Thứ Bảy, 25 tháng 7, 2015

Chùa cổ Thiện Khánh ở làng Bác Vọng

Chùa Thiện Khánh xuất hiện vào thời gian nào cho đến bây giờ vẫn chưa ai khẳng định được. Tuy nhiên, nhiều người phỏng đoán rằng nó ra đời vào thời chúa Nguyễn Phúc Chu - một vị chúa rất sùng bái đạo Phật - khi nhà chúa chuyển thủ phủ về Bác Vọng. Sự kiện này xảy ra vào năm 1712, nghĩa là đến nay, Chùa Thiện Khánh đã tồn tại trên dưới 300 năm.

Chùa xây hướng nam, quay mặt ra dòng sông Bồ. Quá trình thám sát khảo cổ học cho thấy, chùa tọa lạc ngay phía trước phủ chính Bác Vọng. Ngoài thờ Phật, chùa còn thờ Quan Thánh, đồng thời là nơi bảo quản địa bộ, sắc phong, chúc văn... của làng. Nhiều hiện vật có giá trị hiện vẫn còn được nhà chùa lưu giữ như quả chuông đồng do thượng thư Đặng Văn Hòa cúng dường dưới thời Tự Đức, hoành phi, bia đá, các pho tượng phật, tượng hộ pháp…

Chùa Thiện Khánh (hay còn gọi là Chùa Bác Vọng Tây) ra đời từ khi nào thì đến nay vẫn chưa có một tài liệu nào đề cập đến. Theo sách “Ô châu cận lục”, vào thế kỷ XVI, ở xứ Thuận Hóa đã có một số chùa chiền, thảo am (chùa làng, chùa công) mọc lên, tiêu biểu như chùa Linh Mụ. Đến thời các vua Nguyễn, theo “Đại Nam nhất thống chí”, trong 36 chùa ở phủ Thừa Thiên đã kể tên chùa Bác Vọng. Theo các cụ cao niên, làng Bác Vọng phân chia thành hai giáp (sau này là hai làng) vẫn theo câu truyền “Đông đình, Tây tự”, nghĩa là đình ở Giáp Đông, chùa ở Giáp Tây.

Theo những tài liệu lưu trữ cho biết, tại đây lúc trước là bãi phù sa bồi, không thích hợp cho việc xây dựng công trình tín ngưỡng của làng. Như vậy, khả năng hình thành chùa Bác Vọng cùng quá trình hình thành làng Bác Vọng là ít xảy ra. Vì điều kiện hạ tầng chỗ bãi phù sa không thể xây dựng những công trình kiên cố, cho nên nhiều khả năng cùng sự di chuyển phủ về Bác Vọng, chúa Nguyễn Phúc Chu với tinh thần sùng bái đạo Phật đã cho xây dựng chùa để tiện việc lễ bái.
Dulichgo
Chùa Thiện Khánh ngày nay ngoài chức năng thờ Phật, đây còn là nơi thờ tự, bảo quản hòm bộ của làng (địa bộ, sắc phong, chúc văn...). Trong những ngày đại lễ của làng đều không thể thiếu vắng nghi thức rầm rộ mà trang nghiêm: Lễ nghinh hòm bộ từ chùa về đình để tế rồi đưa về lại chùa để thờ, bảo quản như cũ.

Khi phủ chúa dời vào Phú Xuân, đất phủ cũ Bác Vọng trở thành vùng “đất thiêng”, dùng vào việc thờ cúng, như khi dời thủ phủ vào Phước Yên, chúa Nguyễn đã cho lập tại dinh cũ Trà Bát một ngôi chùa gọi là chùa Liễu Bông (Ba) để thờ Phật và các bậc tiền bối, hay Phước Yên trở thành cựu phủ thì nơi đây được dựng miếu để thờ Chiêu võ hầu Nguyễn Hữu Dật, một vị tướng có nhiều công lao đối với các chúa Nguyễn... Như vậy, chùa Bác Vọng Tây được duy trì cho đến khi phủ chúa dời đi và dân làng Bác Vọng Tây vẫn thờ Phật cho đến ngày nay mặc dù trải qua bao thăng trầm của lịch sử vùng đất xứ Thuận Hóa.

Chùa Thiện Khánh nằm quay mặt ra dòng sông Bồ (theo hướng Nam), bên cạnh đường liên xã. Qua quá trình đào thám sát khảo cổ học cho thấy, chùa tọa lạc ngay phía trước phủ chính Bác Vọng, trên thửa đất có ký hiệu T 328/5425, gồm các công trình: Cổng chùa, la thành; Hồ nước, tượng Quan Thế Âm; Cổng tam quan; Chùa (Tiền đường và chính điện); Sân vườn và một số di tích liên quan khác như nhà giảng, nhà hậu...

Hiện nay, chùa còn lưu giữ các hiện vật có giá trị như: chuông đồng; bức hoành phi; bia đá; lư hương; cây đèn; pho tượng Phật; tượng Diệt Sư; tượng Quan Công; tượng Hộ Pháp; liễn khắc câu đối...
Dulichgo
Chùa Thiện Khánh là nơi lưu giữ những giá trị về văn hóa truyền thống của cư dân địa phương, thông qua các hoạt động lễ hội, kiến trúc ngôi chùa, quy cách thờ tự... góp phần làm phong phú, đa dạng hệ thống chùa chiền ở Thừa Thiên Huế.

Chùa Thiện Khánh còn gắn liền với di tích Phủ Bác Vọng: Chùa tọa lạc ở phía trước phủ chính - một địa điểm quan trọng của di tích Phủ Bác Vọng Tây. Cùng với khu đất canh tác của nhân dân ở phía sau lưng chùa (nhân dân gọi là Thượng Phủ) là những địa điểm còn bảo lưu được nhiều dấu tích của Phủ Bác Vọng. Việc phát hiện dấu vết các công trình kiến trúc ở các hố thám sát khảo cổ học tại phủ Bác Vọng, cũng như một số di tích hiện còn ở khu vực xung quanh chùa như bờ kè, cầu cống... cho thấy đến thời kỳ chúa Nguyễn Phúc Chu, kinh tế, xã hội Đàng Trong đã có những bước phát triển đáng kể và đạt những thành tựu nhất định. Tuy nhiên, những dấu vết kiến trúc tại phủ Bác Vọng đã cho thấy qui mô của phủ rất nhỏ và chỉ đơn thuần là trung tâm điều hành về hoạt động chính trị, cung thất của Chúa và các cận thần...

Tiến sĩ Phan Thanh Hải cho rằng, khu vực này chỉ đơn giản là một trung tâm đầu não về chính trị hành chính. Bác Vọng thuần tuý chỉ mang tính chất của một khu vực “đô” chứ không có phần “thị”. Nó khác hẳn sự kết hợp với phần “thị” kiểu như thời kỳ phủ chúa đóng ở Kim Long, Phú Xuân. Vì vậy, việc giữ gìn và phát huy giá trị di tích, phục vụ hoạt động nghiên cứu khoa học, giáo dục truyền thống ở địa phương là việc làm hết sức cần thiết.
Dulichgo
Chùa Thiện Khánh có mối quan hệ với vị chúa hết sức sùng bái đạo Phật là chúa Nguyễn Phúc Chu nên di tích chùa Bác Vọng Tây còn có giá trị trong việc tìm hiểu về lịch sử Phật giáo ở Đàng Trong, về các vị chúa Nguyễn...

Cùng với hệ thống các di tích lịch sử văn hóa ở huyện Quảng Điền, như: Thành Hóa Châu, khu di tích lưu niệm Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, phá Tam Giang, phủ Phước Yên… Chùa Thiện Khánh là một địa điểm tham quan du lịch hấp dẫn.

Theo Liễu Quán Huế
toimedulich

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét