(TTO) - Nghĩ đến cao nguyên Đồng Văn (Hà Giang) là nghĩ ngay đến núi tai mèo và đá xám xít lô nhô như thạch trận. Ít người rời khỏi con đường Hạnh Phúc để thấy trên cao nguyên ấy còn có những góc trời màu xanh.
< Chiếc vòng ngọc - đường vào Bạch Đích.
Tôi nhớ quãng năm 2008 khi ngồi trên chuyến xe khách cuối năm lên chợ phiên Đồng Văn, tôi có lấy số điện thoại của một người lính biên phòng Bạch Đích nhưng chưa bao giờ có dịp ghé chơi. Ngày thực hiện được giấc mơ Bạch Đích, người lính đã rời đồn từ bao giờ, số điện thoại không còn liên lạc được, tháng năm vật đổi sao dời. Chỉ có những ngọn núi vẫn in hình trên nền trời, ruộng bậc thang xanh rợp người và những con đường đi về mê mải.
< Trên cột mốc 358.
Tôi lại thấy mình được bay trên những giấc mơ hoang.
Đường lên cột mốc 358
Dulichgo
Không biết bao nhiêu lần tôi đã đứng trên con đường Hạnh Phúc nhìn xuống chiếc vòng ngọc trai đi về Bạch Đích, tự nói với mình, nói với bạn đồng hành nhất định sẽ có ngày...
Ngày ấy hôm nay đã đến, qua một khúc cua, lên ngang lưng chừng con dốc, đột nhiên có một ngã ba đường. Đi về phía tây, về phía Bạch Đích, nơi ấy có mốc 358 nằm trên đường biên giới Việt -Trung.
< Bức họa vùng cao.
Đồn biên phòng Bạch Đích cũng giống như đồn biên phòng Xín Mần (Hà Giang), đồn biên phòng Trình Tường hay Pha Long (Lào Cai), nằm trên một đỉnh núi cao nhìn ra bốn phía là giang sơn hoa lệ, núi rừng hùng vĩ, mây trời biếc xanh, những căn nhà quét vôi vàng ấm áp, khoảng sân đánh bóng chuyền sạch sẽ và những bồn hoa ngăn nắp...
Tôi buột mồm nói với anh Minh chính trị viên rằng sao cảm giác ở đồn biên phòng nào cũng thấy giống nhau lạ lùng!
< Lên nương.
Tôi lúc nào cũng thấy rưng rưng mỗi lần nhìn lên khẩu hiệu “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”. Có một thứ tình cảm không cắt nghĩa được và thật lòng tôi không bao giờ muốn cắt nghĩa cảm xúc ấy.
Nói về việc nhiều người dân muốn đến cửa khẩu Bạch Đích, tham quan cột mốc 358 (thường được gọi là mốc 9), dự chợ phiên cửa khẩu Bạch Đích vào ngày Thân hoặc ngày Dần hằng tháng, anh Minh cho biết đồn không có quy định nào ngăn cản hay hạn chế người dân đến với vùng sâu biên giới với mục đích du lịch hay công việc.
< Phố xá miền biên.
Tuy nhiên, để đảm bảo an ninh và hỗ trợ kịp thời khi cần, đồn có yêu cầu người dân từ nơi khác đến đây phải qua đồn trình báo về bản thân, hành trình và mục đích.
Dulichgo
Anh Minh tiễn chúng tôi đi bằng nụ cười ấm áp và niềm tin về hai cô gái yêu Hà Giang như quê hương thứ hai, những người chắc chắn không bao giờ nói rằng “sẽ không quay trở lại vùng đất này”. Trời Bạch Đích lúc nắng, lúc mưa. Mây mù khi dâng, khi hạ. “Đồn là nhà” đã ở lại phía sau lưng, trước mặt chúng tôi là đường đi mốc 9.
< Sắc màu trên cao nguyên.
Chợ bản Muồng họp ngay trên đường cái quan, những cột tre chống bạt che mưa xông ra tận giữa tim đường. Thấy xe chúng tôi qua, lần lượt từng chủ hàng người dân tộc Tày, Nùng, Dao hay Cơ Lao, Mông, Hán đều dừng việc bán hàng để dẹp đường cho xe qua.
Một anh chàng người Mông vừa mua được mấy con lợn giống đang say sưa khoe với bạn giữa đường cũng vội vã rời đi, người khác thu gọn mấy chiếc xe máy. Chỉ dăm ba việc lặt vặt vậy thôi mà chúng tôi đã thấy thật ấm lòng.
< Chợ cửa khẩu Bạch Đích ngày không phiên.
Đường lên mốc 9 thênh thang. Đã ở lại phía sau những rừng thông vi vu gió lộng, những đồi cỏ mênh mang, những bản làng xinh xinh nép mình vào núi đá. Chỉ có ai đã đi và yêu mảnh đất địa đầu này mới hiểu vì sao đường xa ngái và gập ghềnh biên ải lại luôn ẩn giấu trong mình một sức hút lạ kỳ với dân đi.
< Lữ khách.
Dulichgo
Chợ cửa khẩu ngày không phiên, không có váy mới, áo hoa, không khăn quàng rực rỡ. Đồng bào hôm nay không xuống chợ, để những gian hàng lợp mái đỏ nằm im, không có tiếng bếp lò reo, tiếng mỡ sôi trong chảo, không tiếng lợn ụt ụt và tiếng người lao xao, lao xao.
Tôi đứng im lìm nhìn vào cột mốc đá hoa cương vẫn còn đang ướt nước mưa, xung quanh cửa khẩu gạch gỗ ngổn ngang, không có hàng rào ranh giới vật lý chính xác nào nhưng ở phía bên ấy đã là nước bạn. Để xây lên được cột mốc này, cho chúng tôi hôm nay, hẳn đã có rất nhiều người ngã xuống...
Góc trời màu xanh
< Cột mốc 358.
Tạm biệt cột mốc 358 một ngày mưa giăng và vắng lặng, chúng tôi tiếp tục hành trình trên con đường biên đi về Phú Lũng rồi quành qua Thắng Mố, Sủng Cháng, Sủng Thài, một loạt xã nằm rất sâu bên trong núi, cách xa đường hạnh phúc 4C. Dễ đến năm năm mới tìm lại cảm giác chỉ có một mình ta trên đường độc đạo. Không xe tải, không xe máy, không đoàn này, nhóm nọ. Thi thoảng mới gặp người dân tộc đi ngược chiều. Thênh thang giữa đất và trời, giữa cỏ cây và núi đá.
< Phía tây cao nguyên đá.
Phía tây của cao nguyên đá, lúa xanh rợp trên những thửa ruộng bậc thang, những thung lũng hiếm hoi bắt đầu ngả vàng, thứ màu của ấm no và trù phú. Không chỉ có Mù Căng Chải mới được choáng ngợp bởi lúa, không phải Đồng Văn chỉ có đá tai mèo.
Dulichgo
Ở đây, trên con đường liên xã nối Phú Lũng với Thắng Mố và Sủng Cháng có một, mà không, có nhiều góc trời màu xanh với núi đá lô xô và lưng lúa ngút ngàn. Tôi tự bảo mình là thực, không phải mơ, có một Hà Giang rất khác vừa căng tràn no đủ, vừa lặng lẽ mơ màng.
< Đi học.
Con đường bất ngờ rộn ràng bởi lũ trẻ đang di chuyển từ nhà ra trường nội trú. Chúng bẽn lẽn che ô và giấu mặt khi gặp khách lạ tay lăm lăm máy ảnh, tôi bèn buông tay và cất tiếng hỏi, một vài cô bé dạn hơn đi qua rồi vẫn ngoái lại trả lời. À thì ra đã hết cuối tuần về chơi nhà, phải quay lại trường thôi vì mai sẽ là thứ hai.
Tôi nhìn theo đám trẻ ngỡ như tiếng bước chân chúng đang đập rộn ràng trong ngực trái, như tiếng bước chân bọn trẻ con trên đèo Mã Pí Lèng mùa xuân năm nào. Đã có rất nhiều những mùa yêu. Hai mươi mùa yêu nữa khi quay lại, có chắc rằng tôi sẽ bước những bước rộn ràng như người đàn ông đi nương ở Thắng Mố hôm nay?
Theo Thủy Trần (Du lịch Tuổi Trẻ)
Du lịch, GO!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét