Dù không rành ngôn ngữ bản địa nhưng cũng không quá khó để chu du trên đất Lào. Đi “bụi” sang đây vẫn có cảm giác như đang lang thang trên dải đất hình chữ S. Thỉnh thoảng lại gặp vài người Việt xa xứ, hay vài người bạn Lào mới quen, dù không nói được tiếng Việt nhưng bạn cũng lơ lớ câu “Việt Nam- Lào là anh em” nghe thật ấm lòng nơi đất khách. Champasack- nằm ở phía Nam của Lào- là một trong những nơi như thế.
Champasak là một đơn vị hành chính cấp tỉnh của Lào, có dòng Mekong chảy qua, trông khá giống các tỉnh miền Tây Nam Bộ như An Giang, Cần Thơ. Nhưng do địa hình đất cao, ít sông ngòi nên khí hậu của Champasack gần giống Tây Nguyên hoặc miền Trung của Việt Nam hơn. Mùa này, thời tiết khá oi bức. Có khi chạy hàng chục cây số, hiếm thấy một con rạch hay ao hồ chứa nước.
Con đường vùng nông thôn nắng chang chang, hai bên khô cằn sỏi đá, những khu nhà gỗ thưa thớt dân cho du khách cảm giác như đi ngang qua miền viễn Tây thường thấy trong các bộ phim cao bồi Mỹ. Nhưng đến Pakse, thủ phủ tỉnh Champasack, mới thấy được sự trù phú, sung túc của vùng đất này.
Dulichgo
Pakse nằm dọc bờ sông Mekong thơ mộng với nhiều ngõ ra vào, tiếp giáp với cả ba nước Việt Nam, Campuchia và Thái Lan. Đường sá đi lại thuận tiện. Từ Pakse muốn sang Campuchia hoặc Thái Lan, chỉ cần di chuyển 40-50km là tới cửa khẩu. Champasack có những khách sạn năm sao, resort, sân bay quốc tế… và cũng có rất nhiều nhà nghỉ, khách sạn nhỏ phục vụ khách bình dân.
< Chợ Pakse – thành phố Pakse – tỉnh Champasak - Lào.
Dulichgo
Thậm chí trong một khách sạn lớn giá trên 100 USD/đêm cũng có hẳn một khu bình dân với giá 18 USD cho 4 người. Khi đi mua sắm, ăn uống tại khu vực trung tâm Pakse, nhất là khu vực Chợ Mới, du khách chẳng phải lo bất đồng ngôn ngữ. Cộng đồng người Việt ở Champasack có đến 6.000- 7.000 người, phần lớn ở trung tâm tỉnh lỵ. Trong chợ, có rất nhiều người từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi sang đây làm ăn, sinh sống. Những món ăn như mì Quảng, bún bò Huế và phở rất phổ biến ở đây.
< Chùa Wat Luang.
Tại trung tâm tỉnh không có nhiều khu vui chơi giải trí ngoài những ngôi chùa Wat Luang, Wat Tham… được chạm khắc tỉ mỉ nằm rải rác trên các tuyến đường hay nằm cao trên đồi núi. Các điểm du lịch đều nằm cách trung tâm 30 cây số trở lên. Một điểm đến không thể bỏ qua là đền Wath Phou, công trình kiến trúc mang đậm nét Angkor của Campuchia.
Dulichgo
Chạy xe qua cầu hữu nghị Lào-Nhật bắc qua sông Mekong về hướng Nam, ngôi đền nằm rất xa khu dân cư, xung quanh gần như chẳng có một kiến trúc hiện đại nào ngoài khu vực dịch vụ, cách lối dẫn lên đền gần một cây số. Trên lối dẫn là hai hàng Linga làm bằng đá, hơn một trăm cái xếp thẳng tắp.
Qua khỏi lối dẫn là những bậc tam cấp dẫn lên lưng chừng núi. Hai cung điện phía Bắc và phía Nam còn khá nguyên vẹn, đủ để hình dung được vẻ đẹp uy nghi của nó. Công trình được điêu khắc tỉ mỉ từ những khối sa thạch hàng tấn rồi lắp ghép vào nhau, tạo nên cung điện tuyệt mỹ.
Dulichgo
Cũng như Angkor Wath (Siem Reap, Campuchia) hay Thánh địa Mỹ Sơn (Quảng Nam, Việt Nam), các công trình kiến trúc trong quần thể Wath Phou đều được chằng néo, kê đỡ trước sự xuống cấp theo thời gian.
Giữa trưa nắng, bước chân vào cung điện hay ẩn mình dưới gốc sứ hàng trăm năm tuổi là không muốn bước đi nữa. Vì thế, bậc thang 77 nấc cuối cùng dẫn lên đền chính là một thử thách lớn. Những bậc thang rất nhỏ và rất cao, du khách phải xoay bàn chân dọc theo từng nấc, tức phải đi ngang. Đó là nét đặc biệt của các công trình Angkor, thể hiện sự tôn trọng thần linh, không quay lưng lại đền chính.
Dulichgo
Đi hết các bậc thang đủ thở dốc đó là một ngôi đền uy nghi nhưng chỉ còn bộ khung với những bức điêu khắc, trạm trổ rất tinh xảo. Nóc chánh điện không còn, người ta cho làm một mái tole nhỏ để che tượng Phật được thờ bên trong. Phía chánh điện là một hốc núi khổng lồ ăn sâu vào bên trong. Nước từ đá rỉ rả, nhỏ giọt không ngừng. Người ta tin đó là nước Phật nên thường hứng uống, rửa mặt để cầu xin may mắn.
Cách Pakse gần 30 cây số là hai con thác lớn Tan Fane và Tad Yuang Gneuang. Địa hình khu vực này khá giống Tây Nguyên của Việt Nam nên những con thác dù không lớn lắm cũng trở nên hùng vĩ bởi độ cao và dòng nước đổ ngoạn mục. Quản lý thác Tad Yuang Gneuang có một anh chàng đã từng du học ở Việt Nam. Trong khi chúng tôi đang chật vật trao đổi với cô gái bán vé bằng tiếng Anh thì anh chàng nghe được chạy tới: “Các anh đi mấy người, tính tiền chung hay riêng?”. Giữa xứ người, nghe được tiếng Việt, thật cảm động!
Champasack còn có thác Khone Phapeng- một con thác được xem là trở ngại trong việc thông suốt dòng Mekong bằng đường thủy từ Trung Quốc đến Việt Nam. Con thác chạy dài khoảng 10 cây số dọc theo sông Mekong, chia dòng chảy thành nhiều bậc với tổng chiều cao khoảng 21 mét qua nhiều ghềnh đá.
Thác cuồn cuộn đổ ngày đêm. Lưu lượng nước bình thường qua đoạn này khoảng 11.000m3/giây; lúc nước sông dâng cao vào mùa mưa lũ, dòng chảy lên đến 49.000m3/giây. Khu vực thác đi qua chia lòng sông thành nhiều đảo nhỏ. Người dân bản địa gọi đó là Siphandon, tức Bốn Ngàn đảo. Bởi sự hùng vĩ và dữ dội đó, Khone Phapeng được mệnh danh là Niagara của Châu Á.
Dulichgo
Từ Champasack, muốn khám phá thêm miền đất Triệu Voi xinh đẹp và thân thiện, du khách bắt xe đêm đi Vientian hoặc Luang Phrabang. Di chuyển trong một đêm là tới. Nếu Vientian là thủ đô sầm uất thì Luang Phrabang là cố đô mà nơi đó còn rất nhiều tầng văn hóa để bạn khám phá!
Theo Nguyễn Thành (Báo Cần Thơ)
toimedulich
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét