Thân thuộc như những ngôi nhà sàn của vùng cao nguyên, gần gũi như những không gian sinh hoạt cộng đồng làng xã, chùa Di Đà tỏa ra tinh thần Phật giáo nhập thế, tu hành biệt lập mà không xa cách…
Tạm xa những ồn ào náo nhiệt, những tất bật, lo toan của cuộc sống đời thường, chúng tôi đến tham quan ngôi chùa Di Đà (còn gọi là chùa Đang Đừng, thuộc buông Đang Dừng, xã Đạ Tồn, Bảo Lâm, Lâm Đồng) nằm cách Bảo Lộc khoảng 35 km. Từ trung tâm thành phố Bảo Lộc, chúng tôi đi vào hướng thác Đambri rồi rẻ phải vào Hoa viên Địa Tạng Vương, để đến chùa Di Đà cách đó khoảng 5km đường đất đỏ.
< Chánh điện chùa Di Đà được làm bằng gỗ theo phong cách nhà sàn các dân tộc thiểu số
Bước vào cổng chùa, chúng tôi thật sự sửng sốt bởi hiện ra trước mắt một quần thể kiến trúc rộng hơn 5 hét-ta rõ ràng là nơi tu hành, song được kiến tạo theo phong cách trang nhã với những nếp nhà sàn được làm bằng gỗ kết hợp với nền bê-tông, trên các đầu đao nóc mái gắn phù điêu hoa văn theo mô-típ văn hóa Lạc Việt hoặc những nếp nhà thuộc đồng bào dân tộc Châu Mạ (vùng cao nguyên B’Lao).
< Nhà sàn và nhà thủy tạ nằm quanh hồ An Lạc.
toimedulich
Đặc biệt là hồ nước rộng hơn 2000m2, xung quanh được trồng cỏ hoa tươi tốt gợi lên thi hứng hơn là cảm giác u tịch. Bản thân ngôi chính điện cũng dựng theo lối nhà sàn vùng dân tộc thiểu số với cột gỗ, vì kèo, vách ván nhưng thoáng đãng, giản dị mái thấp và đơn sơ vách gió lùa.
Tượng Phật đặt chính giữa gian mà có cảm giác lộ thiên, như hòa thân bất hoại vào vũ trụ, tỏa tinh thần hỷ xả tới mọi tâm linh, để ngay sau khi dâng hương làm lễ, ta có cảm giác thân thuộc với từng góc nhà.
< Nếp nhà sàn làm nơi cư trú của khách thập phương hành hương.
Điều cảm khái hơn nữa, bao quanh các nếp nhà như Chánh Điện, nhà thờ Tổ, nhà Tăng, trai đường...là những nương chè xanh hay những vườn cây cà phê tươi tốt. Rải rác phía sau dưới những tán cây xanh là những ngôi thiền thất bằng gỗ dành cho các Tăng lữ nghiêm mật tu trì.
Thẳng vào bên trong là ngôi nhà sàn rộng hơn 1000 m2, nơi tiếp khách của nhà chùa, cũng đôi khi dùng làm chỗ lưu trú cho những đoàn khách hành hương từ phương xa đến...
< Chùa Một Cột - biểu tượng VHPG Việt nam được dựng trong khuôn viên chùa Di Đà.
toimedulich
Viếng cảnh chùa Di Đà, chúng tôi như được mở ra cả không gian để khám phá nét hài hòa giữa vẻ đẹp thiên tạo và nhân tạo. Nhờ nhãn quang của một người am hiểu kiến trúc, mỹ quan như Đại đức Thích Đồng Châu, theo thời gian chùa Di Đà dần hiện lên những công trình kiến trúc chuẩn mực. Dù mới tạo dựng từ năm 2005 nhưng kiến trúc chùa Di Đà luôn mang vẻ gần gủi với vùng đất mà nó sinh ra. Đó là những nếp nhà sàn theo phong cách đồng bào dân tộc Tây Nguyên, những nương chè luôn phảng phất mùi hương của xứ trà (Bảo Lộc – Lâm Đồng)...tất cả đều hiện hữu ở một nơi tuy “thâm sơn” nhưng không “cùng cốc”.
< Toàn cảnh hồ An Lạc.
Phải chăng, khi xây dựng ngôi chùa này, vị thầy khai sáng muốn cho du khách thập phương cảm nhận sự bình an, tĩnh lặng khi đến chùa !? Các pho tượng được tôn trí trong khuôn viên chùa hay những hình nhân thuộc người đồng bào Châu Mạ kính tín Phật pháp... hầu hết đều làm bằng xi măng, mang một phong cách độc đáo. Qua những tác phẩm điêu khắc này ta có thể hiểu được cảnh sinh hoạt và đời sống của chư Tăng và Phật tử trong chùa, không khí trang nghiêm của ngôi thiền tự và nếp sống tu hành chân chính của ngôi chùa này.
< Các hình nhân người đồng bào Châu Mạ.
Chư Tăng trong chùa, ngoài vị thầy sáng lập ĐĐ. Thích Đồng Châu, còn lại một vị Tỳ kheo và năm chú Sa Di đều là người dân tộc Châu Mạ đã theo thầy xuất gia học đạo từ nhiều năm nay.
toimedulich
Đại đức Đồng Châu (trụ trì chùa Di Đà) cho biết: “Chùa Di Đà chỉ mới thành lập cách đây gần 10 năm, trước kia là một tịnh thất nhỏ. Đến năm 2013 nhà chùa mới xây dựng lại các công trình để mở rộng thờ tự, lễ bái cũng nhưng đón khách thập phương. Hầu hết Phật tử cũng như chư Tăng đều là người đồng bào Châu Mạ nên các tập tục sinh hoạt đạo pháp ở đây cũng tùy thuận vào văn hóa vùng miền...”
< Đường đá xuống thác phủ sương trong sáng sớm.
Một ngày ở chùa Di Đà là một ngày được sống trọn vẹn trong niềm an lạc của sự tĩnh lặng; một thế giới bình yên. Mọi sự nhiễu nhương của cuộc đời, cái giới hạn bởi không gian và thời gian dường như tan biến, để thay vào đó là sự thanh tịnh, yên bình. Về với chùa Di Đà là tìm về chính mình; nơi đây con người được yêu thương và sẻ chia, được sống cùng với thiên nhiên và nguồn cội.
< Thác Tam Hợp được chảy từ Rừng Thần trong khuôn viên chùa Di Đà.
toimedulich
Khi vầng dương khuất dạng dưới những đồi chè xanh cũng là lúc chúng tôi kết thúc một ngày chiêm bái vườn thiền Di Đà và dạo bước bình an bên dòng suối mát Tam Hợp trong không gian chùa Di Đà.
Tất cả hòa quyện tạo nên một không gian của tuệ giác. Tuệ giác là nguồn khai sáng và đạo diễn cho cuộc đời hướng về giá trị của an vui và hạnh phúc, nơi nào được thắp sáng bằng tuệ giác nơi đó có hạnh phúc, có tình thương và hoà bình…
Theo Dulich.tamlinh
Du lịch, GO!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét