Thứ Năm, 31 tháng 12, 2015

Lên đỉnh núi Ngọc Linh

(NLĐ) - Dãy núi Ngọc Linh vốn được xem như mái nhà miền Nam Việt Nam, mang nhiều sự tích kỳ bí được nhóm bạn trẻ đam mê khám phá chinh phục.

Hành trình chinh phục

Những ngày cuối mùa khô Tây Nguyên, chúng tôi có dịp cùng các nhóm phượt Kon Tum, ĐKL (TP HCM) và nhóm du lịch bụi Nha Trang chinh phục đỉnh Ngọc Linh.

Sau khi chuẩn bị đồ dùng cần thiết và được chính quyền huyện Đắk Glei, tỉnh Kon Tum cho phép, chúng tôi bắt đầu hành trình chinh phục đỉnh Ngọc Linh. Đúng 8 giờ, 16 thành viên trong đoàn xuất phát từ xã Ngọc Linh, huyện Đắk Glei. Chúng tôi thuê 5 người vừa dẫn đường vừa mang hộ đồ dùng (còn gọi là poster) cho cả nhóm.

Qua làng Long Năng, làng xa nhất của xã Ngọc Linh, theo những bờ ruộng bậc thang, chúng tôi đi sâu vào chân núi. Qua một vài con dốc nhỏ, rừng cây đã bắt đầu rậm rạp và độ dốc cũng tăng dần.

Khi GPS báo độ cao 1.600 m, nhiều người đã thấm mệt nên cả đoàn nghỉ chân, tranh thủ ăn xôi vừng, trứng gà để “nạp năng lượng” cho chặng đường chông gai phía trước.
Dulichgo
Lên tới độ cao gần 2.000 m, chúng tôi phải vượt qua một thác đầy đá. Những tảng đá rêu bám dày nên bất cẩn là bị trượt ngay. Bên kia thác là vách đá cheo leo, rất nguy hiểm. Để vượt qua đoạn này, đoàn phải dùng dây thừng cột lại rồi đu người xuống.

< Con đường dẫn lên núi với những thửa ruộng bậc thang tuyệt đẹp.

Đến gần 13 giờ, chúng tôi nghỉ chân lần hai. Cả đoàn ai cũng thấm mệt, riêng 5 poster thì vẫn chưa “xi nhê” gì mặc dù phải cõng hàng nặng nhất.

Sau khi vượt qua hang núi, đoàn đến đỉnh núi phụ - nơi dự định nghỉ đêm. Tại đây, một nhóm chuẩn bị củi, nấu đồ ăn tối, dựng lều. Nhóm khác gồm những người có sức khỏe, kỹ năng tiếp tục vượt lên đỉnh núi chính - đích cuối cùng của chuyến đi để đặt cột mốc.

Để lên được đỉnh núi phải vượt qua con dốc dài khoảng 1 km với độ dốc cao và hiểm trở. Cả đoạn này không có chỗ nào bằng phẳng, mỗi người phải chọn cho mình một gốc cây để tựa vào nghỉ tạm. Để xuống được con dốc, không còn cách nào khác là lết từng mét một.

Niềm tự hào trên độ cao 2.605 m

Lên tới đỉnh dốc, sau khi chọn được vị trí chôn cọc để cố định chóp, chúng tôi bắt tay vào việc phát quang. Anh Nguyễn Hồng Thiên, trưởng nhóm phượt ĐKL, đại diện thắp nhang xin phép thổ địa rồi đóng cọc sắt sâu 1 m, dùng 10 kg xi măng với 20 kg cát mang theo cố định cọc. Đúng 17 giờ 36 phút, chúng tôi hoàn thành việc gắn chóp inox ở độ cao 2.605 m trong niềm vui sướng, tự hào.

Mọi việc hoàn thành, các thành viên xuống phụ cả đoàn dùng bữa tối mà nhóm ở dưới đã chuẩn bị sẵn. Quây quần bên bếp lửa, cả đoàn cùng chia sẻ những trải nghiệm trong hành trình đã trải qua.

Trong câu chuyện, poster A Mát (làng Nông Năng, xã Ngọc Linh) kể về một chuyến lên núi Ngọc Linh bẫy chuột. Vì trời sương mù dày đặc, trong rừng rậm rạp nên A Mát bị mất phương hướng, không tìm được đường ra. Sau 5 ngày ăn rau rừng, uống nước suối, cuối cùng anh cũng tìm được đường trở về với dân làng.
Dulichgo
Theo A Mát, người dân sống dưới chân núi Ngọc Linh vẫn đang lưu giữ những câu chuyện huyền bí nơi núi non trầm mặc này, như chuyện về “hẻm núi chết” hay còn gọi là “thung lũng Ngọc Rêu”. Một khi ai đã đặt chân đến đây chỉ bỏ mạng do không tìm được lối ra.

< Đỉnh núi Ngọc Linh được gắn chóp ở độ cao 2.605 m so với mực nước biển.

Thời kháng chiến cứu nước, nơi đây là nỗi khiếp sợ của quân định, chôn xác nhiều máy bay. Sự bí ẩn của “hẻm núi chết” khiến nhiều phi công địch đặt cho nó cái tên khác là “vùng xoáy lạ”, một nơi không thể bay tới. Cũng vì thế, người dân địa phương tin rằng núi Ngọc Linh không thể chinh phục.

Tuy nhiên, ngày hôm nay, đến đỉnh Ngọc Linh gắn chóp, A Mát đã dần thay đổi suy nghĩ của mình. Cùng với sự thay đổi của A Mát là niềm tự hào của chúng tôi khi đã góp sức gắn chóp cho ngọn núi thiêng liêng, kỳ bí. “Khi gắn chóp xong cảm giác lâng lâng thật khó tả” - anh Nguyễn Văn Thịnh, thành viên nhóm phượt Kon Tum, bày tỏ.

Trong màn sương đêm với không khí se lạnh, chúng tôi nằm nhắm mắt cảm nhận từng âm thanh, hơi thở của núi rừng rồi chìm trong giấc ngủ. Đến 2 giờ sáng, một số người trong đoàn tỉnh giấc, lại gần đống lửa sưởi ấm, đun nước nấu cà phê chờ trời sáng.
Dulichgo
Đến khoảng 6 giờ, một số người đã lên đỉnh chiều hôm trước cùng với những người chưa lên đỉnh tiếp tục vượt dốc lên đỉnh Ngọc Linh. Tại đây, một số người chụp ảnh lưu niệm, treo cờ Tổ quốc lên ngọn cây thông cao nhất.

Đứng trên đỉnh Ngọc Linh, giữa bao la đất trời, mọi thứ trở nên thật nhỏ bé. Mặc dù đã xác định đây là đỉnh cao nhất của dãy núi Ngọc Linh nhưng khi nhìn về hướng Quảng Nam vẫn cảm giác có một đỉnh núi khác cao hơn. Tuy nhiên, khi hẹn các poster lần sau chinh phục đỉnh này thì những người này từ chối.

Đến 8 giờ sáng, khi sương mù còn bão phủ rừng già, loài hoa đỗ quyên trắng vẫn đọng những giọt sương đêm, chúng tôi dọn dẹp đồ đạc, vệ sinh nơi hạ trại rồi xuống núi.

Với phương châm không để lại gì ngoài những dấu chân, tất cả rác thải như túi ni-lông, chai, lọ… chúng tôi đều gom lại mang xuống chân núi, trả lại vẻ thâm u vốn có từ ngàn đời của rừng già.

Theo Hoàng Thanh- Nguyễn Thịnh (Người Lao Động)
Du lịch, GO!

Khám phá Châu Đốc

Thị xã Châu Đốc nằm bên ngã ba sông thơ mộng, nhìn sang Cồn Tiên và xóm Châu Giang với thương thuyền tấp nập, bè cá san sát nối đuôi nhau. Nếu một lần đặt chân đến, bạn không thể bỏ qua những địa điểm tham quan, du lịch và thưởng thức những món ẩm thực, đặc sản hấp dẫn nơi đây.

Nhiều di tích, thắng cảnh đẹp

Châu Đốc là nơi có nhiều di tích lịch sử, văn hóa và thắng cảnh độc đáo cấp quốc gia. Các công trình di tích được Bộ Văn hóa xếp hạng, gồm: Chùa Tây An, lăng Thoại Ngọc Hầu, miếu Bà Chúa Xứ, chùa Hang, đình Châu Phú. Các thắng cảnh khác cũng thu hút đông đảo du khách tìm đến là xóm người Chăm Châu Giang, kênh Vĩnh Tế, làng bè hoặc vườn Tao Ngộ, nhà nghỉ Bác sĩ Nu, Pháo Đài trên núi Sam.

Khi đến thị xã chúng ta hãy ghé vào đình Châu Phú nằm trên đường Trần Hưng Đạo - Nguyễn Văn Thoại (phường Châu Phú A). Đình thờ bài vị Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, người từng lập nhiều công lớn được các triều vua phong tặng danh vị Đô đốc thống chế dinh thần cơ, Thượng đẳng thần, Khai quốc công thần, Lễ thành hầu...

Ông còn có tên khác là Nguyễn Hữu Kính, sinh năm 1650 tại Huế, là con thứ ba của Chiêu vũ hầu Nguyễn Hữu Dật, một dòng họ làm quan nhiều đời, tổ tiên là Ức Trai Nguyễn Trãi. Rời đình Châu Phú, điểm du lịch độc đáo nhất ở Châu Đốc chính là làng bè nổi, nét văn hóa đặc sắc mang đậm phong cách của vùng sông nước.

Ở đây, mỗi chiếc bè như một căn hộ kết nối nhau trải dài dọc hai bờ sông. Mỗi chủ bè có ít nhất 3-4 chiếc bè, thường có thêm một chiếc bè sinh sống cặp bên.

Đặc biệt, gần đây, một số người dân có xu hướng đóng bè xuống sông định cư. Cuộc sống của gia đình được gói gọn trên chiếc bè ngang 4m, dài 7-8m. Xuồng, ghe là phương tiện chủ yếu của mỗi gia đình ở những làng nổi này.
Dulichgo
Đến tham quan làng nổi, du khách sẽ rất thích thú khi đi trên những chiếc tắc ráng, vỏ lãi, hay xuồng gắn máy đuôi tôm để khám phá làng nổi.

Điểm tham quan tiếp theo khi đã đến Châu Đốc là miếu Bà Chúa Xứ. Tượng Bà là một tác phẩm nghệ thuật bằng đá son, có từ thế kỷ thứ 6; dáng ngồi khoan thai, giống tượng thần Vít-nu có nhiều ở Ấn Độ, Lào và Campuchia. Hàng năm, Miếu Bà thu hút hàng triệu lượt khách du lịch đến tham quan, hành hương.

Rời Miếu Bà, đến thăm chùa Hang tao nhã, với tên gọi Phước Điền Tự nằm riêng lẻ trên triền phía tây núi Sam, nơi hấp dẫn du khách bởi truyền thuyết Thanh xà, Bạch xà.

Hiện nay, chùa Hang đã được lấp kín, chỉ còn một lối đi vào cửa sâu 10 mét trông rất âm u huyền bí. Ngoài ra, tại Khu du lịch Núi Sam còn có nhiều địa điểm tham quan rất độc đáo, như: Chùa Tây An, lăng Thoại Ngọc Hầu, đồi Bạch Vân,…

Khám phá ẩm thực

Châu Đốc có những món ăn đặc sản nổi tiếng, đầu tiên phải kể đến “mắm”, thương hiệu ẩm thực nổi tiếng của Châu Đốc, như: Mắm thái, mắm ruột, mắm cá lóc, cá trèn, cá sặc…

Đặc biệt, mắm thái cuốn bánh tráng đi kèm với ít rau, bún không cần chế biến nhiều cũng đủ để lại dư vị cho người thưởng thức. Ngoài ra, các món chế biến từ mắm cũng đa dạng không kém: Mắm chưng thịt ba rọi, hay lẩu mắm- đặc sản của người dân Châu Đốc.

Ngoài món mắm, trong nội ô thị xã chúng ta rất dễ thấy nhiều nơi bày bán món bún cá. Bún cá tuy có mặt ở nhiều địa phương nhưng ăn bún cá Châu Đốc mới thật chính hiệu. Cũng từ cá lóc, người bán sẽ chế biến nước súp mà dân địa phương hay gọi là “nước lèo” chan vào bún, thêm cá lóc đã ướp sả, nghệ… ăn kèm giá, rau muống, bắp chuối thái sợi là tuyệt nhất.
Dulichgo
Thêm một đặc sản kể đến chính là sản phẩm từ cá tra, cá ba sa- khô cá tra phồng. Cá làm khô, còn bao tử cá ba sa được các hàng xén chế biến thành món ăn khai vị đặc biệt - bao tử cá ba sa chiên giòn.

Bên cạnh đó, không gian đô thị thoáng đãng, hài hòa cũng trở thành một thế mạnh để hỗ trợ cho những khu ẩm thực đêm của Châu Đốc phát triển thuận lợi. Khu ẩm thực đêm Châu Đốc tập trung ở khu vực chung quanh quảng trường phường Châu Phú A, hai công viên A và B của phường và dọc theo đường Lê Lợi, phường Châu Phú B.

Có thể đếm được gần trăm gian hàng lớn nhỏ với nhiều món ẩm thực hết sức đa dạng, đa phần là những món bình dân nhưng là đặc sản ở nhiều địa phương như bún cá Châu Đốc, bánh canh Vĩnh Trung… Những quán cơm ban đêm ở đây cũng sẵn sàng phục vụ những bữa ăn chất lượng với rất nhiều loại thức ăn chế biến công phu.

Theo Xã Luận
Du lịch, GO!

Thứ Tư, 30 tháng 12, 2015

Mùa cao su thay lá

(TTO) - Khoảng cuối tháng 12 cho đến tháng 3, phương Nam lại có một mùa lá đỏ. Đó là mùa của những cánh rừng cao su đồng loạt thay lá.
Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Mỹ, Canada... nổi tiếng với những mùa lá đỏ. Hà Nội - thủ đô mến yêu của Việt Nam cũng có một mùa lá đỏ: "Mùa thu, cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ"... Phương Nam cũng có bàng, nhưng thỉnh thoảng mới có lá đỏ.

Nhưng vào mùa cuối đông đầu xuân, thường là vào khoảng cuối tháng 12 cho đến tháng 3, phương Nam vẫn có một mùa lá đỏ. Đó là mùa của những cánh rừng cao su đồng loạt thay lá. Lúc này, trên mặt đất là những lớp lá vàng rụng. Còn trên cây thì lá vàng, lá đỏ chen lẫn lá xanh.

< Một cánh rừng cao su ở Dầu Tiếng mùa thay lá.

Mùa cuối năm luôn có những cơn gió, và mỗi khi có gió thổi, lá trên cây lại rơi rụng lả tả, còn lá dưới đất cũng theo gió cuốn bay. Nếu có chút tưởng tượng, bạn sẽ thấy như trong cảnh một câu chuyện cổ tích thần tiên.
Dulichgo
Những năm gần đây, cao su được trồng khá nhiều, từ miền Đông Nam bộ cho tới Tây nguyên, các vùng ven thành phố như Củ Chi, Bình Chánh. Nhưng để có thể tham quan và chụp ảnh, nhất là chụp ảnh cưới, thì vẫn là ở miền Đông Nam bộ.

< Bản hòa tấu sắc màu.

Các tay máy săn ảnh thường cuối tuần phóng xe máy cùng bạn bè xuống khu vực có rừng cao su đẹp và lớn ở huyện Dầu Tiếng, Tân Uyên, Bến Cát (Bình Dương). Hay xa hơn là ở các huyện Xuân Lộc, Long Khánh, Trảng Bom, Thống Nhất của Đồng Nai; rừng cao su Bù Đăng, Phú Riềng (Bình Phước).

< Một con đường tuyệt đẹp xuyên qua rừng cao su.
Dulichgo
Theo một số bạn trẻ, đi Bình Phước tiện nhất vì ở đâu nào cũng có rừng cao su đẹp. Nếu không  thì Bình Dương hay Đồng Nai. Còn muốn gần hơn nữa, qua phà Cát Lát đến Nhơn Trạch, Long Thành, nơi cũng có nhiều rừng cao su đẹp, đi và về chỉ hơn 70km.

Vào mùa cao su thay lá, những công nhân nông trường, cũng như các nhân công của các vườn cao su sẽ ngưng thu hoạch mủ.

< Một rừng cao su chưa kịp thay lá.

Đây cũng là mùa vệ sinh và dưỡng cây để chuẩn bị cho mùa thu nhựa năm sau. Mùa này, nếu đi sớm và may mắn, bạn sẽ gặp những cảnh người công nhân dùng máy thổi, thổi những lớp lá dày sát gốc cây ra những khoảng trống an toàn để đốt. Khói từ lá xuyên qua nắng cùng các hàng cây sẽ tạo ra các vệt nắng lung linh. 

