(NLĐO) - Quảng Nam có 2 dòng sông lạ là sông Tiên nước chảy ngược dòng và sông Trường Giang chảy song song với biển, không hề có thượng nguồn hạ lưu.
< Một đoạn sông Tiên (Tiên Kỳ - Huyện Tiên Phước - Tỉnh Quảng Nam).
Hẳn ai lên xứ bồng lai Tiên Phước đều đã nghe qua câu thơ “Sông Tiên nước chảy ngược dòng/ Ai về Tiên Phước cho lòng vấn vương". Câu thơ đã khắc họa được nét đẹp say đắm và sự kì diệu của dòng sông Tiên - con sông duy nhất ở Quảng Nam không xuôi dòng về biển.
< Sông Tiên là dòng sông chảy ngược ở Tiên Phước.
toimedulich
Sông Tiên chỉ dài khoảng 6 km, chiều rộng trung bình 100 m thu nước từ các con suối nhỏ đầu nguồn trên địa bàn như suối Bình An (xã Tiên Mỹ) chảy qua thị trấn Tiên Kỳ, suối Cà Đong (xã Tiên Thọ) và nhiều suối, sông con ở các xã ven sông khác như Tiên cảnh, Tiên Cẩm, Tiên Hà... Không giống như những con sông khác đều chảy xuôi theo hướng tây - đông, sông Tiên khởi nguồn từ phía đông, dùng dằng vương vấn chảy ngược về tây, đi qua các làng xã, núi đồi của miền quê trung du Tiên Phước rồi mới nhập vào thượng nguồn sông mẹ Thu Bồn, xuôi về biển cả.
Tự bao giờ, sông Tiên trở thành biểu tượng gắn với hình ảnh đất và người huyện Tiên Phước. Dòng sông cho phù sa, cho nước tưới, cho cuộc sống, cho cả tên gọi của các làng xã trải dọc đôi bờ, được bắt đầu bằng chính tên sông như Tiên An, Tiên Lập, Tiên Lộc, Tiên Cảnh, Tiên Kỳ, Tiên Châu, Tiên Hà, Tiên Hiệp…
Ngược dòng con sông Tiên hiền hòa hoang sơ, ta sẽ gặp những khung cảnh thiên nhiên vô cùng kỳ thú. Bãi đá Lò Thung trải dài hàng trăm mét với những con suối róc rách, những thác nước nguyên sơ và hùng vĩ giữa đại ngàn. Dòng xoáy của con nước ngày ngày đẽo gọt, bào mòn vách đá tạo ra những hình thù hết sức kỳ thú. Người dân địa phương vẫn thường kể cho nhau về truyền thuyết dị nhân khổng lồ đắp núi, khơi nguồn nước sông Đá Giăng - Lò Thung. Họ cho rằng, những hòn đá có hình chiếc cối, chày giã gạo, bát, chén ăn cơm, lò nấu là những vật dụng mà “ông khổng lồ” đã sử dụng.
toimedulich
Nơi đây, dấu ấn những ngày tháng hào hùng dưới chiếu Cần Vương của Nghĩa hội Quảng Nam còn in đậm qua các địa danh bên bờ sông Tiên như Thanh Lâm, Dương Đế, bàu ông Trấn, Gò Chay, dốc Miếu… Cùng với việc tham gia phong trào Nghĩa Hội, nhân dân Tiên Phước còn tham gia nhiều phong trào yêu nước như Duy Tân, Đông Du, Việt Nam Quang Phục hội... Trong đó, nổi bật nhất phải kể đến phong trào Duy Tân do cụ Phan Châu Trinh và Huỳnh Thúc Kháng chủ xướng đã tạo được làn gió cải cách sôi nổi trên đất Quảng Nam.
Hiện nay, đến vùng đất ven bờ sông Tiên không khi nào thiếu những vườn cây ăn quả như lòn bon, bưởi, măng cụt…, cho trái quanh năm bởi nơi đây được thiên nhiên ưu ái với khi hậu mát mẻ quanh năm.
< Sông Trường Giang ở Quảng Nam chảy êm đềm, đẹp như tranh vẽ.
Không ngỗ nghịch như sông Tiên, sông Trường Giang vẽ một đường uốn lượn song song theo gần hết chiều dài bờ biển Quảng Nam, mường tượng như viền áo ôm theo eo lưng mỹ nữ đang nằm. Sông Trường Giang dài khoảng 70 km vắt ngang qua các huyện Núi Thành, Thăng Bình, Duy Xuyên và TP Hội An. Điều khác lạ ở con sông này là nó không có đầu mà cũng chẳng có cuối. Ở hai đầu bắc và nam, sông đều thông với biển. Phía bắc, Trường Giang gặp Thu Bồn rồi cùng ra biển qua Cửa Đại (TP Hội An). Phía nam, Trường Giang hòa với sông Tam Kỳ, An Tân rồi đổ ra biển thông qua Cửa Lở và cửa An Hòa (huyện Núi Thành).
< Sông Trường Giang chảy song song với bờ biển Quảng Nam.
toimedulich
Vào mùa nắng, dòng chảy sông Trường Giang phụ thuộc thủy triều lên xuống. Khi thủy triều lên, nước đổ vào các cửa và chảy theo hai chiều đối nghịch. Mấy chục cây số sông phía bắc nước chảy theo hướng nam, mấy chục cây số sông phía nam chảy theo hướng bắc. Khi thủy triều xuống thì quãng sông phía nam chảy theo hướng nam ra Cửa Lở và An Hòa, quãng sông phía bắc chảy theo hướng bắc ra Cửa Đại. Vào mùa nước lũ, dòng chảy chủ yếu phụ thuộc vào mức nước dâng của hai hệ thống Vu Gia - Thu Bồn, Tam Kỳ - An Tân.
Vẫn bên lở bên bồi theo dâu bể biến thiên, nhưng không như những dòng sông khác, Trường Giang chưa bao giờ hung hãn, chưa bao giờ trở thành hiểm hoạ đối với làng mạc ven bờ. Ngược lại, dòng sông đang nuôi sống hàng vạn con người ở hai bên bờ suốt nhiều thế kỷ qua dù hiện con sông này đang gánh chịu sự xâm lấn, giăng xả của chính con người trong cuộc mưu sinh ngư nghiệp và cuộc phát triển công nghiệp hiện đại.
Theo Trần Thường (Chuyện Phụ Nữ)
Du lịch, GO!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét