với đê biển hấp dẫn đám trẻ và đứa nào cũng muốn xuống lội bùn.
Dulichgo
Giữa dòng có một gia đình bốn người, hai vợ chồng và hai con nhỏ đang chăm chỉ vớt rong biển và phơi trên đồng. Đây chính là nguyên liệu để làm ra thạch rau câu. Tôi tìm cách bắt chuyện với hai đứa nhỏ, trêu chọc cậu bé 7 tuổi sún răng vừa cùng chị kéo cả một thuyền xốp đầy rong biển về phía bãi phơi.

< Hai chị em giúp mẹ phơi rong biển trên đồng muối.

Con trai tôi nói muốn giúp hai bác nông dân vớt rêu và phơi rêu, điều mà nhiều khách du lịch đến với miền quê biển Nam Định phải mua tour để được thực hành. Bọn trẻ làm quen với nhau rất nhanh và vừa làm, vừa nghịch trong khi chúng tôi trò chuyện với bác Phương, người hướng dân viên tận tình bất ngờ của đồng quê Bạch Long. Chiều xuống, lất phất mưa bay. Cánh đồng muối bên kia sông lặng lẽ, gia đình thạch rau câu đã đi về tự khi nào.

Tôi ngồi đong đưa cánh võng trong sân nhà người nông dân miền biển, thầm nghĩ giữa những tin tức rối ren của phồn hoa phố thị, một tấm chân tình Bạch Long nhận được lúc này thật đáng quý biết bao!

Theo Giang Nguyễn (Báo Tuổi Trẻ)
toimedulich

Chiêm ngưỡng 10 cồn cát khổng lồ

(Giải trí) - Cồn cát là một trong những cảnh đẹp thiên nhiên độc đáo. Có những cồn cát vĩ đại và đẹp ngoạn mục, chúng cao sừng sững như núi và rộng lớn bằng một ngôi làng nhỏ.

The Great Dune of Pyla

‘The Great Dune of Pyla' hay còn có tên Pila nổi tiếng là cồn cát cao nhất Châu Âu được tìm thấy gần Aquitaine, phía tây nam nước Pháp. Nó nằm trên lối vào vịnh Arcachon và chứa 196 triệu feet khối cát. Cồn cát Pyla cao 107m trên mực nước biển, dài 3km và rộng 500m. Tháng 1.2009, trong một trận bão, những cơn gió với tốc độ 175km/h đã hủy hoại cồn cát này.

Mingsha Shan

Nằm ở sa mạc Taklamakan - Trung Quốc, Mingsha Shan nổi tiếng với hiện tượng cát hát. Trong tiếng Anh, "mingsha shan" có nghĩa là "núi cát vang vọng". Những cồn cát cao nhất ở đây được cho là cao 1.725m trên mực nước biển.
Dulichgo
Sa mạc Taklamakan trải dài trên 337.000 km2 và là một trong những sa mạc cát có sự dịch chuyển lớn nhất thế giới. 85% của sa mạc được tạo thành từ các cồn cát chuyển động, hình lưỡi liềm cao hàng trăm feet.

Star Dune

Khu bảo tồn và công viên quốc gia Great Sand Dunes (Những cồn cát vĩ đại) ở Colorado là "ngôi nhà" của những cồn cát cao nhất ở Bắc Mỹ có tên gọi Star Dune. Chúng cao khoảng 230m.

Công viên này còn có những cồn cát lớn tương tự và đã trải qua 12.000 năm tuổi. Các cồn cát ở đây thay đổi hình dạng hàng ngày và đều đặn nhờ tác động của những cơn gió tây.

Mount Tempest

Nằm ở độ cao 280m, Mount Tempest thuộc đảo Moreton, Australia được coi là cồn cát ven biển cao nhất trên trái đất. Đứng trên cồn cát này, du khách có thể ngắm nhìn toàn cảnh vẻ đẹp tuyệt vời của bờ biển xung quanh.

Big Daddy và Dune 7

Big Daddy là tên một trong nhiều cồn cát nổi tiếng nhất ở Sossusvlei, Namibia. Nó cũng là một trong những cồn cát cao nhất với độ cao 325m và có tuổi thọ 5 triệu năm.
Dulichgo
Một cồn cát khác cũng ở sa mạc Namibian thậm chí còn lớn hơn Dune 7 có chiều cao lên tới 383m. Nó được đặt tên Dune 7 bởi đây là cồn cát thứ 7 tính từ sông Tsauchab.

Isaouane-n-Tifernine Sand Sea

Nằm ở miền trung đông Angeria là cồn cát biển Isaouane-n-Tifernine. Những cồn cát có độ cao khoảng 565m và độ dài sóng đến 5km, có tên trong danh sách những cồn cát cao nhất thế giới.

Rig-e Yalan Dune

Đứng trên độ cao 470m, cồn cát khổng lồ ở Iran có điểm khác biệt là nó nằm gần nơi nóng nhất trên trái đất, Gandom Beryan. Nhiệt độ trên mặt đất đo được bình quân lên đến 70,56 độ C ở sa mạc Dasht-e Lut - nơi cồn cát Rig-e Yalan nằm.

Badain Jaran

Những cồn cát Badain Jaran ở Trung Quốc cao khoảng 500m, trở thành cồn cát cố định cao nhất thế giới. Dù trong điều kiện của gió nhưng nhờ một nguồn nước ngầm, các cồn cát ở đây vẫn neo chặt tại một địa điểm.
Dulichgo
Cũng giống như Mingsha Shan, các cồn cát Badain Jaran còn nổi tiếng bởi hiện tượng cát hát. Thanh âm được tạo nên khi các lớp cát trên cùng tác động xuống các lớp dưới khi có gió sa mạc
thổi.

Cerro Medanoso

Cerro Madanoso nằm ở sa mạc Atacaman, Chile, là cồn cát cao thứ 2 thế giới với độ cao 550m. Sa mạc Atacaman được biết đến là nơi khô hạn nhất hành tinh với lượng mưa trung bình chỉ 1 milliliter/năm. Một số khu vực trong sa mạc thậm chí còn không có mưa từ năm 1570 đến năm 1971.

Cerro Blanco

Có nhiều cồn cát đẹp trên thế giới nhưng không cồn cát nào có thể sánh bằng độ cao và vẻ đồ sộ như Cerro Blanco, nằm ở thung lũng Nazca, Peru. Cách Lima 482km, cồn cát này cao đến 1176m.

Theo VTV
toimedulich

“Trăng xanh” sẽ xuất hiện vào tối nay

Những người yêu thiên văn sẽ được chiêm ngưỡng trăng xanh vào tối nay (31.7). Trăng xanh bắt đầu từ 18h, thời điểm nhìn rõ nhất là lúc gần 12h đêm, khi trăng lên đến đỉnh đầu.

Anh Hoàng Quốc Phương, Chủ tịch Hội Thiên văn nghiệp dư Hà Nội cho biết, "Blue moon" (trăng xanh) là thuật ngữ tiếng Anh dùng để gọi hiện tượng trăng tròn hai lần trong một tháng, không có nghĩa mặt trăng phát ra ánh sáng màu xanh.
“Trước đây, một số người ghi nhận được hình ảnh trăng có màu xanh, hình ảnh này là do ô nhiễm không khí, khí quyển khúc xạ làm cho ánh sáng chuyển sang màu xanh chứ không phải là có hiện tượng trăng màu xanh”, anh Phương nói.

Anh Phương cho biết thêm, tại Việt Nam, trăng xanh sẽ bắt đầu từ lúc 18h ngày 31.7. Thời điểm nhìn rõ nhất là lúc gần 12h đêm, khi trăng xanh lên đến đỉnh đầu. Đây là lần trăng tròn thứ hai trong tháng 7.2015 bởi lần trăng tròn thứ nhất đã xảy ra vào ngày 2.7.

“Trăng xanh giống như ánh trăng rằm, do vậy, người dân có thể đứng ở vị trí thoáng đãng để quan sát trăng xanh. Người dân hoàn toàn có thể quan sát bằng mắt thường”, anh Phương cho hay.

Hiện tượng trăng xanh tồn tại do sự chênh lệch giữa thời gian tính tháng trong dương lịch và tháng theo chu kỳ trăng. Thông thường mỗi năm có 12 kỳ trăng tròn tương ứng với 12 tháng.

Do Mặt trăng quay quanh quỹ đạo Trái đất mất 29,5 ngày, trong khi các tháng theo dương lịch có từ 30 hoặc 31 ngày (ngoại trừ tháng 2) nên mỗi năm dương lịch có nhiều hơn 11 ngày so với năm âm lịch. Vì vậy, sau khoảng 2-3 năm sẽ có một năm âm lịch với 13 tháng, tương ứng với 13 lần trăng tròn.
Lần gần nhất trăng xanh xuất hiện là cuối tháng 8.2012.

Theo Nguyễn Đức (Dân Việt)
toimedulich

Thứ Năm, 30 tháng 7, 2015

Huyền ảo Hang Heo

Cách trung tâm thành phố Nha Trang khoảng 16km về phía Bắc, thuộc thôn Lương Sơn, xã Vĩnh Lương, Hang Heo thật ra chỉ là một bãi đá tự nhiên có màu sậm, gai góc, xù xì. So với Hòn Chồng Nha Trang đá bằng phẳng, tròn trịa, dễ đi thì Hang Heo trông kỳ vĩ, huyền ảo và bí ẩn hơn.

Theo đường Phạm Văn Đồng, vừa xuống hết dốc cuối cùng, chưa tới cảng cá Vĩnh Lương thấy một quán nước mía bên đường là đến. Đi bộ vào bên trong khoảng 200m sẽ gặp một bãi đá rất đẹp cong vòng theo bờ biển, dài khoảng gần cây số. Bên tay trái là bãi tắm Lương Sơn, bên tay phải có những khối đá nhọn to sừng sững, kì ảo, mê hoặc; vào bên trong những “bức tường thành” đá này là Hang Heo.

< Bãi đá bên ngoài Hang Heo.

Theo lời kể của cư dân ở đây, khoảng hơn 15 năm trước, khi chưa có con đường Phạm Văn Đồng, vùng Lương Sơn, Vĩnh Lương chỉ là một làng chài nằm bên Quốc Lộ 1 A. Thôn Lương Sơn chỉ đến con ngòi đình Vĩnh Lương là hết.

Khi ấy người ta gọi khu vực bãi đá này là đảo (nghĩa là ốc đảo, tách biệt), còn có tên là Đồng Bé, chạy dài từ trên núi xuống biển; tuy có con đường mòn nhưng hoang vu, ít người lui tới, chỉ có dân đi rẫy. Tên gọi Hang Heo xuất phát từ việc ngư dân vùng Lương Sơn khi đi đánh cá về, từ ngoài biển nhìn vô thường thấy heo rừng trên núi Cô Tiên xuống đây ngủ. Người ta cho rằng có lẽ ghềnh đá là nơi mát mẻ lại kín đáo nên là chỗ trú ngụ rất an toàn cho chúng.

< Bên trong những khối đá này là Hang Heo.

Xưa nay người dân vùng Lương Sơn vẫn quen gọi dãy núi này là Cô Tiên. Họ cho biết, lên trên đỉnh núi sẽ nhìn thấy mặt sau là Đồng Đế Nha Trang.
Dulichgo
Tuy hình dáng Cô Tiên ở Lương Sơn không giống với Cô Tiên ở Đồng Đế, nhưng nhìn trên bản đồ google thì Cô Tiên là một quần thể núi chạy dài ra biển từ Đồng Đế đến Lương Sơn.

< Cấu tạo của Hang Heo khá hùng vĩ, rất thú vị để săn ảnh đẹp.

Khi con đường Phạm Văn Đồng là đường cắt ngang một loạt núi trong hệ thống núi Cô Tiên làm xong, Hang Heo mới được người ta biết đến nhiều. Đây là nơi cất giữ thuyền thúng, lưới của vài ngư dân khi biển về, nguồn cảm hứng cho các nhiếp ảnh gia khi đến Khánh Hòa, bởi cấu tạo của Hang Heo khá hùng vĩ, rất thú vị để săn ảnh đẹp bình minh hay hoàng hôn và là nơi được các bạn trẻ chọn chụp hình ngoại cảnh trước khi cưới. Điều thú vị nữa, tuy chỉ có đá và đá nhưng là điểm tắm biển của người dân trong vùng. Từ bãi tắm Lương Sơn có thể lội qua bãi đá này và vào trong gộp đá hay còn gọi là Hang Heo. Nước ở đây rất mát và sạch.

< Đây là điểm tắm biển của người dân trong vùng vì nước rất mát và sạch.

Từ Hang Heo nhìn ra đầm Nha Phu, chỉ thấy một vài hòn đảo còn là biển mênh mông, sáng, chiều ghe thuyền đánh cá trở về trông rất nên thơ và thanh bình.
Dulichgo
Khi hoàng hôn xuống, nước biển xanh, sóng vỗ nhẹ vào đá xào xạc, trẻ con nô đùa dưới nước, trên đá, an toàn cho chúng nhảy từ trên đá cao xuống nước và bơi lội trong gộp đá. Nhìn về đất liền con đường Phạm Văn Đồng xẻ núi uốn lượn trông rất ngoạn mục.

< Vui chơi ở Hang Heo.

Rời Hang Heo đi một vòng bãi đá, bãi tắm vào buổi chiều mùa hè đông đúc nhộn nhịp, khách có thể thong dong ngắm nhìn bãi đá hay dạo chơi trên đá và nhìn Hang Heo vẻ như chứa đầy bí ẩn bên trong.

Những tảng đá ngàn năm tuổi phơi mình đầy vết hằn năm tháng rất đẹp, mê hoặc. Nếu thích, khách có thể ngồi xuống một quán hàng duy nhất ở bãi tắm này và thưởng thức món xôi (vò) viên chiên, đặc biệt chỉ có ở Lương Sơn. Xôi nếp viên lại bên trong có thịt băm, trứng cút và chiên, ăn với mắm ớt khá hấp dẫn, hay món đậu hủ chiên giòn chấm với muối chanh ớt khó tìm thấy ở các nơi khác.

< Bãi đá ngàn năm tuổi.

Băng qua các hẻm nhỏ lang thang vào trong làng khách sẽ quan sát được nếp sinh hoạt của dân cư làng chài và đặc biệt có những món ăn bình dân, chế biến từ hải sản như bánh canh, bún cá, bánh xèo , bánh căn, ốc luộc… Những món ăn mang đậm tính chất thôn quê, dân dã và tất nhiên giá cũng rất mềm. Khách cũng có thể mua hải sản khô qua chế biến tại các nhà lò hay chả cá tươi vừa chế biến xong.
Dulichgo
Đặc biệt, có món bánh xèo ngon đúng kiểu nhà quê, nước chấm ngon, rau ngon. Người dân nơi đây thích ăn sáng với bánh xèo, trên một con đường khoảng 1km đếm có đến hơn 10 hàng bánh xèo, chưa kể trong chợ còn vài hàng nữa.

< Bánh xèo nhà quê.

Có thể lợi thế ở đây là hải sản nên bánh xèo tôm mực là phổ biến. Ngoài ra còn có bánh xèo trứng hay đặc biệt có bánh xèo vỏ là bánh không nhân, chỉ có bột. Bánh xèo vỏ thường ăn nguội, có thể cuốn bánh tráng, rau sống. Nói chung, dân ghiền bánh xèo, kiểu nào cũng thấy ngon!

Rất thú vị khi chỉ cần một ngày để khám phá và tận hưởng thiên nhiên ở một làng nhỏ bé ven biển này và quan trọng là ngon, no bụng, đã mắt mà lại không tốn kém bao nhiêu.

Theo Kim Duy (Phụ Nữ Online)
toimedulich

Dinh Thống Nhất, kiến trúc độc đáo của người Việt

Được sáng tạo bởi bàn tay và ý tưởng của người Việt, Dinh Thống Nhất đã trở thành một trong những biểu tượng của TP HCM và là điểm đến yêu thích của nhiều du khách mỗi khi đặt chân đến thành phố này.

< Tổng thể công trình Dinh Thống Nhất.

Dinh Thống Nhất hay Dinh Độc Lập là một trong những công trình kiến trúc nổi tiếng ở Sài Gòn. Năm 2009, Dinh Thống Nhất được định xếp hạng là một trong 10 di tích quốc gia đặc biệt đầu tiên của cả nước. Đây là một trong những địa chỉ tham quan thú vị của TP HCM, hàng ngày đón tiếp hàng ngàn lượt khách tham quan. Ngoài ra, dinh còn là nơi đón tiếp các vị khách cấp quốc gia.

< Thảm cỏ và đài nước ở trước Dinh.

Công trình dinh được thiết kế bởi Kiến trúc sư Ngô Viết Thụ - người Việt Nam đầu tiên và duy nhất đạt giải thưởng Khôi Nguyên La Mã về thể loại kiến trúc. Ông đã kết hợp hài hòa giữa nghệ thuật kiến trúc hiện đại và kiến trúc truyền thống phương Đông vào công trình.

< Bên trái là hai bức phù điêu và bên phải là những bức rèm hoa đá tăng thêm vẻ đẹp cho Dinh.
Dulichgo
Khởi công ngày 1/7/1962, khánh thành ngày 31/10/1966, Dinh Thống nhất được xây trên nền của Dinh Toàn quyền Đông Dương (còn gọi là Dinh Norodom do người Pháp thiết kế vào năm 1868). Công trình được xây dựng trong khuôn viên rộng 12 ha, diện tích sử dụng là 20.000 m2, gồm 3 tầng chính, hai gác lửng, một sân thượng và tầng hầm. Dinh có khoảng 100 phòng được trang trí theo phong cách khác nhau tùy vào công năng sử dụng.

< Phòng Đại yến, nơi tổ chức các cuộc chiêu đãi của tổng thống chính quyền trước năm 1975.

Phía trước Dinh là những thảm cỏ xanh non hình oval, chính giữa là đài phun nước, tạo nên vẻ đẹp thơ mộng cho khối công trình và màu xanh của cỏ tạo ra một cảm giác sảng khoái êm dịu cho du khách ngay khi bước vào cổng chính.
Điểm nhấn độc đáo này luôn được du khách làm vài tấm ảnh lưu niệm để lấy toàn bộ khối dinh đằng sau. Bước qua thảm cỏ là hồ nước hình bán nguyệt chạy dài theo mặt trước của đại sảnh. Trong hồ được trồng hoa súng, hoa sen gợi nên hình ảnh yên ả, tĩnh lặng như ở các ngôi đình, ngôi chùa cổ kính của Việt Nam.

< Phòng khách của tổng thống.
Dulichgo
Khi thiết kế, kiến trúc sư muốn tìm một ý nghĩa văn hóa cho công trình, nên mọi sự trang trí, xếp đặt về mặt tổng thể từ nội thất cho đến tiền diện bên ngoài đều tượng trưng cho triết lý cổ truyền, văn hóa phương Đông và cá tính của dân tộc Việt. Vẻ đẹp kiến trúc của Dinh còn được tô điểm thêm bởi những bức phù điêu và bức rèm hoa đá mang hình dáng những đốt trúc thanh tao bao trọn mặt tiền lầu hai.

< Phòng khách của Phó tổng thống.

Mỗi bức phù điêu là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo, vừa có tác dụng trang trí vừa để nối liền các cửa sổ phía trên và phía dưới tạo thành một khối làm tăng vẻ đẹp bên ngoài. Các bức rèm hoa đá được biến cách từ bức cửa bàn khoa của các cung điện Cố đô Huế, không chỉ làm vật trang trí để tăng vẻ đẹp, những bức hoa đá còn có chức năng đón nhận và che khuất ánh sáng cùng với gió trời tự nhiên một cách hợp lý hài hòa.

< Phòng Trình Quốc thư.

Bước vào bên trong Dinh ta sẽ thấy tất cả các đường nét kiến trúc đều được phân phối một cách hợp lý, hài hòa. Trong mỗi phòng đều trưng bày các bức tranh về non sông, đất nước, con người Việt Nam hay các sự kiện lịch sử nổi tiếng của cha ông như bức “Việt Nam Quốc tổ", “Cẩm tú sơn hà”, “Vua Trần Nhân Tông dạo chơi” hay bức sơn mài “Bình Ngô Đại Cáo”. Mỗi bức tranh, mỗi vật dụng trang trí đều có ý nghĩa nhất định và làm tăng thêm vẻ đẹp thanh tao, trang nhã cho toàn bộ khối công trình.

< Cặp ngà voi được xem là lớn nhất ở Việt Nam ở phòng khách của tổng thống.
Dulichgo
Ngoài những giá trị mang tính lịch sử, Dinh Thống Nhất luôn là điểm tham quan thú vị của nhiều du khách trong và ngoài nước, đến đây du khách sẽ được dạo chơi trong một khuôn viên đầy ắp những mảng xanh mát lành, chiêm ngưỡng kiến trúc độc đáo và tìm hiểu thêm những giá trị lịch sử của dinh trong thời kỳ trước và sau 1975.

Ngoài ra du khách còn có thể mua thêm những món quà xinh xắn được khắc họa thông qua kiểu dáng, kiến trúc của dinh.

< Cầu thang được thiết kế độc đáo trong công trình dinh.


Thông tin thêm:

- Địa chỉ: 135 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 1, TP Hồ Chí Minh.
- Vé vào cửa: Người lớn là 30.000 đồng, sinh viên là 15.000 đồng và học sinh là 3.000 đồng.
- Thời gian mở cửa sáng từ 7h30 – 11h00, chiều từ 13h00 – 16h00.
- Nếu đi theo đoàn du khách nên thuê hướng dẫn viên với giá 150.000 đồng/ đoàn để được hướng dẫn tham quan và diễn giải tận tình.

Theo Văn Trãi (Vnexpress)
toimedulich

Nghè Trần Khánh Dư ở Quan Lạn

Tài danh, công lao của Đức Thánh Trần Khánh Dư rất sâu đậm trong đời sống tinh thần của cư dân xã đảo Quan Lạn, huyện Vân Đồn. Ông là vị thần bảo trợ, là một phần hương hoả tinh thần của cư dân vùng biển ở đây...

< Nghè nhìn từ ngoài cổng.

Khi cộng đồng cư dân làng đảo Quan Lạn còn ở Cái Làng, họ cũng đã dựng nghè để thờ Trần Khánh Dư. Dấu vết ấy nay còn tìm thấy ở Vụng Nghè. Và khi phải dời cư đi nơi khác cùng với việc chuyển đình họ cũng đã chuyển nghè đi theo như một phần hương hoả của cả cộng đồng.

Ngôi nghè cũ được xây từ thời cư dân Cái Làng mới về lập cư ở Quan Lạn hiện nay không còn nữa. Theo di ngôn của một số bậc tiền bối thì nghè thờ Trần Khánh Dư xưa khá khang trang, được xây dựng theo kiểu chữ đinh, bốn góc có đao cong trên bờ nóc đắp nổi hình “Lưỡng Long Chầu Nguyệt”. Nghè rộng 5 gian, có hậu cung thờ nhô ra ở phía sau. Gỗ để dựng nghè toàn bộ là gỗ lim. Về trang trí nội thất, trên các vì kèo, xà, cồn đều chạm trổ khá tinh xảo với các hình hoạ tiết như rồng, mây, hoa lá, long, li, quy, phượng, hổ v.v.. Nghè có đại tự và rất nhiều câu đối sơn son thiếp vàng treo ở các hàng cột. Trong hậu cung nghè có tượng Trần Khánh Dư toạ lạc trên ngai sơn son thiếp vàng, có bài vị, sắc phong của một số triều vua...

Xung quanh ngôi nghè xưa có tường xây bao quanh ba bề, phía trước có giá quan được bày đặt, trang trí thêm các hình rồng hổ…
Dulichgo
Khi ngôi nghè làng bị hư hại, các bậc bô lão đã rước bài vị, sắc phong của Đức Thánh về phối tự tại đình hoàng. Và mảnh đất xưa làm nghè thờ Trần Khánh Dư đã được dâng vào việc dựng trường học. Sau năm 1980, trước đòi hỏi bức thiết của cộng đồng cư dân làng đảo, chính quyền địa phương đã trả lại vị trí không gian của ngôi nghè cũ và thuận để nhân dân xây dựng một ngôi nghè mới. Nghè mới có quy mô 3 gian tiền tế ở phía trước; phía sau có nhô ra một hậu cung thờ.

< Không gian kiến trúc bên trong.

Nghè được xây dựng tương đối đơn giản với tường gạch, mái ngói, khung nhà bằng nhiều loại gỗ khác nhau lim, de… Các thành phần kiến trúc được bào trơn đóng búa không có trang trí. Sau khi nghè được khánh thành vào năm 1986 dân làng lại long trọng rước bài vị, sắc phong Đức Thánh về an toạ tại nghè. Hiện tại, phần ngoại thất của ngôi nghè đã được sửa sang lại rất nhiều.
Dulichgo
Cụm di tích đình, chùa, miếu, nghè Quan Lạn đã được Bộ Văn hoá -Thông tin (nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) xếp hạng là di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia theo Quyết định số 575, ngày 14-7-1990.

Nghè, miếu, chùa và đình Quan Lạn có mối quan hệ gắn bó mật thiết trong đời sống tinh thần của cộng đồng cư dân địa phương. Ở những vị trí đầu bến, cửa sông cửa biển, đầu núi, nơi trung tâm làng xã Quan Lạn đều có các công trình tín ngưỡng tôn giáo được xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu tư tưởng và tình cảm của người dân.

Đặc điểm của những công trình kiến trúc này phản ánh khá sâu sắc tư duy, tình cảm, lòng tôn kính những anh hùng có công với nước, bộc lộ thị hiếu thẩm mỹ của người Việt đồng bằng châu thổ sông Hồng. Đám rước từ nghè về đình và lễ hội đua thuyền truyền thống ở Quan Lạn là biểu hiện sinh động cho mối quan hệ nói trên...

Theo Nguyễn Quang Vinh (Báo Quảng Ninh)
toimedulich