Thông thường, đa số các vườn cao su đều không có rào, các chủ vườn, công nhân đều vui vẻ cho du khách vào tham quan, nghỉ chân, chụp ảnh... với điều kiện bạn đừng phá cây, nghịch chén lấy mủ cũng như đốt lá lung tung dễ gây hỏa hoạn.
Còn nếu như muốn đi xa hơn, để có những bức ảnh lạ và đẹp hơn. Hãy tìm đến những cánh rừng cao su ở khu vực Tây nguyên. Nơi có bầu trời xanh cao xen lẫn với với màu nâu đỏ đất, của cây, màu đỏ vàng của lá, và cả làn hơn giá lạnh se se...

< Chiếc xe chở công cụ làm việc của một công nhân dọn vườn cao su.

Dulichgo
Thông tin cho bạn

- Những rừng cao su quá ẩm thấp, lá mục dầy, nước đọng... sẽ là nơi ẩn nấp của một số côn trùng gây hại, trong đó có kiến, muỗi cỏ và cả muỗi vằn Anophen (thủ phạm gây ra bệnh sốt xuất huyết). Vì thế, trước khi vào vườn, nên cẩn trọng mang theo bình xịt côn trùng loại nhỏ, và thuốc thoa chống muỗi. Tốt nhất không nên cắm trại trong rừng cao su.

- Để bảo đảm an ninh, tất cả những cung đường đi qua rừng cao su, dù đi đông hay theo nhóm cũng không nên đi sau 19g.

Theo Trần Duy (Tuổi Trẻ)
Du lịch, GO!

Tây Nguyên mùa cao su thay lá

Hướng dẫn du lịch Sin Súi Hồ

Lai Châu hiện nay, Sin Súi Hồ đang là một cái tên hấp dẫn với nhiều du khách. Đã được công nhận là điểm du lịch cấp tỉnh từ ngày 05/6/2015 theo Quyết định số 552/QĐ-UBND của UBND tỉnh Lai Châu, Sin Súi Hồ hứa hẹn là một điểm đến thú vị dành cho du khách yêu thiên nhiên và thích khám phá văn hóa vùng cao.

Bản Sin Súi Hồ nằm ở độ cao trên 1.500 mét so với mực nước biển. Nơi đây, khí hậu quanh năm mát mẻ, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, hoang sơ với những phong tục tập quán sinh hoạt đặc trưng cùng các phương thức lao động thủ công truyền thống. Người dân bản có mô hình trồng địa lan cho hoa rất đẹp, đem lại hiệu quả kinh tế. Bản Sin Súi Hồ được coi là nơi hội tụ các yếu tố, điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch cộng động một cách bền vững.

< Đường vào bản Sín Súi Hồ.

Để giúp cho hành trình khám phá điểm đến này thêm thuận lợi bạn có thể tham khảo một số tư vấn sau để có một chuyến đi thật vui vẻ và ý nghĩa.

1. Thời gian:

Bạn có thể đến Sin Súi Hồ vào bất kỳ mùa nào trong năm bởi mỗi mùa nơi đây có một vẻ đẹp riêng.
Dulichgo
- Thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán: Đây là thời điểm thu hút đông khách đến Sin Súi Hồ nhất. Thời gian này hoa địa lan đang nụ chuẩn bị nở đón tết. Khách thăm quan và mua lan từ mọi nơi đổ về bản. Cả bản giống như một vườn lan khổng lồ với hàng ngàn chậu địa lan được chăm chút đẹp nhất. Hoa mận và đào nở khắp sân vườn. Đây cũng là thời gian nông nhàn, dân bản thường ở nhà thêu thùa, may vá, trời nắng trong và ít mưa.

- Mùa hè đến Sin Súi Hồ bạn sẽ được tận hưởng cảm giác mát mẻ, dễ chịu. Quanh bản, ruộng bậc thang vào mùa nước đổ, mùa cấy rất đẹp. Đào, mận, táo mèo cho thu quả. Cây cối tôt tươi, bạn có thể trinh phục thác Trái tim, rừng già và núi cây cảnh ngay cạnh bản. Bạn cũng có thể theo chủ nhà lên nương thảo quả, bắt cá được nuôi trên đỉnh núi cao, hoặc thử cảm giác đi cấy ruộng bậc thang.

- Mùa Thu là mùa lúa vàng đẹp nhất và thảo quả đến kỳ thu hái. Sin Súi Hồ tất bật với người, ngựa, xe thồ với những gùi thải quả nặng chĩu. Cả bản sẽ lan tỏa một mùi thơm dễ chịu của thứ quả rừng quý giá này.

< Hàng hoa địa lan đón chào du khách.
Dulichgo
- Mùa đông là mùa quả hoa dã quỳ và băng tuyết. Dã quỳ nở vàng dọc lối đi, nở kín ven rừng, cùng với những gốc cây cổ thụ xù xì, lá xanh thẫm. Mùa đông ở đây rất lạnh và thường có băng, tuyết. Đến Sin Súi Hồ vào mùa này bạn sẽ ngỡ ngàng bởi vẻ đẹp giống như đang sống ở trời Âu.

2. Phương tiện và đường đi

Từ thành phố Lai Châu đến Sin Súi Hồ 33km. Xe ô tô đến 24 chỗ có thể đi được. Từ thành phố đến Thèn Sin 12km đường bằng, một số đoàn còn gồ ghề. Từ Thèn Sin rẽ phải đến ủy ban xã Sin Suối Hồ 19km, đường đèo dốc quanh co, cảnh núi rừng hùng vĩ, ruộng bậc thang uốn lượn đẹp mắt. Từ ủy ban xã vào bản 2km, đường nội bản đã đổ bê tông sạch sẽ, có thể đi xe hoặc đi bộ vào bản.

Nếu đi từ Phong Thổ qua xã Nậm Xe hoặc đi từ Bát Xát sang Sin Súi Hồ, mùa khô đi được xe máy, hoặc đi bộ qua rừng già. Mùa mưa đường lầy lội khó đi.

3. Làm gì, đi đâu?

Khi đến với điểm du lịch Sin Súi Hồ, bạn có thể:

- Thăm bản, tìm hiểu cuộc sống và văn hóa của người Mông: Bản Sin Suối Hồ có hơn 100 ngôi nhà trình tường, lợp ngói truyền thống của người Mông. Mỗi ngôi nhà lại được gia chủ chăm chút theo cách riêng của mình bằng cây xanh, cây ăn quả và những chậu hoa lan rừng. Người Mông ở đây vẫn giữ những bản sắc văn hóa truyền thống độc đáo thú vị. Bạn có thể dành một buổi sáng để đi thăm bản, thăm nhà dân để tìm hiểu văn hóa của người Mông ở đây. Bạn sẽ tìm thấy nhiều góc hình đẹp để chụp ảnh.

< Thiếu nữ tự làm trang phục.

- Ăn, nghỉ tại nhà dân - trải nghiệm cuộc sống vùng cao: Hiện nay, ở  Sin Suối Hồ đã có 6 hộ gia đình có thể phục vụ khách du lịch ăn, nghỉ tại nhà. Các gia đình đã chủ động học hỏi, đầu tư trang bị vật dụng, xây dựng nhà vệ sinh phục vụ khách du lịch. Mỗi gia đình có thể phục vụ 8-10 khách/ngày, đảm bảo an ninh, anh toàn tuyệt đối cho khách nghỉ tại nhà. Bữa trưa bạn ăn tại bản với các món ăn được chế biến theo cách rất riêng của người Mông nhưng rất ngon miệng từ lợn cắp nách, gà đồi, cá nuôi trên núi cao và các loại rau rừng. Ở Sin Súi Hồ có loại rượu thóc đặc sản rất ngon.

Lưu ý: Nếu bạn không thích hoặc không ăn được thảo quả cần báo lại với chủ nhà vì mọi món ăn của người dân đều có vị thảo quả.

< Thác Tổ Ong.
Dulichgo
- Buổi chiều bạn sẽ được chủ nhà dẫn đi thăm thác Trái tim. Thác cách bản hơn 1km đường rừng núi, bạn phải đi bộ khoảng 45 phút, đường rừng mát mẻ. Dân bản đã chủ động mở con đường mòn để đến thác. Thác Trái tim rất đẹp với hai dòng nước chảy quanh một tảng đá to hình trái tim nằm kẹp giữa khe núi. Thác quanh năm có nước, dưới chân thác tạo thành một hồ nhỏ, nước mắt lạnh, có thể tắm được. Bạn sẽ không về theo lối cũ mà xuống núi theo đường mòn nhỏ ven suối.         - Buổi tối nếu nghỉ lại bản bạn sẽ được giao lưu văn nghệ, đốt lửa trại với người dân. Đội văn nghệ của bản là những chàng trai, cô gái xinh đẹp, bạn sẽ được thưởng thức những tiết mục ca, múa, biểu diễn nhạc cụ truyền thống rất vui vẻ và thú vị.

< Thác trái tim của bản Sin Súi Hồ.

- Ngày thứ hai ở bản có hai sự lựa chọn cho bạn. Bạn có thể cùng chủ nhà khám phá hệ sinh thái rừng già trên núi cao, thăm nương thảo quả và tìm hiểu cách chăm sóc thảo quả của người dân. Cảnh quan trong rừng rất đẹp với nhiều cây cổ thụ, những dòng suối, thác nước quanh năm nước trong vắt, các loại hoa dại và lan rừng vẫn còn rất nhiều.

Bạn cũng có thể cùng dân bản trinh phục ngọn núi “cây cảnh” ngay cạnh bản. Trên đỉnh núi có rất nhiều cây rừng lạ, với gốc lớn, vỏ xù xì, tán lá rộng nhưng chiều cao của cây rất thấp, chỉ trên dưới 1m. Nhiều du khách đặt tên cho núi là “rừng bon-sai”.

Lưu ý: Nếu bạn đi rừng già hoặc leo núi “cây cảnh” cũng mất thời gian là 1 ngày. Bạn cần chuẩn bị sức khỏe, tư trang đầy đủ và cùng gia đình chuẩn bị bữa ăn trưa để ăn dọc đường.

- Ở xã Sin Súi Hồ còn có một địa điểm nổi tiếng đó là đỉnh núi Bạch Mộc Lương Tử, đây là đỉnh núi cao thứ 3 của Việt Nam và cũng là của Đông Nam Á. Nếu xuất phát từ bản, bạn cần nhờ người dân đi cùng để dẫn đường mang đồ. Từ bản Sin Súi Hồ, đi xe máy khoảng 10km để đến bản Dền Sung tập kết và xuất phát đi bộ từ Dền Sung. Để trinh phục Bạch Mộc Lương Tử bạn cần đi theo đoàn, chuyến đi sẽ mất ít nhất 3 ngày 2 đêm. Bạn cần chuẩn bị đầy đủ tư trang, lương thực, túi ngủ và sức khỏe để bắt đầu hành trình. Bạn hãy yên tâm về những người đồng hành bản địa vì họ rất có kinh nghiệm, rành đường đi rừng này.

4. Những lưu ý khi du lịch Sin Súi Hồ
Dulichgo
- Vì đây là xã vùng biên nên bạn cần thông báo qua chính quyền xã. UBND xã ở ngay đầu bản, chính quyền nơi đây rất quan tâm chú trọng phát triển du lịch lên thủ tục sẽ rất đơn giản và thuận lợi nhất là đối với khách Việt Nam. Nếu đoàn khách nước ngoài, bạn cần có đầy đủ giấy tờ tùy thân cần thiết, cần thông báo danh sách đoàn trước lên xã để chính quyền và biên phòng biết. (Bạn có thể liên lạc trước với Trung tâm Thông tin Xúc tiến du lịch Lai Châu để được hướng dẫn và giúp đỡ. Số điện thoại liên lạc: 02313.794.628, liên lạc vào giờ hành chính).

< Đồ lưu niệm là những món hàng thủ công truyền thống do người dân tự làm.

- Vì thời tiết ở Sin Súi Hồ rất đặc biệt, một ngày có 4 mùa lên bạn cần chuẩn bị quần áo, giày dép đảm bảo. Bạn nên mang theo cả quần áo mát và áo ấm kể cả vào mùa hè.

- Nếu bạn muốn leo núi hoặc trinh phục Bạch Mộc Lương Tử, bạn cần chuẩn bị đồ dùng tư trang cần thiết để có thể ăn dọc đường và nghỉ qua đêm trong rừng như: lều trại, đồ dùng cá nhân; đồ ăn, nước uống đủ dùng; các loại thuốc và dụng cụ y tế như: chống côn trùng, thuốc đau bụng, cảm cúm, băng, gạc… Và bạn đừng quên máy ảnh với pin và thẻ nhớ dự phòng, vì Sin Súi Hồ có đủ cảnh để làm hết pin máy ảnh hoặc điện thoại của bạn.

 5. Thông tin liên lạc

- Bạn có thể tham khảo thông tin, lịch trình qua Trung tâm Thông tin và Xúc tiến du lịch Lai Châu: 02313.794.628

- Để thông báo danh sách đoàn và lịch trình, bạn có thể liên hệ trực tiếp với Đồng chí Hòa - Chủ tịch UBND xã Sin Súi Hồ:        0978.288.607

- Số điện thoại các hộ gia đình làm Homestay tại bản:

Nhà anh Vàng A Chỉnh (trưởng bản): 0912.019.475
Nhà anh Hảng A Sà: 0947.128.875
Nhà anh Chang A Chinh: 01656.201.939
Nhà Vàng A Lai: 01255.652.127
Nhà anh Vàng A Dế: 0942.941.930
Nhà anh Sùng A Sỉnh: 0915.343.201

Hãy đến du lịch Sin Súi Hồ để tận hưởng không khí trong lành tinh khiết mà tạo hóa đã ban cho vùng đất này, cùng khám phá cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, hùng vĩ của tự nhiên, bản sắc văn hóa truyền thống vô cùng độc đáo của người dân vùng cao. Chúc bạn có một chuyến đi thật vui và nhiều ý nghĩa./.

Theo Minh Châu (Dulich Taybac)
Du lịch, GO!

Hụt hẫng với những thay đổi trên đường leo Fansipan

(iHay) - Cách đây 3 năm, đúng với mục đích nghe có vẻ lớn lao là 'chinh phục thử thách, vượt qua bản thân', tôi đã leo Fansipan.

< Fansipan 3 năm trước vẫn còn những cái lán dựng lên giản dị, hoang sơ (đơn sơ chứ).

Ngày đó, Fansipan không phải quá xa lạ với nhiều người. Nhưng tôi nhớ rất rõ, con đường Sín Chải - Trạm Tôn còn rất nhiều cảnh hoang sơ. Đến điểm trại 2.200m còn nằm trong lều, túi ngủ, đêm đêm nghe mưa gió gào thét rồi nước mưa ướt tóc. Có kẻ buồn tè không dám đi vì sợ ma. Điểm trại 2.800m có cái lán nhỏ cả lũ ngồi túm lại hơ tay hơ tất cho khỏi lạnh. Những trải nghiệm đầu tiên leo một ngọn núi cao dường như rất ấn tượng.

< Điểm trại 2.200m...

Và rồi cách đây một tháng, tôi leo lại Fansipan. Cảm giác hụt hẫng là không tránh khỏi. Suốt đầu quãng đường leo, tôi chỉ im lặng và cảm thấy chán. Người nối người đi như trẩy hội. Đông vui như kiểu người ta đi lễ chùa Hương vậy.

< ... và 2.800m là một triền đất rộng dựng vài cái lán. Người leo núi đêm phải nằm túi ngủ trong lều (ảnh chụp năm 2012).
Dulichgo
Cái nét hoang sơ, vắng lặng của rừng già không còn thấy nữa khi bao con người chen chúc nhau từng bước leo mà đi. Loa đài ầm ĩ nào nhạc Sơn Tùng M-TP, nhạc dance các kiểu cũng bật trên đường.

< Những ngôi nhà mái tôn kiên cố được dựng lên ở điểm trại 2.200m khiến Fansipan không còn mang hình ảnh của một cánh rừng hoang sơ nữa.

Đến điểm trại 2.200m, tôi càng bất ngờ hơn trước những ngôi nhà tường gạch mái tôn kiên cố đã xây lên. Sàn gỗ rất khang trang sạch sẽ. Biết là phát triển để đáp ứng nhu cầu, nhưng tôi thực sự bị hụt hẫng.

Tôi thấy Fansipan - chàng trai hoang dã mà mình từng quyết tâm chinh phục ngày nào, giờ chẳng khác gì một anh chàng chịu khoác lên mình bao tấm áo để chiều lòng mọi người, để khai thác du lịch.

< ”Lán trại” ở điểm trại 2800m rất khang trang, tiện nghi.

Và điểm trại 2.800m, còn ngạc nhiên hơn khi mấy ngôi nhà dựng lên y chang cái nhà nghỉ, có phòng riêng hẳn hoi. Tôi chui vào cái lán bếp, ngồi nhóm lửa hong tay, sao mà nhớ cái cảm giác cùng bạn bè chen chúc ngồi trong lán, nước mắt nước mũi tèm lem vì khói, vì gió rừng thổi hắt.
Dulichgo
Cả những porter (người mang hành lý và chỉ đường) người Mông đi rừng, có lẽ họ cũng đổi thay. Tôi nhớ chàng porter Mông còn ngại ngùng bẽn lẽn khi tôi và cô bạn thân hỏi thăm: “Anh bao tuổi rồi? Đã có vợ con gì chưa?”. Anh lí nhí trả lời: “Có con học lớp 3 rồi”.

< Nỗi lo lắng của anh chàng porter A Sinh – các anh sẽ làm gì để sống?

Thế rồi, 3 năm sau tôi gặp lại chàng Mông này, không còn cái nét ngại ngùng ngày xưa. Anh nhanh nhẹn hơn, thậm chí chủ động làm quen và "dẻo miệng" hơn. Tôi hỏi lại câu hỏi 3 năm trước: “Anh Mông có vợ con gì chưa?”. Anh nhìn tôi cười cười, rồi bảo: “Thì mới cưới cách đây mấy tháng thôi. Còn trai trẻ lắm!”. Tôi sững sờ hồi lâu. Chẳng hiểu lời nói dối từ mấy năm trước hay là bây giờ? Cái nét thật thà của anh, tôi cứ cảm thấy đã bị thời gian làm vơi bớt đi đâu mất rồi.

< Ga cáp treo lên đỉnh Fansipan đang xây dựng.

Tôi có nói chuyện với porter tên A Sinh, về cái dự cảm sau này Fansipan sẽ đông người và công việc của các anh sẽ ra sao khi cáp treo sẽ thay thế đôi chân của người đi rừng. Anh cũng ngậm ngùi nói rằng, có lẽ lúc đó porter ở Fansipan phải chuyển nghề mất thôi. Rồi những người ham leo núi họ sẽ bỏ rơi Fansipan, mà lang thang tìm đến dãy Bạch Mộc, tìm đến Lảo Thẩn, Nhìu Cồ San, Tà Sùa, hay Tả Liên,… Lúc đó, các anh sẽ làm gì để sống? Lang thang khắp thị trấn Sa Pa và bán đồ rong?

< Nhà ga cáp treo nhìn từ lưng chừng đường núi.
Dulichgo
Những bước chân cuối cùng khi leo lên đỉnh Fansipan, tôi như kẻ khờ khạo thấy thèm một tiếng chim hót, tiếng gió ngàn, tiếng những cành trúc lao xao thay vì tiếng động cơ máy, tiếng ròng rọc kéo những chiếc cáp thử nghiệm trên không. Và rồi nhìn thấy cảnh tượng từng bậc cầu thang xây khang trang trên đường lên đỉnh, tôi hụt hẫng không tả nổi.

< Song song với việc xây dựng cáp treo, đường dây điện cũng được thi công trên khu vực này.

Ngày trước, những bước chân cuối cùng là dốc, là quyết tâm vượt qua để chạm tay cột mốc. Giờ là bậc thang dễ đi, mà sao tôi thấy nó xa lạ đến thế!

Có lẽ nào, người ta sẽ tiếp tục xây thêm vài cái chùa, rồi tạc vài cái tượng, rồi hòm công đức, rồi tiền lẻ rơi đầy của các bà các chị leo Fansipan để đi lễ không nhỉ? Rồi đây, chàng trai hoang dã Fansipan của lòng tôi sẽ ngủ yên đó, im lìm mãi, để chiều lòng tất cả mọi người?

< Đại công trường trên đỉnh Fan.

Tôi vẫn yêu Fansipan. Nhưng có lẽ, tôi sẽ tìm kiếm những đỉnh núi khác, bớt dấu chân người và cái nhịp nhộn tung hô của bao người đi leo núi như trẩy hội. Ai đó nói tôi là kẻ ích kỉ đi. Vì vốn dĩ thứ tình cảm đó là ích kỷ mà.

Tôi muốn những gì thuộc về thiên nhiên thì hãy để nó được vẹn nguyên. Để cái nét hùng vĩ, kiêu hãnh với cái tên “nóc nhà Đông Dương” được trở thành một đỉnh cao đáng tự hào của dãy Hoàng Liên Sơn.

< Dùng mìn phá đá để xây dựng trụ cáp treo tại độ cao hơn 3.000m. Mỗi lần đi qua khu vực này các công nhân cũng như các du khách khám phá đỉnh Fansipan phải chờ gió lặng, quan sát những viên đá không rơi xuống thì bắt đầu đi thật nhanh qua.
Dulichgo
Để tôi, và những người bạn của tôi luôn tự hào khi bàn tay chạm nóc, luôn hạnh phúc khi được hòa mình với rừng núi Hoàng Liên hoang dại và đầy kiêu hãnh. Để những đứa trẻ khi học địa lý, ước mơ về một lần được chinh phục đỉnh núi cao nhất Việt Nam ấy như một điều ước đầy quyết tâm, chứ không phải cái tặc lưỡi: “Bỏ ra 500.000 đồng, leo lên cáp treo ngồi một lúc thôi là lên đến đỉnh ấy mà. Dễ ợt!”.

< Ngoài tuyến cáp treo lên đỉnh Fansipan còn có các công trình phụ trợ như khu vui chơi giải trí và khách sạn đạt tiêu chuẩn quốc tế; công viên văn hoá tâm linh cùng các dịch vụ du lịch khác…

Và để, những người Mông làm porter không còn lo sợ vì một ngày nào đó họ sẽ nheo nhóc vì không còn ai cần họ nữa. Để họ vẫn còn được tiếp tục làm bạn với núi, tiếp tục giúp đỡ những đoàn leo núi thực hiện ước mơ chinh phục đỉnh cao.

Hôm nay, tôi tạm biệt cái chóp inox đã từng khiến bao kẻ điên đảo động viên chính mình phải cố gắng để chinh phục. Fansipan, chàng trai hoang dại, anh hãy cứ nằm lặng nơi sâu thẳm núi rừng, hát khúc ca kiêu hãnh nơi mây gió đại ngàn. Vì dù rằng cáp treo có xây, bao con người làm anh đau đớn thì em vẫn giữ tình yêu chân nguyên với anh. Thứ tình yêu đầu tiên cho ngọn núi đầu tiên em chinh phục! Chào anh, Fansipan!

Theo Hạnh My, ảnh: Hachi8 (iHay.Thanhnien)
Du lịch, GO!
* LTS: Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả, là một bạn trẻ yêu thích du lịch khám phá, đang làm việc tại Hà Nội.

Sống chậm ở xứ Mường

(ANTĐ) - Dù cho “Chậm” không phải là chậm như trong lời kể của người dân xứ Mường, nhưng với bất cứ ai từng có lần đi qua Mường Chậm (Hòa Bình) chắc sẽ chẳng bao giờ muốn đi nhanh.

Mường Bi, xứ Mường nổi tiếng và lớn nhất trong các xứ Mường xưa ở Hòa Bình (nhất Bi, nhì Vang, tam Thàng, tứ Động) nay là vùng đất rộng lớn với nhiều thung lũng trù phú, bằng phẳng thuộc huyện Tân Lạc. Nơi đây không chỉ là cái nôi của văn hóa Mường Hòa Bình mà còn lưu giữ nhiều điều hấp dẫn.

Nơi cao nhất và cũng “trẻ” nhất của Mường Bi nằm ở độ cao trên 1.200m so với mặt nước biển, Mường Chậm còn có tên gọi khác là Lũng Vân hay Thung Mây, nơi quanh năm mây mù bao phủ đúng như cái tên của nó.

Những làn mây mỏng tang quanh năm bay là là chờn vờn thung vắng. Không khí mát mẻ do ba mặt được bao bọc bởi ba dãy núi: núi Trâu, núi Pó, núi Tiên khiến cho vùng đất này xưa nay vẫn vắng bước chân du khách.

Mường Chậm mà không chậm. Bởi nếu theo tiếng Mường thì từ “chậm” hoàn toàn không có nghĩa. Còn nếu hiểu theo tiếng phổ thông thì như người già ở xứ này giải thích: chữ “chậm” này không phải là nhanh hay chậm, và cho đến này nay vẫn không ai biết được tại sao và tự bao giờ, người dân xứ Mường nơi đây lại gọi vùng đất này là Mường Chậm.
Dulichgo
Đường đi Mường Chậm không hề “chậm” bởi nó gần và lại dễ đi. Cả chặng đường chỉ có một con dốc Mun nối với Cổng Trời và vài vòng cua như chỉ để làm cho tay lái bớt đi phần lười nhác. Từ thành phố Hòa Bình đi chừng 30 km đến Tân Lạc rồi cứ theo quốc lộ 6 mà đi thêm chừng 4km đến ngã ba chợ Lồ, rẽ trái qua núi Cột Cờ rồi cứ thẳng theo con đường ấy mà đi thêm 10km nữa là đến với vùng đất cao nhất xứ Mường Bi.

Thung lũng Mường Chậm nằm dưới chân của những ngọn núi cao nhất xứ Mường. Một bên là khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Sơn - Ngổ Luông, nơi có đường cắt ngang đỉnh núi thông sang huyện Bá Thước, Thanh Hóa. Một bên có đường đi Quốc lộ 15C để ngược Mai Châu hoặc xuôi về Mường Lát. Cũng bởi con đường bằng phẳng, không xa mà lại dễ đi nên nhiều người thích khám phá thiên nhiên, nhiều du khách vẫn thường chọn qua đây bằng xe đạp để có thể thảnh thơi, túc tắc vừa đi vừa ngắm cảnh ở nơi đẹp nhất xứ Mường.

Bởi ở Mường Chậm, Lũng Vân, cả thung lũng mây hoàn toàn yên tĩnh, thưa vắng bóng người, chỉ thấp thoáng bóng nhà sàn lấp ló xen lẫn trong mây. Cảnh sắc, thiên nhiên, bản làng tĩnh lặng, yên ả mà không hoang lạnh bởi hòa lẫn trong mây là những nếp khói lam chiều. Người Mường vốn ít tò mò về người khác và lại thân thiện, dễ gần. Gặp ai cũng chỉ thấy họ khẽ nhoẻn miệng cười. Nếu có hỏi han, nhờ vả họ cũng chẳng ồn ào mà vẫn nhiệt tình giúp đỡ.
Dulichgo
Mường Chậm nhiều đời nay vẫn thế. Từ thung lên núi có nhiều bản Mường nhưng lại thưa thớt dân cư. Cuộc sống nhẹ trôi qua mấy trăm năm mà cảnh vật, con người cũng không nhiều thay đổi. Mường Chậm quả đúng là vùng đất “chậm”.

Theo Vũ Thanh (An Ninh TĐ)
Du lịch, GO!