(NLĐ) - Dãy núi Ngọc Linh vốn được xem như mái nhà miền Nam Việt Nam, mang nhiều sự tích kỳ bí được nhóm bạn trẻ đam mê khám phá chinh phục.
Hành trình chinh phục
Những ngày cuối mùa khô Tây Nguyên, chúng tôi có dịp cùng các nhóm phượt Kon Tum, ĐKL (TP HCM) và nhóm du lịch bụi Nha Trang chinh phục đỉnh Ngọc Linh.
Sau khi chuẩn bị đồ dùng cần thiết và được chính quyền huyện Đắk Glei, tỉnh Kon Tum cho phép, chúng tôi bắt đầu hành trình chinh phục đỉnh Ngọc Linh. Đúng 8 giờ, 16 thành viên trong đoàn xuất phát từ xã Ngọc Linh, huyện Đắk Glei. Chúng tôi thuê 5 người vừa dẫn đường vừa mang hộ đồ dùng (còn gọi là poster) cho cả nhóm.
Qua làng Long Năng, làng xa nhất của xã Ngọc Linh, theo những bờ ruộng bậc thang, chúng tôi đi sâu vào chân núi. Qua một vài con dốc nhỏ, rừng cây đã bắt đầu rậm rạp và độ dốc cũng tăng dần.
Khi GPS báo độ cao 1.600 m, nhiều người đã thấm mệt nên cả đoàn nghỉ chân, tranh thủ ăn xôi vừng, trứng gà để “nạp năng lượng” cho chặng đường chông gai phía trước.
Dulichgo
Lên tới độ cao gần 2.000 m, chúng tôi phải vượt qua một thác đầy đá. Những tảng đá rêu bám dày nên bất cẩn là bị trượt ngay. Bên kia thác là vách đá cheo leo, rất nguy hiểm. Để vượt qua đoạn này, đoàn phải dùng dây thừng cột lại rồi đu người xuống.
< Con đường dẫn lên núi với những thửa ruộng bậc thang tuyệt đẹp.
Đến gần 13 giờ, chúng tôi nghỉ chân lần hai. Cả đoàn ai cũng thấm mệt, riêng 5 poster thì vẫn chưa “xi nhê” gì mặc dù phải cõng hàng nặng nhất.
Sau khi vượt qua hang núi, đoàn đến đỉnh núi phụ - nơi dự định nghỉ đêm. Tại đây, một nhóm chuẩn bị củi, nấu đồ ăn tối, dựng lều. Nhóm khác gồm những người có sức khỏe, kỹ năng tiếp tục vượt lên đỉnh núi chính - đích cuối cùng của chuyến đi để đặt cột mốc.
Để lên được đỉnh núi phải vượt qua con dốc dài khoảng 1 km với độ dốc cao và hiểm trở. Cả đoạn này không có chỗ nào bằng phẳng, mỗi người phải chọn cho mình một gốc cây để tựa vào nghỉ tạm. Để xuống được con dốc, không còn cách nào khác là lết từng mét một.
Niềm tự hào trên độ cao 2.605 m
Lên tới đỉnh dốc, sau khi chọn được vị trí chôn cọc để cố định chóp, chúng tôi bắt tay vào việc phát quang. Anh Nguyễn Hồng Thiên, trưởng nhóm phượt ĐKL, đại diện thắp nhang xin phép thổ địa rồi đóng cọc sắt sâu 1 m, dùng 10 kg xi măng với 20 kg cát mang theo cố định cọc. Đúng 17 giờ 36 phút, chúng tôi hoàn thành việc gắn chóp inox ở độ cao 2.605 m trong niềm vui sướng, tự hào.
Mọi việc hoàn thành, các thành viên xuống phụ cả đoàn dùng bữa tối mà nhóm ở dưới đã chuẩn bị sẵn. Quây quần bên bếp lửa, cả đoàn cùng chia sẻ những trải nghiệm trong hành trình đã trải qua.
Trong câu chuyện, poster A Mát (làng Nông Năng, xã Ngọc Linh) kể về một chuyến lên núi Ngọc Linh bẫy chuột. Vì trời sương mù dày đặc, trong rừng rậm rạp nên A Mát bị mất phương hướng, không tìm được đường ra. Sau 5 ngày ăn rau rừng, uống nước suối, cuối cùng anh cũng tìm được đường trở về với dân làng.
Dulichgo
Theo A Mát, người dân sống dưới chân núi Ngọc Linh vẫn đang lưu giữ những câu chuyện huyền bí nơi núi non trầm mặc này, như chuyện về “hẻm núi chết” hay còn gọi là “thung lũng Ngọc Rêu”. Một khi ai đã đặt chân đến đây chỉ bỏ mạng do không tìm được lối ra.
< Đỉnh núi Ngọc Linh được gắn chóp ở độ cao 2.605 m so với mực nước biển.
Thời kháng chiến cứu nước, nơi đây là nỗi khiếp sợ của quân định, chôn xác nhiều máy bay. Sự bí ẩn của “hẻm núi chết” khiến nhiều phi công địch đặt cho nó cái tên khác là “vùng xoáy lạ”, một nơi không thể bay tới. Cũng vì thế, người dân địa phương tin rằng núi Ngọc Linh không thể chinh phục.
Tuy nhiên, ngày hôm nay, đến đỉnh Ngọc Linh gắn chóp, A Mát đã dần thay đổi suy nghĩ của mình. Cùng với sự thay đổi của A Mát là niềm tự hào của chúng tôi khi đã góp sức gắn chóp cho ngọn núi thiêng liêng, kỳ bí. “Khi gắn chóp xong cảm giác lâng lâng thật khó tả” - anh Nguyễn Văn Thịnh, thành viên nhóm phượt Kon Tum, bày tỏ.
Trong màn sương đêm với không khí se lạnh, chúng tôi nằm nhắm mắt cảm nhận từng âm thanh, hơi thở của núi rừng rồi chìm trong giấc ngủ. Đến 2 giờ sáng, một số người trong đoàn tỉnh giấc, lại gần đống lửa sưởi ấm, đun nước nấu cà phê chờ trời sáng.
Dulichgo
Đến khoảng 6 giờ, một số người đã lên đỉnh chiều hôm trước cùng với những người chưa lên đỉnh tiếp tục vượt dốc lên đỉnh Ngọc Linh. Tại đây, một số người chụp ảnh lưu niệm, treo cờ Tổ quốc lên ngọn cây thông cao nhất.
Đứng trên đỉnh Ngọc Linh, giữa bao la đất trời, mọi thứ trở nên thật nhỏ bé. Mặc dù đã xác định đây là đỉnh cao nhất của dãy núi Ngọc Linh nhưng khi nhìn về hướng Quảng Nam vẫn cảm giác có một đỉnh núi khác cao hơn. Tuy nhiên, khi hẹn các poster lần sau chinh phục đỉnh này thì những người này từ chối.
Đến 8 giờ sáng, khi sương mù còn bão phủ rừng già, loài hoa đỗ quyên trắng vẫn đọng những giọt sương đêm, chúng tôi dọn dẹp đồ đạc, vệ sinh nơi hạ trại rồi xuống núi.
Với phương châm không để lại gì ngoài những dấu chân, tất cả rác thải như túi ni-lông, chai, lọ… chúng tôi đều gom lại mang xuống chân núi, trả lại vẻ thâm u vốn có từ ngàn đời của rừng già.
Theo Hoàng Thanh- Nguyễn Thịnh (Người Lao Động)
Du lịch, GO!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét