(TTO) - Bên cạnh món gỏi cá khô danh bất hư truyền của Nam Ô, người dân Đà Nẵng còn rất thích thú với món gỏi cá ướt.
Sở dĩ gọi là gỏi cá ướt vì món gỏi này không khô ráo như món gỏi cá thường thấy, được chế biến làm chín bằng cách ướp cá ngập trong nước pha rất bí truyền của người xưa. Nhờ cách chế biến này, cá vừa mang lại cảm giác tươi rói, ngọt ngào khi ăn mà lại không còn mảy may mùi tanh đặc trưng của cá.
Cũng giống gỏi cá khô, gỏi cá ướt thường được làm từ những loại cá nhỏ như cá ve, cá cơm, cá mòi... nhưng ngon nhất phải là cá trích. Phải chọn những con cá nhiều thịt, còn tươi sống mới cho thịt béo ngọt khi ăn.
Cá được đánh sạch vảy, bỏ ruột, đầu, vây và đuôi. Khi chế biến món này, người ta không lấy nguyên con cá mà chỉ lấy phần thịt hai bên lườn. Dùng dao mỏng lóc bỏ xương, lấy phần thịt hai bên để làm gỏi.
Sau đó cắt thành những miếng dài vừa ăn, rồi ướp ngập trong các loại gia vị như riềng cắt sợi, tỏi băm nhuyễn, gừng đập giập, ớt sừng… cùng chanh và giấm gạo.
Dulichgo
Nước ướp cá được giữ lại hòa với nước mắm đậm đà, chút ít đường dùng để chấm gỏi cá. Khi ấy mùi thơm từ tô nước chấm sẽ kích thích vị giác người ăn vô cùng. Trước khi ăn bỏ thêm chút mè rang, đậu phộng giã nhỏ trộn vào nước chấm để tăng thêm vị ngon của gỏi.
Một điểm làm nên "linh hồn" món ăn này chính là rau ăn kèm. Trên khay đầy ấp rau rừng tươi rói nhiều màu sắc, lá móc trộn lẫn lá đinh lăng, lá xoài non nõn, cùng với rau sống thông thường như xà lách, rau thơm, diếp cá, hoa chuối, trộn lẫn với khế thái ngang thái dọc, dưa leo, chuối chát thái dài màu trắng, khép nép dưới xấp bánh tráng lề dùng cho cuốn gỏi.
Chính các loại rau nói trên với nhiều rau là vị thuốc là một trong những bí quyết làm món gỏi trở thành món ngon "nhức răng" và tránh cho những cái bụng yếu khi ăn gỏi cá được bình yên.
Cảm nhận đầu tiên khi cắn cuốn gỏi cá là vị cay xông lên tận mũi, chính cái cay này khiến người ăn phải hít hà, suýt xoa, thậm chí chảy cả nước mắt. Thế nhưng cũng đúng thôi, món gỏi này bắt buộc phải cay, càng cay càng ngon. Bởi chính cái cay của ớt, gừng, riềng mới lấn át đi vị tanh của cá sống.
Dulichgo
Để rồi từ cái cảm giác cay ban đầu là dư vị ngọt tươi, mằn mặn của nước cá, cái vị beo béo của cá cùng với vị cay xé lưỡi của ớt cộng với các loại lá mang hương rừng, vị chuối chan chát, vị chua chua của khế, xoài… tất cả gói ghém lại ngập tràn trong miệng ăn. Để rồi cứ từ từ hít hà mà đánh chén bay tưng tô gỏi cá mặn mòi lúc nào không hay.
Món này thường được nhiều đấng mày râu ưa thích, bởi khi nhâm nhi với bia vào mỗi chiều hè như thế này thì món này càng dách lầu hơn.
Tất nhiên món gỏi cá này không phải ai cũng có thể "cảm" ngay lần đầu. Nhiều người luôn cảm thấy e dè với món gỏi cá sống này, nhưng thử "liều mình" nhâm nhi một lần, chắc chắn nhiều người sẽ bị thu hút ngay tắp lự. Vì lẽ đó mà món ăn dân dã này luôn có mặt trong các quán nhậu, nhà hàng lớn nhỏ trong thành phố.
Theo Huỳnh Lê Đức Hợp (Báo Tuổi Trẻ)
toimedulich
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét